Ngựa qua từng chuyến...
20:9', 9/2/ 2007 (GMT+7)

1. Thị trấn Bình Định những năm đầu thế kỷ XXI, vẫn như còn nghe, lộc cộc tiếng vó ngựa rong ruổi. Trong căn gác nhỏ nơi mé chợ Bình Định, vẫn một người già, 87 tuổi, “lọ mọ” tìm tư liệu, chắt lọc ký ức về người bạn đời của mình mà viết nên những trang hồi ký, hình thành những trang di cảo. Đó là bà Nguyễn Thị Lan, người bạn đời của nhà thơ Yến Lan.

2. Nhớ ngày Yến Lan còn sống, có bận, chúng tôi ghé thăm. Ngôi nhà nhỏ, khá tối, cấp 4 nằm ngay trước cổng chợ Bình Định tấp nập. Bên trong, chỉ có hai vợ chồng nhà thơ lụi cụi. Ông nằm một chỗ, run rẩy như một cành lan, bà cặm cụi chép những vần thơ, thường là tứ tuyệt qua giọng đọc tiếng được tiếng mất của ông. Ông nói, phải cố lắm chúng tôi mới hiểu ý, thường phải do chính bà phiên dịch lại.

 

Bà Nguyễn Thị Lan trên chiếc cầu Trường Thi, xa xa phía sau là Bến My Lăng. Ảnh: V.T

 

Bẵng vài năm nay trở lại, nhà thơ thì đã mất. Căn nhà cũ được cất mới, thành ngôi nhà ba tầng rưỡi, nhưng khung cảnh còn im lìm hơn thế. Nhưng trên gác cao nhất, đã có một phòng lưu niệm của chính nhà thơ. Đôi dép, cả cái bàn là làm bằng vỏ bom bi, chiếc bếp dầu bằng lon sữa do chính nhà thơ tự tạo cũng đã được sưu tầm. Không thiếu những trang bản thảo, những bài báo tản mác đó đây viết về ông.

Và đâu dừng ở những kỷ vật, Sau Yến Lan nhớ mãi về anh (hồi ký về nhà thơ Yến Lan, NXB Văn học, 2001), bà lại viết thêm mấy tập bản thảo mới: Ngồi mà nhớ lại, Nhớ chuyện ngày xưa... và cất công sưu tầm những trang viết còn thất lạc của ông. Ngày chúng tôi gặp bà, bà khoe, bà còn một tập di cảo khác, đã gửi xuống Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định, rồi đã sưu tầm thêm một số truyện ngắn, thơ của Yến Lan từng đăng báo trước năm 1945 và bà cũng muốn gom lại để in thành tập, định lấy tên là Giếng loạn. “Di cảo nhà tôi thì còn nhiều lắm. Tôi đã yếu chứ nếu còn khỏe thì còn làm được nhiều nữa”- bà nói vậy. Trong năm 2006, Tuyển tập thơ tứ tuyệt Yến Lan (Nxb Văn học) với gần 500 bài đã ra đời. Đọc mỗi dòng thơ, tôi lại như thấy còn hiện lên trước mắt, hình ảnh người chồng thi sĩ nằm trên giường bệnh và khẽ đọc cho người vợ chép lại những vần thơ....

3. Năm đó, tôi mới lên mười thì được cha tôi cho vào trường nữ trong thành Bình Định học. Ba năm học từ lớp Năm đến lớp Ba, kỳ nghỉ hè nào tôi cũng đến anh để học thêm. Anh dạy rất nhiệt tình, giảng bài giọng rất hay, lại thấy anh ít rong chơi như các anh khác, nên tôi cũng có để ý. Thỉnh thoảng, xem báo, lại gặp tên anh, tôi và người bạn gái cùng tuổi tên Bạch Yến đều tấm tắc: anh nhà nghèo mà sao giỏi thế!

Năm 1937, cha tôi ép gả tôi cho một gia đình giàu có, tôi phải vâng lời. Hai tháng ở nhà chồng, tôi như bị bỏ tù, lại phải chịu đòn roi nhà chồng, tôi bỏ đi Quy Nhơn, rồi mua vé tàu vào Nha Trang. Sau, cha tôi đến tìm bảo tôi về.

Hàng ngày tôi đi chợ mua thức ăn ngang qua chùa Ông, nơi anh ở. Anh thường đứng bên bờ thành, thỉnh thoảng lại khẽ gọi và hỏi tôi những câu chuyện vu vơ. Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói là anh sẽ ra dạy ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê, tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh. Anh nói: “Anh coi em như mối tình đầu”... Nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý, có phần bởi cũng muốn con cái mình có chồng giàu có, sung sướng. Tôi rất buồn và lại bỏ nhà đi, vô một ngôi chùa ở Phan Thiết tu. Được ít lâu thì cha tôi sai anh tôi dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20-4-1944”.

 

Bà Nguyễn Thị Lan bên ngôi mộ nhà thơ Yến Lan. Ảnh: V.T

 

Ấy là câu chuyện bà kể cho chúng tôi, về mối tình của hai ông bà. Tuổi đã cao, tóc đã nhạt màu, bà kể chuyện, ký ức vẫn tươi nguyên như mới vừa hôm qua. Ngay những chuyện vẩn vơ, như ngày còn khó khổ, hai vợ chồng phải làm xà bông để bán, chuyện những năm tháng sống ở Hà Nội... Ký ức cứ ập về, trong căn phòng nhỏ, mà trên mỗi kỷ vật, trang sách, ta vẫn như còn bắt gặp, bóng dáng của người thi sĩ xưa.

4. Đầu xuân, bà Nguyễn Thị Lan lại gửi đến cho chúng tôi, một bài thơ bà mới sưu tầm được của Yến Lan. Bài thơ này, nhà thơ viết về chính ngôi nhà của mình. Giọng điệu thơ, như một sự hồi cố giọng điệu của thời Ngựa qua từng chuyến. Váng vất đâu đó, câu thơ như một sự nuối tiếc, như một da diết quay về những kỷ niệm, đọng trong khung trời cũ ngập tràn những yêu thương. Đọc thơ, mà tưởng như ta đang được trôi lại, ngược thời gian về với những chiều Bình Định thuở nào, với những bạn thơ trong Bàn thành tứ hữu.... Mà cũng phải thôi, khi chính ngay dưới tiêu đề bài thơ này, Yến Lan muốn “Gửi một nhà thơ Nha Trang”, hẳn là nhà thơ Quách Tấn vậy chăng?

5. Trong căn nhà ấy, tưởng như thời gian không ghé qua. Thời gian cũng bất lực trước ký ức tình yêu của một người phụ nữ. Riêng những câu thơ còn xanh...

  • Lê Viết Thọ

Nhà tôi đó (*)

Gửi một nhà thơ Nha Trang

...

III

Nhà tôi đó trên góc đường phố vắng

Xế cửa Đông một thị trấn nghèo nàn

Từ ngày thơ vướng chút bệnh trăng

Giữa đêm hạ mà lòng luôn trở rét

Từng làm ngọn suối trông giòng xiết

Cặm cụi đêm ngày đan nhớ dệt thương

Đất nước rộng không tìm nơi hò hẹn

Xuân trước xuân sau

                            én càng chuyển đến

Nắng mòn trên mái tóc đương xanh

Dẫu đến một chiều tôi đứng bên anh

IV

Nhưng

        không quên được gian nhà tuổi nhỏ

Kỷ niệm trở mình trên bàn ghế cũ

Tôi trở về sắm gối may chăn

Chiếc thêu hoa lót tóc tình nhân

Và chiếc trắng dành khi anh đến

Chưa bao giờ chúng ta lỡ hẹn

Một chuyến đi ra Bắc vào Nam

Hai giây tơ giăng một cung đan

Cao thấp tiếng lòng gảy ra tình nhạt

Con thoi cảm tình luôn khoan nhặt

Dệt mãi dày thêm nghĩa bạn bè

Quan niệm bên ngoài đôi ta có khác

Nhưng lòng yêu nghệ thuật vẫn lòng chung

Và tình yêu Tổ quốc nở song song

Lòng yêu Tổ quốc là trên hết

1991

  • Yến Lan
(*) Bài thơ này được Yến Lan sáng tác năm 1991, do bà Nguyễn Thị Lan, vợ nhà thơ, sưu tầm, gồm bốn phần, chúng tôi xin trích đăng hai phần cuối.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu  (09/02/2007)
Cổ vật thời Tây Sơn đặt làm tại Trung Hoa  (09/02/2007)
Đua thuyền trên sông Gò Bồi  (09/02/2007)
“Bình cũ” nhưng “rượu mới”  (09/02/2007)
“Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho bóng đá trẻ”  (09/02/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/02/2007)
Bình Định đã là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (07/02/2007)
Xuân 2007, mùa xuân hy vọng  (07/02/2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh  (06/02/2007)
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)
Đem xuân lên vùng cao  (06/02/2007)
Hoạt động khoa học công nghệ: Chuẩn bị cho bước phát triển mới  (06/02/2007)
Từ “nuôi heo đất” đến đầu tư chứng khoán  (06/02/2007)
Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững  (06/02/2007)