Từ Bí thư chi đoàn đến chủ doanh nghiệp
21:32', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Ông Mạnh Văn Bình

Trong giới doanh nhân, có nhiều người khởi đầu sự nghiệp của mình từ những điều kiện thuận lợi. Nhưng cũng có những người khởi nghiệp với vốn liếng ban đầu chỉ là ý chí và lòng quyết tâm. Trong đó, ông Mạnh Văn Bình - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp An Bình - ở vào trường hợp thứ hai. Từ một doanh nghiệp (DN) nhỏ, công ty của ông đã từng bước vươn lên, đến nay có thể đảm nhận thi công những công trình giao thông, thủy lợi với quy mô lớn.

Một buổi chiều cuối năm 2006, dành một chút thời gian rảnh rỗi, tạm gác lại những tính toán, lo toan về những dự án, công trình…, ông Mạnh Văn Bình ngồi cùng chúng tôi trong quán cà phê ở một góc TP Quy Nhơn. Khi hỏi ông về quá khứ, tôi chợt nhận thấy trong mắt ông ánh lên vẻ tự hào. Nhưng rồi ông chỉ nói về mình bằêng một dòng … “tóm tắt lý lịch”: “Năm 1969, lúc 17 tuổi, đang học phổ thông ở An Nhơn, tôi tham gia phong trào sinh viên học sinh chống Mỹ. Năm 1971 làm Bí thư liên chi đoàn Trần Văn Ơn. Năm 1972, bị địch bắt vì tội hoạt động chính trị, kết án 2 năm tù. Năm 1974, ra tù, lại trở về với cách mạng, với đồng đội. Sau năm 1975, tôi được Phân công công tác tại Trung tâm KHKT Nông nghiệp tỉnh.”

* Thế rồi duyên cớ nào đã đưa ông vào con đường doanh nghiệp?

- Trên con đường đời, có những lối rẽ mà mình cũng không ngờ. Năm 1986, tôi bị một trận đau “thập tử nhất sinh”, nằm liệt giường suốt 6 tháng trời. Mẹ tôi đã phải bán đi đôi bông tai duy nhất, vốn là vật kỷ niệm của bà, để chữa bệnh cho tôi . Thời gian nằm trên giường bệnh, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và quyết tâm phải làm kinh tế để cải thiện cuộc sống chứ không thể chấp nhận cái nghèo mãi. Rồi tôi xin nghỉ việc để thực hiện quyết tâm của mình.

Nhờ anh em, bạn bè thông cảm và hỗ trợ bằng cách cho lấy hàng trước, trả tiền sau, suốt 2 năm trời trên chiếc xe đạp “cà tàng”, tôi đã dong ruổi khắp nơi trên địa bàn tỉnh để bỏ mối vật liệu xây dựng. Tích lũy được chút ít vốn và kinh nghiệm làm ăn, tôi bắt đầu nhận thầu xây dựng. Công trình đầu tiên của tôi là thi công nhà máy cơ khí tàu thuyền Hoài Nhơn, năm 1988.

Sau đó, nhận thấy mình vốn liếng ít, khó phát huy, tôi liền “khăn gói” lên Tây Nguyên để tìm đường phát triển. Có thể nói, điều kiện đi lên của tôi chính là việc phát hiện, mua và tái chế các loại khung nhà tiền chế cũ, bán lại cho người ta làm gara, kho chứa cao su, cà phê…Từ nguồn lợi nhuận khá cao này, tôi đã thành lập doanh nghiệp (DN) chuyên nhận thầu xây dựng cho ngành cao su, cà phê ở Tây Nguyên. Nhờ chọn hướng đi đúng và đúng thời điểm, DN của tôi đi lên khá nhanh…

* Đang làm ăn phát đạt ở Tây Nguyên, vì sao ông lại trở về Bình Định?

- Tình cảm quê hương luôn giục gọi tôi về. Anh em, bạn bè cũng khuyên tôi trở về quê làm ăn. Điều quan trọng nhất để tôi quyết định trở về là vì tôi nghĩ rằng DN của mình phần nào đã đủ lực có kinh nghiệm thi công các dự án xây dựng. Năm 1993, công trình đầu tiên của An Bình sau khi trở về Bình Định là tự đầu tư vốn 1 triệu USD xây dựng chợ Phù Mỹ. Sau đó, chúng tôi tham gia thi công các công trình như: hồ thủy lợi Hà Nhe, đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, cầu Lại Giang, cầu Trường Thi, cầu Bờ Kịnh…Qua đó, năng lực thi công của đơn vị được nâng lên đáng kể.

Đặc biệt, DN An Bình đã “lớn lên” rất nhiều cùng với công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, nhất là cầu Thị Nại. Bên cạnh vinh dự được tham gia công trình thế kỷ của Bình Định, chúng tôi đã tiếp cận được công nghệ mới với phương pháp thi công tiên tiến, nâng cao được Năng lực của DN và trình độ tay nghề cùng sự tự tin cho đội ngũ cán bộ, công nhân...

* Sao ông không đặt văn phòng DN tại TP Quy Nhơn để tiện giao dịch, mà lại đặt văn phòng ở huyện An Nhơn?

- Quê tôi ở Nhơn An, trước đây vốn là một vùng quê heo hút. Lúc nhỏ phải “cơm đùm gạo túm” Đi học tại huyện, thấy người ở đô thị có nhiều tiện nghi trong cuộc sống, tôi luôn mơ ước giá mà mình cũng được như vậy. Tôi xây nhà, mở văn phòng DN tại thị trấn Bình Định bây giờ cũng đơn giản là để thỏa cái ước mơ thuở nhỏ. Vả lại, nếu DN của mình có năng lực thật sự thì dù ở đâu cũng sẽ được các đối tác biết đến.

* Ông nghĩ gì khi một số người cho rằng nhờ ông có nhiều mối quan hệ nên DN An Bình luôn có nhiều công trình?

 

Công ty An Bình thảm nhựa đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Ảnh: B.L

 

- Tất cả các DN đều cần có nhiều mối quan hệ làm ăn. Còn các mối quan hệ riêng tư, ngay từ lúc khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, tôi đã được nhiều đồng đội cũ quan tâm giúp đỡ. Tôi luôn trân trọng và tri ân những tình cảm của bạn bè, đồng đội. Nhưng nếu mình không có ý chí, quyết tâm; nếu DN của mình không có năng lực thật sự, thì sự giúp đỡ ấy cũng sẽ mai một. Bằng chữ tâm, chữ trí, chữ tín mà bản thân luôn tâm niệm, tôi quyết tâm đưa An Bình trở thành một thương hiệu mạnh, có đủ tiềm lực để phát triển ra ngoài.

* Vậy hướng đi của An Bình sẽ như thế nào trong thời gian đến, thưa ông?

Về định hướng lâu dài, An Bình sẽ chọn ngành cầu làm mũi nhọn đột phá, bởi đặc điểm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên là sông suối nhỏ, cầu không lớn nhưng nhiều cầu, phù hợp với khả năng của đơn vị. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể vươn lên tầm khu vực.

- Năm 2006, An Bình đạt doanh số trên 53 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2005; giá trị sản lượng xấp xỉ 100 tỉ đồng; nộp ngân sách 1,6 tỉ đồng, thu nhập bình quân gần 1,7 triệu đồng/người/tháng. DN của chúng tôi có trên 300 cán bộ, công nhân; nếu kể cả lao động thời vụ thì giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 700 người. Hiện nay, chúng tôi đang thi công 1 cây cầu ở Nha Trang, thi công đường Khu kinh tế Nhơn Hội, đường từ cầu 16 đi Vĩnh Thạnh và 2 gói thầu của hồ chứa nước Cẩn Hậu…

Về định hướng lâu dài, An Bình sẽ chọn ngành cầu làm mũi nhọn đột phá, bởi đặc điểm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên là sông suối nhỏ, cầu không lớn nhưng nhiều cầu, phù hợp với khả năng của đơn vị. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể vươn lên tầm khu vực. Với ngành đường, chúng tôi đã có kế Hoạch xây dựng 3 trạm trộn bê tông từ 80 - 100 m3/giờ ở Khu kinh tế Nhơn Hội, An Nhơn và An Khê (Gia Lai) để phục vụ vật tư cho các đơn vị khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thực hiện chiến lược đào tạo, thu hút nguồn nhân lực gồm lực lượng cán bộ kỹ thuật trình độ cao và Đội ngũ công nhân lành nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

  • Nguyên Vũ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những nhà giáo yêu nghề  (06/02/2007)
Hướng mở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  (06/02/2007)
Bạn bầu dắt ở vạn Gò Bồi  (06/02/2007)
Hội ngộ năm châu, mở lòng hào hiệp  (06/02/2007)
Một nét Tết xưa  (06/02/2007)
Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ  (06/02/2007)
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)
Thơ: Nguyễn Thanh Mừng, Trà Ly, Xuân Mai, Nguyễn Đức, Văn Trọng Hùng, Huỳnh Đinh Minh, Nguyễn Văn Chương, Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Ký, Hồ Thế Phất, Ngô Quốc Lộc  (06/02/2007)