Kỷ niệm 60 năm Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Bình Định (22-1-1947 - 22-1-2007)
Dấu ấn không thể nào quên
22:22', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), tại tỉnh Bình Định, tháng 3-1930, Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn được thành lập. Tiếp đó, tháng 8 và tháng 10-1930, Chi bộ Cửu Lợi (Tam Quan, Hoài Nhơn) và Chi bộ Trường Colège De Quy Nhơn lần lượt ra đời. Năm 1937, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn làm Bí thư. Năm 1939, Tỉnh ủy lâm thời tái lập lần thứ 2, do đồng chí Nguyễn Lung làm Bí thư. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đầu năm 1946, Tỉnh ủy lâm thời được tái lập lần thứ 3. Hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến huyện, xã được hình thành và kiện toàn một bước; số lượng đảng viên ngày càng tăng. Ngày 22-1-1947, Đảng bộ tỉnh Bình Định tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại thành Bình Định, huyện An Nhơn.

 

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVII. Ảnh: Ngọc Diên

 

Chiều 21-1-1947, một buổi chiều giáp Tết Đinh Hợi đẹp trời, đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Phù Mỹ và đoàn đại biểu các huyện bạn đã có mặt tại thành Bình Định.

Lần đầu tiên được ngắm nhìn một tòa cổng thành hoành tráng, cũng như mọi người, tôi hết sức ngỡ ngàng. Đó là cửa Đông của thành Bình Định, được xây bằng gạch nung, trông rất bề thế. Cửa thành có hình bán nguyệt, cao khoảng 5 mét, rộng khoảng 4 mét, có hai cánh cửa bằng gỗ lim nặng trịch, dưới mỗi cánh cửa có bánh xe gỗ để đóng mở cho nhẹ. Bên trên cửa, ngang với mặt thành có xây một lầu nhỏ, hình vuông, diện tích khoảng 16m2, mái lợp ngói, dùng làm vọng gác.

Đứng gác trước cửa thành là một chiến sĩ Vệ quốc quân, vai khoác súng trường. Thấy các đại biểu đến, người chiến sĩ trẻ măng vội đẩy cánh cửa, lễ phép mời khách vào thành nội.

Một cán bộ của Ban tổ chức Đại hội đưa đoàn đại biểu huyện Phù Mỹ chúng tôi đến ăn nghỉ tại một ngôi nhà khang trang, nghe nói đó là dinh của quan lãnh binh. Tôi tò mò quan sát thấy trong thành nội có nhiều ngôi nhà nguy nga, đồ sộ gồm có hành cung; dinh thự của các quan tổng đốc, bố chánh, án sát; dinh thự các quan võ; nhà làm việc của các quan thơ lại; nơi ở của lính canh thành. Trong thành nội có nhiều đường sá ngang dọc đông tây, nam bắc như bàn cờ.

Đại hội được tổ chức tại hành cung. Đó là một tòa nhà tráng lệ, dài khoảng 20 mét, rộng độ 10 mét, có 60 cây cột to tròn, trong đó có hai hàng 16 cây cột nhất đứng đối xứng nhau, mỗi cây cao khoảng 7 mét, đường kính 0,4 mét kê trên một tảng đá xanh vuông vức, cạnh 0,5 mét. Mái hành cung lợp ngói âm dương, bên trong lát ván; nóc có biểu tượng “lưỡng long tranh châu”. Nền hành cung lát gạch Bát Tràng. Phòng họp Đại hội được trang hoàng đơn giản mà trang nghiêm, có treo ảnh các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng kỳ và quốc kỳ. Hai bên phòng họp có căng biểu ngữ, chữ vàng trên nền vải đỏ tươi thắm.

Độ 7 giờ sáng ngày 22-1-1947, Đại hội khai mạc. Tất cả các đại biểu đều đứng trang nghiêm hát bài Quốc tế ca và bài Tiến quân ca (hồi đó không có ban nhạc, băng nhạc, đĩa nhạc, mi-cơ-rô như ngày nay).

Thay mặt Tỉnh ủy lâm thời, Bí thư Trần Lê đọc báo cáo tình hình, nhiệm vụ của Đảng bộ (hồi đó không có diễn văn khai mạc như bây giờ), khái quát quá trình tái lập, kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở; nêu lên sự cấp thiết phải tiến hành đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh để quyết định phương hướng nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc và bầu Tỉnh ủy khóa chính thức đầu tiên.

Đại hội được vinh dự đón đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Khu V là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về tham dự và trực tiếp chỉ đạo Đại hội. Phát biểu với Đại hội, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phân tích tình hình, nhiệm vụ của cả nước, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta; chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm đến mà Đảng bộ và quân, dân tỉnh Bình Định phải tập trung sức thực hiện có hiệu quả; căn dặn Đảng bộ phải tăng cường đoàn kết, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu; định hướng cơ cấu và tiêu chuẩn để các đại biểu sáng suốt lựa chọn những cán bộ, đảng viên xứng đáng bầu vào Tỉnh ủy.

Đại hội đã sôi nổi tham gia ý kiến, bày tỏ nhất trí cao với nội dung báo cáo của Tỉnh ủy lâm thời và những lời huấn thị sâu sắc, cụ thể, ân cần của đặc phái viên Trung  ương; nêu cao quyết tâm lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ra sức xây dựng tỉnh Bình Định về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quân sự… để trở thành hậu phương vững chắc, tích cực phục vụ chiến trường Khu V; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng tự do quê nhà. Thay mặt các lực lượng vũ trang trong tỉnh, đồng chí Vi Dân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, Trưởng Ban Quân sự tỉnh nêu cao quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng giặc Pháp xâm lược, bảo vệ vững chắc vùng tự do Bình Định. Trong bộ quân phục vải xi-ta màu xám, thắt lưng đeo súng ngắn, với giọng nói hùng hồn, vừa phát biểu, vừa biểu thị tình cảm, ý chí, đồng chí Vi Dân đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghe.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa chính thức đầu tiên gồm 13 thành viên, Bí thư là đồng chí Trần Lê, với đa số phiếu tuyệt đối.

Ấn tượng sâu sắc nhất là hình ảnh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong giờ giải lao đến gặp gỡ, ân cần thăm hỏi các đại biểu huyện, nói chuyện thân mật và ghi vào Sổ lưu niệm của hai học sinh trung học là đại biểu dự thính Đại hội.

Sáu thập kỷ đã trôi qua, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã 17 lần tổ chức đại hội, nhưng dấu ấn đẹp đẽ về quang cảnh Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh vô cùng đầm ấm với sự đồng cảm, nhất trí cao; về hình ảnh thân thương, dung dị của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng-  nhà lãnh đạo tài ba, đức độ của Đảng và Nhà nước, người học trò trung thành và xuất sắc của Bác Hồ - vẫn còn đậm nét trong tâm khảm tôi hồi đó là một trong hai học sinh trung học được vinh dự dự thính Đại hội.

  • Nguyễn Công Hoàng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân cất cánh  (09/02/2007)
Nâng cao nhận thức cộng đồng về đất đai, môi trường  (09/02/2007)
Nóng bỏng tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp  (09/02/2007)
Hoa Tết vào mùa  (09/02/2007)
Nghề rong mua cổ vật  (09/02/2007)
Nhớ giếng  (09/02/2007)
Ăn rong ở Quy Nhơn  (09/02/2007)
Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong ngày Tết  (09/02/2007)
Ấn tượng cánh buồm  (09/02/2007)
Thơ  (09/02/2007)
Sóng của ngày xưa  (09/02/2007)
Quê tôi, ngày xa xưa ấy !  (09/02/2007)
Bình Định có hát Tuồng  (09/02/2007)
Bánh chưng - Món ăn đặc trưng trong ngày Tết  (09/02/2007)
Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào Iran  (09/02/2007)