Tiếng đàn mùa xuân
20:10', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Sau giải phóng, cứ mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi thường đến thăm gia đình nhà thơ Lưu Trọng Lư, tại 66 Tr Nguyễn Thái Học (đối diện Văn Miếu). Cả gia đình nhà thơ, đặc biệt là cô Lệ Minh - vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư - tiếp đón tôi như một thành viên ruột thịt trong gia đình đi xa mới về. Bao giờ cô cũng giữ tôi ở lại ăn một bữa cơm với gia đình. Có lần, trong bữa cơm đạm bạc, cô Lệ Minh gắp đậu chiên bỏ vào bát cho tôi và nói: “Thịt không xương đấy, ăn đi… con”. Chứng kiến những bữa cơm của một gia đình nghệ sĩ lớn như nhà thơ Lưu Trọng Lư, tôi hết sức xúc động. “Cuộc sống thời bao cấp giữa Thủ đô Hà Nội quá thiếu thốn như vậy không biết các văn nghệ sĩ làm sao có thể vượt qua, có thể cho ra đời những tác phẩm lớn được?” - đó là những ý nghĩ luôn canh cánh mãi trong tôi.

Nhà lưu niệm cố thi sĩ Lưu Trọng Lư tại quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Lưu Trọng Lư có gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Trung Tín một lá thư. Lá thư chỉ bằng một cánh chim nho nhỏ, với những dòng chữ run run: “Hà Nội, ngày, tháng, năm… Kính gửi anh Tín, Bí thư Tỉnh ủy. Năm nay, chúng tôi có nguyện vọng muốn tổ chức sinh nhật lần thứ 70 tại Đà Lạt. Nếu anh tạo điều kiện được, chúng tôi vào trong ấy sẽ kết hợp tổ chức đám cưới, vì trước kia tôi và Mừng (tức Lệ Minh) dắt nhau ra chiến khu kháng chiến chưa kịp làm đám cưới. Sau này ra đi, tôi muốn mãi mãi được nằm lại Đà Lạt để nghe thông reo, suối hát…”.

Là khách mời của Bí thư Tỉnh ủy, vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư đáp máy bay vào Đà Lạt, Văn phòng Tỉnh ủy cho ô tô ra sân bay Liên Khương đón, đưa ông bà về nhà an dưỡng và sáng tác của Bộ Văn hóa tại Đà Lạt. Trong một bữa tiệc chiêu đãi vợ chồng nhà thơ tại nhà khách Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư thân mật hỏi chuyện: “Tình hình giá cả mỗi ngày một leo thang thế này, không biết ở Hà Nội anh chị sống bằng gì? Tiền lương hay nhuận bút?”. Đặt nhẹ cốc rượu xuống bàn, chỉ vào hai hàm răng rụng gần hết của mình, nhà thơ nhìn thẳng vào đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: “Phải gặm, gặm xích líp để mà sống. Nếu tình trạng bao cấp còn kéo dài, chẳng những giới văn nghệ sĩ khốn khổ mà cả dân tộc ta không có lối thoát…”. Thấy tôi còn lớ ngớ, cô Lệ Minh xoay qua rỉ tai tôi: “Có nghĩa là cậu Mã (Lưu Trọng Hy Mã) nhà mình đi lao động bên Đức có gửi một ít xích líp xe đạp về - đành phải đem bán để kiếm thêm tiền chợ…”. Anh Văn Biển cũng góp chuyện: “Trước khi nghỉ hưu, Hội Nhà văn có dành cho anh Lư một suất tham quan nước ngoài, nhưng anh vẫn một mực nhượng “vé” cho người khác. Nghe chột dạ, bác Lư thanh minh: “Bảo tôi ra nước ngoài một mình, sống sao được? Nói thật chớ, nhà tôi chết tôi cũng chết theo…”. Có ý kiến đệm vào “Nhà thơ chung tình dữ he”. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đỏ mặt: “Không phải - tất cả mọi chuyện đều do bà quản lý - tôi không biết bìa A, bìa B thế nào; và cũng không hề biết ô nào là ô thịt, ô nào là ô rau…

Lần khác, lúc vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư trở lại Đà Lạt (1984) đúng vào dịp tôi sinh cháu đầu lòng. Nghe tôi sắp xuất viện, chiều hôm ấy cô Lệ Minh, anh Lưu Trọng Văn và nhà thơ Văn Biển mang hoa đến bệnh viện đón mẹ con tôi. Với kinh nghiệm của một người mẹ qua bao lần sinh nở, cô Lệ Minh đã tận tình nhắc nhở, dặn dò tôi cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình và cháu sơ sinh. Khi ra Hà Nội, cô còn thường xuyên viết thư cho tôi với những lời lẽ thật giản dị nhưng hết sức sâu sắc như tình cảm của người mẹ dành cho con gái. Lần đầu sinh được một cháu trai kháu khỉnh, mẹ tròn con vuông, tôi quá vui mừng và xúc động nên có làm bài thơ ca ngợi những người thầy thuốc (bài thơ “Thương màu áo trắng”) - được nhà thơ Lưu Trọng Lư xem và chỉnh sửa. Trong đó có bốn câu thơ tôi nhớ mãi:

Con ơi con mai ngày lớn lên

Con vỗ cánh, đập cành cất cao tiếng hát

Con sẽ dành những lời đẹp nhất

Hát về màu áo trắng thân yêu.

Gần đây, trong một lần công tác thành phố Hồ Chí Minh, tôi có tìm đến thăm Nhà lưu niệm vợ chồng cố thi sĩ Lưu Trọng Lư. Nhà lưu niệm được thiết kế hài hòa trong khu đất rộng gần ngàn mét vuông tại quận 7. Các anh Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Bình - con trai của vợ chồng nhà thơ - đưa tôi vào thắp hương và chiêm ngưỡng những hiện vật, những di sản văn hóa của cha mẹ mình còn lưu lại. Trong đó có hàng trăm bài báo và nhiều sách viết về nhà thơ Lưu Trọng Lư. Cũng nơi đây, tôi được đọc lại những vần thơ nổi tiếng do chính nhà thơ Lưu Trọng Lư viết tay: “Em không nghe rừng thu / Lá thu kêu xào xạc / Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô…”; Hoặc những câu thơ của ông được phóng lớn, dạng thư pháp treo trên tường: “Đi giữa vườn nhân, dạ ngẩn ngơ / Vì yêu người lắm mới say thơ”. Không những thế, ở đây còn lưu lại nhiều thủ bút của các nhà thơ, nhà văn có tên tuổi. Chẳng hạn bài tứ tuyệt của nhà thơ Tố Hữu khóc Lưu Trọng Lư vào ngày 14-8-1991: “Lưu Trọng Lư ơi! Biệt cõi trần / Tiếng thu man mác, nhạc trong ngần/ Nửa đêm sực tỉnh đời pha mộng / Da diết lòng anh một chữ nhân”. Tại nhà lưu niệm còn nhiều hiện vật quý có liên quan đến hoạt động văn hóa - nghệ thuật của một gia đình nghệ sĩ như chiếc đàn tranh, hình ảnh kỷ niệm về cô Tôn Nữ Lệ Mừng - bạn đời thủy chung của thi sĩ, người đã từng “có mặt trên từng cây số” trong cuộc hành trình của nhà thơ khắp đất nước- góp phần làm cho tiếng thơ của Lưu Trọng Lư cất cánh bay cao, bay xa: “Em ơi em vút lên một tiếng đàn/ Đàn đã so dây / Phím đàn đã lựa phím…” (Tiếng đàn mùa xuân).

Anh Lưu Trọng Văn còn cho biết, sắp đến, ngoài việc công bố hàng ngàn trang di cảo, sẽ dành một nơi đẹp nhất, trang trọng nhất trong khuôn viên này để dựng lên một bức tường thơ. Ở đó sẽ là những câu thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ cùng thời với Lưu Trọng Lư…

  • Lê Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)
Lính bay  (06/02/2007)
Những người dẫn đường trên biển  (06/02/2007)
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Định trong năm 2006  (05/02/2007)
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2006  (05/02/2007)