Nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với nhiều thuận lợi và cũng lắm thách thức. Để có thể hội nhập vào “sân chơi” toàn cầu, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp ở Bình Định đã có những bước đi cụ thể, phù hợp. Báo Bình Định xuân 2007 giới thiệu một số điểm sáng tiêu biểu trong bức tranh nhiều sắc màu của ngành CN Bình Định.
|
Kỹ thuật viên Công ty BIMICO kiểm tra chất lượng sản phẩm.
|
1. Thời gian qua, Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (BIMICO) đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm zircon, ilmenite, rutile, monazite của BIMICO đều đạt chất lượng cao và có ưu thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia tại các thị trường khó tính.
Đây là kết quả của việc tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ và việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của BIMICO. Chỉ tính từ đầu năm 2006 đến nay, BIMICO đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng xây dựng phòng thí nghiệm, mua máy móc thiết bị khai thác tận thu tài nguyên, tuyển chọn nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Nhờ đó, tình hình SXKD của đơn vị luôn tăng trưởng ổn định, đảm bảo nộp ngân sách, đầu tư tái sản xuất và đưa mức cổ tức hàng năm đạt trên 30%. Mới đây (28-12-2006), cổ phiếu của BIMICO đã chính thức được niêm yết và giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh và trở thành DN đầu tiên của Bình Định lên sàn giao dịch. Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc BIMICO - cho biết: “Khi tham gia thị trường chứng khoán, nếu DN làm ăn được, có những dự án khả thi thì giá cổ phiếu sẽ tăng cao, khả năng huy động vốn dễ dàng, tăng uy tín thương hiệu... Còn ngược lại, nếu làm ăn không hiệu quả, không có chiến lược kinh doanh khả thi thì giá cổ phiếu sẽ sụt giảm, nguy cơ phá sản là rất lớn”.
Hiện nay, BIMICO đang xúc tiến đầu tư dự án chế biến sâu quặng titan bằng việc xây dựng nhà máy luyện xỉ titan và xưởng nghiền mịn zircon. Trong đó, xưởng nghiền mịn zircon có tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào đầu năm 2007 này. Nhà máy luyện xỉ titan có tổng giá trị đầu tư trên 30 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm 2007. Qua đánh giá, triển vọng của những dự án này là rất cao. Điều đó đã được minh chứng cụ thể qua giá cổ phiếu của BIMICO trên sàn giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BIMICO được khớp lệnh ở mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 5 lần so với mệnh giá niêm yết.
2. Trong những năm gần đây, ngành chế biến thủy hải sản luôn gặp “sóng gió” từ vụ kiện bán phá giá tôm đến các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, những cái khó này không làm giảm năng lực chế biến của Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn (CPĐLQN), mà ngược lại DN đã tận dụng cơ hội này để bứt phá vươn lên.
Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ, DN đã tuyển dụng thêm nhân lực, tổ chức đào tạo nghề nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ lao động. Công tác thu mua nguyên liệu, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm cũng đã được DN chú trọng; tiếp cận được thông tin mới về thị trường xuất khẩu và đã tìm được nhiều đối tác làm ăn. Mặc dù thời gian qua hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định có giảm sút, nhưng Công ty CPĐLQN vẫn luôn ổn định và phát triển. Riêng trong năm 2006, DN đã thực hiện kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 5,2 triệu USD, tăng 14,4% so với năm 2005.
Theo dự đoán, nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhưng yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe hơn. Để đáp ứng yêu cầu này, DN đã tập trung chế biến những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo không có dư lượng kháng sinh, hóa chất cũng như các chất bị cấm khác. Ông Mai Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty CPĐLQN - cho biết: “Từ năm 2006, chúng tôi đã chú trọng sản xuất một số mặt hàng cao cấp từ tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá ngừ đại dương, cá thu… phục vụ xuất khẩu. Các sản phẩm này đã được khách hàng ở các nước “khó tính” như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản chấp nhận và ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn”.
Định hướng phát triển của DN vẫn tập trung vào những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như lâu nay. Mục tiêu trong năm 2007, DN phấn đấu nâng mức doanh thu, KNXK tăng 15% so với năm 2006.
|
Phân xưởng chế biến tôm đông lạnh của Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn.
|
3. So với khi mới thành lập (năm 1999), hiện nay năng lực chế biến của Công ty TNHH Tiến Đạt tăng gấp 18 lần, đạt 180 container sản phẩm/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.500 lao động. Bên cạnh đó, DN còn có đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững, đảm bảo thực hiện các hợp đồng có giá trị kinh tế lớn.
Trong thời gian qua, DN đã chủ động nhập khẩu nguyên liệu chế biến, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng trang web để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu của mình ra thế giới. Việc làm này không chỉ đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu, mà còn là “hành trang hội nhập WTO” của đơn vị. Hiện nay, sản phẩm gỗ xuất khẩu của Tiến Đạt đã được xuất sang các thị trường: Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan… Nếu như năm 2001, KNXK của đơn vị chỉ đạt 2,65 triệu USD, thì năm 2006 con số này đã tăng lên 20 triệu USD, trở thành một trong những đơn vị có KNXK cao của tỉnh.
Công ty TNHH Tiến Đạt đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lắp đặt thêm một số dây chuyền công nghệ cao nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Một trong những dự án đang được DN xúc tiến là đầu tư trang thiết bị để sản xuất đồ gỗ nội thất, có giá trị cao, tiêu hao nguyên liệu ít. Đây là một trong những vấn đề mà ngành CN tỉnh quan tâm trong việc chọn bước đi vững chắc cho ngành hàng chế biến lâm sản xuất khẩu.
Hiện nay, mặc dù mới đầu năm, nhưng Tiến Đạt đã ký kết được nhiều hợp đồng sản xuất có giá trị lớn, đảm bảo cho 2.500 lao động có việc làm thường xuyên và phấn đấu thực hiện KNXK đạt 24 triệu USD trong năm 2007.
|