Năm 2006 Bình Định đã thu được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế được xem là cao nhất trong 30 năm qua. Nhân dịp đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã trao đổi với Báo Bình Định về vấn đề này.
|
Tọa đàm xúc tiến đầu tư vào Bình Định tại TP HCM.
|
* Thưa Chủ tịch, năm 2006 Bình Định đã thu được những thành tựu nổi bật về nhiều mặt, điều gì làm ông tâm đắc nhất?
- Năm 2006, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, tuy vậy, với sự nỗ lực lớn lao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức 11,8%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, cao nhất trong 30 năm qua. Trong đó, các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch... đều có sự phát triển đáng kể. Các khu công nghiệp đã được lấp đầy, 13/45 cụm công nghiệp đã được khởi động, tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động và tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn.
Mặt khác, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã bước đầu được cải thiện, Bình Định đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư bởi môi trường đầu tư thông thoáng. Năm 2006, Bình Định đã có được một bước tiến dài trên lĩnh vực này khi được xếp thứ 3/64 tỉnh-thành về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy bộ máy công quyền của chúng ta còn cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa, nhưng bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Trong năm qua, tuy tỉnh tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng quan trọng và cấp bách nên rất căng kéo về nguồn vốn, nhưng chúng ta vẫn rất quan tâm đến việc tập trung đầu tư tạo ra bộ mặt mới cho các vùng bãi ngang, vùng sâu, vùng xa thông qua các công trình điện, đường, trường, trạm; tập trung giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà ở đơn sơ và thu được những kết quả rất đáng phấn khởi. Ngoài ra, chúng ta còn tranh thủ được các nguồn vốn của Trung ương và các tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng các công trình, dự án quan trọng như hồ chứa nước, hệ thống kênh mương... cho vùng sâu, vùng xa.
Riêng về Khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH), so với các khu kinh tế (KKT) động lực của miền Trung, KKTNH ra đời sau, nhưng kết quả đến nay, theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thì: “KKTNH đi sau, nhưng rất có khả năng sẽ về trước”. Thực tế, trong một thời gian rất ngắn, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã làm được rất nhiều việc cho KKT này. Chúng ta đã tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương để xây dựng được hệ thống các văn bản hướng dẫn xây dựng KKT; hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng; thu hồi đất và đền bù để giao đất cho các nhà đầu tư; hoàn chỉnh cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư vào KKT; tranh thủ được các nguồn lực để xây dựng hoàn thành công trình kết cấu hạ tầng quan trọng là công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội; các nhà đầu tư cũng đã bắt tay xây dựng một số dự án đầu tư và hạ tầng trong KKT. Bên cạnh đó, thông qua các đợt xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, công tác quảng bá, giới thiệu trong thời gian qua, đến nay, KKTNH đã được nhiều nhà đầu tư biết đến và quan tâm. Điều này là cơ sở để chúng ta tin rằng KKTNH sẽ là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, và sẽ về trước thời gian.
* Bức tranh KKTNH từ góc nhìn năm 2007 sẽ được phác thảo như thế nào, thưa ông?
- Việc tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tại KKTNH đang là đòi hỏi quan trọng và cấp bách. Đây cũng là công việc chủ yếu trong năm 2007 của KKT. Vì đây chính là tiền đề quan trọng để đón các nhà đầu tư vào KKT. Trong năm 2007, tuyến đường nối đường trục với xã Nhơn Lý sẽ hoàn thành. Ngoài ra, các dự án khác như đường trục chính, các dự án: cấp nước giai đoạn 1, cấp điện, bưu chính viễn thông, khu tái định cư Nhơn Phước, khu kho ngoại quan... sẽ hoàn thành cơ bản. Đồng thời, một số dự án sẽ bắt đầu được khởi động, như các khu du lịch Vĩnh Hội, Trung Lương. Tại khu công nghiệp (khu A) các nhà đầu tư cũng sẽ khởi công xây dựng các nhà máy sau khi đơn vị kinh doanh hạ tầng này hoàn thiện một phần diện tích được giao khai thác.
* Năm 2006, Bình Định được xếp thứ 3/64 tỉnh-thành phố về môi trường cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, phấn đấu được “thăng hạng” là khó, nhưng giữ được hạng còn khó hơn?
- Chúng ta được xếp sau Bình Dương và Đà Nẵng về các chỉ số này. Tuy nhiên, so với 2 địa phương trên, chúng ta còn một số tiêu chuẩn thua họ khá xa. Trong khi đó các địa phương khác xếp dưới ta, nhưng có khoảng cách không đáng kể với chúng ta, trật tự này rất dễ bị thay đổi. Nên nhớ rằng, trong khi chúng ta cố gắng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì các địa phương khác cũng vậy, thực chất đây là một cuộc chạy đua, cạnh tranh rất quyết liệt. Nếu như sự quyết tâm của chúng ta bị chùn bước, bộ máy của chúng ta hoạt động không nhịp nhàng và lơ là, thiếu trách nhiệm, không xem lợi ích của nhà đầu tư như chính quyền lợi của mình... thì chắc chắn chúng ta sẽ rớt hạng. Do vậy, cần phải tập trung kiện toàn lại bộ máy, kiên quyết thay thế các cán bộ lãnh đạo chưa đủ tâm, đủ tầm; rà soát lại các hệ thống cơ chế chính sách thu hút đầu tư, kịp thời điều chỉnh thích hợp, bảo đảm môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng hơn. Mặt khác, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ cuộc sống ngày một tốt hơn...
|
Ông Vũ Hoàng Hà (người đeo cà vạt) giới thiệu về KKTNH với các nhà đầu tư nước ngoài.
|
* Các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn băn khoăn trước khi quyết định đầu tư vào Bình Định vì còn một số bất cập. Chúng ta giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Họ còn phân vân vì các chuyến bay đến Bình Định còn ít, đặc biệt là các chuyến từ Hà Nội vào. Hiện nay chúng tôi quyết định đầu tư nâng cấp đoạn đường vào sân bay và đề nghị Tổng Công ty Hàng không tăng thêm chuyến bay đến Bình Định từ cả 2 nơi Hà Nội và TP HCM. Đề nghị này sẽ được đáp ứng trong thời gian tới. Còn với công tác chăm sóc sức khỏe, chúng tôi dự định nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh lên bệnh viện loại 1 (trong năm 2008). Tại đây sẽ có các dịch vụ chữa bệnh theo yêu cầu với công nghệ và trình độ cao. Bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn cũng sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn cao trên tinh thần xã hội hóa. Hiện nay một số nhà đầu tư cũng đã đề xuất được đầu tư xây dựng tại Bình Định một Trung tâm chẩn đoán y khoa hiện đại. Còn vấn đề nguồn nhân lực, chúng ta đang tập trung nâng cấp các trường dạy nghề và xây dựng các chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Mặt khác, sẽ đưa người đi đào tạo ở các trung tâm đào tạo lớn trong nước và nước ngoài.
* Việt Nam vào WTO, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức, trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) Bình Định chưa thực mạnh, chúng ta phải làm gì để các DN tồn tại và phát triển trong “sân chơi” quốc tế?
- Trước hết, tự thân các DN phải biết đất nước vào WTO thì họ có được những cơ hội gì và phải đối mặt với thách thức gì. Bây giờ là lúc các DN phải “cứu mình trước khi trời cứu”, trước khi “chết” ngay trên sân nhà của mình. Cho nên việc củng cố, xây dựng các hiệp hội để có cùng tiếng nói chung, hiệp lại thành sức mạnh trong cộng đồng các DN, hỗ trợ nhau cùng phát triển là việc làm cấp bách và sống còn. Phải xây dựng được các hiệp hội thực sự mạnh, trên cơ sở đó phải xây dựng được các văn phòng đại diện, các đầu mối trung gian tại nước ngoài để có thể biết được thị trường cần gì ở DN. Các DN theo ngành nghề phải hợp tác chặt chẽ lại với nhau để tạo thành các tập đoàn lớn. Một chiếc đũa sẽ dễ dàng bị bẻ gãy còn một bó đũa thì không.
* Xin cám ơn ông!
|