Hương Quê: Thương hiệu các món đặc sản của Bình Định
22:2', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Từ những món ăn quen thuộc mang hương vị của người Bình Định, chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa đã làm nên thương hiệu Hương Quê. Sản phẩm Hương Quê không chỉ chinh phục người tiêu dùng (NTD) trong tỉnh, mà còn khẳng định vị trí ở các siêu thị lớn, nhỏ trong cả nước.

 

Một số sản phẩm của Hương Quê tại một hội chợ. Ảnh: Y.X

 

* Từ món ăn truyền thống trở thành đặc sản

Trước đây, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhiều gia đình phải tất bật chuẩn bị các món ăn truyền thống như nem, tré, dưa kiệu, tôm chua, bò khô... Dần dần, các món ăn trên được nhiều cơ sở sản xuất như Hưng Bình, Anh Đạt, Lâm Huế… và trở thành món cho bữa ăn hàng ngày.  

Ra đời muộn hơn nhưng sản phẩm của Hương Quê của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa (954 Trần Hưng Đạo - TP. Quy Nhơn) lại nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Nhờ bí quyết gia truyền của gia đình về các món ăn truyền thống này, chị đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và xây dựng nên thương hiệu Hương Quê.

Hương Quê có 12 sản phẩm đặc trưng với dưa kiệu chua ngọt, dưa kiệu mặn, tôm chua ớt, tôm chua đu đủ, tai heo mặn, khô nai, bò khô, nem, tré... Hầu hết nguyên liệu làm các sản phẩm trên đều lấy tại địa phương, chế biến món ăn theo công thức gia truyền với khẩu vị của người Bình Định. Các sản phẩm của Hương Quê không sử dụng thực phẩm hóa học, hàn the, chất tẩy để tạo độ trắng, giòn của kiệu, tai heo, độ tươi cứng của tôm và tạo màu của bò khô nên nếu nhìn vẻ ngoài không “bắt mắt” NTD. Tuy nhiên, các sản phẩm của Hương Quê chinh phục NTD ở chất lượng và hương vị độc đáo của từng món.

Tại Hội chợ Expo 2006 tổ chức ở Hà Nội, Công ty TNHH Thương mại sản xuất thực phẩm Hương Quê đã đoạt Giải thưởng sáng tạo “Món ăn mới cho ẩm thực Việt Nam” với món cơm cháy chiên. Món cơm cháy chiên không xa lạ với người dân Bình Định nhưng để chinh phục NTD trong cả nước là điều không dễ. Chị đã tự thiết kế cho mình kiểu khuôn, công thức giữ độ giòn, độ ngon của sản phẩm từ nhiệt độ mà không lẫn một tạp chất nào khác. Món cơm chiên chà bông, cơm chiên bò khô, cơm chiên chay (dành cho người ăn chay) mang thương hiệu Hương Quê ra đời không lâu nhưng đã trở thành món ăn bán chạy và hấp dẫn NTD trong cả nước. Để phù hợp với khẩu vị của NTD từng miền khác nhau, sản phẩm Hương Quê được thay đổi một số gia vị như miền Bắc thì thêm độ mặn, cay; miền Nam thì thêm vị ngọt, ít cay…

* Khẳng định thương hiệu

Tuy 12 sản phẩm của Hương Quê được sản xuất bằng thủ công nhưng bao bì, hình thức mẫu mã khá hiện đại. Chị Hoa đã vào TP. Hồ Chí Minh để đặt thiết kế nhãn hiệu, tờ rơi quảng cáo, vỏ hộp, lọ thủy tinh, học cách thức đóng gói sản phẩm... Hương Quê vừa đầu tư trên 200 triệu đồng thay đổi mẫu mã bao bì món bò khô và hàng trăm triệu đồng đầu tư thêm thiết bị máy móc đóng gói. Trong quá trình sản xuất, chị Hoa đã nghĩ ra nhiều cách làm giảm giá thành sản phẩm bằng việc cải tiến khâu chế biến thủ công, tiết kiệm nguyên vật liệu... Thuận lợi đầu tiên chính là nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi dào, giá rẻ như thịt bò, thịt heo, tôm…; đặc biệt kiệu Phù Mỹ vốn nổi tiếng là loại kiệu ngon nhất. Bên cạnh đó, chị Hoa không ngừng mày mò, học hỏi. Chị đã sáng tạo ra bếp lò vừa sử dụng điện, vừa sử dụng than với các mô tơ quạt gắn phía dưới nhằm điều khiển độ nóng của than khi cần thiết. Nhờ vậy, công ty đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho chất đốt, nhân công mà vẫn đảm bảo nhiệt độ cần thiết để cho ra sản phẩm, nhất là bò khô, nai khô. Sản phẩm nai khô, bò khô vụn được đóng gói thành bao bì nhỏ, bán lẻ cho NTD …

* Tìm đường vào siêu thị

Những người bạn trong kinh doanh của chị Hoa vẫn hay gọi chị là “người có máu liều” với hội chợ. Chỉ tính riêng năm 2006, công ty đã tham gia 9 hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đầu năm 2007, Hương Quê lại có mặt ở hội chợ thương mại tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Hà Tĩnh. Tuy chi phí của công ty để tham gia mỗi hội chợ gần chục triệu nhưng công ty coi đây là con đường quảng bá thương hiệu nhanh nhất đến NTD. Sau Hội chợ Expo 2006, công ty tìm được nhà phân phối hàng hóa là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ đầu tư Nhất Long và sản phẩm của công ty đã thâm nhập vào các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội sau khi đáp ứng được các yêu cầu khá cao về chất lượng, bảo quản, đóng gói, vận chuyển… Các sản phẩm Hương Quê không chỉ thuyết phục được Ban quản lý hệ thống siêu thị Intimart (Hà Nội) mà còn có mặt ở hơn 80 siêu thị khác tại một số thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM…

Trong năm 2006, công ty nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác của các đối tác nước ngoài Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc nhưng vì quy mô sản xuất còn nhỏ, không thể đáp ứng số lượng lớn của các đối tác nên công ty đành từ chối.

  • Hải Yến

Giải thưởng trong năm 2006:

- Cúp vàng “Quản lý chất lượng toàn cầu” tại Roma (Ý) - Đây là giải thưởng do CLB các doanh nghiệp hàng đầu thế giới bình chọn. CLB thành lập 1950. Hiện có 7.000 thành viên là các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Năm 2006, có 30 doanh nghiệp ở 30 nước được bình chọn danh hiệu này. Tại Việt Nam, có 6 doanh nghiệp đoạt giải từ trước đến nay.

- Huy chương vàng Expo 2006 tại Hà Nội - Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 16. Hội chợ thu hút 450 doanh nghiệp trong nước và 200 công ty đến từ 14 nước và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự như Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... và các thị trường tiềm năng như Arập Xêút, Pakistan... Đặc biệt, sẽ có 6 nước tổ chức gian hàng quốc gia riêng là Cuba, Hàn Quốc, Malaysia, Cộng hòa Séc, Myanmar và Trung Quốc.

- Giải thưởng sáng tạo “Món ăn mới cho ẩm thực Việt Nam”.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tết, loanh quanh cùng nước mắm  (06/02/2007)
Cảng Quy Nhơn: Hành trình ra biển lớn  (06/02/2007)
Anh hùng giữa đời thường  (06/02/2007)
Từ Bí thư chi đoàn đến chủ doanh nghiệp  (06/02/2007)
Những nhà giáo yêu nghề  (06/02/2007)
Hướng mở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  (06/02/2007)
Bạn bầu dắt ở vạn Gò Bồi  (06/02/2007)
Hội ngộ năm châu, mở lòng hào hiệp  (06/02/2007)
Một nét Tết xưa  (06/02/2007)
Tổ chức Festival đầu tiên trên miền đất Võ  (06/02/2007)
Tiếng đàn mùa xuân  (06/02/2007)
Ngày xuân nghĩ về chợ quê  (06/02/2007)
Hảo Gò Sành và ý tưởng “đêm đối tửu”  (06/02/2007)
Dấu ấn con đường  (06/02/2007)
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ  (06/02/2007)