Những người dẫn đường trên biển
18:4', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Tàu đang từ từ rời cảng, bất ngờ, gió thổi mạnh, sóng lớn làm con tàu không theo sự điều khiển của thuyền trưởng. Nếu ra hiệu cho thuyền trưởng để điều khiển, thì mọi việc sẽ trở nên chậm trễ, tàu có nguy cơ lệch luồng và mắc cạn. Người hoa tiêu đã quyết định trực tiếp điều khiển con tàu ấy. Sau một hồi giằng co với sóng gió, anh đã đưa được con tàu rời khỏi cảng an toàn...

Đó là chuyện của cựu hoa tiêu Bùi Văn Vương, người mà nay đã là Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn. Dưới sự dẫn dắt của “những người dẫn đường trên biển” như anh Vương, những con tàu hàng chục nghìn tấn, hàng ngày ra vào cảng Quy Nhơn và cảng Vũng Rô (Phú Yên) an toàn.  

  

Hoa tiêu hạng 2 Trần Quang Khiêm dùng bộ đàm để yêu cầu thuyền của ngư dân tránh khỏi luồng tàu chạy. Ảnh: N.P

 

* Theo chân hoa tiêu

Sau khi được dặn dò khá kỹ lưỡng, chúng tôi được Ban Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn đồng ý cho theo một hoa tiêu dẫn tàu vào cảng. Đúng giờ hẹn, chúng tôi theo hoa tiêu hạng 2 Trần Quang Khiêm ra cầu cảng. Anh Khiêm năm nay 48 tuổi, và đã 10 năm theo nghề này.

Anh Khiêm thông báo qua bộ đàm, vài phút sau, một chiếc canô xuất hiện, cập vào cầu cảng. Canô rời cảng lướt sóng đưa chúng tôi ra phao số 0, nơi các tàu buông neo chờ. Chúng tôi nhìn quanh, cố tìm xem hành trang của anh Khiêm mang theo trong một chuyến dẫn tàu, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì. Trả lời câu hỏi đầy tò mò của chúng tôi, anh chỉ chiếc bộ đàm dắt ở sau lưng: “Phương tiện làm việc của chúng tôi nằm trọn ở đây”.

Chiếc tàu mà hoa tiêu Khiêm sắp dẫn vào có tên MCC CLIPPER, chở container, xuất phát từ Nam Mỹ, chiều dài 118 m. Ra đến phao số 0, thì tàu MCC CLIPPER cũng vừa đến. Qua máy bộ đàm, thuyền trưởng tàu MCC CLIPPER đề nghị không thả neo mà canô sẽ chạy song song với tàu để hoa tiêu leo lên. Trước mắt chúng tôi, con tàu lừng lững như một con cá mập khổng lồ lừ lừ tiến đến, như muốn nuốt chửng chiếc canô bé xíu. Cánh nhà báo chúng tôi, mặt ai cũng tái mét, vì không ai nghĩ đến tình huống bất ngờ này. Hồi hộp vì không biết có gặp sự cố gì khi leo lên chiếc thang dây đang đung đưa trên mặt sóng kia không, chúng tôi lo “khởi động” chân tay và lường trước những tình huống xấu nhất. Trong đầu ai cũng nghĩ: “căng” quá thì… ở lại canô vậy. Anh Khiêm nói to như ra lệnh: “Tàu không thả neo, phải chuẩn bị leo lên tàu thật nhanh nếu không sóng sẽ đánh canô dạt ra và sẽ bị cuốn vào chân vịt của tàu”. Canô vừa cập tàu, nhanh và chính xác như một con rái cá, anh Khiêm nắm lấy bậc thang dây đu người lên. Chúng tôi nín thở làm theo. Lên được boong tàu, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và đưa mắt nhìn chiếc thang dây dài mười mấy mét buông hờ hững từ trên boong xuống mặt nước cuộn đầy bọt sóng.

Sau vài câu chào hỏi xã giao với các thủy thủ, chúng tôi được dẫn lên phòng điều khiển ở tầng 5 của con tàu. Tại đây, hoa tiêu Khiêm bắt đầu điều khiển tàu bằng các câu lệnh ngắn gọn bằng tiếng Anh. Anh Khiêm nói câu nào, vị thuyền trưởng ngay lập tức nhắc lại câu đó, như để khẳng định rằng họ đã nghe các lệnh của hoa tiêu. Đứng cạnh thuyền trưởng, chúng tôi thấy gương mặt hoa tiêu Khiêm khá căng thẳng. Mắt anh dán vào quãng đường phía trước. Thấy anh Khiêm đang tập trung, chúng tôi đành phải gác lại những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn vì sợ ảnh hưởng đến công việc.

Thi thoảng, một số tàu cá của ngư dân thong dong băng ngang mũi tàu. Hoa tiêu Khiêm chỉ biết lắc đầu vì sự liều lĩnh của các ngư dân. Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, anh Khiêm vừa hướng dẫn tàu, vừa giải thích: “Dân đi biển cho rằng tàu bé cắt được mũi tàu lớn là... hên, ra biển sẽ bắt được nhiều cá, nên bất chấp nguy hiểm. Đó là chưa kể một số ngư dân thường xuyên cho đặt đáy bắt cá ngay dưới luồng tàu chạy vì theo họ ở đó nước sâu nên nhiều cá hơn, khi tàu ngang qua, rất dễ bị vướng lưới vào chân vịt tàu. Nhiều người khi thấy tàu sắp đi qua lưới của mình còn đứng ra vẫy vẫy tay bảo tàu phải chuyển hướng. Thật hết biết!”. 

Quãng đường từ phao số 0 đến cầu cảng Quy Nhơn chỉ chừng 6 hải lý, nhưng phải mất hơn một tiếng đồng hồ căng thẳng, hoa tiêu Khiêm mới dẫn con tàu cập bến an toàn.

 

Những chiếc tàu cập cảng an toàn là niềm vui của các hoa tiêu vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: T.L

 

* “Nhìn sóng, đoán gió”

Hiện tại, Cảng vụ Quy Nhơn có tất cả 4 hoa tiêu phụ trách dẫn tàu ra, vào cảng Quy Nhơn và cảng Vũng Rô (Phú Yên). Một người muốn trở thành hoa tiêu, điều kiện tiên quyết là phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành hàng hải. Sau đó, họ sẽ học qua một lớp lý thuyết về hoa tiêu mất chừng 4 tháng. Học thì chỉ từng đó thôi, nhưng thời gian theo các hoa tiêu, để thực tập phải mất thêm 3 năm. Vượt qua kỳ kiểm tra, hoa tiêu mới được cấp bằng hoa tiêu hạng 3 (hướng dẫn những tàu có chiều dài từ 115m trở xuống). Sau một thời gian làm việc, cứ 2-3 năm các hoa tiêu sẽ thi để nâng cấp bằng lên hạng 2, hạng 1 và ngoại hạng.

Kỹ sư Bùi Văn Vương - Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn, người đã hơn 10 năm gắn bó với nghề hoa tiêu bộc bạch: “Nhiều người nói làm hoa tiêu thu nhập cao, phương tiện làm việc hiện đại, nên gọi đây là nghề “vua”, nhưng ít ai biết được những vất vả của công việc và những nguy hiểm mà anh em trong nghề phải đối mặt lúc đêm hôm, giông gió”. Anh Vương cho biết: “Điều khiển tàu trên biển khác xa với điều khiển ô tô trên đường. Vì nhiều lúc, do thủy triều hoặc do gió thay đổi đột ngột, tàu chạy không theo sự điều khiển của mình. Ngay khi đã tắt máy, tàu vẫn chạy theo quán tính một quãng rất xa”.

Phạm vi được phép hành nghề của các chức danh hoa tiêu hàng hải:

Hoa tiêu hàng hải hạng ba chỉ được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 4.000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 115m; Hoa tiêu hàng hải hạng nhì chỉ được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 10.000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 145m; Hoa tiêu hàng hải hạng nhất chỉ được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 20.000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 175m; Hoa tiêu hàng hải ngoại hạng được phép dẫn tất cả các loại tàu biển không giới hạn tổng dung tích hoặc chiều dài của tàu.

Điều tiên quyết đối với “những người dẫn đường” trên biển này là phải am hiểu thật kỹ khí hậu, thời tiết và tất nhiên là phải biết “nhìn sóng, đoán gió” ở từng thời điểm đưa tàu ra, vào cảng. Luồng lạch ra, vào cảng phải thuộc hơn cả thuộc lòng bàn tay. Để chúng tôi hiểu rõ hơn về luồng vào cảng Quy Nhơn, anh Vương đến gần bản đồ chỉ cho chúng tôi. Hóa ra đó một đoạn đường cong cong khá hẹp, nhưng cũng không phải cứ đi trên đó là ra vào cảng được. Luồng tàu có chiều rộng chỉ chừng 80m, được báo hiệu bằng những hàng phao hai bên. Hàng năm, luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn đều phải được nạo vét bùn để đạt độ sâu 10,5m, bảo đảm cho các tàu không bị mắc cạn.

Anh Lê Văn Xếp, 43 tuổi, người có 11 năm trong nghề hoa tiêu, hiện là Đội trưởng Đội Hoa tiêu Cảng vụ Quy Nhơn, cho biết: “Luồng ra, vào cảng Quy Nhơn có hai khúc cua khá nguy hiểm là Mũi Tấn và trước tượng đài Trần Hưng Đạo. Hoa tiêu không có kinh nghiệm hoặc điều khiển sai một tí tàu sẽ bị đâm vào núi hoặc mắc cạn ngay. Chính vì luồng lạch nguy hiểm nên ở cảng Quy Nhơn, chỉ những tàu có chiều dài 115m trở xuống mới được vào cảng vào ban đêm để đảm bảo an toàn”. Với chứng chỉ ngoại hạng, anh Xếp chịu trách nhiệm dẫn những tàu có chiều dài 175m trở lên, trọng tải từ 35.000 tấn đến trên 40.000 tấn. Với những tàu có trọng tải lớn như thế, đòi hỏi người hoa tiêu càng phải cẩn thận, bởi chỉ cần chệch hướng một chút, tàu có thể đâm vào núi hoặc mắc cạn.

Làm nghề hoa tiêu vào những ngày lễ, Tết muốn sum vầy cùng gia đình hoặc vui chơi cùng bạn bè cũng không có nhiều thời gian. Vì hễ có tàu cần ra vào cảng, anh em phải lên đường làm việc. Trước đây, lượng tàu ra vào cảng khá ít, nhưng những năm gần đây, hầu như không có ngày nào là không có tàu ra vào cảng. Để kịp bốc hàng, nhiều chủ hàng thường hối thúc các hoa tiêu nên càng làm cho bọn mình căng thẳng” - anh Nguyễn Đình Văn, 30 tuổi, hoa tiêu trẻ nhất đội, tâm sự.

  • Lê Cường - Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Định trong năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2006  (05/02/2007)
Tháng Giêng, một sân ngò cúc  (05/02/2007)
Thể thao Bình Định: Một năm bội thu  (05/02/2007)
Bao giờ võ Việt thăng hoa ?  (05/02/2007)
Vị võ sư “luyện” ngói âm dương  (05/02/2007)
Hoa kiểng Bình Định bước ra sân chơi lớn  (05/02/2007)
Câu lạc bộ Xuân Đinh Hợi  (05/02/2007)
Bình Định - Trung tâm công nghiệp của khu vực - phục vụ kháng chiến và kiến quốc  (30/12/2006)
Lữ đoàn pháo “ba cùng”  (30/12/2006)
Khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới  (30/12/2006)
Một số hình ảnh về Lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN Nhơn Hội và các dự án trong KKT Nhơn Hội  (30/12/2006)