Những nhà giáo yêu nghề
21:18', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Cô giáo Tống Thị Kim Anh: “Yêu màu xanh đến với ngành lâm nghiệp...”

Tốt nghiệp trường lâm nghiệp, cô gái trẻ Tống Thị Kim Anh từ biệt mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào chân đèo Cù Mông (TP Quy Nhơn) để dạy học. 26 năm gắn bó với ngành, với nghề, năm nay, cô Kim Anh đã 49 tuổi nhưng lòng yêu nghề thì vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu. Tham gia giảng dạy chuyên ngành nông- lâm nghiệp tại Trường Công nhân kỹ thuật lâm nghiệp Trung ương 2 (nay là Trường Dạy nghề NN-PTNT Trung bộ) từ năm 1980, hầu như năm nào cô cũng đạt danh hiệu Giáo viên (GV) dạy giỏi cấp trường, 2 lần (năm 2000, 2006) đạt danh hiệu GV giỏi cấp bộ - tương đương với Chiến sĩ thi đua cấp bộ - với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm về cải tiến phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình và các mô hình học cụ... được áp dụng trong thực tế giảng dạy của trường.

 

Cô Tống Thị Kim Anh (áo màu) và các giáo viên trong trường đang trao đổi với chuyên gia về kỹ thuật nhân giống vô tính cây bạch đàn bằng phương pháp nuôi cấy mô.

 

Cô Kim Anh đã đề xuất xây dựng nội dung chương trình đào tạo môn nuôi trồng nấm tại Trường Dạy nghề NN-PTNT Trung bộ. Nhiều HS học chuyên ngành này ra trường đã thành lập được trang trại trồng nấm và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong vùng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Sáng kiến “Cải tiến môi trường trong nhân giống cây vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô đối với cây bạch đàn” của cô đã làm cho tỷ lệ cây (giống) sống cao hơn. Năm 2003, cô Anh đã đạt giải đặc biệt trong Hội thi “Cải cách hành chính” do Bộ NN- PTNT tổ chức với phần thưởng là một chuyến du lịch tham quan hai nước Thái Lan và Malaysia. Sáng kiến của cô đã từng bước được áp dụng trong công tác quản lý của trường, đặc biệt là khâu quản lý HS. Trước đây, HS muốn ký giấy tờ gì phải qua rất nhiều bộ phận. Nay, trường đã thành lập phòng “Quản lý giáo dục HS” để giải quyết tất cả các công việc liên quan đến HS, kể cả tư vấn cho các em.

Cho con theo học ngành lâm nghiệp, quan niệm khá phổ biến của nhiều phụ huynh HS là “bước đường cùng”. Do đó, người GV không chỉ dạy cho HS kiến thức mà còn truyền cho các em tình yêu đối với nghề, với công việc mà mình sẽ gắn bó. Cô Kim Anh tâm sự: “Tuổi thơ gắn bó sâu sắc với màu xanh của rừng nên tôi thi vào trường lâm nghiệp dù vẫn biết đây là nghề có nhiều khó khăn, vất vả. Yêu nghề, yêu HS nên ngay từ khi mới bước chân vào nghề, tôi đã đặt cho mình mục tiêu phấn đấu trở thành GV giỏi. Bởi GV có giỏi thì mới đào tạo được những lớp HS xuất sắc!”.

Nhà giáo ưu tú Ngô Quốc Lộc: “Ngọn lửa học trò đốt lên cho tôi sưởi trong cái giá rét đã ấm suốt cả cuộc đời dạy học của tôi”

Bắt đầu nghiệp dạy học ở Trường HS miền Nam số 3 (Thất Khê- Lạng Sơn) những năm 1966, trải qua nhiều môi trường giáo dục, nhiều bước thăng trầm của cuộc đời, đến nay, nhà giáo Ngô Quốc Lộc (giảng viên môn Vật lý Trường CĐSP Bình Định) đã có thâm niên giảng dạy trên 40 năm. 40 năm vì “sự nghiệp giáo dục”, thầy Lộc đã luôn phấn đấu hết mình. Trong suốt quá trình dạy học, thầy Lộc đã nhiều lần được công nhận là GV dạy giỏi, GV giỏi. Thầy rất quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và đã viết được nhiều giáo trình, đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp tỉnh, cấp bộ. Đề tài “Vận dụng và đổi mới một số hoạt động dạy và học nhằm nâng cao hiệu quả tiết học vật lý theo nội dung SGK mới” (năm 2003) đã được Tổng Liên đoàn LĐVN cấp bằng Lao động sáng tạo; đề tài cấp tỉnh “Tổ chức cho HS THCS tự làm lấy các dụng cụ thí nghiệm vật lý từ nguyên vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền” của thầy đã được xếp loại A và tham gia hội thi Sáng tạo KHKT lần thứ 4 của tỉnh (năm 2005). Thầy Lộc cho biết: “Dạy môn Vật lý thì thiết bị thực hành phải rất được coi trọng. Tuy nhiên, thiết bị dạy học ở các trường phổ thông hiện nay không đủ để triển khai dạy học theo phương pháp mới. Tổ chức cho HS làm nhiều dụng cụ thí nghiệm từ những nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền sẽ tạo cho các em sự hấp dẫn trong tìm tòi, khám phá, rèn tính khéo tay, hay làm và không chỉ giúp cho HS củng cố, khắc sâu kiến thức mà còn làm cho các em thấy những kiến thức khoa học vật lý không phải là những gì quá phức tạp, xa vời...”. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, trong dịp 20-11-2006 vừa qua, thầy Ngô Quốc Lộc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

 

Thầy giáo Ngô Quốc Lộc bên những dụng cụ thí nghiệm tự tạo.

 

Ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của mình, thầy Lộc tâm sự: “Là GV dạy giỏi- nhiều người có thể làm được, nghiên cứu khoa học- cũng đã có rất nhiều người thành công, nhưng cái khó nhất của một người thầy là giữ gìn được nhân cách của một nhà giáo...”. Hồi còn là GV dạy trường HS miền Nam, khó khăn, gian khổ rất nhiều. Có lần, khi lội qua suối để đến lớp, thầy Lộc bị trượt chân làm trôi mất một chiếc dép. Thấy thầy lên lớp chân không, ngay sau buổi học, đám học trò đã bí mật rủ nhau quần nát cả 7 km dọc theo hai bờ suối để tìm cho được dép trao thầy. Hay như mùa đông năm ấy ở Lạng Sơn có tuyết rơi, trời rét kinh khủng, thầy Lộc cứ thao thức mãi, không ngủ được. Hiểu được cái lạnh của thầy, các HS đã rủ nhau đi mót củi trong đêm và trở về với những đôi tay đỏ bầm, những khuôn mặt tái ngắt... để cùng thầy đốt lên ngọn lửa ấm áp của tình thầy- trò. Ngọn lửa ấy đã theo thầy Lộc trong suốt cuộc đời dạy học, giúp thầy giữ mãi ngọn lửa nhiệt tình của nghề nghiệp để có được những thành công như ngày hôm nay.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hướng mở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  (06/02/2007)
Bạn bầu dắt ở vạn Gò Bồi  (06/02/2007)
Hội ngộ năm châu, mở lòng hào hiệp  (06/02/2007)
Một nét Tết xưa  (06/02/2007)
Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ  (06/02/2007)
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)
Tìm lời giải cho những tồn nghi  (06/02/2007)