Khai quật khảo cổ học tháp Dương Long:
Tìm lời giải cho những tồn nghi
17:3', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Trong 14 tháp Chàm còn lại trên đất Bình Định, sau Bánh Ít, có lẽ Dương Long là quần thể di tích lớn nhất. Lớn không phải ba tháp hiện còn, mà là cả một quần thể rộng lớn với nhiều kiến trúc khác nằm trên một khu đồi này. Cuộc khai quật khảo cổ học tại tháp Dương Long tiến hành năm 2006 đã đưa lại nhiều nhận thức mới về xây dựng tháp Chăm.

 

Tháp Dương Long. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Cuộc khai quật do Bảo tàng Tổng hợp Bình Định chủ trì thực hiện. Trong lần khai quật này, mục đích nghiên cứu chưa đặt ra nhiều, mà chỉ là cung cấp cứ liệu một cách chuẩn xác nhằm phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo. Với 1.500m2 diện tích khai quật; trong đó, quanh chân tháp 1.000m2 và 500m2 tường bao, phải nói rằng, trong những cuộc khai quật tháp Chăm chưa có cuộc khai quật nào hoành tráng, quy mô và mang lại nhiều điều mới lạ như lần khai quật này. Mới lạ không chỉ ở quy mô, mà còn ở chỗ đã đưa lại cho chúng ta nhiều nhận thức mới về xây dựng tháp Chăm nói chung và ở Bình Định nói riêng.

* Cách xử lý nền tháp quy mô

Trong khi các khu tháp khác như Cánh Tiên, Bánh Ít chủ yếu nền được tận dụng từ nền đất nguyên thủy, sau đó, ghép đá ong rồi xây tháp lên; thì ở Dương Long, nền tháp được làm quy mô hơn. Cụ thể, sau bước xử lý mặt bằng, người xưa cho đầm kỹ một lớp vữa đá sỏi, cát, dày 0,15m; sau đó, mới tiếp tục ghép tiếp 4 lớp đá ong nữa. Trên 4 lớp đá ong, người Chăm tiếp tục ghép thêm 7 lớp gạch. Các viên gạch được ghép sít với nhau, thành một mặt nền phẳng. Từ mặt bằng nền này, họ mới xây tháp. Cách xử lý nền như vậy, đã tránh cho việc tháp có thể nghiêng và đổ. Bởi vậy, tháp Dương Long tuy đường bệ, hoành tráng, nhưng không bị nghiêng lệch như các khu tháp khác. Mặt bằng nền gạch bao quanh chân tháp đã được khẳng định, nhưng hiện vẫn chưa xác định được quy mô. Do vậy, phải tiếp tục khai quật tiếp mới có thể xác định chính xác.

* Đá ốp chân tháp đồ sộ

Điều quan trọng nhất là từ độ sâu này, quanh chân ba tháp đã phát lộ khá rõ đá ốp trang trí chân của khu tháp khá đẹp. Điều đặc biệt là motif trang trí mỗi tháp hoàn toàn khác nhau. Trong ba tháp, hai tháp hai bên trang trí chủ yếu đi vào mảng khối, mặt ngoài trang trí hình các ô hộc, các góc chân đế tạo hình chim thần Garuda đang đỡ các khối nặng bên trên, hình tượng giống như ở tháp Đôi. Điều đáng tiếc là đai trang trí hai tháp này gần như bị mất hết, hiện chỉ còn hai hàng đai ốp. Các đai tầng trên bị lấy đi từ trước nên không đoán định được motif nguyên gốc. Tháp giữa được trang trí chi tiết hơn và gần như còn hiểu được motif trang trí trên các tầng đai. Hàng dưới cùng đá được tạo hình khối hộp chữ nhật, không trang trí; đai thứ hai trang trí hoa văn cánh sen và hoa cúc; đai thứ ba là hoa văn cánh sen ngửa; đai thứ tư với hoa văn hoa cúc ngửa và hình vú; đai thứ năm có hình hoa cúc cánh úp vào, đai thứ sáu tạo hình mặt Kala đang phun ra ở miệng đầu rắn Naga. Điều đáng quan tâm là tất cả các đai ốp đều trong tình trạng làm chưa hoàn chỉnh, tất cả các khối đá mới ở dạng định vị vào vị trí. Không những phần đai ốp đá, cả phần gạch bên trong cũng có tình trạng này. Những dấu vết này cho thấy, người Chăm đã xây theo mô hình đã định, sau đó gia công theo motif của tín ngưỡng tôn giáo quy định - điều mà trước đây vẫn còn nằm trong giả thuyết.

 

Điêu khắc đá chân tháp chính (mặt Bắc) được xuất lộ sau khai quật. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang

 

* Xây tháp bằng giàn giáo

Câu hỏi này đã được đặt ra trước đây, nhưng vẫn chưa có lời giải. Nhưng qua khai quật tháp Dương Long, tôi nghĩ là giả thuyết này đã có giải đáp. Sau khi làm sạch và rõ mặt nền gạch chung quanh ba tháp, trên mặt nền xuất hiện khá nhiều lỗ chân cột tròn được bố trí khá gần nhau, đường kính 25-30cm. Cách bố trí lại khá gần chân tường tháp. Nếu cho rằng đây là lỗ chân cột nhà thì không có lý. Theo chúng tôi, đây là chân giàn giáo để dùng tời kéo các vật liệu phục vụ cho việc xây dựng tháp. Điều này đã khẳng định rằng tháp Chăm được xây từ dưới lên, chứ không phải xây bằng gạch mộc rồi chất củi đốt như một số giả thuyết trước đây. Và chỉ với giàn Giáo chắc chắn như vậy thì mới đủ tời kéo các vật liệu có trọng lượng lớn lên cao, định vị vào vị trí một cách chính xác.

* Và những liên hệ giữa các nền văn hóa

Chưa có cuộc khai quật nào thu được nhiều hiện vật đá đến vậy. Chưa tính hiện vật dạng mảnh vỡ, chỉ riêng hiện vật thể khối, chủ yếu là phù điêu có kích thước lớn, đã chiếm tới 1.020 hiện vật. Còn vật liệu kiến trúc, chủ yếu là lanh tô, đá ốp chân đế dạng khối, là 250. 70% số hiện vật thu được là hình đầu rắn Naga, các trang trí góc các tầng tháp từ dưới lên. Đây là những cứ liệu tin cậy nhất phục vụ cho việc gia cố phần đá các tầng tháp Dương Long. Cũng qua hiện vật thu được, ta có thể biết một cách chắc chắn là ba tháp Dương Long thờ ba vị thần tối thượng của người Chăm. Trong đó, tháp Bắc thờ thần Brahma, tháp Nam thờ thần Visnu và tháp Giữa thờ thần Siva. Ngoài hiện vật đá, qua một số mảnh của gốm Islam (Trung Cận Đông), gốm Tống, Minh (Trung Quốc) và gốm Lê (Đại Việt) cho chúng ta thêm thông tin về mối quan hệ của Vijaya với nhiều quốc gia trong khu vực đương thời.

Có thể còn nhiều vấn đề khác để bàn luận. Nhưng cái mới tìm thấy trong cuộc khai quật này là đáng ghi nhận, sẽ tạo tiền đề cho bước nghiên cứu tiếp theo.

  • TS. Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lính bay  (06/02/2007)
Những người dẫn đường trên biển  (06/02/2007)
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Định trong năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2006  (05/02/2007)
Tháng Giêng, một sân ngò cúc  (05/02/2007)
Thể thao Bình Định: Một năm bội thu  (05/02/2007)
Bao giờ võ Việt thăng hoa ?  (05/02/2007)
Vị võ sư “luyện” ngói âm dương  (05/02/2007)
Hoa kiểng Bình Định bước ra sân chơi lớn  (05/02/2007)
Câu lạc bộ Xuân Đinh Hợi  (05/02/2007)
Bình Định - Trung tâm công nghiệp của khu vực - phục vụ kháng chiến và kiến quốc  (30/12/2006)
Lữ đoàn pháo “ba cùng”  (30/12/2006)