Quy hoạch mạng lưới bệnh viện:
Hướng mở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
21:5', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Quy hoạch mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đang trở thành một yêu cầu bức thiết nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại dai dẳng vốn được xem như căn bệnh khó chữa của ngành Y tế, nâng cao chất lượng KCB cho người dân.

 

Quy hoạch mạng lưới cơ sở khám - chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh cho người dân.

 

* Còn đó nhiều bất cập

Trong thời gian qua, hầu hết các cơ sở KCB đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp từ cơ sở vật chất đến bổ sung trang thiết bị y tế phù hợp với từng tuyến. Tỉnh đã ưu tiên đầu tư cho Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh để phát triển thành bệnh viện hạng I vào năm 2009, các BVĐK tuyến huyện được cải tạo, nâng cấp. Đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục phát triển, số bác sĩ phục vụ đạt 4,66/10.000 dân, phần lớn điều dưỡng có trình độ trung học trở lên. Do đó, chất lượng KCB được nâng cao, giảm ngày điều trị trung bình từ 8,4 ngày/bệnh nhân (năm 2000) xuống còn 6,7 ngày/bệnh nhân. Các bệnh viện mạnh dạn triển khai nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật nhi, nội soi, chấn thương chỉnh hình, thần kinh cột sống, hồi sức sơ sinh…

Tuy nhiên, hiện nay, ngành Y tế đang có nhiều bất cập. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện từ tỉnh đến huyện đã gây bức xúc cho người dân. Từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ sử dụng giường bệnh nội trú bình quân toàn tỉnh hàng năm đều ở mức 110% - 120%. Riêng năm 2006, công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 128% kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế, phân tích: “Sở dĩ tình trạng này kéo dài do chỉ tiêu giường bệnh không được điều chỉnh kịp thời so với sự gia tăng dân số và nhu cầu KCB của người dân. Từ năm 1997 đến nay, chỉ tiêu giường bệnh kế hoạch của các BV trong toàn tỉnh tăng thêm 230 giường bệnh, không đáng kể so với số chênh lệch mà các BV tự điều chỉnh là 804 giường bệnh”.

Trước tình hình đó, ngành Y tế đã đề ra một số giải pháp nhằm giảm bớt áp lực quá tải như: tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; tổ chức sắp xếp, bố trí nơi tiếp đón, khu vực chờ khám, cấp phiếu, phân luồng hợp lý, hỗ trợ lực lượng chuyên môn từ các khoa phòng ra khu khám; tăng thêm giờ khám bệnh để giải quyết hết số bệnh nhân trong ngày; đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế bằng việc tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân phát triển…

Sự quá tải ở các bệnh viện đã dẫn đến hệ quả chất lượng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Hàng năm, ngành đều trích kinh phí từ ngân sách và các nguồn khác để mua sắm, bổ sung nhiều trang thiết bị y tế nhưng vẫn không thấm tháp vào đâu, đặc biệt một số trang thiết bị hồi sức cấp cứu, thiết bị chuyên ngành, chẩn đoán các bệnh lý phức tạp… vẫn còn thiếu. Trong khi đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đa số nhân viên y tế chưa được nâng cao, tình trạng vi phạm y đức vẫn còn xảy ra…

* Phân cấp mạng lưới khám chữa bệnh

Thực tế trong thời gian qua, việc đầu tư, phát triển hệ thống y tế ở Bình Định còn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Cang cho biết: “Năm 2007, Bình Định triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống y tế đến năm 2020, trong đó việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở KCB và phục hồi chức năng là một mắc xích quan trọng nâng cao chất lượng KCB. Sự phát triển này được thực hiện đồng loạt trên 3 yếu tố: cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực”.

Việc phân cấp mạng lưới KCB được thực hiện theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục về chuyên môn. Mỗi cơ sở đảm nhiệm việc cung cấp dịch vụ KCB cho một cụm dân cư, không phụ thuộc địa giới hành chính. Theo đó, các cơ sở KCB Nhà nước được quy hoạch theo hướng toàn diện. Ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện đề án nâng cấp BVĐK tỉnh lên hạng I vào năm 2009 và trở thành BVĐK vùng Nam Trung bộ. BVĐK TP Quy Nhơn được cải tạo, nâng cấp, phát triển theo hướng kết hợp một số mũi nhọn về y tế chuyên sâu, dịch vụ theo yêu cầu hoặc chuyển thành BV chuyên khoa sản - nhi. Năm 2007, BVĐK Khu vực Phú Phong cũng chính thức đi vào hoạt động; Phòng khám đa khoa khu vực Phú Tài thành Phân viện quy mô 50 giường bệnh…

 

Mô hình bệnh viện tư nhân như BVĐK Hòa Bình được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

 

Mặt khác, tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng BV cổ phần và trung tâm chẩn đoán y khoa, trang bị các trang thiết bị y học hiện đại, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, đẩy mạnh công tác tin học, nối mạng với các trung tâm y khoa đầu ngành để trao đổi, hỗ trợ thông tin phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.

Bên cạnh sự đầu tư cho các cơ sở KCB Nhà nước, việc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để BVĐK tư nhân Hòa Bình phát triển, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các BV ngoài công lập cũng là một hướng mở tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng KCB. Ông Nguyễn Văn Cang khẳng định: “Mô hình BVĐK tư nhân là một hình thức xã hội hóa công tác y tế hiệu quả. Sự ra đời và phát triển của BV đã góp phần làm giảm quá tải ở các BV công lập, đồng thời giúp cho người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp trong chăm sóc sức khỏe, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, tích cực giữa BV và các cơ sở y tế công lập. Song, ở Bình Định, mô hình này quá khiêm tốn, nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn do vẫn còn áp dụng cơ chế quản lý như các cơ quan hành chính nên không phát huy được tính năng động và trách nhiệm”.

Sắp tới, sự ra đời của Khu kinh tế Nhơn Hội và cụm dân cư mới với dân số khoảng 50.000 người đòi hỏi nhất thiết phải có một cơ sở điều trị trên bán đảo này để phục vụ nhu cầu KCB cho nhân dân và người lao động. Trong quy hoạch phát triển hệ thống y tế của ngành, đến năm 2010, TP Quy Nhơn sẽ có BV Nhơn Hội với quy mô ban đầu là 50 giường bệnh và tăng dần lên 100 giường bệnh vào năm 2020.

  • Thu Hiền

Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở KCB, phục hồi chức năng đến năm 2020:

- Mở rộng quy mô BVĐK tỉnh lên 1.000 giường bệnh.

- Mở rộng quy mô BVĐK TP Quy Nhơn lên 300 giường bệnh.

- Xây dựng mới BV sản - nhi với quy mô 100-150 giường bệnh.

- Mở rộng quy mô BVĐK Khu vực Phú Phong lên 250 giường bệnh.

- Mở rộng BVĐK Khu vực Bồng Sơn với quy mô 300 giường bệnh.

- Phát triển Trung tâm Mắt thành BV Mắt quy mô 150 giường bệnh.

- Từng bước nâng cấp, phát triển đưa BV Lao và Bệnh phổi, BV Tâm thần, BV Điều dưỡng-Phục hồi chức năng đạt tiêu chí hạng II vào năm 2010.

- Xây dựng mới BV Y học cổ truyền quy mô 150 giường bệnh, phấn đấu đưa vào sử dụng đạt tiêu chí BV hạng II vào năm 2010 và nâng lên 200 giường bệnh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bạn bầu dắt ở vạn Gò Bồi  (06/02/2007)
Hội ngộ năm châu, mở lòng hào hiệp  (06/02/2007)
Một nét Tết xưa  (06/02/2007)
Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ  (06/02/2007)
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)
Lính bay  (06/02/2007)