Hoa Tết vào mùa
21:49', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Trong những ngày này, tại các làng hoa kiểng trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng thấy cảnh nhộn nhịp chăm sóc hoa kiểng phục vụ Tết. Các loại hoa, cây kiểng như mai, cúc, bon-sai… được các thương lái tìm đến mua với số lượng lớn. So với các năm trước, năm nay ở Bình Định hoa kiểng được mùa,, giá các loại hoa tương đối ổn định, mang lại niềm vui cho các làng hoa.

 

Người trồng hoa ở phường Đống Đa (TP. Quy Nhơn) chăm sóc cúc chờ ngày đưa ra chợ hoa xuân.

 

* Nhộn nhịp các làng mai

Tại làng mai Háo Đức, xã Nhơn An (An Nhơn), gần đến Tết, không khí bắt đầu nóng lên với số lượng kẻ mua người bán khá nhộn nhịp. Theo các chủ vườn hoa ở đây cho biết, thị trường hoa Tết năm nay vào mùa tương đối sớm so với mọi năm. Từ đầu tháng Chạp âm lịch, mỗi ngày đã có hàng chục thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua mai để đem đi tiêu thụ các nơi. Trong đó, vườn mai của bà Phan Thị Phàng Chiểu là đông khách hàng nhất. Bà Chiểu cho biết: “So với mọi năm, năm nay các thương lái ở TP Hồ Chí Minh đến đặt mua hoa khá nhiều với số lượng lớn. Do năm nay khí hậu ở miền Nam không thuận lợi, liên tiếp các đợt triều cường đã làm thiệt hại nhiều vườn mai, nên mai Háo Đức “ăn hàng” khá mạnh. Vào đầu tháng Chạp, tôi đã đưa 100 chậu mai vào bán thử ở TP Hồ Chí Minh, được giá khá cao và tiêu thụ rất mạnh. Sắp tới tôi sẽ đưa tiếp 100 chậu nữa vào bán trong Hội hoa xuân Đinh Hợi của TP Hồ Chí Minh”. Hiện nay, tại vườn mai của bà Chiểu cũng đã có hơn 300 chậu mai được các thương lái đặt mua với giá dao động từ 300.000 - 1 triệu đồng/chậu. Dự kiến thời điểm giáp Tết, giá mai sẽ tiếp tục tăng do lượng người đến mua nhiều.

Ngoài một lượng mai khá lớn được đưa vào TP Hồ Chí Minh, các thị trường khác như: Tây Nguyên, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… cũng được các thương lái “khai thác” triệt để. Ông Đặng Văn Tư - một thương lái ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn), chuyên thu mua hoa đi tiêu thụ ở Quảng Nam - cho biết: “Năm nay, hoa Tết ở các nơi phần lớn bị mất mùa, nhưng ở Bình Định thì cây mai kiểng phát triển khá tốt. So với mọi năm, năm nay mai nhiều hoa, gần Tết trời lại nắng đẹp nên mai nở đúng dịp. Chúng tôi chọn mai Háo Đức để mua đưa đi tiêu thụ vì mai ở đây có dáng thế đẹp, hoa nhiều cánh, bông to, khỏe, nở rực sắc vàng, nên được thị trường ở các nơi ưa chuộng”.

Khác với những năm trước, năm nay các chủ vườn hoa ở Háo Đức không vội bán sớm, họ “ghim” hàng chờ đến thời điểm gần Tết để được giá cao hơn. Anh Nguyễn Văn Phú - một chủ vườn mai 1.500 chậu ở đây - cho biết: “Mấy năm trước, tôi vội bán sớm, đến gần Tết giá lên rất cao mà không còn mai để bán. Năm nay tôi cố gắng giữ để chờ giá. Theo tôi, giá mai năm nay sẽ tăng cao vì lượng hoa ở các nơi khác khá ít. Với lại năm nay, nhiều vùng trồng mai thất bại vì thời tiết không thuận, nhiều nơi mai nở sớm”. Vào thời điểm này anh Phú đã “huy động” cả vợ con và thuê thêm 3 lao động ở địa phương tất bật thay chậu, uốn cành cho mai xuân để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Bên cạnh cây mai đang được nhiều thương lái đến đặt mua, thị trường cây kiểng bon sai cũng đã bắt đầu “nóng” lên. Theo một số chủ vườn, năm nay các loại cây kiểng như: sanh, lộc vừng được các thương lái ở Hà Nội tìm mua với giá khá cao và số lượng lớn. Ông Minh Quảng, một chủ vườn cây kiểng ở thị trấn Đập Đá, cho biết: “Ngoài cây mai xuân, hiện nay cây sanh cũng đang được người chơi cây kiểng ở các nơi rất ưa chuộng. Nếu đưa về đến Hà Nội thì giá có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba lần”.

Dọc theo quốc lộ 1A từ Tuy Phước đến An Nhơn, chúng tôi thấy có rất nhiều chủ vườn hoa đã đem mai, cây kiểng ra bày bán. Tuy nhiên, giá hiện vẫn được “hô” khá cao, sức tiêu thụ chậm. Chủ yếu vẫn là các khách hàng “đường xa” ở phía Bắc và phía Nam sẵn trên đường đi đã mua về làm quà Tết.

 

Chăm sóc mai ở làng mai Háo Đức.

 

* Hoa cúc - nơi được nơi mất

Ở làng hoa cúc Vĩnh Liêm, thị trấn Bình Định (An Nhơn) không khí khá nhộn nhịp, những người trồng hoa đang tất bật với việc cắt hoa, tỉa cành để kịp “tung” ra thị trường. Theo nhận định của các hộ trồng cúc ở Vĩnh Liêm, năm nay giá cúc sẽ có biến động lớn, vì phần lớn lượng hoa ở đây nở sớm hơn mọi năm và hoa không được đẹp. Ông Bảy Thanh, một người trồng hoa trên 10 năm ở Vĩnh Liêm, cho biết: “Năm nay do trời ít mưa nên cúc phát triển không tốt, lá ở chân hầu như bị úa, rụng nhiều, hoa lại nở sớm”. Vườn của ông Thanh hiện có 150 chậu cúc đại đóa và cúc Thượng Hải, nhưng đã có hơn 100 chậu nở sớm, chỉ còn gần 50 chậu là kịp Tết. Để “gỡ” vốn, ông Thanh đã bắt đầu bán cho các thương lái ở thành phố Quy Nhơn với giá khá thấp từ 30.000 đồng - 35.000 đồng/chậu.

Bà Nguyễn Thị Hường, một người có kinh nghiệm trồng cúc hơn 30 năm ở Vĩnh Liêm lắc đầu thở dài: “Hơn 30 năm trồng hoa nhưng chưa bao giờ hoa cúc lại “mất mùa” như năm nay. Tôi trồng tất cả 100 chậu nhưng hư gần 70 chậu, một số thì cháy lá do thời tiết nắng nóng kéo dài, số còn lại thì lại nở sớm!”.

Trong khi hoa cúc ở Vĩnh Liêm “mất mùa” thì người trồng hoa ở tổ 9, khu vực 6, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) lại rất phấn khởi vì cúc phát triển tốt. Tại đây hiện có 10 hộ trồng cúc Hà Nội và cúc Thượng Hải với khoảng 5.000 chậu. Trước đây, người dân ở khu vực này chủ yếu trồng thược dược, nhưng vài năm trở lại đây do hiệu quả kinh tế của hoa này khá thấp nên họ chuyển sang trồng cúc. Ông Huỳnh Tấn Lễ - một người có 10 năm trồng hoa ở khu vực 6, phường Đống Đa cho biết: “Trồng cúc tuy kỹ thuật và công chăm sóc đòi hỏi phải kỹ lưỡng, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn thược dược rất nhiều lần. Vườn hoa của tôi hiện có 500 chậu cúc, các thương lái hiện đã trả giá từ 60.000 - 70.000 đồng/chậu nhưng tôi chưa bán. Hy vọng rằng giá cúc sẽ cao hơn mọi năm do một số nơi người trồng hoa bị mất mùa”.

  • Nguyễn Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghề rong mua cổ vật  (09/02/2007)
Nhớ giếng  (09/02/2007)
Ăn rong ở Quy Nhơn  (09/02/2007)
Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong ngày Tết  (09/02/2007)
Ấn tượng cánh buồm  (09/02/2007)
Thơ  (09/02/2007)
Sóng của ngày xưa  (09/02/2007)
Quê tôi, ngày xa xưa ấy !  (09/02/2007)
Bình Định có hát Tuồng  (09/02/2007)
Bánh chưng - Món ăn đặc trưng trong ngày Tết  (09/02/2007)
Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào Iran  (09/02/2007)
Ngựa qua từng chuyến...  (09/02/2007)
Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu  (09/02/2007)
Cổ vật thời Tây Sơn đặt làm tại Trung Hoa  (09/02/2007)
Đua thuyền trên sông Gò Bồi  (09/02/2007)