Anh hùng giữa đời thường
21:43', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Câu chuyện vực dậy một xí nghiệp dược phẩm đang trên bờ vực thẳm và biến nó thành một công ty sản xuất thuốc tiêm hàng đầu Việt Nam, trở thành đơn vị Anh hùng Lao động của Anh hùng Lao động Lê Minh Tấn có lẽ nhiều người đã biết nhưng câu chuyện về một giám đốc không dùng rượu bia, không dùng điện thoại di động và từng đi cuốc đất trồng cà phê 2 tháng ròng trong rừng Lào sâu thẳm, vắng vẻ với điệp khúc “mắm thu, mắm mực” cho mỗi bữa ăn thì chỉ có “công nhân Lào” của BIDIPHAR mới rõ...

 

Anh Lê Minh Tấn bên những công nhân Lào ở Nông trường Cao su huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông.

 

Và bản thân tôi nếu không nằng nặc đòi “kiểm tra” thực địa chuyện làm ăn bên Lào của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế (BIDIPHAR) để được tháp tùng cùng anh sống những ngày gian khó trong rừng Lào thì chắc cũng chẳng hay ông dược sĩ, giám đốc một công ty sản xuất dược có cỡ đã được phong “Anh hùng Lao động” thực chất là một nông dân chính hiệu!

* Một thời gian khó

Ông bà xưa vẫn thường nói “canh cô mồ quả” chẳng biết có đúng như vậy không, nhưng nếu vận vào  tuổi Canh Dần (1950) của anh Lê Minh Tấn thì ít ra cũng đúng ở chỗ “mồ côi”. Dẫu có đông anh chị em nhưng gia đình anh Tấn lại không cùng lớn lên trong một mái ấm. Ba anh quê gốc Nam Định là bộ đội Nam tiến từ thời chống Pháp và đã dừng chân ở xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), làm rể vùng đất này để có một gia đình anh. Năm 1962, ba anh đã hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương Phù Mỹ khi anh vừa lên 10 tuổi. Gia đình anh đã sớm ly tán. 14 tuổi, anh thoát ly tham gia cách mạng và được các anh, các chú cho đi học dược tá rồi về công tác tại Trạm xá Phù Mỹ. Cuộc chiến khốc liệt, anh tham gia vào Đội phẫu tuyến trước của Sư đoàn 3 Sao Vàng, giữ nhiệm vụ pha chế thuốc phục vụ chiến trường, phục vụ thương binh. Năm 1970 anh được đi học dược sĩ trung học ở Khu 5 (lúc này đóng chốt ở Quảng Nam). Năm 1973, tốt nghiệp ra trường anh lại được điều về làm hiệu phó Trường Cán bộ y tế tỉnh Bình Định đào tạo y tá, dược tá. Rồi anh lại tiếp tục học chuyên khoa dược liệu đến sau ngày giải phóng thì về nhận công tác ở Ty Y tế Nghĩa Bình. Cuộc đời hoạt động cách mạng trong chiến tranh tính ra được đi học khá nhiều như vậy song phải đến năm 1981, Lê Minh Tấn mới đi Đà Nẵng học cấp 3 và đến năm 1983 thi đỗ vào Trường Đại học Dược thành phố Hồ Chí Minh.

Bao năm anh phải xa nhà để theo đuổi việc học đã khiến gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh học đại học bỏ lại một gia cảnh khó khăn cho vợ và đứa con gái nhỏ, anh rất áy náy. Song anh nói cứng: “Tiền lương của anh em cứ lĩnh nuôi con, phần anh sẽ tự kiếm tiền ăn học”. Và anh đã làm được điều ấy một cách vẻ vang trong những năm tháng khó khăn của thời bao cấp.

Nói “vẻ vang” là vì thời đó, nhiều sinh viên trường dược có hoàn cảnh khó khăn như anh đã chọn nhiều cách làm thuê: người chở đá lạnh đi bỏ cho các tiệm bán giải khát; người ủ giá đậu ra chợ bán… còn anh chọn thuê một căn gác xép cạnh ký túc xá mở xưởng bào chế thuốc. Giữa thời kỳ điều kiện vật chất phục vụ cho sinh hoạt con người thiếu thốn, bệnh ghẻ hoành hành khắp nơi từ các trường học đến công - nông trường… anh quyết định chọn mặt hàng thuốc DEP để bào chế. Sản phẩm của anh làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cái “xưởng” dược ở một góc ký túc xá của anh nổi tiếng khắp trường và đã cho anh một khoản thu nhập kha khá đủ để ăn học và tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu dược khác như: sản xuất viên nang dầu cá, chất lấy dấu răng… Và anh đã chọn đề tài chất lấy dấu răng làm đề tài tốt nghiệp, được đánh giá xuất sắc và sản phẩm anh làm ra lúc ấy được cung cấp cho Viện Răng Hàm Mặt.

Vượt qua thời gian khó này, Lê Minh Tấn đã chuẩn bị được một hành trang vững vàng để tiếp tục vượt qua những “con dốc lớn” trong cuộc đời… Mà con dốc dài và khó khăn nhất là đưa một xí nghiệp dược từ chỗ sản xuất đình trệ, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, mặt hàng sản xuất chỉ là những sản phẩm đơn giản, chất lượng thấp, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, CBCNV thiếu việc làm phải luân phiên nghỉ việc không hưởng lương năm 1989 trở thành một đơn vị Anh hùng Lao động và sản nghiệp của BIDIPHAR giờ đây đã lên đến vài trăm tỉ.

* Một đời cần lao...

Giờ đây, khi đã bước sang năm thứ 18 làm giám đốc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; đơn vị cũng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, anh Lê Minh Tấn vẫn không hề nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Chính cái sáng kiến “thắt lưng buộc bụng”- huy động anh em công nhân góp vốn từ lương- thực hiện từ năm 1993, anh được coi là người đi tiên phong trong chính sách cổ phần hóa. Và từ đó anh luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để doanh nghiệp BIDIPHAR thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Nhà nước.

ÔKhi cổ phần hóa, chắc chắn BIDIPHAR sẽ lên sàn giao dịch chứng khoán và giá lúc ấy có thể được đẩy lên hàng vài trăm tỉ đồng… CB-CNV của công ty không dễ được làm chủ nữa và nguy cơ mất việc, cuộc sống bấp bênh là có thể xảy ra. Tuy nhiên Ban giám đốc chúng tôi đã chuẩn bị “sân sau” cho anh em cả rồi. Với tiền vốn góp được của anh em lâu nay, chúng tôi đã và sẽ xây dựng ba phân xưởng mới và sẽ cổ phần hóa bộ phận này cộng với dự án trồng 5.000 ha cao su, cây công nghiệp ở Lào, tôi tin chắc cuộc sống của CB-CNV sẽ ổn định sau khi BIDIPHAR cổ phần hóa và sẽ bền vững đến ít nhất là năm 2020” - anh Tấn khẳng định.

Và để chuẩn bị cho cái “sân sau” này, những năm qua, anh đã ngược xuôi sang Lào mở nông trường cà phê, rồi nông trường cao su. Gian khó nhất là vào những năm 2000, khi 175 ha cà phê trồng ở Boloven sau một năm bị sương muối làm cho chết sạch. Hàng trăm triệu đồng tiền “thắt lưng buộc bụng” của anh em phút chốc tan theo sương muối. Nhiều người trong công ty hoang mang, thiếu tin nhưng anh quyết tâm làm lại từ đầu. Anh dỡ theo gạo, mắm sang Lào “ba cùng” với công nhân ròng rã hai tháng liền trong rừng sâu núi thẳm của cao nguyên Boloven. Sự có mặt của anh đã gây một niềm tin lớn trong anh em công nhân Việt ở Lào và thành quả của sự quyết tâm đó là giờ đây 250 ha cà phê đã được trồng lại trong đó có 70 ha cà phê 4 tuổi, 40 ha cà phê 3 tuổi đang vào vụ bội thu, dự kiến sẽ thu được hơn 1 triệu USD.

Anh Tấn ví von: “Làm thuốc bỏ vốn ra nhiều nhưng thu từng ít một còn trồng cà phê, cao su chỉ bỏ vốn ra ít một mà thu lại thì rất nhiều”. Có lẽ thế mà giờ đây anh đâm mê chính cái rừng cà phê, cao su bên Lào hơn là công việc ở nhà máy dược, không tháng nào là anh không có mặt ở Lào 5,7 ngày.

Anh hùng Lao động Lê Minh Tấn cùng vợ và con gái.

Lo thị trường cho thuốc, thị trường cho cà phê, tìm hiểu thiết bị máy móc, tìm kiếm đối tác… bản thân anh Tấn được đi châu Á, châu Âu nhưng cái chất nông dân của anh thì không lẩn đi đâu được.

Không dùng bia rượu và không dùng điện thoại di động, có lẽ Anh hùng Lao động Lê Minh Tấn là vị giám đốc đặc biệt nhất ở đất nước này. Ngày tôi tháp tùng sang Lào cùng anh thăm cơ ngơi của BIDIPHAR, đồng nghiệp ai cũng bảo là tôi sẽ có những ngày sung sướng chẳng dè đó là chuyến công tác nước ngoài kham khổ nhất của tôi. Bữa ăn chính của anh thường trực vẫn chỉ là mắm thu chưng, mắm mực kho (mà vợ anh mua dỡ theo cho anh) với rau cải hoặc rau muống luộc. Ngay cả lúc đi Paksé thăm Công ty liên doanh CPF (liên doanh giữa BIDIPHAR và tỉnh Champasak) anh cũng chẳng để chúng tôi ngủ khách sạn, ăn nhà hàng mà ăn ở với anh em công nhân ngay trong khu nhà kho của BIDIPHAR, cách Paksé 21 cây số. Anh bảo món ăn Lào không thích hợp với anh; vả lại, anh đi công tác thường xuyên nếu cứ ở khách sạn, ăn nhà hàng tiền nào chịu cho thấu.

Không chỉ lo cho công nhân việc làm, tiền lương, anh còn chăm chút từng li từng tí cho đời sống công nhân. Xung quanh khu nhà nghỉ của công nhân Việt Nam bên Lào có trồng đủ các loại cây ăn trái: hồng giòn, mít tố nữ, xoài… mà giống là do anh đi tìm từ Đà Lạt, Bến Tre, Cần Thơ… và mang sang trồng.

Anh nói: “Trồng để sau này anh em ở bên này có cái mà ăn… mà nhớ mình chứ mình có ở đây đâu”. Anh tin ở cái đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cũng như anh tôn thờ đạo lý ấy. Việc lập bàn thờ giám đốc tiền nhiệm để hương khói ngay trong phòng làm việc của mình, có lẽ trên đời này cũng chỉ có mình anh làm. Trong ngày lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, anh dìu người mẹ già của anh lên bục và rưng rưng nói: “Tôi có được như ngày nay là nhờ ở công lao mẹ tôi”. Còn với người vợ, chị Nguyễn Thị Thao, thì anh tâng công: “Cô ấy đáng được thưởng huy chương vì sự nghiệp gia đình. Bởi 2 con tôi giờ đứa đang làm tiến sĩ dược học ở Anh, đứa học ở Trường Đại học Victoria (New Zealand) là nhờ cô ấy”. Quả thật, một đời say mê cần lao và hiếm hoi có mặt ở nhà như anh nếu không nhờ một người vợ đảm đang và khéo nuôi dạy con như chị Nguyễn Thị Thao thì con cái khó lòng nên người.

Con cái đã trưởng thành, ăn uống rất giản đơn, nhu cầu cho cuộc sống đối với gia đình anh chẳng có gì bức xúc, còn 3 năm nữa là đến tuổi hưu, theo thói thường, con người ta đã tính đến chuyện nghỉ ngơi, chơi bời nhưng với anh hầu như đó không là vấn đề  bận tâm. Anh vẫn ngược xuôi sang Lào, máu huyết với cái dự án 5.000 ha cao su; với sự nghiệp sản xuất dược, anh tính: năm 2007 xong nhà máy sản xuất dịch truyền; năm 2008 xong nhà máy kéo ống thủy tinh; năm 2009 xong nhà máy sản xuất dây dịch truyền; nghỉ hưu thì tiếp tục lên rừng Lào làm cao su với anh em…

Tính vậy, cuộc đời của một Anh hùng Lao động như anh chẳng thấy có ngày hội hè chỉ thấy những ngày cần lao.

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ Bí thư chi đoàn đến chủ doanh nghiệp  (06/02/2007)
Những nhà giáo yêu nghề  (06/02/2007)
Hướng mở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  (06/02/2007)
Bạn bầu dắt ở vạn Gò Bồi  (06/02/2007)
Hội ngộ năm châu, mở lòng hào hiệp  (06/02/2007)
Một nét Tết xưa  (06/02/2007)
Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ  (06/02/2007)
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)
Câu đối  (06/02/2007)