Đi ăn rong cũng là một cái thú. Lang thang trên những con đường, tình cờ ghé vào một quán nhỏ ven đường ăn lót dạ. Và thật thú vị khi ta phát hiện ra được một quán ngon, “làm quà” để tặng người thân và bạn phương xa bằng câu nói “có quán này ngon lắm, ăn thử hông?”, hoặc “khi nào bạn về, mình sẽ dẫn bạn lang thang, đi ăn rong trên phố xá Quy Nhơn”...
|
Hàng bánh ít, bánh tai vạc, bún dây lúc nào cũng đắt hàng.
|
* Bánh canh, bánh cuốn và bún chả cá Quy Nhơn
Đó là những món ăn mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ quán ăn nào trên đường phố Quy Nhơn. Đó là “đặc sản” của phố biển quê hương.
Bánh canh làm từ những sợi bột dài trắng tinh làm từ bột gạo hoặc bột mì nhất. Còn bánh tráng cuốn, ở Bình Định mới có thứ bánh tráng vừa mỏng, vừa dai vừa miệng người ăn đến vậy. Nổi tiếng và được nhiều người biết nhất là quán bánh canh Bà O (45 Phan Đình Phùng). Chẳng biết bà tên thật là gì, chỉ biết bà dân gốc Huế, khách vẫn kêu O, lâu rồi thành quen. Bánh canh của bà là bánh canh làm từ bột gạo, cọng tròn dài vừa đủ ăn. Bánh canh chả cuốn, thêm một quả trứng cút, nửa lát chả lụa sóng sánh trong vị nước lèo đậm đà. Thêm chút hành lá, chút tiêu, chút ớt tương sánh đỏ. Vậy là ta đã có một tô bánh canh ngon lành, giá 5.000 đồng/tô, chả cuốn 3.000 đồng.
Gần hai năm trở lại đây, xuất hiện món bánh canh cua O Huệ (28 Trường Chinh)- đặc sản của xứ biển du lịch Nha Trang. Chẳng biết lấy nguồn từ đâu, nhưng lúc nào tô bánh canh cũng có vài miếng nạc cua thêm vài lát chả cá. Vị cá - cua kết hợp, thêm cọng bánh canh bột mì nhứt dai dai... khiến thực khách Quy Nhơn thấy lạ miệng.
Còn bún cá ư? Hầu như mọi con đường ở Quy Nhơn đều có bán. Nhưng nhiều người vẫn “chấm” quán 159 đường Nguyễn Huệ. Ngoài nguyên liệu chính là chả cá, tô bún còn được chủ quán “điểm xuyết” thêm một vài tai nấm rơm làm cho tô bún “ngọt” hơn. Dĩa rau sống được chủ quán chăm chút từng chút một, từ hoa chuối chát xắt nhỏ đến các vị húng, quế, xà lách thái nhỏ, tạo cho thực khách cảm giác rất ngon miệng. Một người bạn dân Hà Nội của tôi đến Quy Nhơn nằng nặc đòi dẫn đi ăn bún cá dù buffee sáng tại khách sạn chẳng thiếu thứ gì. Vừa ăn vừa hít hà, anh phán “ngon quá” và làm liền một lúc hai tô.
Mùa sứa rộ (cuối xuân đầu hè), bạn muốn thưởng thức món bún sứa cho mát dạ, hãy nhớ ghé đến quán Vân Vi ở 142 Lê Hồng Phong.
* Bánh xèo
Nói đến bánh xèo, thể nào giới sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn và những người sống ở Khu 6 (đoạn đường Nguyễn Thái Học, Ngô Mây, Hoàng Văn Thụ) sẽ nghĩ ngay đến quán Cây Me (số 546 Nguyễn Thái Học) bởi nó khá ngon.
Trước đây, ở góc ngã tư đường Trần Cao Vân - Phan Bội Châu có đến ba, bốn quán bánh xèo nằm liền kề nhau, rất đông khách. Nhưng kể từ khi một cô chủ quán xinh gái theo chồng bỏ cuộc chơi (làm nhiều nam thực khách tiếc ngẩn ngơ) thì góc quán bánh xèo này thưa hẳn. Trong hai quán còn lại ấy, giờ thực khách đến quán Thu Vân nhiều hơn (90C Trần Cao Vân). Phải chăng là vì cô ấy trẻ hơn người chủ quán kia?
Nếu bạn là người hay la cà, chịu bỏ thời gian đi tìm hiểu các ngóc ngách, hẻm nhỏ của Quy Nhơn, xin mời đến căn hẻm nhỏ mà có thể đi vào bằng hai đường Đinh Bộ Lĩnh hoặc Trần Hưng Đạo (hẻm 90 Trần Hưng Đạo). Cua qua ba, bốn dạo, hỏi thăm quán chị Mai, chuyên bán bánh vào buổi chiều. Bánh xèo đúc ngon, cô chủ quán niềm nở, đón tiếp chu đáo nên dẫu có ngồi chờ 1-2 tiếng, khách vẫn cứ vui lòng đợi thêm. Lưu ý: nhắm mình ăn được bao nhiêu thì kêu đúc bấy nhiêu phòng khi quán không kịp phục vụ. Đang ăn “dở mồm” mà phải chờ... để ăn tiếp thì mất cả ngon.
* Các loại bánh khác và chè
Quy Nhơn chẳng có nhiều loại chè, loại bánh kiểu “cung đình”, thưởng thức “hương hoa” như ở Huế mà chỉ có các loại bánh “ăn chắc, mặc bền” như chính tính cách của người dân Bình Định vậy.
Quán bánh bèo nóng ở số 742 Trần Hưng Đạo mà mọi người vẫn thường gọi là bánh bèo Cây Mận. Đơn giản, vì quán có hai cây mận trước sân. Bánh bèo nóng mới đúc, rắc thêm ít tôm chấy (tôm quá mắc nên thay bằng cá nhưng đảm bảo không để lại mùi tanh) lên trên, thêm ít bánh mì chiên giòn, hành phi... bảo đảm người đói bụng, lâu ngày thèm bánh bèo có thể “dứt” một lúc hai, ba chục chén bánh bèo.
Tại góc đường Mai Xuân Thưởng, trước hiên nhà số 100, có cô chủ chuyên bán nhiều loại bánh. Từ bánh ít nhân mặn, bánh bèo, bánh hỏi, bánh tai vạc, bánh gói đến bún dây, chả ram... để cho thực khách tha hồ mà chọn lựa, thích gì ăn nấy. Cỡ từ 3 giờ chiều trở đi, quán lúc nào cũng đông khách, không chỉ các bà, các cô, học sinh ăn lót dạ trước khi vào tiếp các cua học thêm mà cánh đàn ông, con trai cũng có mặt. Hóa ra, thú đi “ăn hàng” cũng không phải là “độc quyền” của giới nữ.
Người “hảo ngọt” thích ăn chè, hẳn thể nào cũng biết đến quán chè của Cô Bảy- ngay gần ngã tư đường Tăng Bạt Hổ - Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Chè đậu xanh bông cau vàng ươm, hột đậu mềm nhưng không nát. Chè đậu trắng, đậu đỏ, đậu ván, đậu đen, rồi chè ỉ... loại nào cũng ngon. Ăn miếng chè ngọt thanh chứ không gắt như những quán khác. Vì tín nhiệm Cô Bảy nên nhiều gia chủ đã đến tận nhà (hẻm 53 Diên Hồng) mua chè trước để về cúng rằm, tất niên.
Ở đường Ngô Mây, HSSV rất kết quán chè Nhớ ở số nhà 134. Quán chỉ chuyên bán chè thập cẩm (đủ loại), chè trái cây hay đông sương. Chè ở quán này ngon, rẻ nên nơi đây là “điểm hẹn” không chỉ của các đôi bạn yêu nhau mà còn của các bạn sinh viên đến “khao” học bổng, hoặc “chung độ” sau chầu cá độ nào đó.
*
Đất Quy Nhơn vốn “nổi tiếng” về giá cả phải chăng, rẻ hơn các thành phố khác. Bởi thế cho nên, chỉ 1.000 đồng bạn có thể thưởng thức được một chén chè nóng, vị ngọt thanh tao của chè Cô Bảy, dĩa bánh tai vạc, bún dây 2.000 đồng, tô bún cá ngon nhất cũng chỉ có 6.000 đồng (có thể lên vào dịp Tết).
Chiều. Dạo quanh thành phố bằng xe máy, xe đạp, lang thang trên từng con phố nhỏ trong không khí bình yên của phố biển, rẽ vào quán bên đường hay trong hẻm nhỏ thưởng thức thú ăn rong. Chà, thật chẳng có gì tuyệt bằng!
Không tin, thử thì biết!
|