|
Lọ trà bạch định với minh văn ghi rõ “Cảnh Thịnh nhị niên”. Ảnh: C.T |
Trong sưu tập Vương Hồng Sển, có hai hiện vật thật đặc biệt. Một dĩa tạm gọi “mó rận”, do trên mặt dĩa có thi đề chữ Nôm:
Mó rận luận chơi thời sự,
Ngã lừa mừng thuở thái bình
Dĩa này do ông Trần Thanh Đạm, một người bạn nhượng lại cho Vương Hồng Sển vào ngày 2-9-1964. Dĩa men trắng, màu da trứng diệc, da rạn chín muồi, kiểu da rắn, dáng tròn hình lòng chảo, hẳn là một dĩa dầm của một bộ đồ trà lẻ bộ, hiệu đề Trân ngoạn. Mặt ngoài dĩa vẽ hình ba con nhạn cùng bay, mặt trong vẽ tích Triệu Khuông Dẫn những ngày còn lưu lạc giang hồ, gặp Trần Đoàn.
Một chiếc dĩa khác, nhà sưu tập Vương Hồng Sển gọi là dĩa “Nằm ghếch ngáy o o”. Trên dĩa có câu thơ Nôm viết:
Vắt chân nằm ghếch ngáy o o
Gẫm xem chẳng khác Đường Ngu thói thuần
Về chiếc dĩa này, nhà sưu tập Vương Hồng Sển kể lại: “Ngày 21 tháng 4 năm 1965, tôi có dịp ra Huế, sẵn đó tôi ghé nhà ông khóa Ổi và gặp cái dĩa này”. Dĩa trẹt, thuộc loại dĩa bàn của một bộ trà lẻ bộ. Trên mặt dĩa, vẽ hai cội tùng cằn cỗi, dáng chiếu thủy. Dưới bóng hai cội tùng ấy, bên hai bó củi tươi xóc dựng đứng là một người nằm dưới đất, chân tréo chữ ngũ. Dĩa cũng có men da rạn xà văn khai phiến.
Hai chiếc dĩa này mang vẻ phong trần, khác với vẻ đài các, sang trọng của các dĩa Khánh Xuân, Nội Phủ do chúa Trịnh đặt làm. Khẩu khí và giọng văn đúng văn Nôm của triều Tây Sơn buổi cực thịnh. Còn nước men rạn thì đích thị là men lò Trân ngoạn đời Kiền Long. Nhà sưu tập Vương Hồng Sển khẳng định: “Tôi đã căn cứ theo kiểu vở, hình dáng, nét vẽ, nước men chàm trắng xanh nước biển, nhứt là dấu da rạn cũ kỹ và khẩu khí hai câu thơ Nôm mà định chừng rằng dĩa mó rận này có lẽ là chế tạo dưới đời vua Kiền Long bên Tàu, đời vua Tây Sơn bên ta một phần vì phải dưới đời Tây Sơn mới thấy văn Nôm được trọng dụng, hai là phải lò sứ Thanh triều tại Cảnh Đức Trấn mới làm nổi đồ sứ điêu luyện này và phải làm dưới đời Kiền Long mới có men và da rạn xuất sắc ấy; ba nữa là nhờ dĩa có đề hai chữ Trân ngoạn lấy đó làm đích mà biết luôn chắc chắn lò này đồng thời với vua Kiền Long. Tôi lại mạnh dạn đề quyết dĩa này làm vào năm 1789” (Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế- Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993). Tra theo sử liệu, vào năm Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ sai Phan Huy Ích soạn văn biểu rồi hiệp thành sứ đoàn mang qua Bắc Kinh vào yết kiến vua Kiền Long. Đúng như Vương Hồng Sển quả quyết, hai dĩa này hẳn được chế tạo vào năm đi sứ của Tây Sơn (1789) hộ tống Giả vương Phạm Công Trị qua triều kiến Kiền Long.
Ngoài hai dĩa trên, sưu tập Vương Hồng Sển còn có hai cổ vật khác. Một là dĩa vẽ một người hai tay ôm tròn ngủ dưới một gốc tùng; hai là chén vẽ một chiếc thuyền có hai người ôm đầu ngủ, trước mũi thuyền là ba khóm đá lơ xơ, sau thuyền có cảnh lâu đài và tháp cao năm tầng, cũng đề thơ chữ Hán. Hai món này, men rạn y như hai món trên, cũng được Vương Hồng Sển xếp vào nhóm di vật đời Tây Sơn, cũng được đặt làm trong kỳ đi sứ năm Kỷ Dậu (1789).
|
Chiếc dĩa “mó rận” trong sưu tập Vương Hồng Sển. Ảnh: C.L
|
Ngoài ra, trong cuốn Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa (Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2006), nhà sưu tập Phạm Hy Tùng còn ghi nhận thêm ba món đồ khác cũng đặt làm vào thời Tây Sơn. Một là dĩa Mai Hạc, hiệu đề Kim tiên kỳ ngoạn. Hai câu thơ Nôm ghi trong lòng dĩa Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen khá phổ biến trong các cổ vật gốm sứ ký kiểu, nhưng so với hiện vật cũng vẽ tích này do người Đàng Ngoài đặt làm lại có nét khác biệt. Hai là chiếc đọi, hiệu đề Trân ngoạn, mà qua khảo sát về nước men và cốt sứ, cho thấy niên đại tương ứng với nên đại vua Gia Khánh, nên cũng được xếp vào đồ Tây Sơn đặt làm. Ba là lọ trà bạch định sản phẩm của lò gốm sứ Phúc Kiến với minh văn ghi rõ “Cảnh Thịnh nhị niên” (1793). Tuy không thể khẳng định đây là vật ngự dụng của vua Cảnh Thịnh, nhưng chiếc lọ trà này khẳng định: thời Tây Sơn cũng có người Việt Nam sang Trung Hoa đặt làm đồ sứ.
Những cổ vật này là những sử liệu quý về thời Tây Sơn. Nó khẳng định rằng tuy triều Tây Sơn tồn tại ngắn ngủi, vua Quang Trung mới lên ngôi, bận lo chính sự, hẳn không xem trọng việc đặt làm đồ gốm sứ cho mình, nhưng giao thương Việt - Hoa vẫn không bị ngưng trệ hoàn toàn.
(Tổng hợp từ tư liệu của Vương Hồng Sển và Phạm Hy Tùng) |