Ít ai biết được tại Bình Định có một sân bay quân sự chuyên đào tạo phi công cho đất nước, là nơi duy nhất ở Đông Nam Á huấn luyện bay cho phi công chiến đấu, là lò “thử vàng” cho binh chủng không quân tuyển chọn phi công của nhiều sân bay trên cả nước; là nơi chắp cánh ước mơ chinh phục bầu trời của bao chàng trai hào hoa. Nhưng cũng ít ai thấy hết những vất vả trong rèn luyện, học tập; sự hy sinh nhiều quyền lợi đời thường của những người “lính bay”.
|
Chuẩn bị hậu cần cho một buổi bay tập.
|
* Sân bay Phù Cát - lò “thử vàng” của binh chủng Không quân
Tất cả các phi công đều được học chương trình Không quân tại Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, hoặc Học viện Không quân quốc gia tại Hà Nội, sau đó được đào tạo các chương trình tham mưu, tác chiến, dẫn đường… ở Trung đoàn 940, sân bay Phù Cát. Tất cả các lớp kỹ thuật hàng không và các chuyên ngành về kỹ thuật hàng không… đều được đến đây thực tập, trải nghiệm trước khi tốt nghiệp. Ngoài những nhiệm vụ đào tạo phi công, đơn vị còn là quân chủ lực có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những trọng trách vừa qua, như: Bảo vệ Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, Hội nghị APEC 14 ở Hà Nội,… máy bay chiến đấu của Trung đoàn 940 sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.
Qua nhiều năm phát triển mô hình đào tạo, Trung đoàn 940 một phần san sẻ nhiệm vụ với Học viện Không quân (mô hình đào tạo học viên quốc tế cho Lào, Cam-pu-chia…), các chuyên ngành đặc biệt về không quân đã được hình thành. Qua huấn luyện tại sân bay này, lãnh đạo Trung đoàn 940 khẳng định là phi công có thể lái được tất cả các loại máy bay chiến đấu hiện đại. MIG 21 là loại máy bay được sử dụng phổ biến hiện nay của nhiều quân đội trên thế giới, bởi tính năng ưu việt của nó. Không quân Việt Nam hiện được trang bị nhiều loại máy bay mới, hiện đại (càng hiện đại càng dễ sử dụng).
Sân bay Phù Cát còn là nơi trung chuyển hậu cần cho nhiều sân bay khác, là vị trí rất quan trọng của quân chủng Phòng không - Không quân. Đây cũng là cảng lớn, là cửa ngõ của Bình Định, nơi đưa đón các nhà đầu tư đến làm ăn tại Bình Định. Tỉnh đã rất quan tâm thành lập Ban An toàn căn cứ, do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Trung đoàn trưởng 940 làm Phó ban, sự phối hợp làm việc rất hiệu quả. Thế trận chiến tranh nhân dân được củng cố, góp phần bảo đảm an ninh tuyệt đối cho sân bay. Trung đoàn cũng sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ một khi có yêu cầu của tỉnh, như: cứu giúp nhân dân khi gặp thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn…
|
Thượng tá Vũ Văn Sỹ - Trung đoàn trưởng 940 chỉ huy bay tập tại đài dẫn bay.
|
* Để được làm “lính bay”
Tuyển phi công đầu vào là cả một quá trình sát hạch rất gay gắt. Đợt tuyển vừa qua, cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên chọn được gần 100 thanh niên, sau ngày đầu tiên khám tuyển chỉ đạt có 9 người, tiếp đó còn điều tra lý lịch, xét tiêu chuẩn chính trị thì số này sẽ còn giảm xuống. Đến lúc thi (theo chương trình đại học) cả nước chỉ hơn một trăm và chọn khoảng vài chục người trúng tuyển. Sau đó học lý thuyết và rèn luyện những bài học cơ bản (chương trình đại cương) lại loại đi một số. Bay loại thứ nhất (sơ cấp, ở Nha Trang) cũng tiếp tục bị rớt 50% trở lên. Đến những loại tiếp theo như các máy bay quân sự thông dụng đang bay phải trải qua 3 lần sàng lọc nghiêm ngặt… Số học viên tốt nghiệp đạt được 30% so với đầu vào là thành công rất lớn của khóa học.
“Lính bay” không giống như những nghề khác, ngoài học tập, trang bị kỹ thuật còn phải có khả năng thiên phú. Nhiều phi công cho biết: khi mới tiếp cận với máy bay, phải làm việc trong môi trường hoàn toàn khác, áp lực vật chất, áp lực tâm lý đã làm cho độ nhạy cảm và công năng của não bộ bị ảnh hưởng. Ví dụ bài tập nhảy dù từ độ cao hàng nghìn mét từ trực thăng, máy bay vận tải ra bên ngoài, có học viên không sao ngủ được vì cứ nghĩ không biết sáng mai nhảy dù, dù có bung không? Nếu không dũng cảm thì không theo được nghiệp bay. Thượng tá Vũ Văn Sỹ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 940 - cho biết: “Tố chất người phi công phải là ai sinh ra để bay thì mới bay được. Sức khỏe của phi công phải như một lực sĩ, sự khéo léo phải như một diễn viên xiếc”.
Trước đây, để đào tạo phi công phải gửi ra nước ngoài, từ khâu tuyển chọn đến khâu đào tạo tất tần tật đều thuê chuyên viên nước bạn. Ngay cả việc trang bị vũ khí, phương tiện và để duy trì cho nó hoạt động một cách bình thường thì vô cùng tốn kém. Thượng tá Lương Đình Hợi - Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 940 - so sánh một cách đầy thuyết phục, rằng: “Hãy cân trọng lượng một phi công nặng bao nhiêu, thì để đào tạo, trang bị, chi phí cho một phi công cũng tốn từng ấy ký vàng. Thậm chí để phi công đạt đến khoảng một nghìn giờ bay, thì chi phí tính bằng vàng có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi cân nặng của phi công”.
|
Phi công chuẩn bị cho một chuyến bay tập.
|
* Một ngày như mọi ngày của “lính bay”
Vào những ngày bay tập, từ 4 giờ 30 phút trực ban đã báo thức. Vệ sinh, thể dục, ăn sáng được các phi công kết thúc trong một giờ, sau đó toàn Trung đoàn tập trung ra địa điểm bay tập. Để phi công cất cánh một chuyến bay là cả sân bay hàng mấy trăm con người hoạt động. Bộ phận Kỹ thuật chuẩn bị máy bay, Hậu cần chuẩn bị xăng, xe, máy móc, khí nén, điện, ra-đa, thông tin các đài trạm, y tế, chữa cháy… Tính kỷ luật về công việc, tính kỷ luật về thời gian rất cao đối với từng bộ phận; nó như một cỗ máy hoàn chỉnh, bất cứ một khâu nào, mắt xích nào trục trặc đều có thể gây hậu quả khôn lường. Mỗi chuyến bay hạ cánh an toàn là một chiến công. Sau một bài bay, một đề cương bay, phi công lại nghĩ đến một chương trình bay mới với yêu cầu kỹ thuật cao hơn.
Những ngày bình thường, “lính bay” phải thực hiện việc ăn, ngủ, nghiên cứu, tập thể lực theo giờ giấc quy định. Ngày hôm sau bay thì hôm nay phải chuẩn bị bài học lý thuyết, bài tập trên mô hình bay (điện tử); cán bộ chính trị theo dõi các diễn biến tâm lý của phi công và nhất thiết phi công phải ngủ được 8 giờ trước khi bay. Việc ăn uống dứt khoát phải đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng, tất cả các thực phẩm đều được các chuyên gia về bếp ăn tính toán sao cho đảm bảo sức khỏe, năng lượng và hợp khẩu vị; ngoài ra, mỗi ngày một phi công phải ăn khoảng nửa cân trái cây và phải uống nhiều hộp sữa tươi. Một phi công nói đùa: “Đã bốn năm mươi tuổi mà chưa cai được sữa!”. Để tiêu thụ số năng lượng nạp vào cơ thể khá lớn, hằng ngày phi công phải trải qua những bài tập thể dục và các bài tập thể lực rất nặng nhọc.
Do được đào tạo, nuôi dưỡng bài bản và chấp hành kỷ luật nghiêm ngặt, nên các chàng “lính bay” trở nên hoàn hảo, hoặc có cách gọi khác là “lính hào hoa”. Biết bao cô gái đã thầm mơ cùng với “lính bay” chinh phục vùng trời chỉ có… hai người. Phi công phải đối mặt với bao nguy hiểm và có những giây phút làm việc rất căng thẳng, nên lúc được nghỉ ngơi, tiêu khiển, họ cũng là những người sống rất lãng tử, thêm một chút đa tình. Lính hào hoa nên thích kết bạn, thích đàn hát, thích làm thơ, thích bay bổng với nhịp thời gian, nhưng tuyệt đối khi bay thì phải thật tỉnh, tập trung cao độ…, không được thả hồn lãng đãng trong mây ngàn bay. Nhất là những chuyến bay đơn (bay một mình) đầu tiên trên bầu trời, chắc chắn không ai có lòng dạ nào còn nghĩ được chuyện gì khác, ngoài các thông số và thao tác bay.
Thượng tá Vũ Văn Sỹ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 940: Năm 1992, sau khi tôi thực hiện xong bài bay tập và trở về đường băng chuẩn bị hạ cánh, thì càng trước của máy bay không thả được. Chỉ huy bay đã ra lệnh cho nhảy dù để thoát hiểm và sau đó không chỉ huy nữa. Lúc đó tôi nhìn xuống mặt đất thấy nhà cửa, làng mạc, trường học, công sở… và nghĩ đến tài sản quốc gia mà tôi đang nắm giữ là rất lớn, tôi quyết định hạ cánh bằng bụng máy bay và tôi đã thành công. Bản sao ấy đã lặp lại 14 năm sau (tháng 3-2006), Trung úy Ngô Sỹ Minh trong một chuyến bay đơn, do tôi trực tiếp chỉ huy, càng trước máy bay cũng không thả được khi chuẩn bị hạ cánh. Tôi cho phép Minh nhảy dù, nhưng tôi vẫn tiếp tục chỉ huy bay. Minh đã đề nghị cho hạ cánh bằng trượt bụng, tôi đồng ý và bằng trải nghiệm của mình để hướng dẫn Ngô Sỹ Minh hạ cánh an toàn, lịch sử không quân thế giới chưa có trường hợp nào. Mới đây Ngô Sỹ Minh đã vinh dự được đón nhận Huân chương Chiến công hạng III. | |