Kỷ niệm 77 năm, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 -- 3-2-2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh
22:52', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2007), Bộ Chính trị đã quyết định tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân. Học tập đạo đức Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người kiến trúc nên Nhà nước Cách mạng Việt Nam. Nói đến Bác, là chúng ta nhớ ngay đến tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người. Một nhà lãnh đạo đã nói: Để hiểu sự nghiệp Hồ Chí Minh, chúng ta hãy đến với con người Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch là một thiên tài kiệt xuất. Cái cốt tử trong thiên tài của Bác là đạo đức cách mạng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc và người cộng sự gần gũi nhất của Bác Hồ đã nói: “Ở gần Bác, tôi thấy một nét nổi bật của Bác là rất coi trọng phẩm chất con người, suốt đời chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ và nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra thời đại mới của dân tộc Việt Nam, hình thành con người Việt Nam mới với những giá trị tư tưởng và tinh thần cao quý. Xã hội Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là xã hội đề cao các giá trị tinh thần, những quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Trong xã hội ấy, tiêu biểu là những chiến sĩ dũng cảm bảo vệ Tổ quốc, những con người lao động nhiệt tình xây dựng đất nước, những con người quên mình chăm lo cho lợi ích chung của nhân dân.

Ngày 19-5-1946, một đoàn cán bộ của Ban vận động đời sống mới vào chúc thọ Bác. Nhân lúc trò chuyện, một nhà văn lão thành thưa với Bác:

- Thưa cụ, hôm nay đến chúc thọ cụ Chủ tịch, xin cụ cho Ban vận động đời sống mới chúng tôi một khẩu hiệu, để Ban chúng tôi vận động nhân dân thực hiện.

Bác Hồ vui vẻ, Người nói:

- Khẩu hiệu ư? Thế thì khẩu hiệu đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư”.

Sau một phút suy nghĩ, nhà văn lão thành nói:

- Thưa cụ Chủ tịch, khẩu hiệu đó rất hay, nhưng nghe nó cổ cổ thế nào ấy ạ!

Bác Hồ cười:

- Ơ hay, sao lại cổ? Các cụ ta xưa nay ăn cơm, bây giờ chúng ta ăn vẫn ngon. Cái hay của tổ tiên thì chúng ta phải học.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư là những phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của con người. Vì vậy Bác Hồ đã đề cập đến phẩm chất này nhiều nhất, từ tác phẩm Đường Kách Mệnh đến Bản Di chúc cuối cùng của Người.

Trong bài báo “Cần kiệm liêm chính” in trên 4 số báo Cứu Quốc tháng 5 và tháng 6 năm 1949, Bác Hồ viết: “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được”. Bác dẫn lời: “Cụ Khổng Tử nói: Người mà không liêm, không bằng súc vật. Cụ Mạnh Tử nói: Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy! Vì thế cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

*     *

*

Một điểm nổi bật trong đạo đức cách mạng của Bác Hồ, đấy là lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân. Có thể nói, mọi suy nghĩ, mọi hành động của Bác đều vì lợi ích của nhân dân. Người luôn đặt đời sống của mình trong đời sống của nhân dân và suốt đời gắn bó với nhân dân. Theo số liệu của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh thì trong 10 năm (1955-1965) Bác Hồ đã đi xuống cơ sở hơn 700 lần.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kể từ ngày Kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2007) cho tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Cuộc vận động lớn này sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội... Đây chính là những hành động thiết thực nhất để kỷ niệm ngày thành lập Đảng ta.

Một nhà văn đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ, bên cạnh cái ao nuôi cá làm “cung điện” của mình. Lại nhớ khi ngôi nhà sàn làm xong, Bác tổ chức liên hoan, mời anh em công nhân ăn kẹo, uống nước. Bác nói:

- Cái nhà Toàn quyền kia hàng trăm người phải làm trong 6 năm mới xong, còn nhà của Bác các chú chỉ làm trong 1 tháng là xong. Thế là nhanh và tốt. Nhưng còn một khuyết điểm, các chú có biết là khuyết điểm gì không?

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thưa với Bác:

- Thưa Bác, so với ý Bác dặn thì ngôi nhà có to hơn ạ. Bác bảo:

- Chú nói đúng. Nước ta chưa giàu, dân ta còn nghèo, chưa đủ nhà để ở. Bác ở thế này là tốt lắm rồi. Các chú không phải lo cho Bác.

Mùa rét, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu. Bác mặc đã nhiều năm, bông đã xẹp không ấm nữa, cái vỏ bọc ngoài đã phai màu, lại rách ở vai. Bác bảo vá lại cho Bác. Nhân dịp này, anh em không dám nói thay áo khác, chỉ xin Bác cho thay cái vỏ bọc ngoài cho mới. Bác bảo:

- Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy. Sao chú lại dám bỏ cái phúc ấy đi !

Bác còn nói thêm: “Bây giờ nhiều cụ già ở nông thôn có được cái áo bông này là quý lắm đấy chú ạ”. Hiện nay cái áo bông vá vai ấy vẫn còn trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bác cũng thường nói với anh em cấp dưỡng:

- Các chú làm thức ăn cho Bác ít thôi. Bác ăn không hết, để người khác ăn thì không nỡ, mà đổ đi thì phí.

Hồi Bác còn ở ngôi nhà cũ của người thợ điện, thấy nóng bức, anh em ngoại giao ở nước ngoài mua gửi về biếu Bác một chiếc điều hòa nhiệt độ. Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ lên bảo:

- Chiếc máy này tốt đấy chú ạ, các chú nên đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước, Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là tốt rồi”.

Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh còn được thể hiện bằng tấm lòng nhân ái, yêu thương con người. Nhận được quà biếu của đồng bào, dù là chiếc áo len hay chai mật ong... Bác đều gửi biếu lại các cán bộ ở gần Bác, hoặc gửi biếu các chú thương binh. Nhận được điện thoại gọi đến, biết người quen Bác đều hỏi thăm sức khỏe rồi mới bàn công việc. Bác không bao giờ dùng chữ cho, chỉ nói tôi biếu các cụ hoặc tặng các cháu nhỏ.

Trong Di chúc của Người, ngoài việc dặn dò mọi người phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nhất trí, đoàn kết và thống nhất, Bác căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Song điều làm ta phải suy nghĩ và xúc động là Bác đã dặn dò cả việc đối với những nạn nhân của xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước ta vừa phải giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên người lương thiện. Có thể nói trong muôn vàn tình thương yêu của Người, Bác Hồ không để sót một ai, có quên chăng chỉ là quên mình!

  • B.T.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)
Đem xuân lên vùng cao  (06/02/2007)
Hoạt động khoa học công nghệ: Chuẩn bị cho bước phát triển mới  (06/02/2007)
Từ “nuôi heo đất” đến đầu tư chứng khoán  (06/02/2007)
Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững  (06/02/2007)
Hương thơm ngày cũ...  (06/02/2007)
Những điểm sáng công nghiệp  (06/02/2007)
Hương Quê: Thương hiệu các món đặc sản của Bình Định  (06/02/2007)
Tết, loanh quanh cùng nước mắm  (06/02/2007)
Cảng Quy Nhơn: Hành trình ra biển lớn  (06/02/2007)
Anh hùng giữa đời thường  (06/02/2007)
Từ Bí thư chi đoàn đến chủ doanh nghiệp  (06/02/2007)
Những nhà giáo yêu nghề  (06/02/2007)
Hướng mở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  (06/02/2007)