Nâng cao nhận thức cộng đồng về đất đai, môi trường
22:10', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Ống khói của một DN ở KCN Phú Tài chưa đủ độ cao vẫn “vô tư” xả khói. Ảnh: V.H

Tháng 5-2006, Bình Định được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Ban chỉ đạo Chương trình tăng cường năng lực quản lý đất đai - môi trường (Chương trình SEMLA) chọn tham gia chương trình. Qua hơn nửa năm triển khai, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song cũng còn không ít vướng mắc…

* Một chương trình nhiều ý nghĩa

Chương trình SEMLA do Bộ TN-MT và tổ chức SIDA Thụy Điển thực hiện là một trong những dự án thuộc khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển. Chương trình được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm (2006-2009). Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình triển khai tại Bình Định là 23 tỉ đồng, trong đó tổ chức SIDA sẽ hỗ trợ 16 tỉ đồng, phần đối ứng (7 tỉ đồng) do tỉnh đảm nhiệm. Bình Định là tỉnh thứ tư, sau Hà Giang, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu (hiện có thêm 2 tỉnh là Phú Yên và Đồng Nai) được chọn tham gia chương trình. Mục đích của chương trình là nhằm giúp các tỉnh rà soát lại các hệ thống thể chế trong quản lý đất đai (ĐĐ) và MT, bao gồm: pháp luật, hệ thống tổ chức, các thủ tục hành chính; tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách quy hoạch; cùng với Nhà nước thực hiện vai trò giám sát đối với quản lý ĐĐ; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ chuyên ngành.

Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ Bình Định trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã; nhằm giúp tỉnh xây dựng được một đội ngũ cán bộ tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, chương trình còn tập trung phát triển công nghệ thông tin để tăng cường năng lực quản lý, với việc thành lập hệ thống thông tin về ĐĐ-MT phục vụ công tác quản lý ĐĐ-MT trên địa bàn toàn tỉnh, từ huyện đến thôn, xã. Trên cơ sở những dữ liệu, Bình Định sẽ có điều kiện hoàn thiện hệ thống công tác quản lý ĐĐ-MT chặt chẽ, hiệu quả…. Trong số này, tăng cường, nâng cao nhận thức của cộng đồng về chính sách, pháp luật về ĐĐ-MT là một trong những dự án quan trọng. Ngay sau khi được chọn tham gia chương trình, Sở TN-MT tỉnh đã sớm thành lập Văn phòng SEMLA Bình Định, tuyển  dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, và triển khai có hiệu quả một số công tác…

* Còn đó những hạn chế  

Nhằm tìm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng chiến lược truyền thông về ĐĐ-MT trên địa bàn Bình Định, thời gian qua, cán bộ, nhân viên của Văn phòng SEMLA - Sở TN-MT đã tiến hành khảo sát thực trạng, thu thập thông tin xung quanh 3 vấn đề: đối tượng nhận thông tin, đối tượng cung cấp thông tin và kênh truyền thông. Kết quả khảo sát cho thấy: công tác tuyên truyền về pháp luật ĐĐ-MT ở Bình Định vẫn còn nhiều hạn chế.

Công tác tuyên truyền về pháp luật ĐĐ-MT trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu là mời báo, đài đưa tin. Việc phối hợp để sản xuất chương trình truyền thông còn ít. Công tác tổ chức tập huấn về pháp luật ĐĐ-MT ở cả 3 cấp cho cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn chưa thường xuyên; thông tin chủ yếu theo chiều rộng, từ trên xuống, chưa đi vào chiều sâu, ít có sự tương tác giữa người truyền thông và đối tượng được truyền thông; hệ thống phản hồi thông tin chưa được tổ chức bài bản nên hiệu quả còn yếu… Đáng lo ngại là nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức (nhất là cán bộ xã) và nhân dân trong tỉnh về ĐĐ-MT còn nhiều hạn chế; mức độ am hiểu pháp luật về ĐĐ-MT nhìn chung còn thấp. Theo các cán bộ, chuyên gia của Văn phòng SEMLA Bình Định, các phương pháp truyền thông vẫn còn đơn điệu, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các hình thức truyền thông; sự phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để xây dựng các chuyên đề về truyền thông pháp luật ĐĐ-MT còn ít và gặp nhiều khó khăn…

 

Hạn hán - có một phần trách nhiệm của con người. Ảnh: S.T

 

* Giải pháp khả thi

Trước những tồn tại nêu trên, Sở TN-MT, Văn phòng SEMLA Bình Định đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật ĐĐ-MT trên địa bàn tỉnh, tập trung vào một số vấn đề quan trọng như: Xây dựng năng lực của tổ chức, cá nhân về nhận thức cộng đồng và truyền thông ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của các nhóm cộng đồng và doanh nghiệp (DN) ở khu vực đô thị, nông thôn tại các huyện thử nghiệm về chính sách pháp luật ĐĐ-MT. Nhân rộng, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và bài học thu lượm được từ Chương trình SEMLA… Sở TN-MT, Văn phòng SEMLA tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ làm công tác truyền thông ở 3 cấp, nhằm nâng cao vai trò của công tác truyền thông, tăng cường năng lực lập kế hoạch, triển khai các chương trình truyền thông và nâng cao kỹ năng truyền thông; đào tạo năng lực sử dụng công nghệ thông tin để tiếp cận và chia sẻ thông tin; hỗ trợ hội đồng tuyên truyền pháp luật ở huyện, xã; thiết lập mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, hỗ trợ các hoạt động truyền thông dựa vào cộng đồng… Những lĩnh vực mà Sở TN-MT và Văn phòng SEMLA tỉnh sẽ ưu tiên, tập trung triển khai gồm: quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về ĐĐ; nhận thức, sự tham gia và phản hồi của người dân về kế hoạch sử dụng đất… Về lĩnh vực MT, có những nội dung được ưu tiên, như: bảo vệ nguồn nước sinh hoạt khỏi bị ô nhiễm; sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và trong DN; ô nhiễm MT trong chăn nuôi; thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình; xử lý chất thải tại các DN đạt tiêu chuẩn cho phép…

  • Viết Hiền

Ông Đặng Trung Thành, Phó giám đốc Sở TN-MT - Giám đốc Chương trình SEMLA Bình Định:

Chiến lược truyền thông của Chương trình SEMLA Bình Định sẽ tập trung vào 3 nhóm đối tượng chủ yếu, gồm: cán bộ, người dân và các DN - những đối tượng hưởng lợi chính của chương trình. Ngoài các cán bộ quản lý trong ngành TN-MT, chương trình sẽ phối hợp với các ngành: Tư pháp, VH-TT, GD-ĐT, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể để hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của công tác truyền thông ĐĐ-MT; trang bị cho họ kỹ năng, năng lực thiết kế và triển khai các chương trình truyền thông; xây dựng mạng lưới và tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực tuyên truyền cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp huyện, xã, thôn, làng, khu phố… về lĩnh vực ĐĐ-MT, nhằm giúp họ có thể chuyển tải những kiến thức về 2 lĩnh vực này tới cộng đồng, sao cho cộng đồng có thể hiểu và áp dụng được. Chương trình sẽ tập trung triển khai truyền thông cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, nhất là những nơi có nguy cơ ô nhiễm MT.

Đồng thời, chương trình sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, nhất là Báo Bình Định và Đài PT-TH Bình Định, để nâng cao hiệu quả truyền thông.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nóng bỏng tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp  (09/02/2007)
Hoa Tết vào mùa  (09/02/2007)
Nghề rong mua cổ vật  (09/02/2007)
Nhớ giếng  (09/02/2007)
Ăn rong ở Quy Nhơn  (09/02/2007)
Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong ngày Tết  (09/02/2007)
Ấn tượng cánh buồm  (09/02/2007)
Thơ  (09/02/2007)
Sóng của ngày xưa  (09/02/2007)
Quê tôi, ngày xa xưa ấy !  (09/02/2007)
Bình Định có hát Tuồng  (09/02/2007)
Bánh chưng - Món ăn đặc trưng trong ngày Tết  (09/02/2007)
Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào Iran  (09/02/2007)
Ngựa qua từng chuyến...  (09/02/2007)
Nhà lưu niệm cố thi sĩ Xuân Diệu  (09/02/2007)