Bình Định có hát Tuồng
20:34', 9/2/ 2007 (GMT+7)

* Tản văn của Huỳnh Văn 

Bình Định có tiếng là cái nôi của hát Bội. Thi sĩ Tản Đà trong một chuyến xuyên Việt, đã dừng chân lại Bình Định. Trong ký sự bằng thơ của chuyến đi, ông đã viết câu lục bát: “Tuồng Bình Định rạp Phú Phong/Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè Tàu” (Thú ăn chơi). Câu thơ có ý rằng, đi tới đâu trên đất nước mình, ông cũng được thưởng thức những món ngon, vật lạ, tận hưởng nhiều điều thú vị; riêng ở Bình Định, thật sảng khoái khi được ngồi xem hát Tuồng, thưởng thức nghệ thuật Tuồng.

Còn người quê tôi thì tự sáng tác ra “bài ca” lịch hát: “Rằm Giêng hát hội Phò An/ Đến ngày mười bảy hát sang chùa Bà/ Hai mươi, hăm mốt, hăm ba/ Muốn gần chợ Huyện, muốn xa Cảnh Hàng/ Chim kêu trên núi Chà Rang/ Em đi xem hát giần sàn mốc meo” (Ca dao). Và thuộc lòng bài ca đó để đi xem hát “theo lịch”, khỏi sợ bỏ sót đám hát nào.

 

Một cảnh trong vở Tam hạ Nam đường do các nghệ sĩ không chuyên biểu diễn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

ÔHát bội hành tội người ta”. Năm Dậu, làng An Định của tôi tổ chức đám hát theo lệ Thu tế tại sân đình. Đám hát kéo dài ba ngày ba đêm, cho hết ba lớp Sơn Hậu Thành. Trời mưa mù mịt suốt thời gian đó. Ông trời vừa mưa, vừa đổ lũ nguồn xuống, và nước lũ xuống, ngâm cánh đồng lúa chín vàng đang chờ gặt. Tới ngày vãn hát, bạn Bầu Thơm quảy gánh hòm rương đồ bạn hát ra về, thì lúa ngoài đồng cũng vừa nứt mộng. Và vụ thu đông ấy, người ta đã ra đồng vớt lúa mộng đem về nhà. Năm Dậu hết, năm Tuất sang, làng tôi ăn Tết năm Tuất không trống giong cờ mở ở sân đình, người lớn “bó gối ngồi nhà” nhìn cảnh xuân ảm đạm, còn lũ trẻ nhỏ chúng tôi không có quần áo mới để tung tăng như Tết mọi năm.

Hát đình là hát công do làng tổ chức. Bên cạnh đó, còn có đám hát của tư nhân. Tư nhân sinh quý tử hoặc giả thăng quan tiến chức, con cái thi đỗ... thì tổ chức hát mừng. Các đám hát này thường diễn ra vào mùa hè, để người ta vừa đi xem hát, vừa thưởng thức thú đồng quê dưới trăng thanh gió mát. Hát đình hay hát tư nhân, đám hát nào cũng có hát lễ để cúng thần linh (hát đình), cúng gia tiên (hát tư nhân) và phục vụ bàn dân thiên hạ. Hát lễ thường hát tuồng Cổ Thành hoặc Hoa Dung Lộ... Hát cho người ta xem thì tuồng gì cũng được, nhưng thường thì Sơn Hậu, Ngũ Hổ...

Ở các vùng quê trong tỉnh Bình Định, đâu cũng có trường hát và bầu hát. Ngay như xã Nhơn An quê tôi, đầu xã, giữa xã, cuối xã đều có trường hát và bầu hát. Đầu xã có bạn Bầu Hùng, giữa xã có bạn Bầu Chẩm, cuối xã có bạn Thông Cừu. Bầu nào, bạn nấy, trường hát nấy. Trường hát dựng lên bằng vách đất mái tranh ở cạnh đình làng. Mới 4, 5 giờ chiều, trường hát đã nổi lên tiếng kèn trống inh ỏi để quảng cáo. Người xem hát trường đã xem chín đêm, đến đêm thứ mười, tới màn tôn vương mà không xem là không hả dạ. Tôn vương là rước vua lên ngôi, sau khi trung thần đã trừ gian diệt nịnh xong và lập lại cảnh thái bình âu ca. Trường hát lôi cuốn người xem bằng cái “hậu” như vậy.

Có một thời gian rất dài, các nghệ sĩ như Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá, Ngọc Cầm, Lệ Suyền... khá quen thuộc với người xem hát Bội Bình Định. Tài năng của họ được mọi người ái mộ. Trường hát nào mời được một vài danh ca trong số này về hát thì trường hát đó đêm nào cũng chật cứng người xem. Người ta kháo nhau: “Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình/ Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi/ Nói ra thì chuyện cũng kỳ/ Hoàng Chinh đóng kép mình thì mê ngay” (Ca dao). Lại có một cái thú khác của giới học thức là đem “sách Tuồng” của Nguyễn Diêu, Đào Tấn ra đọc, như một cách để yêu Tuồng và tác giả Tuồng.

Đi theo nghề hát thường là chuyện kế nghiệp gia đình. Gia đình bà Hai Đấu mấy đời không ai theo nghiệp xướng ca, nay bỗng nhiên cô con gái xinh của bà đi theo hát, làm cho bà buồn. Bà ngồi đâu “hát” đó: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu/ Con theo hát bội mẹ liều con hư” (Ca dao). Nói thì nói vậy, chứ nhiều bậc cha mẹ vẫn có đủ lòng “rộng lượng” để chiều theo con trước lời năn nỉ khéo léo, “đánh đúng tâm lý” của cô con gái mình: “Mẹ ơi, đừng đánh con đau/ Để con theo hát làm đào cho mẹ coi” (Ca dao).

Năm nào cũng vậy, độ xuân về, Tết cổ truyền đến, lòng người ta phấn khởi, chờ đi xem hát. Bao đời rồi, người ta sống theo một nền nếp như thế. Ngày nay, đám hát ít, ăn Tết, cúng Thanh minh mà không có món văn hóa tinh thần như hồi xưa, nên lòng những người già vừa nhớ xưa vừa không yên.

  • H.V
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh chưng - Món ăn đặc trưng trong ngày Tết  (09/02/2007)
Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào Iran  (09/02/2007)
Ngựa qua từng chuyến...  (09/02/2007)
Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu  (09/02/2007)
Cổ vật thời Tây Sơn đặt làm tại Trung Hoa  (09/02/2007)
Đua thuyền trên sông Gò Bồi  (09/02/2007)
“Bình cũ” nhưng “rượu mới”  (09/02/2007)
“Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho bóng đá trẻ”  (09/02/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/02/2007)
Bình Định đã là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (07/02/2007)
Xuân 2007, mùa xuân hy vọng  (07/02/2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh  (06/02/2007)
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)
Đem xuân lên vùng cao  (06/02/2007)