Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”
19:39', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Cuối năm, gặp nhà sưu tập gốm cổ Gò Sành Nguyễn Vĩnh Hảo đang lệnh khệnh trên chiếc Vespa cũ kỹ, tôi liền “chặn” lại hỏi chuyện. Người đàn ông có thân hình hộ pháp này sau khi hô hố cười rộ, liền khoe: “Hảo đang dự định tổ chức một đêm đối tửu ba miền, Làng Vân, Bầu Đá và Gò Đen vào đêm mùng bốn Tết Đinh Hợi tại nhà trưng bày gốm cổ của mình. Đây cũng là dịp để thể hiện cái lịch lãm, hào sảng của con người và mảnh đất thang mộc Bình Định với du khách gần xa.”

 

Bình cổ tiện bạch định ngự dụng của Hoàng gia Vijaya - những hiện vật quý tại nhà trưng bày. Ảnh: N.V.H

 

* Quy Nhơn có Hảo Gò Sành

Gò Sành là một địa danh, đã trở thành định danh của một dòng gốm Chăm cổ được sản xuất duy nhất tại Bình Định trong khoảng từ thế kỷ XI đến XIV, sau đó người Việt kế thừa và phát triển nó đến thế kỷ XVIII. Hàng trăm năm đã trôi qua và giờ đây ở Quy Nhơn, có một người đang cặm cụi làm cho dòng gốm Gò Sành, dòng gốm của Hoàng gia Champa Vijaya, trở về với đúng giá trị của nó. Người đó là ông Nguyễn Vĩnh Hảo mà giới sưu tập gốm và thân hữu quen gọi là Hảo Gò Sành.

Đầu năm 2006, Nguyễn Vĩnh Hảo đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi tự lực cánh sinh cho ra mắt nhà trưng bày về gốm Gò Sành (số 173 Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn), một ngôi nhà cổ vừa mang phong cách Champa - sự vững vàng thô cứng của tường gạch vách xây tháp Chàm; vừa đan xen các chi tiết mềm mại, tinh tế của gỗ - những đặc trưng của nhà lá mái Bình Định xưa, do chính ông tự thiết kế lấy.

Ở đó, chủ nhân của ngôi nhà độc đáo (đồng thời cũng là người duy nhất trông coi, hướng dẫn) cho trưng bày trên 200 hiện vật được tuyển chọn từ bộ sưu tập gốm cổ Gò Sành gồm 1.300 hiện vật của gia đình. Từ ngày khai trương nhà trưng bày đến nay đã vừa chẵn một năm, có rất nhiều khách đến thưởng lãm những sản phẩm được kết tinh từ đất và lửa, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Chăm cổ; và tự nhiên, Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành của Nguyễn Vĩnh Hảo đã trở thành một địa chỉ văn hóa phải đến của nhiều du khách khi đặt chân đến Bình Định.

 

Ông Nguyễn Vĩnh Hảo (bên trái) đang chiết rượu mời khách. Ảnh: Văn Lưu

 

* Đêm đối tửu ba miền

Khách tham quan đến với Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành không chỉ được thưởng lãm những sản phẩm gốm cổ Gò Sành độc nhất vô nhị trong một không gian lung linh huyền ảo, mà còn được chính chủ nhân trịnh trọng mời một chung rượu Bầu Đá trứ danh. Cái thứ danh tửu này trong vắt, được ủ trong một hũ gốm Gò Sành ngàn năm tuổi. Ông chủ nhà trưng bày tuy vóc người to lớn dềnh dàng như một võ sĩ Su-mô nhưng khéo léo mở nhẹ đám lá chuối khô trên miệng hũ vừa kịp để mùi rượu thơm ngào ngạt xông lên, rồi khẽ khàng chiết rượu ra chén (cũng là gốm cổ) bằng một cái gáo dừa nhỏ xíu. Khà một ngụm rượu thơm nồng, khách và chủ bắt đầu vào chuyện.

Ông bạn tôi từ TP Hồ Chí Minh ra Quy Nhơn công tác, được dẫn đến tham quan nhà trưng bày gốm cổ cứ tấm tắc mãi về cái ấn tượng khó quên ấy. Hương rượu Bầu Đá thấm đẫm trong lung linh không gian gốm cổ như một cách tiếp thị tuyệt vời về Bình Định. Có lẽ nhiều khách tham quan cũng bị “ấn tượng” như vậy rồi phản hồi nên Hảo Gò Sành nảy ra ý tưởng đối tửu chăng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - bên trái) và Họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) đang tham quan Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành. Ảnh: G.X

Nguyễn Vĩnh Hảo say sưa lên kế hoạch: Trước khi diễn ra đêm đối tửu ba miền, vào trung tuần tháng Chạp, tôi sẽ đưa bốn chum rượu, mỗi chum 40 lít, lên dâng ba ngài tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, xin ba ngài chút lộc, rồi sau đó xin phép rước về. Rượu Làng Vân và Gò Đen thì tôi gửi mua. Riêng với rượu Bầu Đá, tôi sẽ chia làm hai loại. Một loại Bầu Đá đệ nhất danh tửu như lâu nay và một loại đặc biệt là Đế vương tửu, đó là rượu ủ trong hũ Gò Sành đúng một năm mới đem ra uống. Tất cả những ai quan tâm đến gốm cổ và rượu, tôi đều rộng cửa đón tiếp. Còn nữa, mồi để uống rượu sẽ là nem chả Bắc, khô sặt Nam bộ và một món đặc biệt của Bình Định: hai sống một chín (“Hai sống một chín” là cái gì thì lúc đó mới biết) được dọn trên mấy cái nong nia dần sàng, tùy nghi sử dụng.

Rồi ông nói tiếp: Có thể gọi đây là một Festival rượu mini. Ai thích thì đến dự. Và nếu suôn sẻ, tôi sẽ tổ chức thành một hoạt động thường niên.

Festival rượu, quả là một ý tưởng hay. Bình Định nổi tiếng không chỉ có tuồng, có võ mà còn có rượu Bầu Đá đậm đà khó quên. Vậy thì trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2007, nên chăng cũng có một cuộc đối tửu ba miền để thêm phần hấp dẫn du khách gần xa?

  • Huỳnh Thúc Giáp
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)
Lính bay  (06/02/2007)
Những người dẫn đường trên biển  (06/02/2007)
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Định trong năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2006  (05/02/2007)
Tháng Giêng, một sân ngò cúc  (05/02/2007)