Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ
20:27', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Nghệ nhân cẩn xà cừ ở Cẩm Văn - An Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 là hoạt động văn hóa tập trung nhiều loại hình nghệ thuật nhằm giới thiệu truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa Bình Định; đồng thời, giới thiệu về tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch Bình Định đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, hiện nay, công tác chuẩn bị đang được triển khai rất tích cực...

* Chương trình khai mạc: ấn tượng

Chương trình nghệ thuật tổng hợp trong đêm khai mạc Festival Tây Sơn - Bình Định 2007, do NSƯT Vũ Hoài - Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam làm tác giả, có tên gọi “Nghĩa khí Tây Sơn - Bình Định hội tụ và phát triển”. Chương trình đã rộn rã ngay từ khúc mở đầu, với phần diễn tấu trống trận Tây Sơn của 5 dàn trống liên hoàn và 100 trống chiến, trống cái. Đi trong nền âm nhạc vang vọng, hào hùng của dàn trống, dàn cồng chiêng và hai hàng tù và là đoàn quân Tây Sơn oai hùng với hình ảnh Hoàng đế Quang Trung ngồi trên bành voi. Đội hậu quân tái hiện đoàn quân “thần tốc” năm xưa với hình ảnh “khiêng ba”. Sau khúc mở đầu, phần I mang tên “Bình Định - vùng đất mến yêu”. Nếu ở  “Bình Định - biển trời huyền diệu” (cảnh 1), người xem sẽ được thấy hình ảnh thật lãng mạn khi trong nét nhạc lung linh huyền hoặc gắn với huyền tích Ghềnh Ráng, thì ở cảnh 2: “Bình Định - miền đất võ” thể hiện truyền thống thượng võ của người Bình Định với màn đồng diễn trường côn và quyền thuật của nữ, đồng diễn nam với giáo và đại đao, cùng màn biểu diễn võ đối kháng. Còn “Bình Định - xứ sở Tuồng độc đáo” (cảnh 3) là những màn diễn giới thiệu nét đặc trưng, độc đáo của nghệ thuật Hát bội Bình Định.

Phần II của chương trình khai mạc “Nghĩa khí Tây Sơn trên khắp miền đất nước”, quy tụ những màn trình diễn đặc sắc của các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ khắp miền đất nước. Màn múa “Tây Sơn tụ nghĩa” là sự phối hợp dàn dựng, biểu diễn của đoàn nghệ thuật hai tỉnh Gia Lai và Bình Định; cảnh múa hát “Đất phương Nam và chiến thắng Rạch Gầm” do Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen (TP Hồ Chí Minh) và Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp tỉnh Tiền Giang biểu diễn. Cảnh “Lễ đăng quang” do các nghệ nhân nhã nhạc Huế diễn tấu và “Ngày hội hoa Đào” do Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long dàn dựng, biểu diễn.

Phần III “Đổi mới và phát triển”,  thể hiện nhịp điệu dựng xây và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang diễn ra từng ngày trên quê hương Bình Định. Trong đó, cảnh “Cầu Thị Nại - khát vọng mở đất” hứa hẹn sẽ ấn tượng, khi trong nền âm nhạc trang trọng và hào hùng, bỗng xuất hiện cây cầu Thị Nại từ từ băng qua và “hợp long” ở trung tâm sân khấu… Cảnh kết “Sức sống mới - vươn tới tương lai” là màn quần vũ lớn, với một ca khúc chính thức mang trọn vẹn, đầy đủ nội dung - cảm xúc của Festival Tây Sơn - Bình Định 2007.

* Nhiều chương trình đặc sắc

Nhằm tạo không khí ngay từ đầu cho Festival, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trước Festival như Liên hoan Võ thuật Bình Định (tối 30-8-2007) diễn ra tại sân vận động Quy Nhơn, với sự tham gia của các câu lạc bộ võ thuật, võ đường thuộc phái võ Bình Định trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài. Liên hoan sẽ có thi đấu võ đài quốc tế và biểu diễn những nét tinh hoa của võ Bình Định. Liên hoan Tuồng Đào Tấn (tối 30-8-2007) tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn - TP Quy Nhơn, sẽ có sự tham gia của các đoàn tuồng chuyên nghiệp đến từ mọi miền đất nước. Ngoài ra, ngay từ tối 28-8-2007, tại khu vực trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, sẽ diễn ra vòng sơ tuyển cuộc thi “Người đẹp Miền đất Võ 2007”.

Ông Văn Trọng Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, Phó trưởng ban tổ chức Festival, nhận xét: “Qua một số chương trình trọng tâm mà các đơn vị đã nộp cho Ban tổ chức, có thể thấy sự chuẩn bị chu đáo và bài bản của các đơn vị. Ban tổ chức sẽ cố gắng cân đối và sắp xếp các chương trình này hợp lý hơn, đảm bảo các hoạt động trong Festival vừa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Bình Định, vừa tiết kiệm nhất”.

Trong chương trình chính của Festival, sẽ có nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc: hội làng nghề truyền thống, hội thi sinh vật cảnh, hội bài chòi dân gian, hội đua thuyền - lắc thúng, chương trình ẩm thực Bình Định, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu, Liên hoan Võ thuật Cổ truyền Bình Định (một hoạt động bên cạnh Liên hoan Võ thuật Bình Định), đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại…

* Tích cực chuẩn bị

Ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của Festival Tây Sơn - Bình Định 2007, nên từ rất sớm, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức các hoạt động được giao trong khuôn khổ Festival. Ông Nguyễn Duy Quý - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Bình Định, cho biết: “Liên hoan Sinh vật cảnh lần thứ 5 được tổ chức trong Festival sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài các nghệ nhân Bình Định, sẽ mời thêm TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Nội dung liên hoan bao gồm triển lãm, trưng bày, hội thi các sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, độc đáo và có chất lượng cao”. Còn ông Phạm Mạnh Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Sở Thương mại Bình Định, thì cho biết: “Chương trình “ẩm thực Bình Định” sẽ diễn ra trong suốt thời gian của Festival. Các món ăn Bình Định tham gia trong chương trình sẽ là những món ăn độc đáo của mỗi địa phương như bún cá (Quy Nhơn), bún tôm Bình Dương và chình Châu Trúc (Phù Mỹ), nem chả chợ Huyện (Tuy Phước), chim mía và dé (Tây Sơn)… Các địa phương khác sẽ tham gia các món ăn đặc sản: cơm hến, cơm niêu, bún bò (Huế); mỳ Quảng, Cao Lầu, cơm gà, bê thui (Quảng Nam); gỏi lá (Kon Tum)… Chương trình sẽ tổ chức dưới dạng hội chợ, các hàng quán tham gia tự chế biến tại chỗ các món ăn của mình”. Ngoài ra, trong chương trình còn có “hội bia Quy Nhơn” do Công ty TNHH Bia Sài Gòn - Quy Nhơn tổ chức.

 

Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định là một trong những nét đặc sắc của Festival Tây Sơn- Bình Định 2007. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Chương trình được xây dựng công phu, bài bản và hứa hẹn sẽ tạo nên “sức hút” trong Festival chính là Hội làng nghề truyền thống do Sở Công nghiệp và Liên minh các Hợp tác xã Bình Định phối hợp tổ chức. Ngoài các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán hàng lưu niệm sản phẩm của khoảng 60 đơn vị, làng nghề truyền thống nổi tiếng trong tỉnh, sẽ mời thêm các làng nghề nổi tiếng ở các địa phương khác cùng tham gia như Hà Nội (gốm Bát Tràng), Hà Tây (lụa Vạn Phúc), Quảng Nam (đúc đồng Phước Kiều)… Đặc biệt, “điểm nhấn” của hội làng nghề sẽ là việc trình diễn sản xuất của một số làng nghề thủ công truyền thống mà khách tham quan có thể tham gia vào quá trình trình diễn như nấu rượu bầu Đá, chằm nón, dệt vải thổ cẩm, khảm xà cừ, tiện gỗ mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ… cùng việc trình diễn một số hoạt động văn hóa làng nghề như sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Bana, nghi lễ cúng tổ nghề rèn, lễ cúng cầu ngư… Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó giám đốc Sở Công nghiệp Bình Định, cho biết: “Trong hội làng nghề, chúng tôi sẽ giới thiệu các làng nghề truyền thống bằng hình ảnh và lời bình (chương trình truyền hình và ảnh chụp minh họa). Đồng thời, phát hành một đặc san song ngữ Việt- Anh về các làng nghề truyền thống Bình Định”.

Sở Du lịch Bình Định hiện cũng đã xây dựng các chương trình tham quan du lịch trong  Festival. Ông Hồ Minh Kính - Phó giám đốc phụ trách, cho biết: “Chúng tôi đã giao cho các đơn vị lữ hành có uy tín trên địa bàn tỉnh đảm nhận việc xây dựng các tour du lịch cho du khách. 4 đơn vị tham gia là Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Hải Âu, Công ty Du lịch Công đoàn Bình Định, Viettravel Qui Nhơn, Qui Nhơn Travel đều thiết kế tour bám sát theo kế hoạch tổng thể của Festival. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và hiện thực phát triển kinh tế du lịch Bình Định” trong dịp Festival…”. Cũng theo ông Kính, Công ty TNHH Du lịch sinh thái Nha Trang hiện cũng đã nhận lời tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí như mô tô nước, dù bay, kéo phao chuối… phục vụ du khách trong dịp Festival.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)
Lính bay  (06/02/2007)
Những người dẫn đường trên biển  (06/02/2007)
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Định trong năm 2006  (05/02/2007)