Ngày xuân nghĩ về chợ quê
20:2', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Một trong những kỷ niệm quê hương luôn ẩn tàng trong tâm thức, khi âm thầm trôi xuôi theo nhịp ngày và đêm, khi trào dậy mãnh liệt như giông mùa hè, ấy là chợ quê.

Chợ quê, có thể lèo tèo vài mái lều tranh quanh một gốc cây me, cây đa ở đầu làng hay vài dãy lều trên khoảnh đất trống ven theo trục lộ chính của một vùng quê còn nghèo vì chưa khai thác hết tiềm năng của đất nước. Hoặc bề thế hơn là căn nhà dài lợp ngói, nền tráng xi măng, bốn bề để trống không với những cột trụ xây bằng gạch rộng 50-60 phân nằm giữa những sạp lều dựng san sát nhau.

 

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

 

Thường thì chợ quê hoạt động vào buổi sáng. Người ta đem đến chợ bán những sản phẩm tươi theo thời vụ, mua về những nhu yếu phẩm cần thiết không tự sản xuất được. Người ta đến chợ không chỉ để mua bán trao đổi hàng hóa mà còn để hỏi han, nắm bắt những thông tin trong làng xã. Hầu như không một nơi, một thời điểm nào phản ảnh đa dạng tính cách của con người bằng buổi chợ đang đông.

Đây. Vừa nghe lời mời chào ngọt như mía lùi của chị hàng xén đã rùng mình bởi tiếng nói xắn nẻ của chị hàng cá. Khuôn mặt bự phấn ăn vận chải chuốt của mẹ hàng vải khác với vẻ nhếch nhác của chị hàng rau. Nét phúc hậu và lời nói nhỏ nhẻ của bà lão hàng trầu đối lập hẳn với vẻ trẻ trung nhưng đanh đá của cô hàng thịt. Người mua cũng lắm vẻ. Người thì đảo chợ rất lâu để chỉ dám mua những thứ tầm tầm vừa với túi tiền còn cố cò kè để được mua rẻ; kẻ thì chọn mua những món ngon không cần trả giá.

Chợ còn cho ta cảm nhận biết bao điều qua tục ngữ, ca dao.

Hàm ý chê trách hạng người không biết sống ôn hòa, biết lẽ phải trái: Đanh đá như mụ hàng cá. Không thành thật: Láu cá như anh hàng thịt. Phải biết nhẫn nhịn khi đang trả giá một món hàng mà bị người khác sẵn tiền mua hớt: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu chùa. Khi miệt thị một ai, người ta nói: Thứ ở (lếch) chợ. Chọn nơi ở để làm kế sinh nhai: Nhất cận thị, nhì cận giang. Qua cách mua, giá trị món hàng cho biết khái quát tính nết, gia cảnh kinh tế của người phụ nữ: Gái thương chồng đương đông buổi chợ hoặc Chợ đang đông biết lòng con trẻ. Tìm hiểu bạn trăm năm, các cụ khuyên các chàng trai: Trai khôn chọn vợ chợ đông. Hoặc Một đồng bánh, ba đồng cau hãy mau rước về; một đồng rau ba đồng bánh hãy tránh mà đi.

Nhưng làm sao tránh được khi ba mươi chợ chật? Chợ quê những ngày cận Tết Nguyên đán rất đông. Người ta ép sát nhau mà đi, gáy người trước chạm mặt người sau. Một năm làm ăn lam lũ tằn tiện, nên: có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa. Người ta mua sắm thoải mái hơn. Món hàng phải mới, tốt và ngon. Nhưng đặc biệt chợ đông nhất là sáng ngày 30 Tết nên có câu đùa: “Ba mươi chợ chật…”. Hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một hai người đi chợ. Người ta mua sắm thêm những vật dùng còn thiếu cho ba ngày Tết hoặc đơn giản là chỉ đến chợ để góp mặt vào sự đông vui. Giá các loại hàng hóa sáng nay là: nhất mắc nhì rẻ.

Với người dân quê, miếng trầu là đầu câu chuyện. Trong cúng kính tưởng vọng gia tiên, ly rượu trắng, đĩa trầu cau không thể thiếu trên bàn thờ. Có thể rồi đến một ngày nông thôn sẽ đô thị hóa toàn diện, những thế hệ phụ nữ nối tiếp nhau sẽ không còn ăn trầu. Nhưng trầu cau vẫn tồn tại, bởi trầu cau đã là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Cầu chúc người giữ gìn bản sắc văn hóa để lưu truyền, những cụ bán trầu sống lâu trăm tuổi…

Rồi chợ tan hẳn. Một bức tranh toàn cảnh đủ sức làm lay động những tâm hồn chai sạn: “Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ. (Chợ Tết- Nguyễn Văn Cừ). Chợ chỉ còn lại rác rưởi, những sạp lều trống hoác và những kiếp người vất vưởng bên lề cuộc đời trong cảnh vắng lặng. Những kẻ tha phương cầu thực đến chợ sống nhờ lòng tốt của đồng loại đang ngả lưng trốn nắng hay ngồi bắt chí cho nhau trong những sạp lều. Họ chờ đợi gì? Hy vọng gì? Ngày qua đi và đêm cũng sẽ qua đi. Ngày mai chợ lại đông người. Họ chỉ sợ những ngày giông bão. Có, không một miếng lót lòng? Tìm đâu một chỗ nằm khuất gió?...

Trong ký ức tuổi thơ của mình, mấy ai chưa một lần đến chợ. Hạnh phúc khi được ba mẹ dắt tay vào chợ mua sắm quần áo, quà bánh vào dịp lễ tết. Côi cút thì cũng đến để không được no lòng cũng no con mắt.

Kinh tế phát triển, mức sống của người dân tăng lên, nông thôn ngày một đô thị hóa, chợ quê cũng được nâng cấp để đáp ứng mức cung và cầu của người dân nông thôn ngày nay. Từ mươi mặt hàng đơn sơ, vài dãy lều tạm bợ nâng lên thành khu chợ đa dạng hàng hóa phục vụ cho vài ngàn dân, vấn đề vệ sinh môi trường trở nên cấp bách. Rác chợ đã và đang ảnh hưởng đến cảnh quan và không khí trong lành chốn đồng quê. Cần phải có tầm nhìn chiến lược không phải một năm, mười năm mà trăm năm sau.

Và, bởi lẽ hai mặt đối lập của cuộc đời luôn song hành nên cảnh chợ đông và chợ tan nơi thôn dã luôn để lại trong ta những nỗi niềm…

  • Trần Xuân Thụy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)
Lính bay  (06/02/2007)
Những người dẫn đường trên biển  (06/02/2007)
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Định trong năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2006  (05/02/2007)