Khi vụ việc một cảnh sát Italia bị các cổ động viên quá khích giết hại sau trận đấu giữa Cantania và Palermo khiến nhiều CLB phải thi đấu trên sân vận động không có khán giả còn chưa lắng xuống thì trong tháng 3 này, bóng đá cựu lục địa còn phải chứng kiến những màn bạo lực kinh hoàng khác như: sân Mestalla trở thành võ đài sau trận Valencia - Inter Milan; HLV Ramos của Sevilla bất tỉnh sau khi bị các cổ động viên Real Betis ném chai nước trúng đầu; cổ động viên Barca đánh cầu thủ Real Madrid thành thương sau trận cầu “siêu kinh điển”; mới đây nhất là việc hai người (1 của Chelsea và 1 của Tottenham) đã bị bắt vì lao vào sân sau khi trận đá lại tứ kết cúp FA giữa Tottenham Hotspur và Chelsea kết thúc. Một cổ động viên quá khích đã chạy vào sân với ý định “tặng” cho Frank Lampard một cú đấm.
|
Những vụ ẩu đả như thế này đang làm mất đi sức hấp dẫn của Champions League.
|
Các mức phạt khá nghiêm khắc đã được Liên đoàn Bóng đá các quốc gia và UEFA đưa ra để trừng phạt các CLB có cầu thủ và cổ động viên tham gia vào những màn bạo lực làm xấu đi hình ảnh của bóng đá trong con mắt những người hâm mộ chân chính. Trong vụ loạn đả diễn ra sau trận lượt về vòng hai Champions League giữa Valencia và Inter Milan, David Navarro, cầu thủ đấm vỡ mũi Nicolas Burdisso, là người bị trừng phạt nặng nhất với 7 tháng treo giò, danh sách cầu thủ bị treo giò còn có Marchena (Valencia, 4 trận tại các Cúp châu Âu), Burdisso, Maicon (Inter Milan, 6 trận), Cordoba (Inter Milan, 3 trận), và Julio Cruz (Inter Milan, 2 trận). Ngoài ra, UEFA cũng buộc mỗi đội phải đóng khoản tiền phạt lên tới 250.000 franc Thụy Sĩ (tương đương 205.400 USD). Trong khi đó ông Michel Platini, tân chủ tịch UEFA, nhấn mạnh mức án trên là “hoàn toàn xác đáng”. Ông quả quyết: “Chúng ta cần phải mạnh tay đối với các sự cố kiểu như vậy trong bóng đá. Việc dọa trừ một hay vài điểm chẳng có ý nghĩa gì cả. Chắc chắn, UEFA sẽ còn xử lý quyết liệt hơn trong tương lai”. Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha cũng quyết định không cho phép Real Betis thi đấu trên sân nhà Manuel Ruiz de Lopera trong 3 trận liên tiếp sau sự cố đáng tiếc xảy ra trong cuộc chạm trán với đối thủ Sevilla ở lượt về vòng tứ kết Cúp Nhà vua. Trong khi đó, báo chí Tây Ban Nha cũng đã khoanh vùng được kẻ có thể đã hạ gục HLV Ramos bằng 1 chai nước.
Bên cạnh đó, rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lộn xộn trong và ngoài sân cỏ cũng được các cơ quan chức năng buộc các CLB phải áp dụng nếu muốn tiếp tục thi đấu. Tuy nhiên, có lẽ cho đến giờ này, chưa ai có thể khẳng định rằng tất cả các trận đấu ở châu Âu sẽ diễn ra suôn sẻ sau những sự kiện đáng buồn trên.
|
HLV Juande Ramos của CLB Sevilla bất tỉnh sau khi trúng “chai nước bay”.
|
Trước đây, khi nói về những màn bạo lực sân cỏ, bóng đá Nam Mỹ luôn được “tôn vinh” ở vị trí đầu bảng, nhưng nay thì có vẻ như châu Âu đang “chiếm ưu thế” và dường như muốn giành luôn vị trí số một về “giải thưởng cuồng nhiệt bóng đá”. Điều đáng ngạc nhiên là những công dân châu Âu luôn nổi tiếng về sự lịch lãm, các quốc gia châu Âu có nguồn tài chính dồi dào, các CLB luôn sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để chiêu mộ những cầu thủ xuất sắc và xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng, nhưng việc kiểm soát hành vi của các cầu thủ và cổ động viên thì họ lại tỏ ra hết sức yếu kém. Việc để tình trạng bạo lực xảy ra tràn lan không chỉ khiến các CLB thiệt hại về kinh tế khi thất thu tiền bán vé vào sân (đối với những CLB bị cấm thi đấu trên sân nhà hoặc chơi trên những sân vận động không có khán giả) mà còn làm mất đi vẻ đẹp của bóng đá, nhất là khi nó đã xảy ra cả ở giải đấu hấp dẫn nhất thế giới ở cấp độ CLB: Champions League. Những vụ bạo lực liên tiếp xảy ra trong vòng vài tháng qua chắc chắn sẽ còn tái diễn nếu UEFA không có những biện pháp mạnh tay hơn. Và cho đến giờ thì việc bóng đá “sống chung” với bạo lực vẫn được xem như điều đương nhiên ở cựu lục địa.
|