Một nét Tết xưa
20:32', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Bài viết xin khuôn lại trong phạm vi câu đối cổ: “Bộc trước nhất thanh trừ cựu khí/ Đào phù vạn họâ khánh tân xuân”. Nghĩa là, pháo tre đùng một tiếng xua đi khí cũ, bùa đào muôn nhà mừng xuân mới. Đào phù gắn trên cây nêu. Đã qua lâu rồi thời Tết cổ truyền đốt pháo, càng xa hơn cái thời chỉ có pháo tre. Cây nêu cũng chỉ còn trong ký ức. Nhưng ý nghĩa câu đối trên cứ ám ảnh tôi, cứ gợi mãi nét thân thương và thiêng nghiêm những miền quê Việt khổ nghèo và yên bình ngày Tết.

Tất nhiên, pháo tre cũng có thuốc pháo nhưng lớp vỏ là những sợi tre hoặc dang mỏng, đánh nài quấn nhiều lớp quanh gói thuốc thành khối vuông hơi dẹp như bánh chưng nhưng nhỏ hơn nhiều, mỗi bề khoảng 4 - 5cm. Nổ to lắm. Đùng một tiếng vang xa. Nếu như những pháo giấy sau này kết tràng nổ giòn giã, náo nức như niềm vui chào mừng xuân mới, thì tiếng đùng đơn lẻ mà âm vang của pháo tre rất hợp ý nghĩa dứt bỏ những điều không vui, bất lợi của năm cũ. Theo Phạm Côn Sơn (sách Văn hóa phong tục Việt Nam), truyền thuyết dân gian xưa kể rằng có con quái vật một chân nhưng di chuyển rất mau lẹ. Đêm giao thừa nó thường vào nhà dân bắt heo gà. Một lần gặp đống lửa đang cháy, tre nứa nổ lốp bốp, nó sợ quá bỏ chạy. Từ đó người ta chế ra pháo nổ đốt đùng đùng để xua tà khí. Đùng một tiếng xua tan những âu lo, nhọc nhằn muộn phiền và lòng nhẹ nhàng hướng về một ước ao hy vọng mới. Điều cầu, điều ước đã gởi vào cây nêu. Ở một số vùng còn lưu truyền cây nêu cũng có ý trừ tà ma, cây nêu càng cao bóng đổ càng xa và đó là ranh giới ngăn cõi âm.

Cây nêu là một kỳ công, trước hết là việc chọn tre. Cây tre đã được nghía từ cả tháng trước đó. Tre đủ lá, sung mãn, suông, thẳng, không tì vết, ngọn cong đẹp. Đây là bí mật căn bản của cây nêu ngày Tết ngầm cạnh tranh của những người tắt lửa tối đèn có nhau. Bí mật này chỉ chiều ba mươi Tết, khi nhà nhà dựng nêu mới thấy, cây nêu nhà nào cao hơn, ngọn, lá đẹp hơn, trang trí đào phù khéo hơn. Dưới chòm ngọn lá, gia chủ gắn điều cầu, ước nơi đào phù. Đó là một cái giỏ tre, một tấm vỉ tre có thanh nẹp tre trồi cao trên vỉ, chót tỉa sợi, uốn tua như hoa. Trong giỏ là nồi đất nhỏ bỏ túm gạo túm muối, giản dị một mong muốn truyền đời. Những ông có chữ thường gắn theo vỉ dải giấy viết những lời cầu ước quen thuộc bằng chữ Hán. Dựng nêu trước nhà bao giờ cũng canh, lúc vắng người mới dựng. Còn tùy tuổi gia chủ năm đó mà xê dịch vị trí trên sân. Chiều ba mươi, trẻ nhỏ chạy đi xem nêu rồi bình phẩm. Người lớn cũng quan sát nhưng kín đáo hơn. Phần thân tre tầm người có cột chiếc đèn nhỏ, xưa đốt dầu phộng sau này thay bằng dầu hỏa luôn được thắp sáng hằng đêm. Tới mồng bảy tháng giêng mới hạ nêu, ngọn lá cây nêu nhà nào còn xanh lâu thì hãnh diện lắm, may mắn lắm. Ngày xưa mồng bảy là lễ Khai hạ, cũng gọi là Khai hạp, là lễ các quan mở hộp đựng ấn triện, tượng trưng cho công việc hành chính của năm mới. Hạ nêu là kết thúc những ngày Tết vui chơi. Cây tre xanh lâu là bí mật cuối cùng, lệ thuộc vào việc chọn tre sung mãn, chọn chỗ trồng có hơi ẩm tốt.

Vùng biển, đảo không có tre sẵn thì về quê lựa mua. Cây tre đẹp bao giờ cũng có giá cao gấp hai gấp ba, dùng ghe chở về bến rồi vác bộ hàng hàng, trầm trồ khen nhau. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn từng kể: đoàn người quê ông vác tre từ bến đò Huỳnh Giảng qua mấy cây số đồi cát dài về Nhơn Lý, giọng ông vẫn còn nguyên náo nức. Ở tuổi bát thập và đã từng kinh lịch văn hóa nhiều vùng miền, ký ức về nét Tết xưa này của ông vẫn cứ bồi hồi, trân trọng.

Thời gian là một trong những phát hiện sớm của con người. Ngày rồi đêm, rồi mùa đi, năm qua, theo tuần hoàn trời đất. Năm mới rồi lại cũ để lòng người tiễn cũ với những lo toan với mong ước chưa trọn và hy vọng vào năm kế tiếp. Tuần hoàn của trời đất là thần dược giúp con người không thôi hy vọng. Hy vọng là bản chất sự sống. Một tiếng đùng của bộc trước, một gởi gắm nơi đào phù là những khát vọng đẹp, là nét văn hóa xưa rất đáng trân trọng.

Có thể tôi là người hoài cổ. Dù trong đời chỉ vài lần nhìn thấy cây nêu. Dù tiếng pháo tre chỉ nghe qua lời kể. Nhưng giả dụ một ngày nào về quê thăm bà con dịp Tết, bất ngờ gặp lại cây nêu, có thể trong nồi đất bây giờ không chỉ đơn giản gạo muối… bạn sẽ tin rằng, dù cuộc sống đã nhiều tiện lợi văn minh, cây nêu vẫn cứ là một nét đẹp của làng quê Việt. Và tiếng pháo tre nữa. Của một thời con người quá nhỏ bé trong lộ trình tồn tại. Một nét êm ả cội nguồn…

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ  (06/02/2007)
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)
Lính bay  (06/02/2007)
Những người dẫn đường trên biển  (06/02/2007)
Cảnh sát hình sự: Những chiến công thầm lặng  (06/02/2007)
Ký ức đêm giao thừa ở nơi bị tạm tước quyền tự do  (06/02/2007)