* Tùy bút của Hoài Nam
Hòa trong dòng người phơi phới xuất hành du xuân cầu lộc đầu năm mới, rảo bước trên cầu Thị Nại vừa mới xây xong, tôi nhớ lại lời người xưa dạy rằng: trời đất sinh ra vốn không có đường; con người đi mãi thành đường. Có đường sá là có buôn bán thông thương, có mở mang kinh tế, có giao lưu văn hóa, có chiến thắng quân thù. Nhớ lại và suy ngẫm về những con đường mang đậm dấu ấn tầm nhìn chiến lược, tôi càng phấn khởi tự hào về công trình thế kỷ: cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội.
|
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương hòa cùng niềm vui trong ngày khánh thành cầu Thị Nại. Ảnh: Cát Hùng
|
Cách đây gần mười thế kỷ, sau khi lên ngôi vua, năm 1010, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Trước triều Lý, từ các châu quận phía nam ra Đại La hầu như chỉ có một con đường, sau này quen gọi là “thượng đạo”. Với tầm nhìn xa, trông rộng, đi đôi với định đô ở Thăng Long, nhà Lý cho mở con đường “hạ đạo” thay vì “thượng đạo” là một con đường núi rộng khoảng 2 trượng (gần 6m), gập ghềnh, khó đi, thường bị cây rừng, đá núi làm tắc nghẽn. Đến các thời Trần, Lê, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, “hạ đạo”, còn gọi là đường cái quan hay đường thiên lý, được mở thêm bảo đảm giao thông thông suốt từ Thăng Long đến các miền châu thổ sông Hồng và dải đất phương nam.
Định đô ở Thăng Long, đổi tên nước Đại Việt, mở đường thiên lý, nhà Lý đã có tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn thế kỷ, như Chiếu dời đô đã khẳng định mục đích rõ ràng là: “Đóng nơi trung tâm, mưu toan việc lớn, tính kế lâu dài cho con cháu mai sau...”. Nhờ đó, mà “hạ đạo” trở thành Quốc lộ 1A ngày nay với nhiều trục đường ngang dọc, nối liền mọi miền đất nước từ Nam Quan đến Cà Mau; Thăng Long trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất, là thủ đô Hà Nội anh hùng - trái tim và niềm tự hào của cả nước, là thành phố vì hòa bình được nhân dân thế giới tôn vinh.
Thời nhà Tây Sơn, sau khi quét sạch 5 vạn quân xâm lược Xiêm ra khỏi đất nước, lật đổ ách thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, năm 1786, Nguyễn Nhạc chủ trương tập trung lực lượng tấn công giải phóng vùng đất từ Quảng Nam ra Thuận Hóa, vốn thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn đã bị quân Trịnh mang quân vào đánh chiếm năm 1774. Nguyễn Huệ cử Trần Quang Diệu mở đường “thượng đạo” chạy từ phía tây thành Hoàng Đế ra Phú Xuân. Nhờ có con đường được nghĩa quân Tây Sơn đặt tên là đường Trần Quang Diệu mà Nguyễn Huệ dễ dàng triệt hạ tiền đồn kiên cố của quân Trịnh ở đèo Hải Vân, tạo bàn đạp đánh chiếm Phú Xuân.
Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường mòn Hồ Chí Minh, con đường hành quân của bộ đội giải phóng, con đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang, quân dụng chi viện chiến trường miền Nam là con đường huyết mạch dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, với chiến dịch Hồ Chí Minh thần kỳ. Đầu thế kỷ XXI, đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng thành một con đường hiện đại, văn minh, chạy song song với Quốc lộ 1A, nối liền mọi miền đất nước, đánh thức tiềm năng kinh tế các vùng nằm dọc theo phía đông dãy Trường Sơn. Không có tầm nhìn thế kỷ thì làm sao có được con đường Hồ Chí Minh cao tốc trong tương lai?
*
* *
Với ý tưởng xây dựng một khu kinh tế mở, đồng thời mở rộng không gian đô thị Quy Nhơn, tạo động lực cho Bình Định tăng tốc phát triển, dù ngân sách địa phương còn hạn hẹp, nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định đã mạnh dạn và quyết tâm vay vốn đầu tư gần 581 tỉ đồng để xây dựng công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Sau hơn 3 năm thi công, ngày 12-12-2006, cầu Thị Nại đã làm lễ khánh thành và đưa vào sử dụng. Cũng trong ngày 12-12 đáng nhớ này, tỉnh làm lễ khởi công xây dựng Khu Công nghiệp và các dự án trong Khu Kinh tế Nhơn Hội. Một trang sử mới về sự phát triển phồn vinh đã mở ra trước mắt nhân dân Bình Định. Ước mơ ngàn đời đã trở thành hiện thực! Cánh cửa để biến vùng bán đảo hoang sơ thành khu kinh tế phồn vinh, thịnh vượng đã mở toang! Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, từ các em học sinh tiểu học đến các cụ già thuộc thế hệ “cổ lai hy”; từ những người đạp xích lô, đi xe thồ đến các ông chủ doanh nghiệp, cán bộ lãnh đạo; từ đồng bào các dân tộc thiểu số đến các tín đồ tôn giáo; từ đô thị đến nông thôn, miền núi, tất cả đều vui mừng khôn xiết, hân hoan vô hạn “Được vàng còn sợ vàng rơi; Được cầu Thị Nại đời đời sướng vui”.
Riêng tôi, tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ nhớ lại chuyện thần thoại về cầu Ô Thước bắc qua dải Ngân Hà để mỗi năm một lần đôi uyên ương Ngưu Lang, Chức Nữ được thắm đượm duyên nồng. Nhưng không. Đây là hiện thực, một hiện thực sống động, một cây cầu tráng lệ dài 2.500 mét, cây cầu vượt biển dài nhất nước ta, đã nối liền đôi bờ nam bắc đầm Thị Nại, vĩnh viễn chấm dứt cảnh “Đứng bên này đầm ngó bên kia đầm thấy mênh mông, bát ngát; Đứng bên kia đầm ngó bên này đầm cũng thấy bát ngát mênh mông”, đi lại, giao lưu trắc trở...
Tôi chợt nhớ chuyện đại thi hào Nguyễn Du khi viết xong Truyện Kiều đã phân vân tự hỏi “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?”. Nhưng vinh quang thay, sau hai thế kỷ, đã có hàng triệu người Việt Nam và học giả nước ngoài rất đỗi tự hào về cụ Tiên Điền, nức lời khen ngợi, tôn vinh kiệt tác Truyện Kiều hay hơn cả nguyên tác của Trung Quốc và bản dịch của Nhật Bản.
Tôi không rõ trước khi hạ quyết tâm xây dựng công trình “động trời” - cầu Thị Nại - lãnh đạo tỉnh có phân vân, trăn trở hay không, nhưng tin chắc rằng tất cả những người dân Bình Định tâm huyết với sự nghiệp xây dựng, phát triển Bình Định ngang tầm thời đại đều khẳng định: “Tiên tri tam bách dư niên hậu / Hậu thế vinh danh Thị Nại kiều”.
*
* *
Đối với các nhà lãnh đạo địa phương cũng như đất nước, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam được thể hiện trước hết ở tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn thế kỷ, đi đôi với ý chí “đã quyết thời hành”. Năm, mười năm tới, khi Khu Kinh tế Nhơn Hội định hình với sự ra đời những khu công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; những khu dịch vụ, du lịch văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; những khu đô thị mới sầm uất, chúng ta càng thấy rõ hiệu quả tuyệt vời tầm nhìn thế kỷ và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh.
|