Quê tôi, ngày xa xưa ấy !
20:41', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Phú Mỹ quê tôi cách thị trấn Phú Phong (huyện lỵ Tây Sơn) hơn 2km về phía tây. Từ trên đỉnh núi Xà Kính nhìn xuống, Phú Mỹ là một làng quê thơ mộng, giàu và đẹp. Con sông Đồng Hươu như chui ra từ khe hai ngọn núi rồi ngoằn ngoèo băng qua giữa, chia đôi mênh mông đồng lúa xanh mượt mà, thi thoảng ẩn hiện những xóm nhà nằm khuất dưới tán cây xanh của vùng đồng bằng trong thung lũng gần như ba bề bao bọc bởi núi rừng quanh năm xanh ngát. Con sông mà ngày xưa tôi thường ví von như con rắn khổng lồ đang cố trườn mình muốn thoát khỏi dãy núi như bức trường thành phía tây, tuy đã nằm chết từ lâu nhưng còn chất chồng biết bao kỷ niệm. Đầu sông là thắng cảnh Hầm Hô thơ mộng, và đến Phú Phong nhập với dòng sông Côn để cuối cùng đổ ra cửa Thị Nại trước khi ra biển Đông.

 

Thắng cảnh Hầm Hô - một đoạn của sông Đồng Hươu chảy qua Phú Mỹ. Ảnh: N.Đ.T

 

Ngày còn bé theo mẹ ra sông, tôi thường đứng nán lại ở cầu Hương Kế nơi độ cao có thể ném mắt qua bên kia sông. Bên kia sông là mênh mông bãi cát được chắn bởi bờ tre Dâu Xe xanh ngát, đàng sau ngút ngàn ruộng mía và nương dâu. Bãi cát mà nhiều lần tôi đã chạy thi với bóng mây đến nhừ người rồi nằm lăn ra nhìn trời. Trời mênh mông mây bay lang thang và cao xa là xanh thẳm. Cuối tầm mắt là trảng núi Lỗ Rán lộ lên ngôi chùa Đá Hoa với những tảng đá trắng bên trên có cây cổ thụ trông càng đẹp và đầy chất liêu trai. Ông tôi kể rằng, vào những đêm rằm xa xưa trăng sáng trong vắt, dân làng thấy hàng chục tiên nữ xuống sân chùa múa hát cùng công, cùng phượng mãi đến gần sáng mới về trời.

Tương truyền, ngọn Chóp Vung có đàn ngựa bạch là giống ngựa của nhà Trời phi ngàn dặm không biết mỏi. Khi Nguyễn Nhạc khởi nghĩa được Thiên đình cắt cử con ngựa chiến bạch mã xuống giúp, về sau con bạch mã được trao cho Nguyễn Huệ cỡi xung trận. Các trận đánh quyết định với chiến lược chớp nhoáng, Nguyễn Huệ đều cỡi ngựa bạch và luôn bách chiến bách thắng. Sau khi giành được thiên hạ, thấy anh em nhà Tây Sơn có mối bất hòa, Trời lại triệu hồi ngựa bạch và cũng từ đó truyền rằng cứ vào đêm Trừ tịch hàng năm, người dân địa phương lại thấy một con ngựa bạch còn nguyên yên cương đơn độc bay từ vùng Tây Sơn thượng đạo về ngọn Chóp Vung và biến mất ở đây. Có hôm tại thành Hoàng Đế, vua Thái Đức thao thức không ngủ được ra vườn Thượng uyển chợt nhìn về phía cửa Nam Lâu thấy con ngựa bạch ngày xưa cứ vờn bay ba vòng trên Hoàng thành rồi thẳng về hướng tây biến mất. Nghĩ là điềm báo ân, Vua vội sai cận tướng Võ Văn Dũng cho lập chùa trên đỉnh núi hướng tây để thọ ơn bạch mã và đặt tên chùa là Hùng Dũng Bạch Mã tự. Và từ đó, ngọn Chóp Vung cũng đổi tên thành núi Hùng Dũng. Về sau để cho gọn, dân làng gọi là Chùa Hùng Dũng. Chùa nằm gần đỉnh núi Hùng Dũng và tuy ở Tây Sơn hạ đạo nhưng từ đây nhìn lên Tây Sơn thượng đạo không xa mấy; có suối nước sau chùa róc rách lững lờ chảy, chim rừng kêu, mây trắng vờn quanh mát dịu quanh năm, phong cảnh thật hoang sơ. Khi nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại, tướng Võ Văn Dũng về ẩn ở chùa Hùng Dũng chờ ngày phục hận. Nhưng việc không thành, về sau tạ thế tại đây được dân làng Phú Mỹ bí mật an táng tại Gò Quàng cách vườn nhà của cha ông là hào phú Võ Văn Khanh chưa đầy 1km. Trước mộ ông có bốn mộ của bốn cận vệ trung thành người Ba na tự nguyện chịu chôn sống đứng hầu hai bên mộ chủ tướng.

Bên dưới cầu Hương Kế là bến Đồn. Bến Đồn có đá giặt và đá ông voi rất tiện lợi cho việc tắm giặt ở sông. Suốt ngày đông người qua lại bến sông, mùa mưa phải đi sõng vì là đầu mối của con đường đi vào các xóm Đồng Đo, Đồng Dài, Đồng Dầu, Đồng Sạ... Những cánh đồng lúa tuy không rộng nhưng đủ nuôi sống dân làng và ngày xưa, tuy có khó đi hơn nhưng vào Hầm Hô theo đường này sẽ được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp. Con đường men theo sông. Từ mô đất Dốc Phóng cao cách mặt nước sông gần ba chục mét nhìn xuống Vực Dòm, Thác Sa, đưa tầm mắt xa hơn một chút đến bàu Nhà Kê... thật là một cảnh đẹp kỳ vĩ.

Vực Dòm, nước sâu thăm thẳm và trong veo. Những chiều mùa hè có ráng đỏ phía tây khi mặt trời sắp lặn là tối đó bọn trẻ con chúng tôi theo anh Ba Cự đi rình cá đẻ ở đầu vực. Đẹp nhất là những đêm trăng, mặt sông như dải lụa vàng óng ánh. Trong khi chờ cá, ngồi nghe kể chuyện đã hấp dẫn, lại càng thích thú khi nghe đàn cá kéo về róc rách bơi quây quần. Đến lúc vòng tròn đàn cá khép nhỏ bằng cái nia thì anh Ba tung chài. Gần như tất cả cá đều nằm gọn trong chài và cứ việc ép cho cá nằm sát đất rồi lận tay bắt từng con bỏ vào giỏ. Cũng có những đàn cá khôn, cứ quây quần đẻ ở chỗ có đá hoặc quanh cây rù rì mọc dưới bờ nước thì thoát được chài. Ở bên này vực là chùa Núi Đất, một ngôi chùa rất khiêm tốn nhưng về lịch sử và vẻ huyền bí thì không kém chùa Phước Sơn là ngôi chùa đã bí mật lưu giữ 3 tượng Phật bằng gỗ mít tạc từ thời Tây Sơn mà hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung.

 

Lễ dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung.

 

Cuối Đồng Dài đến đầu Hòn Ngang có dinh Bà, được dân làng lập như đền thờ Thành Hoàng để nhớ công ơn phù trợ ngự thủy, bắt con sông Đồng Hươu phải hiền hòa để tạo sự phồn vinh cho Phú Mỹ. Tuy qui mô nhỏ nhưng kiến trúc dinh rất độc đáo. Cảnh dinh trang nghiêm và hùng vĩ, vẻ hoang vắng đượm thêm sự linh thiêng. Đi ngang qua dinh, dân làng ai cũng lấy mũ nón cầm tay và cúi đầu bước. Trước mặt dinh là hai nhánh sông từ đập bổi Hầm Hô chảy ra hai bên Gò Giữa và đối diện là khu rừng Gò Me. Bên cạnh dinh có con suối nhỏ quanh năm nước chảy róc rách là chỗ cọp thường ra uống nước. Vùng này còn lưu lại truyền thuyết về con cọp ba chân, còn in mãi trong ký ức dân làng.

Sông Đồng Hươu để lại cho quê tôi thắng cảnh Hầm Hô nơi có đập Lộc Giang (còn gọi là đập Hầm Hô) cũng chính là một phần của danh lam thắng cảnh Hầm Hô. Theo gia phả hai họ Nguyễn và Võ lập nghiệp đầu tiên ở đây thì đập bổi Hầm Hô và hệ thống kênh mương Lộc Giang là do các vị tiền hiền Lê Kim Bôi, Lê Kim Bảng và các hào phú Nguyễn Văn Đinh, Võ Văn Khanh (thân phụ của Võ Văn Dũng, tướng nhà Tây Sơn) xây dựng từ năm Thái Đức thứ 3. Đập cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha ruộng lúa từ Phú Mỹ đến tận Phú Xuân và thị trấn Phú Phong. Mãi đến năm 1988 đập mới được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép. Để nhớ công ơn các vị tiền hiền, từ xưa dân địa phương đã lập am thờ nằm cạnh bờ đập và tổ chức ngày giỗ hàng năm vào ngày 20 tháng giêng âm lịch. Tiếc rằng dù nằm bên cạnh khu du lịch Hầm Hô nổi tiếng, giờ đây hàng ngày có đến hàng trăm du khách đến viếng nhưng am thờ vẫn nhỏ nhoi, âm thầm, quạnh quẽ.

Rừng núi quê tôi ba bề, nơi xưa đây có nhiều hươu nai, thú rừng và chim muông với bạt ngàn cây cối tươi tốt quanh năm. Dòng sông và núi rừng đã tạo nên cảnh quan Hầm Hô đẹp đẽ, với nhấp nhô đá Thành, Bàn cờ tiên, Bình trà, đá Độc tửu, đá Miệng, đá Bóp vú, đá Độc bình... ôm ấp dòng chảy ngọt ngào nuôi sống bao loài thủy sản. Hầm Hô còn là nơi nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng làm hành dinh chống Pháp, là căn cứ địa chống Mỹ của quân và dân Tây Sơn. Giờ đây tuy Hầm Hô đã đổi thay nhiều, được tôn tạo trở thành điểm tham quan du lịch, nhưng trong tôi vẫn không phai mờ phong cảnh ngày xưa.

  • Nguyễn Đình Thụy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định có hát Tuồng  (09/02/2007)
Bánh chưng - Món ăn đặc trưng trong ngày Tết  (09/02/2007)
Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào Iran  (09/02/2007)
Ngựa qua từng chuyến...  (09/02/2007)
Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu  (09/02/2007)
Cổ vật thời Tây Sơn đặt làm tại Trung Hoa  (09/02/2007)
Đua thuyền trên sông Gò Bồi  (09/02/2007)
“Bình cũ” nhưng “rượu mới”  (09/02/2007)
“Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho bóng đá trẻ”  (09/02/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/02/2007)
Bình Định đã là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (07/02/2007)
Xuân 2007, mùa xuân hy vọng  (07/02/2007)
Sáng mãi đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh  (06/02/2007)
Tầm nhìn thế kỷ  (06/02/2007)
Tản mạn quanh cây cầu vượt biển dài nhất  (06/02/2007)