Tháng Giêng, một sân ngò cúc
21:36', 5/2/ 2007 (GMT+7)

* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Ngày trước, tháng Mười một, tháng Chạp là lúc ruộng lúa vụ Đông Xuân đã được cày cấy xong và cây lúa đang lên xanh ngợp đồng. Nhiều nông dân coi việc làm vườn, trồng rau như một việc làm lúc nông nhàn; hơn thế nữa, là việc chuẩn bị cho cái Tết sắp đến.

 

Ảnh: Duy Quyên

 

Mới đầu tháng Mười một, vừa chấm dứt mưa dầm gió vãi và trong làn hơi lạnh của mưa phùn gió bấc, người quê tôi đã bắt đầu cuốc xới mảnh sân rêu nhà mình để trồng rau. Các giống rau đem ra trồng được chọn kỹ và hạt giống được để dành từ trước. Hạt bầu tượng, bầu ve thì đựng trong quả bầu khô, hạt mướp đựng trong trái mướp khô, các hạt giống khác đựng trong ve chai. Tất cả được cất giữ ở nơi khô ráo, có người cẩn thận còn cột treo trên xà ngang nhà “cho chắc chuyện”. Nhà có sân rộng thì trồng cải, cúc, hành, ngò… không thiếu thứ gì; ngoài ra còn có dưa leo, đậu đũa, đậu hòa lan. Nhà sân hẹp thì cũng trồng vài rò cải xanh, cải trắng, không thế thì xà lách nở, xà lách búp…

Như thường lệ, sáng nay ông lão nông làm vườn Hai Tý dậy sớm, từ khi trời còn đặc sương mai. Ông ngồi uống trà một mình nơi hiên trước nhà và khi đã uống cạn một bình trà trong sương sớm, ông bước xuống sân, bắt đầu một ngày làm vườn của mình. Sáng nay, lòng ông vui, vì những rò rau cải, ngò, cúc ông mới gieo hạt mấy hôm trước, nay đã thấy vô số những cây con đội đất mọc lên… Ông đến từng rò rau, thăm một lượt với điếu thuốc sáng lập lòe trên môi và làn khói nhẹ bay lên. Rồi ông trở lại hiên nhà ngồi nghỉ, uống thêm một bình trà nữa mà chờ cho tan sương để tưới rau. Ông tưới sương sương như để điều hòa cái giá lạnh của rau trong đêm hôm trước. Những ngày kế tiếp, ông tiếp tục chăm, tưới, nhổ cỏ, bón phân, bắt sâu, nâng đỡ từng cây rau, ngọn rau một. Trong làng quê tôi, nhà nào cũng làm như ông Hai Tý cho nên mới đầu tháng Chạp, sân rau mọi nhà đều đã lên xanh. Lá cải thì mở ra như người xòe bàn tay hứng giọt sương, giọt nước tưới; cây ngò, cây cúc thì mướt rượt; cây hành, cây tỏi thì nở bung thành một bụi lớn; cây dưa leo đã leo lên tới quá nửa chái và đeo nhiều quả, nhiều hoa; cây đậu ngự, đậu đũa, đậu hòa lan đã leo dàn và đang sai quả…

Từ hôm sân rau lên xanh, bữa ăn nào của người quê tôi cũng nhờ có rau mà thêm ngon. “Ăn cơm không rau như đám ma nhà giàu thiếu kèn, thiếu trống” - người quê tôi bảo thế. Rau cải nhổ lên, nhặt bỏ gốc, bỏ lá già, lá rầy, đoạn rửa sạch. Cây cải non, cây cúc, ngò, xà lách, lá hành hương… hợp lại cho đĩa rau sống tổng hợp, đặt vào mâm nghe thoảng hương thơm. Cây cải “trung niên” lấy lá cuốn thịt, cuốn chả ram thay bánh tráng; cây cải già làm dưa để dành ăn dài ngày. Dưa leo ăn sống, xào với thịt. Đậu đũa, đậu hòa lan xào thịt làm món ăn thường bữa và là món đặt trên bàn thờ gia tiên trong những ngày nhà có cúng giỗ và ngày Tết. Ngày Tết, người quê tôi dọn một mâm cỗ lên đãi khách, có đủ các thứ nem, chả, thịt kho, thịt luộc, bánh tét… Ăn thức gì thì cũng cắn miếng bánh tráng nướng giòn giòn, cuốn miếng bánh tráng sống nhúng nước dẻo dẻo kèm với dưa kiệu ngọt ngọt chua chua, rau thơm hành ngò, chấm vào đĩa nước mắm nhỉ vạn Gò Bồi đặt ở giữa mâm. Thường những bữa ăn ngon như thế là có kèm mấy chung rượu gạo Tân Dân hoặc Bàu Đá, thứ rượu vừa nuốt qua cổ họng đã nghe thấy máu lưu thông rần rần khắp người.

Những nhà trồng sớm sân rau, mới đầu tháng Giêng cây cải đã trổ ngồng, cho một sân hoa cải vàng rực khiến ong bướm rủ về, thế cũng tô điểm thêm cho cảnh Xuân ở làng quê. Nhiều nhà trồng xen vào giữa những rò rau cải những cây hoa cúc vàng, cúc tím, hoa vạn thọ… để có hoa cắm lục bình trên bàn thờ ông bà, hoặc chậu hoa để trang trí trong mấy ngày Tết. Chỉ có nhà phong lưu mới trồng mai, trồng hồng, cúc Thượng Hải… cho cảnh Xuân của nhà mình thêm sang.

Những rò rau trong sân nhà. Ảnh: Văn Tư

Mấy năm nay ở vùng quê An Nhơn dấy lên phong trào trồng mai Xuân làm kinh tế vườn mà nổi tiếng là làng mai Háo Đức (xã Nhơn An), nơi không ít nhà kiếm được trên dưới trăm triệu đồng mỗi năm. Ngày nay, du khách đến Háo Đức và những làng kế cận sẽ thấy nhà nào cũng có một sân mai ở trước nhà. Nhà có sân rộng và có những chậu mai xếp ken nhau thì đó là rừng mai, ngàn mai. Sân mai tháng Mười một, tháng Chạp thì dày đặc búp, nụ hàm tiếu, chờ người mua gần xa đến chở đi. Họ chở mai đi bằng xe máy, xe du lịch, xe tải. Xe tải chở mai ra tận Hà Nội, vào tận thành phố Hồ Chí Minh, là những nơi có đông khách hàng ưa chuộng mai An Nhơn - Bình Định. Mai bán đi rồi, phân phát hương sắc mùa Xuân cho mọi nơi, sân mai tháng Giêng còn lại là niềm vui của những nghệ nhân trồng hoa với những chậu mai chiến được giữ lại với lý do, trước là để quảng cáo cho nghề trồng mai của chủ nhân, sau là để chơi Tết; và những chậu mai non, ít tuổi chờ mùa Xuân năm sau. Nghề trồng mai Xuân kiếm lợi lớn đã triệt tiêu mất những sân ngò cúc tháng Chạp, tháng Giêng ở quê tôi.

Tôi có đến nhiều làng quê, nhưng cũng ít gặp ở đâu những sân rau phục vụ ăn Tết “có chất lượng” như hồi trước. Hỏi tại sao thì thường nhận được câu trả lời: “Rau cải ngày nay rẻ. Mỗi ngày ra chợ mua vài ngàn tiền rau, sướng hơn trồng rau ở nhà, mất công chăm tưới, lại bận sân, không đặt được chậu cây cảnh, bể non bộ”, vân vân và vân vân… Vậy rau đâu mà nhiều mà rẻ? Qua tìm hiểu tôi mới biết, thì ra, ngày nay có nhiều nơi chuyên canh rau, biết trồng cây rau đúng kỹ thuật, cho năng suất cao. Chỉ mấy làng chuyên canh rau Phú Hòa, Phú Vinh… ở ngoại thành Quy Nhơn cũng cung cấp đủ rau quả tươi cho thành phố Quy Nhơn, chưa kể rau quả chở từ Gia Lai, Đà Lạt xuống, cho thêm đa dạng mặt hàng. Cái chợ rau sỉ Phú Hòa đêm đêm họp từ 12 giờ khuya đến 5 giờ sáng hôm sau. Tôi sống xa quê. Mấy năm nay mỗi lần về quê chúc Tết người chị ở quê, tôi đã không còn được đứng trước cái sân rau cải xanh tốt bời bời của nhà chị như thuở nào; không còn được chị tôi ra sân hái quả lia lịa, bỏ vào rổ xe tôi nào dưa leo, xà lách, nào đậu ngự, đậu hòa lan và bảo: “Chú đem về mà ăn Tết”. Bởi vậy, tôi cứ thấy có nỗi gì thương thương, nhớ nhớ; hình như mình đã xa thực rồi một nét Tết đáng yêu, một mảnh hồn quê buổi Xuân sang.

Tiết Đông chí Bính Tuất, 2006

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bao giờ võ Việt thăng hoa ?  (05/02/2007)
Vị võ sư “luyện” ngói âm dương  (05/02/2007)
Hoa kiểng Bình Định bước ra sân chơi lớn  (05/02/2007)
Câu lạc bộ Xuân Đinh Hợi  (05/02/2007)
Bình Định - Trung tâm công nghiệp của khu vực - phục vụ kháng chiến và kiến quốc  (30/12/2006)
Lữ đoàn pháo “ba cùng”  (30/12/2006)
Khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới  (30/12/2006)
Một số hình ảnh về Lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN Nhơn Hội và các dự án trong KKT Nhơn Hội  (30/12/2006)
Những công trình đầy ấn tượng  (30/12/2006)
Đường ven chân sóng  (30/12/2006)
Thăng hoa từ những mặt hàng mỹ nghệ  (30/12/2006)
Một nhà, bốn mẹ anh hùng  (30/12/2006)
Giáo làng ngày trước  (30/12/2006)
Thơ  (30/12/2006)
Quê nhà  (30/12/2006)