HLV Nguyễn Ngọc Thiện:
“Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho bóng đá trẻ”
19:5', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Dẫn dắt đội tuyển U21 Bình Định đoạt chức vô địch Giải Bóng đá U21 Báo Thanh Niên năm 2005 và Huy chương Đồng giải này một năm sau đó, nhưng HLV Nguyễn Ngọc Thiện vẫn chưa hài lòng với những kết quả này. Tại một quán café nhỏ trên đường Phạm Hùng, vào một ngày cuối năm Bính Tuất, người đàn ông có khuôn mặt đen sạm nhưng có nụ cười rất hiền từ này, đã tâm sự với PV Báo Bình Định về nghiệp HLV của mình...

 

HLV Nguyễn Ngọc Thiện được các học trò công kênh sau trận chung kết Giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên năm 2005. Ảnh: C.X

 

* HLV “đa cấp độ”

Trưởng thành từ bóng đá học đường, sau đó được chơi cho đội Công nhân Nghĩa Bình từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong hơn 10 năm khoác áo đội bóng đất Võ (từ năm 1976 đến năm 1987), Nguyễn Ngọc Thiện đã cùng “thế hệ vàng” lúc đó gồm: Phan Kim Lân, Đặng Gia Mẫn, Tống Anh Hoàng, Dương Ngọc Hùng, Lê Trọng Tuấn... làm nên những trận cầu đáng nhớ và tạo nên biệt danh “Ngựa ô” cho đội bóng Nghĩa Bình. Sau khi treo giày, ông đã trở thành HLV của tuyển trẻ Bình Định. Trong sự nghiệp HLV của mình, Nguyễn Ngọc Thiện từng tham gia huấn luyện hàng chục đội bóng: cấp tỉnh, cấp quốc gia và cả một đội bóng... nước ngoài.

* Trong một “sứ mệnh” đặc biệt, ông đã trở thành HLV cho một đội bóng của Lào. Có lẽ, ông là HLV đầu tiên của Việt Nam dẫn dắt một đội bóng nước ngoài(?). Nền bóng đá Lào có khác biệt nhiều so với Việt Nam không, thưa ông?

- Năm 1997, trong chương trình hợp tác giữa 2 nước Việt - Lào, tôi được cử sang làm HLV trưởng đội bóng đá Champasak để tham dự Đại hội TDTT toàn quốc tại Luangprabang. Nhìn chung, cơ sở vật chất của các đội bóng ở Lào cũng tương đối tốt, các cầu thủ của họ tập luyện rất nghiêm túc và thi đấu nhiệt tình. Nhưng điều quan trọng là khả năng chuyên môn của các cầu thủ còn nhiều hạn chế, nên bóng đá Lào chưa thể phát triển so với các nước trong khu vực.

* Từng có thời gian làm việc với các đội nữ Quảng Ngãi và đội tuyển nữ quốc gia (năm 2002 - trong vai trò HLV phó), ông có nhận xét gì về họ so với các đồng nghiệp nam?

- Năm 2000, nằm trong chương trình mục tiêu phát triển bóng đá nữ ở khu vực miền Trung, tôi bắt tay vào công tác huấn luyện đội tuyển nữ Quảng Ngãi. Tuy đội nữ Quảng Ngãi đã không được duy trì, nhưng nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò Quảng Ngãi lúc đó hiện cũng là những trụ cột của đội tuyển Việt Nam vừa tham dự ASIAD 15 như: Từ Thị Phụ, Kim Tiến, Ngô Thị Hạnh, Thanh Mai, Nguyễn Thị Hiền...

Năm 2001, tôi được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cử đi học chuyên đề huấn luyện bóng đá nữ tại Bắc Kinh (Trung Quốc), sau đó tôi về nhận nhiệm vụ làm HLV phó đội tuyển nữ Việt Nam tham dự ASIAD 14 tại Busan (Hàn Quốc). Tại Á vận hội 2002, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam phải gặp những “đàn chị” của bóng đá châu Á, thậm chí là thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và Đài Loan. Một kết quả hòa 1-1 trước Đài Loan và những trận thua không quá tệ trước những đối thủ còn lại đã khẳng định sự lớn mạnh của bóng đá nữ Việt Nam. Những cầu thủ nữ Việt Nam tham dự ASIAD Busan năm 2002 là lứa cầu thủ tốt nhất của Việt Nam cho đến thời điểm này. Còn về các cầu thủ nữ, theo nhận xét của tôi, họ đều rất cần cù, chịu khó trong tập luyện, nhưng điểm yếu lớn nhất của họ so với các đồng nghiệp nam vẫn là vấn đề thể lực.

* Ông đã gặp cựu cầu thủ, HLV đội tuyển quốc gia Đức - Rudi Voller vào năm 1998, ông có thể kể đôi chút về lần gặp gỡ này?

- Năm đó, tôi là người duy nhất được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cử đi học lớp HLV cao cấp do FIFA tổ chức tại Bonn (Đức). Tại đó, ngoài việc được truyền đạt kiến thức về HLV, chúng tôi còn được tham quan cơ sở vật chất và tập luyện của các CLB. Hôm đến CLB Bayer Leverkusen, chúng tôi đã gặp ông Rudi Voller (lúc đó là Giám đốc Kỹ thuật của CLB Bayer Leverkusen một năm sau mới trở thành HLV đội tuyển Đức - LC). Ông Voller đã trò chuyện khá vui vẻ và cùng ăn trưa với chúng tôi. Nhưng ông chỉ biết rằng Việt Nam ở gần Thái Lan chứ không biết nhiều về bóng đá nước ta. Đó là một con người khá thân thiện và khiêm tốn.

* Thành công với bóng đá trẻ

Sau một năm huấn luyện đội trẻ Gia Lai, HLV Nguyễn Ngọc Thiện về dẫn dắt đội U21 Bình Định và ông đã đưa đội đoạt chức vô địch Giải Bóng đá U21 Báo Thanh Niên năm 2005 và đứng thứ 3 một năm sau đó.

* Đã làm HLV nhiều đội bóng, nhưng chỉ đến khi dẫn dắt U21 Bình Định, ông mới có những danh hiệu đầu tiên. Phải chăng làm việc với bóng đá trẻ thì dễ thành công hơn?

- Nếu tôi nói làm bóng đá trẻ rất khó, trong khi đó tôi đã có hai danh hiệu với U21 Bình Định, như vậy hóa ra tôi tự “nâng” mình lên (cười). Nhưng thực tế, làm bóng đá trẻ không hề đơn giản chút nào. Hồi còn dẫn dắt đội trẻ Hoàng Anh Gia Lai, dù đội được đầu tư khá lớn, sân bãi và các điều kiện tập luyện rất tốt, nhưng nguồn cầu thủ của địa phương thì lại không có. Thế là phải lùng ở những nơi khác để đem về cho đủ đội, nhưng làm vậy thì không ổn, vì không có sự kế thừa. May mắn là Bình Định không bị rơi vào trường hợp tương tự, số thanh thiếu niên biết đá bóng ở Bình Định nhiều hơn và nhiều em có năng khiếu nên cũng có phần dễ dàng cho công tác tuyển chọn. Nhưng cái khó chung của nhiều đội bóng trẻ hiện nay là họ có quá ít cơ hội được thi đấu cọ xát. Như lứa U21 hiện nay, mỗi năm chỉ có duy nhất một giải bóng đá do Báo Thanh Niên tổ chức, thời gian còn lại, các cầu thủ trong đội tự chia ra đá với nhau, như thế thì khó để các cầu thủ tích lũy được kinh nghiệm.

* Theo ông thì điều gì là khó khăn nhất khi làm việc với các cầu thủ trẻ?

- Trước tiên là khâu tuyển chọn cầu thủ. Trước đây, bóng đá phong trào và bóng đá đường phố ở Bình Định phát triển mạnh, hệ thống tuyển chọn cũng làm việc khá hiệu quả, vì vậy có rất nhiều cầu thủ năng khiếu được phát hiện và bồi dưỡng thành những tài năng thực sự. Nhưng rất tiếc là điều kiện sân bãi hiện còn hạn hẹp, nên các em không có nhiều điều kiện để chơi bóng.

Bên cạnh đó, ý thức của các cầu thủ trẻ còn rất hạn chế. Nhiều em chưa xác định được bóng đá là một nghề thực thụ sẽ gắn bó lâu dài và nuôi sống bản thân nên chưa thực sự nỗ lực trong tập luyện và đúng mực trong sinh hoạt. Một số ít các em dễ mắc tư tưởng “ngôi sao” sau khi thi đấu tốt trong một vài trận. Đây là điều rất nguy hiểm, nếu không theo sát để chấn chỉnh thì các em rất dễ bị trượt ngã trong tương lai.

* Ông đã đi công tác ở một số nước có nền bóng đá phát triển, vậy họ làm bóng đá trẻ như thế nào?

- Xu hướng chung bây giờ là các CLB thành lập những Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Như vậy mới tập trung được nhiều nguồn cầu thủ để họ có cơ hội thường xuyên thi đấu, cọ xát. Từ đó, Ban huấn luyện thấy hết được điểm mạnh, điểm yếu của từng cầu thủ và có hướng bồi dưỡng thích hợp. Như ở Trung Quốc chẳng hạn, họ có cách làm cũng khá hay. Đối với các cầu thủ lứa U13 trở xuống, các em vẫn được ở nhà với cha mẹ và đi học văn hóa bình thường (vì lứa tuổi này vẫn rất cần sự giáo dục của gia đình); nhưng đến ngày cuối tuần, các em được tập trung lại ở một Trung tâm thể thao (gồm nhiều sân vận động). Ở đây, các em được chia ra thành nhiều đội để đá tập với nhau. Cách làm này giúp các em có cơ hội cọ xát với nhiều đối tượng và bộc lộ năng khiếu của mình. Nếu ở Việt Nam cũng có điều kiện để làm theo mô hình này thì bóng đá trẻ của chúng ta sẽ còn phát triển tốt hơn nữa.

* Được lãnh đạo Sở TDTT Kiên Giang tin tưởng chọn làm HLV trưởng đội bóng đá Kiên Giang, liệu ông có cảm thấy bị áp lực khi nhận trọng trách này?

- Trước hết, đây là một cách làm rất có lợi cho bóng đá Kiên Giang cũng như bóng đá trẻ Bình Định. Vì các cầu thủ nòng cốt của đội Kiên Giang hầu hết là lứa U21 Bình Định. Những cầu thủ này đã được tập luyện và thi đấu với nhau thường xuyên, nên có thể sẽ tạo thành một tập thể ăn ý, góp phần giúp Kiên Giang chơi thành công tại các giải đấu sắp tới. Bên cạnh đó, các cầu thủ trẻ Bình Định vừa được hưởng lương từ Sở TDTT Kiên Giang, vừa được thi đấu với nhiều đội bóng hạng nhì, nên họ sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi về chơi cho Bình Định ở giải U21 Báo Thanh Niên tổ chức hàng năm. Dĩ nhiên, tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp lại sự tin tưởng của người dân Kiên Giang. Nhưng áp lực đối với chúng tôi cũng không phải là quá lớn. Và tôi tin rằng, với những cầu thủ hiện có, chúng tôi sẽ giành được những vị trí xứng đáng với sự đầu tư của tỉnh bạn.

  • Lê Cường (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/02/2007)
Bình Định đã là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (07/02/2007)
Xuân 2007, mùa xuân hy vọng  (07/02/2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh  (06/02/2007)
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)
Đem xuân lên vùng cao  (06/02/2007)
Hoạt động khoa học công nghệ: Chuẩn bị cho bước phát triển mới  (06/02/2007)
Từ “nuôi heo đất” đến đầu tư chứng khoán  (06/02/2007)
Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững  (06/02/2007)
Hương thơm ngày cũ...  (06/02/2007)
Những điểm sáng công nghiệp  (06/02/2007)
Hương Quê: Thương hiệu các món đặc sản của Bình Định  (06/02/2007)
Tết, loanh quanh cùng nước mắm  (06/02/2007)
Cảng Quy Nhơn: Hành trình ra biển lớn  (06/02/2007)