Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu
20:0', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Xuân Diệu họ Ngô, sinh ngày 2-2-1916 (năm Bính Thìn) tại vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước. Xuân Diệu là nhà thơ, là đại diện tiêu biểu cho dòng thơ ca lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 - “Hoàng tử của thi ca Việt Nam hiện đại”. Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu trải dài theo số phận của cuộc đời ông. Thơ ông luôn là niềm khao khát giao cảm với đời. Xuân Diệu là thi sĩ của tình yêu màu nhiệm. Ông xem tình yêu như biểu hiện tập trung và hấp dẫn nhất của sự sống. Tình yêu ấy không mang tính chất thuần khiết, thiếu sức ấm, sức nóng của cuộc sống như trong thơ lãng mạn của Tản Đà, Thế Lữ. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu là biểu hiện của sự sống cháy bỏng của tuổi trẻ, là hạnh phúc thực của cuộc đời “...Ta muốn ôm/ Cả sự sống đang bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước và cây và cỏ rạn”. Trong cuộc đời mình, Xuân Diệu đã viết khoảng 450 bài thơ tình với 15 tập thơ. Xuân Diệu còn là một nhà văn với tập truyện ngắn Phấn Thông Vàng, tập trường ca bằng thơ văn xuôi, những bút ký chính trị, tùy bút viết về đời sống theo những bước thăng trầm của đất nước. Ông còn là nhà viết tiểu luận và phê bình văn học... Có thể nói, nhà thơ đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ.

 

Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu.

 

Từ lòng tôn kính và sự yêu mến vô hạn đối với những đóng góp lớn lao của nhà thơ trong nền thi ca Việt Nam, năm 1995 được sự cho phép của UBND tỉnh, huyện Tuy Phước đã tiến hành xây dựng Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu tại quê hương của ông ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, bên dòng sông Gò Bồi hiền hòa thơ mộng như trong cảm nhận của nhà thơ:

Khi má anh sinh ra

Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi

Nên tới già thơ anh được đậm đà thắm thía...

Hoặc:

...Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ

Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu

Xin thơ ta được thức mãi về sau

Với Tuy Phước ngày nào còn đất nước.

(Đêm ngủ ở Tuy Phước)

Nhà lưu niệm Xuân Diệu được xây dựng với quy mô không lớn nhưng khang trang gồm một gian thờ ở giữa, hai bên có phòng tiếp khách, phòng trưng bày những hình ảnh, sách, thơ Xuân Diệu cùng nhiều tuyển tập nghiên cứu, phê bình của chính tác giả cũng như của các nhà thơ, nhà phê bình khác viết về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông. Diện tích sân vườn được thảm bê tông, trồng cây cảnh và có hệ thống đèn chiếu sáng; sân, đường nội bộ cùng Nhà lưu niệm có tổng diện tích gần 520m2. Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu có mối giao lưu quan hệ rộng rãi và luôn bày tỏ sự kính trọng đối với các nhà thơ tiền bối và cùng thời, vì vậy hơn 20 năm qua kể từ khi nhà thơ qua đời (18-12-1985) nơi đây đã đón tiếp nhiều khách thập phương nhớ đến ông, nghĩ về ông đến viếng thăm:

“..Với đất Mẹ, anh ngàn năm yên giấc

Thi nhân hỡi ...đêm nay mùa gió Bấc

Chút lửa mỗi lòng người xin ủ ấm lòng anh”

(Với Thi nhân - Thanh Hiền)

Mến và yêu thơ Xuân Diệu, từ tháng 12-2003 thầy và trò trường Phổ thông trung học số 2 Tuy Phước đã xây dựng Câu lạc bộ mang tên CLB thơ - nhạc Xuân Diệu với 25 thành viên do thầy giáo dạy văn Lê Xuân Giao - Hiệu phó nhà trường - làm chủ nhiệm. CLB hoạt động khá phong phú và thường xuyên, nhưng tập trung vào ngày cúng giỗ nhà thơ hàng năm (18-12). Vào dịp này, Đêm thơ-nhạc Xuân Diệu luôn diễn ra sôi nổi tại chính Điện thờ nhà thơ. Ngoài ra, hàng năm UBND huyện Tuy Phước luôn trích kinh phí tu bổ tôn tạo và nâng cấp Nhà lưu niệm Xuân Diệu để nơi tưởng niệm nhà thơ được khang trang, xứng đáng với tầm vóc và những đóng góp lớn lao của ông đối với sự nghiệp văn chương nước nhà. Đặc biệt, để phục vụ khách tham quan trong dịp Lễ hội Festival Tây Sơn - Bình Định sắp tới, Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với huyện Tuy Phước, dự kiến đầu tư 100 triệu đồng để trùng tu Nhà lưu niệm Xuân Diệu. Sở còn giúp huyện sưu tầm hiện vật, tác phẩm liên quan đến thân thế, sự nghiệp Xuân Diệu; cán bộ Bảo tàng tổng hợp tỉnh sẽ trực tiếp trình bày hiện vật, trang trí bên trong Nhà lưu niệm. Tuy nhiên, theo Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước thì hiện nay mặt bằng trước Nhà lưu niệm vẫn còn 3 hộ dân chưa giải tỏa được nên không gian và diện tích sử dụng bị thu hẹp, hạn chế đến cảnh quan... gây cảm giác khó chịu cho các đoàn khách khi thăm viếng. Trả lại không gian thoáng đãng cho mặt trước Nhà lưu niệm... là mong muốn chung của những người yêu mến và kính trọng nhà thơ Xuân Diệu.

Đón năm mới Đinh Hợi 2007, lòng người như phơi phới bởi sự diệu kỳ của tạo hóa - yêu đời, yêu người, yêu vạn vật cỏ cây muôn màu muôn sắc. Mùa xuân gắn liền với tình yêu nam nữ, và trong ta bỗng dạt dào những tứ thơ tình bất tử của nhà thơ:

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân Hồng, ta muốn cắn vào ngươi.

  • Xuân Thành
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cổ vật thời Tây Sơn đặt làm tại Trung Hoa  (09/02/2007)
Đua thuyền trên sông Gò Bồi  (09/02/2007)
“Bình cũ” nhưng “rượu mới”  (09/02/2007)
“Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho bóng đá trẻ”  (09/02/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/02/2007)
Bình Định đã là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (07/02/2007)
Xuân 2007, mùa xuân hy vọng  (07/02/2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh  (06/02/2007)
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)
Đem xuân lên vùng cao  (06/02/2007)
Hoạt động khoa học công nghệ: Chuẩn bị cho bước phát triển mới  (06/02/2007)
Từ “nuôi heo đất” đến đầu tư chứng khoán  (06/02/2007)
Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững  (06/02/2007)
Hương thơm ngày cũ...  (06/02/2007)