Đua thuyền trên sông Gò Bồi
19:19', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Đến hẹn lại lên, sau phiên chợ Gò - Trường Úc (Tuy Phước) mỗi năm chỉ nhóm họp một lần vào mùng Một Tết Nguyên đán, thì mùng Hai Tết tại sông Gò Bồi (Phước Hòa) lại sôi nổi diễn ra cuộc tranh tài của ngư dân các xã Khu Đông huyện qua Hội đua thuyền truyền thống, thu hút hàng ngàn khách du xuân tham gia cổ vũ. Đây là hai hoạt động vui xuân, đón Tết đặc trưng của  huyện Tuy Phước được tổ chức hàng năm và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Tuy Phước trong ba ngày Tết.

 

Quang cảnh đua thuyền trên sông Gò Bồi. Ảnh: Xuân Thành

 

Sông Gò Bồi nằm trong hệ thống sông Kôn, bắt nguồn từ 2 nhánh sông Tân An và sông Gò Chàm hợp thành, chảy qua địa phận Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, rồi đổ ra đầm Thị Nại. Trước 1957, Gò Bồi là vùng đất phồn thịnh “trên bến, dưới thuyền”, mực nước sông rất sâu nên ghe thuyền ở tận trong Nam, ngoài Bắc thường xuyên ghé vào đây mua bán trao đổi hàng hóa. Chợ Gò Bồi bấy giờ rất sầm uất… Chiến tranh tàn phá, Phước Hòa như các xã Khu Đông khác của Tuy Phước “đi dễ, khó về”, cảng thị dần hoang tàn đổ nát. Chiến thắng lịch sử Mùa Xuân 1975 đưa đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay Gò Bồi đã từng bước thay da đổi thịt phồn thịnh như xưa - là trung tâm kinh tế giao lưu mua bán của 7 xã vùng đông bắc Tuy Phước và các xã phía Đông của huyện Phù Cát - có tỉnh lộ 640, huyện lộ Gò Bồi - Bình Định và nhất là hiện nay, Khu kinh tế Nhơn Hội bước đầu đi vào hoạt động, góp phần tạo nên diện mạo mới cho Gò Bồi.

Hàng năm, cứ vào ngày mùng Hai Tết Nguyên đán, trên sông Gò Bồi (vùng trung tâm chợ) lại nhộn nhịp, huyên náo hẳn lên bởi hàng ngàn người vừa khách thập phương vừa dân bản địa tập trung trên cầu, dưới bến hò reo cổ vũ cho Hội đua thuyền truyền thống diễn ra trên sông. Anh Phạm Thành Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước, cho biết: Hội đua thuyền ở đây có từ xa xưa, gắn bó mật thiết với cư dân ven đầm Thị Nại - nó khơi dậy truyền thống quê hương vùng sông nước trong đánh giặc ngoại xâm. Ngày nay, hội đua thuyền tôi luyện sức dẻo dai phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng. Mặt khác, đây cũng là hoạt động tinh thần thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân biển…

Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi chỉ diễn ra mỗi năm một lần vào mùng Hai Tết. Vận động viên (VĐV) tham dự là những ngư dân trẻ, khỏe được tuyển chọn ở 4 xã Khu Đông Tuy Phước (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng). Mỗi xã một đoàn từ 20 đến 25 VĐV tham gia các loại hình: Đua thuyền tập thể, đua sõng câu, thi bơi lội và thi bắt vịt trên nước. Thi bơi lội diễn ra đầu tiên với cự ly 1.500m đối với nam, 1.000m đối với nữ; đua sõng câu 4 lượt với 8 VĐV cự ly 1.500m; cuối cùng sôi động nhất vẫn là đua thuyền tập thể. Mỗi đội 11 VĐV (gồm 1 chỉ huy và cũng là người cầm lái giỏi, và 10 tay chèo) với 2 vòng đua, cự ly 1.500m. Thuyền tham gia đua được làm công phu với thiết kế đầu rồng, trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt được chuẩn bị trước đó hàng tháng và do tập thể cả xã đầu tư - bởi chiếc thuyền đua là đại diện bộ mặt địa phương. Khi cờ lệnh phất, 4 thuyền rồng của 4 xã xuất phát cũng là lúc tiếng cổ vũ, tiếng hò reo, tiếng trống thúc giục làm sôi động cả vùng sông nước.

Mừng xuân Đinh Hợi năm nay, Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi vẫn được tổ chức hoành tráng như mọi năm. Ngoài các nội dung thi đấu cũ, để tạo thêm nét phong phú và không khí sôi động, Trung tâm VHTT-TT huyện Tuy Phước bổ sung thêm chương trình ca, múa nhạc, ngâm thơ… khai mạc hội - với chủ đề ngợi ca về những đổi thay của quê hương và đặc biệt là các đội tham gia môn đua thuyền tập thể, các tay chèo không chỉ là nam như những năm trước mà còn có sự tham gia của VĐV nữ. Điều này đã gây nhiều hứng thú ở các cổ động viên và tinh thần thi đua tập luyện môn đua thuyền ở nữ trong các xã Khu Đông huyện.

Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi và phiên chợ Gò Trường Úc là nét văn hóa đặc trưng trong dịp xuân về, Tết đến của người dân miền đất cuối nguồn sông Kôn này.

  • Xuân Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Bình cũ” nhưng “rượu mới”  (09/02/2007)
“Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho bóng đá trẻ”  (09/02/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/02/2007)
Bình Định đã là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (07/02/2007)
Xuân 2007, mùa xuân hy vọng  (07/02/2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh  (06/02/2007)
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)
Đem xuân lên vùng cao  (06/02/2007)
Hoạt động khoa học công nghệ: Chuẩn bị cho bước phát triển mới  (06/02/2007)
Từ “nuôi heo đất” đến đầu tư chứng khoán  (06/02/2007)
Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững  (06/02/2007)
Hương thơm ngày cũ...  (06/02/2007)
Những điểm sáng công nghiệp  (06/02/2007)
Hương Quê: Thương hiệu các món đặc sản của Bình Định  (06/02/2007)