Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào Iran
20:21', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Sau những nỗ lực ngoại giao không thành, dường như Mỹ đang thay đổi chiến lược nhằm đối đầu với Iran. Sau phát biểu công kích gần đây của Tổng thống Mỹ G.W.Bush cộng với việc gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại vùng vịnh Ba Tư (Persia) dường như Iran đang là mục tiêu trọng tâm của Mỹ, báo hiệu trước khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới hoặc thậm chí là một cuộc đối đầu quân sự cam go tại khu vực vốn giàu nguồn tài nguyên dầu mỏ này.

 

Tổng thống Talabani (bìa phải) là người đứng đầu chính phủ Iraq đầu tiên trong vòng 30 năm qua đến thăm chính thức Iran.

 

* Iran - mục tiêu của Mỹ

Ngày 16-1-2007, chiếc hàng không mẫu hạm USS Stennis của Mỹ mang theo 3.200 binh sĩ đã rời bến cảng Washington để đến vịnh Ba Tư. Đây là chiếc tàu sân bay thứ hai được Mỹ tăng cường đến Trung Đông kể từ năm 2003 đến nay. Mỹ còn triển khai thêm một khẩu đội tên lửa Patriot - hệ thống tên lửa quốc phòng hiện đại nhất hiện nay của Mỹ, có thể bảo vệ an toàn cho các đồng minh của Mỹ trong trường hợp Iran tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ C. Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates lại ráo riết thực hiện các chuyến công du khắp Trung Đông nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nước đối với kế hoạch triển khai 20.000 binh sĩ Mỹ đến Iraq và tìm kiếm những đồng minh mới cho kế hoạch chống đối Iran của họ.

Mặc dù Washington luôn nói rằng, việc đưa thêm quân đến Iraq là nhằm “tìm kiếm và phá hủy” mạng lưới nước ngoài đang cố tình gây bất ổn tại Iraq, nhưng mục đích của họ không ngoài việc củng cố vị thế của mình tại vùng Vịnh và ngăn chặn ảnh hưởng đang ngày càng lớn dần của Iran trong khu vực.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ C. Rice cho rằng, không loại trừ khả năng quân đội Mỹ sẽ vượt biên giới Iran-Iraq tiến sâu vào Iran nhằm truy bắt các nghi phạm đã cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi loạn ở Iraq. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, họ làm như vậy là nhằm bảo vệ các binh sĩ Mỹ, nhưng theo nhận xét của tờ New York Time (Mỹ), tham vọng của Mỹ là tấn công Iran do đã cản trở họ tại Iraq và nhằm hạn chế tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Xa hơn nữa, theo nhiều quan chức quân sự Mỹ và cộng đồng quốc tế, mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Bush trong cuộc đối đầu hạt nhân với Iran là thay đổi chế độ này.

* Nguy cơ chiến tranh

Ông James Carafano, một nhà nghiên cứu Trung Đông cho rằng, Iran cảm thấy họ đang ngày càng mạnh hơn khi Mỹ bị sa lầy tại Iraq và không nhận được sự ủng hộ của quốc tế để trừng phạt chương trình hạt nhân của Iran. Mặc dù Mỹ nỗ lực kêu gọi các nước ủng hộ kế hoạch của họ, hay gia tăng sức ép buộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hạn chế hơn một nửa các dự án hỗ trợ kỹ thuật hạt nhân cho Iran. Lớn hơn nữa là nghị quyết của HĐBA Liên hợp quốc ban hành ngày 23-12-2006 áp đặt các biện pháp cấm vận Iran, đồng thời kêu gọi Tehran ngừng ngay các hoạt động làm giàu uranium. Thế nhưng, Iran tuyên bố sẽ không từ bỏ con đường mà mình đã chọn. Họ sẽ lắp đặt thêm 3.000 máy ly tâm vào tháng 3-2007 để phục vụ cho các hoạt động làm giàu. Đáp lại những chuyến ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng lên đường sang khu vực châu Mỹ La tinh tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước liên minh chống Mỹ.

Ông Trita Parsi, chủ tịch Hội đồng quốc gia Mỹ-Iran nhận định, chiến lược của Mỹ tại Trung Đông sẽ dẫn đến một cuộc chiến đấu cân bằng sức mạnh, khiến Mỹ bị tiêu hao nguồn lực và làm xói mòn vị thế của Mỹ tại Trung Đông. Iran là một thế lực lớn trong khu vực, nếu Mỹ muốn bao vây lâu dài, cách duy nhất là phải đối đầu trực tiếp với họ. Trong khi đó, một ý kiến khác lại cho rằng, kế hoạch của Mỹ sẽ thất bại bởi vì Iran hiểu rằng Mỹ không có đủ quyền lực để thay đổi chế độ của họ.

 

Nhà máy hạt nhân Natanz, nơi Iran chuẩn bị lắp đặt 3.000 máy ly tâm phục vụ cho các hoạt động làm giàu uranium.

 

* Mỹ có tiếp tục bị sa lầy?

Có thể nói Tổng thống Mỹ George W. Bush đã rất dũng cảm khi dám đối đầu với công luận và quốc hội nước này khi đưa ra quyết định gửi thêm hơn 20.000 quân Mỹ tới Iraq trong bối cảnh hiện nay. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đang gia tăng áp lực phản đối kế hoạch triển khai quân sau khi Tổng thống Bush trong một cuộc phỏng vấn mới đây khẳng định rằng, điều ông quan tâm duy nhất là sự thành công. Đỉnh điểm là hôm 17-1, ba thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ, gồm hai Thượng nghị sĩ Dân chủ là Joseph Biden và Carl Levin và nghị sĩ Cộng hòa Chuck Hagel đã tuyên bố một nghị quyết phản đối kế hoạch tăng quân tại Iraq. Họ cho rằng, kế hoạch trên không vì quyền lợi của nước Mỹ và hối thúc chuyển giao nhanh an ninh cho các nhà lãnh đạo Iraq. Thượng nghị sĩ Christopher Dodd đã đưa ra một dự luật yêu cầu cần phải có sự thông qua của Quốc hội đối với mọi kế hoạch tăng quân ở Iraq. Trong khi đó tại Hạ viện, ba nghị sĩ Dân chủ đã đưa ra một dự luật kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Iraq trong vòng 6 tháng. Dường như một cuộc đối đầu giữa Tổng thống Bush và Quốc hội đang sắp sửa xảy ra. Trong khi đó, kết quả một cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy, 70% người dân Mỹ phản đối kế hoạch của Tổng thống Bush gởi thêm quân sang Iraq.

Điều khiến ông Bush “đau đầu” nhất là chính phủ Iraq, người hưởng lợi trực tiếp từ kế hoạch này, lại không muốn nó được thực hiện. Xem ra kế hoạch tăng quân của Tổng thống Bush sẽ lại là một thất bại nữa của bản thân ông cũng như của đảng Cộng hòa. Chính phủ Iraq lo ngại việc Mỹ tăng quân tại nước này, đặc biệt là Baghdad, sẽ đi ngược lại mong muốn của họ trong việc giảm bớt quyền lực của Mỹ tại Iraq và tiến hành cuộc chiến theo cách mà họ muốn. Theo họ, số lính Mỹ hiện nay tại Iraq là đủ cho nhiệm vụ này.

Một nguyên nhân khác khiến Mỹ khó có thể dùng Iraq làm “tấm bình phong” để tấn công Iran đó là mối quan hệ mật thiết giữa Iran và các đảng người Kurd và dòng Shiite tại Iraq. Mối quan hệ này đã được củng cố sau nhiều biến cố trong lịch sử hai nước. Các nhà lãnh đạo Iraq cho rằng, họ sẽ phải “sống chung” với người láng giềng Iran, trong khi sự hiện diện của Mỹ chỉ là tạm thời. Chính vì điều này mà người Kurd đã phản đối kịch liệt và yêu cầu Mỹ trả tự do cho 5 nhà ngoại giao Iran đã bị quân đội Mỹ bắt trong một chiến dịch tấn công cơ quan ngoại giao Iran tại Iraq trước đó. Phản ứng này có thể là dấu hiệu báo trước thất bại mà Mỹ phải gánh chịu khi phát động cuộc chiến chống Iran ngay tại Iraq.

  • Hồng Hà (tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngựa qua từng chuyến...  (09/02/2007)
Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu  (09/02/2007)
Cổ vật thời Tây Sơn đặt làm tại Trung Hoa  (09/02/2007)
Đua thuyền trên sông Gò Bồi  (09/02/2007)
“Bình cũ” nhưng “rượu mới”  (09/02/2007)
“Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho bóng đá trẻ”  (09/02/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/02/2007)
Bình Định đã là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (07/02/2007)
Xuân 2007, mùa xuân hy vọng  (07/02/2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh  (06/02/2007)
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)
Đem xuân lên vùng cao  (06/02/2007)
Hoạt động khoa học công nghệ: Chuẩn bị cho bước phát triển mới  (06/02/2007)
Từ “nuôi heo đất” đến đầu tư chứng khoán  (06/02/2007)