1. Tôi nhớ cách đây khoảng bảy tám năm, khi Khu kinh tế Nhơn Hội chưa lọt vào mắt xanh của những người có trách nhiệm ở Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã có sáng kiến đưa ra là: “Xây dựng tuyến cầu đường sang Nhơn Hội phải cần một nguồn vốn rất lớn, trong khi tỉnh còn nghèo, Trung ương thì không chi viện, hay là chúng ta cứ tự lực cánh sinh, tập trung toàn lực xây dựng hoàn thành hạ tầng khu kinh tế, rồi vượt đầm Thị Nại bằng phà tự hành?”. Cũng chính từ tư duy sáng tạo, từ quyết tâm cao như vậy mà Bình Định được cả nước biết đến và trân trọng như là một điển hình của cách làm mạnh dạn, năng động, để rồi có được một nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn hồi cả nước đang khát điện; một tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu phá thế độc đạo của thành phố Quy Nhơn, sau này Trung ương thấy hiệu quả và quyết định đặt tên thành Quốc lộ 1D. Trong bài báo “Mừng” nhân ngày thông xe kỹ thuật cầu Thị Nại, tác giả Vũ Ngọc Liễn đã viết: “Vâng, đúng như nhiều nhà báo nói rằng cây cầu Thị Nại là niềm vui lớn của nhân dân Bình Định. Tôi xin bổ sung, nó còn là kết tinh của ý chí và nghị lực của con người Bình Định xưa và nay. Nếu bạn chịu khó ngược dòng thời sự tìm hiểu sự vật từ khi phôi thai đến lúc chào đời như hôm nay mới thấm thía điều này... Có lẽ vì thế mà cái ý chí tự lực cánh sinh được đào luyện thành một thứ gen không ưa vòi vĩnh trở thành máu thịt của người Bình Định”.
|
Toàn cảnh cầu Thị Nại về đêm. Ảnh: Phạm Văn Chai
|
2. Nhà tôi ở phường Thị Nại. Không biết tự khi nào tôi có thói quen hay tản bộ ra cầu Đen dõi tầm mắt ra mênh mang sóng nước mặt đầm lúc bình minh và khi hoàng hôn đến. Những lúc ấy tôi thấy trong lòng thư thái lạ. Nơi đây, hơn hai trăm năm trước, những thủy binh oai hùng của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ - Quang Trung - hiên ngang dọc ngang trên sóng nước đầm Thị Nại, dẹp đuổi lũ bán nước, ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Hơn hai trăm năm sau, con cháu của Người lại tiếp bước, xẻ dọc một vùng sóng nước, bắc cầu mới, bước vào tương lai tươi sáng. Khi chiếc cọc khoan nhồi đầu tiên dài ngót 70 mét xuyên sâu vào lòng biển đụng tầng đá gốc, rồi trụ cầu đầu tiên ngoi lên khỏi mặt nước là lúc trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Cứ thế, tôi kiên nhẫn chờ đợi sự đổi thay hình hài của cây cầu thân yêu. Rất nhiều bạn bè tôi ở xa biết vậy, nên mỗi lần gọi điện về, bao giờ họ cũng hỏi về tiến độ của cây cầu. Tôi biết không chỉ bạn tôi, bao nhiêu người Bình Định xa quê đều canh cánh như vậy. Cầu Thị Nại thân yêu chính là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Bình Định dù ở tại quê nhà hay thăm thẳm cõi trời xa. Chả thế mà trong ngày vui thông xe kỹ thuật cầu Thị Nại, bao người con xa quê đã đăm đắm dõi theo sự kiện lịch sử này. Lượng bạn đọc Báo Bình Định điện tử ngày hôm ấy đã đạt con số kỷ lục: hơn 400.000 lượt truy cập. Nhiều bạn đọc trong và ngoài nước chưa thỏa chí, đã đề nghị Tòa soạn chụp ảnh toàn cảnh cây cầu và đẩy gấp lên mạng. Và, Tòa soạn đáp ứng ngay bằng cách mời Đào Tiến Đạt, một tay máy tầm cỡ trong làng nhiếp ảnh Bình Định và quốc tế, để đáp lại yêu cầu chính đáng đó của bạn đọc thân yêu.
Nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn (người mà tôi đã nhắc đến ở phần đầu bài viết), đã hơn tám mươi năm có lẻ... nhìn thấy mặt trời. Ông người quê Nhơn Lý, được xem là tinh thông kim cổ đông tây. Ông đưa ra một ý tưởng với chúng tôi: “Tớ thấy lũ mình nên dành một đêm tâm sự với cây cầu. Được trước ngày khánh thành cầu thì tốt”. Đề xuất này của ông lập tức được chúng tôi tán thưởng nhiệt liệt. Thế là một đêm trước ngày khánh thành cầu, chúng tôi đùm túm kéo nhau đến giữa cầu. Đêm ấy trời mưa to, vậy mà khi chúng tôi bật nắp mấy chai bia để cụ Liễn kính cáo trời đất và rót xuống mặt đầm thì... trời ngừng mưa ngay tắp lự. Dường như trời đất và hương hồn của người xưa đã liền mạch với chúng ta.
3. Nghề làm báo đã cho tôi may mắn được đến một vài thành phố ngoài biên giới quốc gia. Ngồi trên ban công của một khách sạn cao tầng ở Hồng Kông, Đài Bắc, Cao Hùng..., tôi đã từng có những đêm khó ngủ. Những lúc ấy, tôi chỉ ước sao Quy Nhơn mình cũng bề thế, lộng lẫy và rực rỡ như vậy. Những thành phố này đều có vị thế hao hao giống thành phố của tôi, nghĩa là cũng có sông, có núi, có biển. Nhưng, đó là vô số những khối nhà chọc trời ken dày vào nhau, vịn vai nhau nhấp nhô từ thấp lên cao lên tới đỉnh núi. Những khu đô thị hiện đại này được nối vào nhau bởi vô số cầu vượt biển, vượt sông và cả những đường hầm dưới đáy biển. Thế giới xích lại gần nhau bởi những cây cầu. Đã có ai đó từng nói như vậy.
Sáng nay, qua cửa sổ máy bay, tôi đã nhìn thấy cây cầu thân yêu của tôi. Giữa xôn xao sóng nước mặt đầm, cầu Thị Nại như một nét chì quyết đoán vạch đường mở rộng thành phố về hướng đông bắc. Tôi biết, sau này con cháu chúng ta sẽ còn xây dựng thêm nhiều cây cầu hoành tráng trên mặt đầm này. Thậm chí chúng còn làm thêm những đường hầm xuyên biển. Tuy nhiên, cây cầu Thị Nại của bạn, của tôi hôm nay vẫn là nét chì đầu tiên mở đường cho những dự định, những khát vọng đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu.
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng đoạn phát biểu đầy xúc động của Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà trong buổi Lễ khánh thành cầu Thị Nại: “Đến bây giờ thì hệ thống cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội đã hoàn thành. Đây là giấc mơ ngàn đời của nhân dân Bình Định, là biểu tượng, là kết tinh cho ý chí tự lực tự cường, nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Bình Định trong khát vọng đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Cầu Thị Nại chính là nhịp cầu nối vào tương lai tươi sáng, là tiền đề để Bình Định cùng khu vực và cả nước tạo ra những bước đột phá quyết liệt hơn trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước lúc sinh thời của Bác Hồ kính yêu”.
|