Cảng Quy Nhơn: Hành trình ra biển lớn
21:48', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Nói về năng lực hiện nay của Cảng Quy Nhơn (CQN), ông Nguyễn Tín Dân - Giám đốc CQN - đã dùng một hình tượng khá cụ thể: “CQN như một ngôi nhà tuy không bề thế cho lắm, nhưng cũng đã tương đối đầy đủ tiện nghi”. Cùng với sự tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liên tục, CQN đã có một quá trình chuẩn bị về nhiều mặt để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

 

Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Phạm Biết

 

1. Đến nay, CQN đã có trên 30 năm góp phần phục vụ phát triển KTXH của tỉnh Bình Định và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Chỉ tính riêng về sản lượng hàng hóa thông qua cảng, con số tăng trưởng gấâp 53 lần (50.000 tấn/năm 1976 so với gần 2,7 triệu tấn/năm 2006) cũng đủ nói lên sự thành công của một chiến lược phát triển đúng đắn và phù hợp của CQN. Đó là quá trình phát huy nội lực; năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh (SXKD); dự báo chính xác tình hình kinh tế của khu vực để xây dựng chiến lược đón đầu xu thế phát triển; đầu tư đúng trọng điểm và có hiệu quả về cơ sở hạ tầng (CSHT), trang thiết bị phục vụ SXKD.

Đó còn là quá trình triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình sản xuất; có chính sách phù hợp để thu hút nguồn hàng, khách hàng… Năm 2001, CQN đã thành lập Ban ISO và chính thức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 từ đầu năm 2004, đã chuẩn hóa và nâng cao quy trình tác nghiệp của toàn doanh nghiệp (DN). Thông qua việc thực hiện đầy đủ các quy định về cảng biển theo tiêu chuẩn quốc tế, CQN đã được cấp “giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển” được Bộ GTVT công nhận cảng biển hạng I, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và năng lực cạnh tranh của DN; tạo cơ sở vững chắc cho quá trình hội nhập.

2. Năm 2004, tại hội nghị bàn phương hướng phát triển KTXH các tỉnh miền Trung đến năm 2010, Chính phủ đã đánh giá CQN là đầu mối quan trọng trên trục hành lang Đông - Tây, là cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông. Tại Quyết định số 148/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu để phát triển KTXH vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc lại vai trò quan trọng của CQN trong vấn đề đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của khu vực.

Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, CQN đã có nhiều nỗ lực tự hoàn thiện mình. Theo kế hoạch, CQN được nhà nước đầu tư 256 tỉ đồng để nâng cấp CSHT nhằm nâng công suất lên 2,2 triệu tấn/năm, hoàn thành trong 2 năm 2005 và 2006. Đến nay, tuy chỉ được giải ngân 135 tỉ đồng, nhưng sản lượng hàng thông qua cảng đã đạt gần 2,7 triệu tấn/năm, thể hiện cách nghĩ, cách làm có hiệu quả của CQN. Chỉ tính riêng trong năm 2006, bằng nguồn vốn tự bổ sung, CQN đã đầu tư trên 64 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị, xây dựng các công trình CSHT… Hiệân nay, CSHT và trang thiết bị của CQN tuy chưa ngang tầm so với các cảng lớn, nhưng cũng đã tương đối đồng bộ, đủ năng lực xếp dỡ tất cả các mặt hàng, kể cả hàng siêu trường, siêu trọng; tiếp nhận được tàu trọng tải 35.000 DWT trở lại; hoàn toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực.

Đến nay, tổng giá trị tài sản của CQN khoảng 252 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 110 tỉ; còn lại là vốn tự bổ sung của DN. Năm 2006, CQN đạt tổng doanh thu 120 tỉ đồng, tăng 15% so với Năm 2005; nộp ngân sách 10,7 tỉ đồng; thu nhập bình quân của trên 1.000 CB-NV và người lao động trong DN gần 3,7 triệu đồng/người/tháng.

3. Theo ông Nguyễn Tín Dân, do đặc thù của cảng biển, trong quá trình hoạt động đã mang tính hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Song để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng như trong thời gian 5 năm qua, CQN còn phải tiếp tục hoàn thiện về nhiều mặt, chứ không thể “đầu tư ít, hiệu quả cao” như trước đây. Nhằm đạt đến con số 4 triệu tấn hàng hóa thông qua vào năm 2010, phải xây Dựng thêm một cầu tàu container đạt tiêu chuẩn quốc tế; quy hoạch các cầu tàu hiện có thành cầu chuyên dùng cho từng nhóm mặt hàng để có thể đầu tư trang thiết bị phù hợp, nâng cao năng lực xếp dỡ của cảng. Ngoài ra, CQN đang chuẩn bị triển khai các dự án: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất… 

Theo lộ trình hội nhập, đến năm 2009 sẽ không còn rào cản trong các dịch vụ cảng ở nước ta, các DN cảng phải tự hoàn thiện để tăng tính cạnh tranh. Ông Nguyễn Tín Dân cho rằng: Ngay từ bây giờ, nhà nước cần có các cơ chế cụ thể và phù hợp, cho phép liên doanh, liên kết hoặc cổ phần hóa…để các DN cảng có thể tạo nguồn vốn hoạt động và có định hướng lâu dài cho con đường phát triển của DN.

  • Thúy Vi
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Anh hùng giữa đời thường  (06/02/2007)
Từ Bí thư chi đoàn đến chủ doanh nghiệp  (06/02/2007)
Những nhà giáo yêu nghề  (06/02/2007)
Hướng mở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  (06/02/2007)
Bạn bầu dắt ở vạn Gò Bồi  (06/02/2007)
Hội ngộ năm châu, mở lòng hào hiệp  (06/02/2007)
Một nét Tết xưa  (06/02/2007)
Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ  (06/02/2007)
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)
Những con heo ngốc nghếch  (06/02/2007)
Thức đêm với chợ hoa xuân  (06/02/2007)