Thức đêm với chợ hoa xuân
17:39', 6/2/ 2007 (GMT+7)

1. Hăm mấy tháng Chạp, họp chợ hoa xuân.

Chợ hoa năm nào cũng họp, nhưng không năm nào giống năm nào. Cũng vẫn những hàng hoa cũ, loài hoa cũ, thậm chí là người bán hoa năm trước giờ gặp lại. Nhưng lại cũng rất mới. Hoa cũ mà hương sắc mới, thanh tân hơn, nồng nàn hơn, rực rỡ hơn...

Càng cận Tết, người đi chợ hoa càng nhiều. Quá quen với mai, cúc, hồng, thược dược, vạn thọ..., nhiều người đi chỉ để ngắm kỳ hoa dị thảo cho thỏa thích: Ngân hậu, Đuôi phụng, Đỗ quyên, Dạ thảo, A rum... từ Cái Mơn, Cái Bè, Sa Đéc, Đà Lạt... đổ về. Người đi chợ hoa để mua hoa về chưng ba ngày Tết, hẳn rồi. Nhưng cũng có người đi chợ hoa chỉ để mà đi chứ chẳng mua bán gì. Ấy là để tìm không khí Tết. Cũng chen lấn, rồi ngắm nghía, trả treo, khen cây mai này hoa nhiều mà thế đẹp, chậu cúc kia tươi tốt, hoa đều..., vậy là đủ. Và có lẽ, như là một niềm hạnh ngộ, người ta đi chợ hoa để đón xuân sớm, rước xuân về nhà, để gặp nhau, hẹn hò một năm mới.

 

Chợ hoa xuân ở Quy Nhơn về đêm. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

2. Chợ hoa họp trước Tết chừng năm ngày. Năm ngày là 120 tiếng đồng hồ, chia ra thành 3.600 phút ban ngày và cũng chừng ấy khắc ban đêm. 3.600 phút ban đêm là một đời sống khác của chợ hoa, với tất cả những cung bậc của đời người, đời hoa, đời chợ, từ sôi động đến vắng lặng, từ đắt đỏ đến ế ẩm, từ khấp khởi, háo hức đến hồi hộp, lo âu...

Năm nào cũng vậy, 28 Tết là anh Nguyễn Xuân Lý lại dọn hàng mai của mình ra vỉa hè trước ga hàng không Quy Nhơn. Hàng mai của anh chỉ bày vài chục chậu, khách mua hết thì tiếp tục mang ra. Ban đêm, người đi chơi chợ đông nên anh bán được nhiều hơn. Dưới ánh điện mờ, trong làn sương mỏng, chợ hoa càng trông càng huyền ảo. Phải là đêm, chợ hoa xuân mới như rực lên sức sống mùa xuân. Người bán người mua tấp nập, nhất là từ đêm 28 trở đi.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi cũng bán hoa xuân. Mai trồng ở vườn nhà, cận Tết mang ra chợ hoa cho có phường có hội. Anh thường thuê người bán hoa, kiêm luôn cả trông coi. Tối, thỉnh thoảng anh cũng ra, nhưng chẳng phải để bán mà là để bày một chiếu rượu xuân với bạn tâm giao. Cái thú đối ẩm đêm xuân giữa trời với sương gió và hương hoa thoang thoảng, có lẽ trong năm chẳng thể được hai lần, nên phải cố mà tận hưởng cho hết, từng giọt xuân - anh nói vậy.

Chợ hoa xuân trên đường Nguyễn Tất Thành, Quy Nhơn. Ảnh: Đ.T.Đ

3. Người mình có tâm lý thích đi chợ hoa vào giờ chót - tối 30, hay hơn nữa là cận giờ Giao thừa - vì cho rằng lúc ấy thể nào hoa cũng rẻ. Thì cũng có năm hoa rẻ thật, nhưng cũng có năm hoa đắt đến cuối giờ. Đã có lần, 11 giờ 30 tối Giao thừa, tôi để mình lạc vào một đám đông khách vây quanh hai chậu cúc đại đóa còn sót lại của một hàng hoa Tết. Ai cũng muốn mua. Nhưng một chị hàng hoa cúc nói với tôi rằng ít khi nào được như vậy lắm. Vì thời tiết, sâu bệnh, rồi bây giờ có nhiều giống hoa mới đẹp hơn xuất hiện nên cúc, vạn thọ, thược dược, mãn đình hồng - những giống hoa truyền thống - cũng chẳng còn giữ được ngôi vị như xưa. Chính vì cái nếp nghĩ chờ tới giờ chót mua hoa cho rẻ của nhiều người đã khiến không ít người bán hoa luôn phải ở trong trạng thái như chị nói: “Hồi hộp muốn rớt tim ra ngoài luôn. 27, 28 Tết nhìn hoa còn nguyên là bắt đầu lo lắng, đến Giao thừa mới thực biết mình bán được hay không. Năm hoa đắt thì không nói gì, năm ế đành phải đổ bỏ hoa để lấy lại chậu. Cúc, vạn thọ, thược dược chứ có phải mai, hồng đâu mà không bán được thì đem về dưỡng sang năm bán tiếp”. Có năm, sau Giao thừa, nhìn những công nhân vệ sinh khom lưng gom rác chợ hoa, với bao nhiêu là chậu bị đập bỏ, vừa thương cho họ, vừa tội cho người trồng hoa.

Nhưng người trồng hoa đâu chỉ có bấy nhiêu nỗi niềm. Một đêm nào năm trước, ngồi cùng người bán hồng trên đường Nguyễn Tất Thành, anh kể rằng hàng xóm của anh là một chị bán vạn thọ. Những cây vạn thọ Pháp thân lùn nhưng hoa đầy đặn, đẹp đến nao lòng, vậy mà nhiều người lựa chán chê rồi kỳ kèo trả 5.000đ/chậu, còn thấp hơn cả tiền vốn của chị. Anh nghe mà xót xa. Sao có người coi rẻ công sức người trồng hoa đến vậy?

Đêm khuya, lại là một không gian khác của chợ hoa. Im ắng. Hoa thao thức, người bán hoa cũng thao thức trên chiếc giường xếp giữa trời lạnh, lo không bán được hoa, lo mất trộm hoa. Lại mong sao trời mau sáng, để nhân thêm niềm hy vọng.

Có thức đêm với chợ hoa xuân mới hiểu, ẩn sau mỗi đóa hoa xinh tươi, lung linh khoe sắc dưới trời xuân là bấy nhiêu nụ cười lấm tấm mồ hôi. Để thêm yêu đời và yêu người, yêu mùa xuân xứ sở.

Để biết rằng xuân đang đến. Rất gần.

  • Việt Hoàng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)
Lính bay  (06/02/2007)
Những người dẫn đường trên biển  (06/02/2007)
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Định trong năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2006  (05/02/2007)
Tháng Giêng, một sân ngò cúc  (05/02/2007)
Thể thao Bình Định: Một năm bội thu  (05/02/2007)
Bao giờ võ Việt thăng hoa ?  (05/02/2007)
Vị võ sư “luyện” ngói âm dương  (05/02/2007)
Hoa kiểng Bình Định bước ra sân chơi lớn  (05/02/2007)