Dừng chân trên những nẻo đường Lào, tôi đều tìm đến bên những dòng sông. Một dòng Sekong chảy ngang qua Sekong và Attapư, hay đứng bên một chiếc cầu bắc ngang dòng Sedon, rồi tha thẩn ngắm nhìn những hàng quán bên dòng Mekong ngay ở Viêng Chăn. Nhớ nhất vẫn là những dòng sông khi về chiều. Sông thẫm xuống một màu như nhung nhớ, như trầm tư. Và bản thân kẻ lữ hành cũng lắng lại trong mình, những cảm thức khi một lần được đến...
|
Tháp That Luang ở Viêng Chăn.
|
1. Những cư dân sống dọc bên những dòng sông, với nền văn minh nông nghiệp, trồng tỉa, trong văn hóa ứng xử, luôn bao hàm sự khoan dung, cởi mở. Trên những ngả đường đi dọc từ Nam đến Trung Lào, bất cứ nơi đâu, tôi đều cảm nhận được sự cởi mở như vậy. Dẫu có thể ngôn ngữ bất đồng, nhưng ánh mắt và cử chỉ của mỗi người dân Lào đều toát lên sự nhiệt tình, thân thiện. Ngay những người Việt đã định cư lâu ở Lào cũng đều nhận xét, rằng người Lào rất hiền. Họ lại thích kết bạn, thích nuôi con nuôi, em nuôi.
Có khách đến thăm, một nghi lễ thường được người Lào tổ chức là “buộc chỉ cổ tay”. Ấy là lời chúc phúc dành cho khách. Đến Nam Lào, thật may mắn là tôi đã được tham gia vào nhiều lễ buộc chỉ cổ tay như vậy. Dù ở ngôi chùa linh thiêng Sakhư, cho đến ngay tại sảnh nhà khách, thảy đều trang trọng và đắm trong những tình cảm chân thành. Tôi lại nhớ đến một truyền thuyết của người Lào mà tôi đã đọc từ lâu lắm, đó là truyền thuyết về quả bầu, một motif chuyện kể mà tôi còn gặp ở các dân tộc phía bắc Việt Nam. Ấy là quả bầu sinh thành ra các dân tộc, lý giải về nguồn gốc, màu da và tình anh em giữa các tộc người. Mà quả bầu trong truyền thuyết người Lào hay bọc trăm trứng của người Việt thì cả hai đều là biểu tượng cho tình đoàn kết giữa các dân tộc. “Mặc dù ở đâu, xa hay gần, họ vẫn coi nhau là anh em ruột thịt, vẫn đi lại thăm hỏi nhau, gặp gỡ nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn, cùng chia sẻ niềm vui trong những ngày lễ hội”- truyền thuyết này kết như vậy. Biểu hiện của tình đoàn kết ấy còn nằm ngay trong cách gọi các dân tộc, tất cả đều mang tộc danh “Lào”, dù họ có thể là Lào Xủng (Lào trên cao), Lào Thơng (Lào trung du) và Lào Lùm (Lào đồng bằng) đi chăng nữa. Đoàn kết trong đại gia đình, và cởi mở với khách - ấy là một nét tính cách của người Lào.
Tôi đến That Luang (đại tháp), nằm giữa thủ đô Viêng Chăn. That Luang được tôn tạo từ năm 1566 dưới triều vua Setthathirat. Theo truyền thuyết, trong tháp này có lưu giữ một sợi tóc của đức Phật. Nhìn từ bên ngoài, That Luang gồm tháp chính cao 45 thước, trông như một quả bầu cách điệu, bao quanh là các tháp phụ. Bản thân That Luang đã là sự kết hợp, gặp gỡ giữa Phi mường luống Viêng Chăn (giống như Thành hoàng ở Việt Nam) với đức Phật, và trở thành biểu tượng của nước Lào. Lễ hội That Luang được tổ chức hàng năm vào ngày 13 đến 15 tháng 12 lịch Lào (khoảng tháng 11), trong đó, ở phần lễ, một nhà sư chủ trì sẽ cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng đi vòng nối các tỉnh mường, làng bản lại với nhau, giống như trong lễ buộc chỉ cổ tay. Vậy là, xét cho cùng, That Luang có gì khác hơn là sự tích hợp của biểu tượng quả bầu, như GS Phạm Đức Dương (Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á của Việt Nam) từng phân tích.
|
Buộc chỉ cổ tay để chúc phúc cho khách - một nét văn hóa thể hiện tình cảm cởi mở, chân thành của người Lào.
|
2. Người Lào có lẽ là một dân tộc thích đắm mình trong không khí các lễ hội. Chẳng thế mà họ vẫn nói với nhau, rằng “người Lào thích vui”. Những ngày vui ấy, điệu Lamvong (múa tròn) lại trỗi lên, như mời gọi, thúc giục, cuốn hút người ta vào cùng vui hội. Điệu Lamvong là một nét đẹp văn hóa truyền thống, nhưng lại lịch lãm, sang trọng đâu kém các điệu múa hiện đại. Lamvong dễ học, dễ múa. Và khi xoay tròn theo điệu Lamvong, dường như người ta có thể nhìn vào mắt nhau sâu hơn, có thể thông hiểu và kết nối với nhau bằng ngôn ngữ của âm nhạc và truyền thống văn hóa. Cũng ở đó, những điệu dân ca, những tiếng khèn, tiếng sáo... được phô diễn.
Tôi đã chứng kiến một đám cưới ở Lào, một đám cưới đã mang dáng vẻ hiện đại lắm rồi, vì có cả dàn nhạc điện tử, tổ chức tại một nhà hàng, kiểu như đám cưới ở Việt Nam hiện nay. Nhưng điều lạ là đám cưới tổ chức rất trễ. Mãi đến 8 giờ tối mà lượng khách có vẻ vẫn lưa thưa. Chỉ sau đó, khoảng từ 9 giờ, khách khứa mới đến đông. Và vào tiệc, thì từ cô dâu chú rể, hai gia đình, cho đến quan chức, bạn bè... lần lượt được mời lên múa Lamvong. Cứ vậy, họ múa và vui cho đến sáng.
Nếp sống thích vui ấy cũng lại in hằn trong cách ứng xử của người Lào. Người Lào không bao giờ mắng con, không bao giờ to tiếng ở trong nhà. Cuộc sống của họ, nhìn qua tưởng bình lặng, mà lại thật hạnh phúc và tràn ngập trong sự chia sẻ và khoan dung.
3. Phật giáo có một dấu ấn quan trọng trong đời sống của người Lào. Họ tiếp nhận đạo Phật một cách tự nhiên và bình dị. Bình dị như hình ảnh một ngôi chùa làng, nép dưới những tán cây. Bởi thế, những ngôi chùa làng (Vat) như thế, ở Lào rất nhiều, không chỉ ở thôn quê Nam Lào mà ngay cả ở Thủ đô Viêng Chăn. Như bao quanh khách sạn Anou - nơi chúng tôi trú chân, một khu vực vào loại tấp nập và nhộn nhịp nhất Viêng Chăn, là vài Vat mà Vat nào cũng xây cất rất quy mô và đẹp đẽ... Chùa là trung tâm đời sống của cộng đồng làng. Tất cả các cuộc họp của dân làng đều diễn ra dưới mái chùa. Người ta bàn việc làng dưới mái chùa. Nghe có khách lạ đến thăm chùa là người làng lại đến chùa để trò chuyện và muốn nghe các lời chúc. Điều thú vị là tuy nếp sống cả cộng đồng làng đã gắn bó với ngôi chùa là vậy, nhưng người dân dường như hiểu các giáo lý một cách chung chung, quan trọng hơn với họ là một niềm tin thành thực vào các triết lý ấy và ứng dụng nó vào cuộc sống, vào cách ứng xử, để gầy dựng thiện nghiệp.
Những nét văn hóa truyền thống như vậy vẫn còn bảo lưu khá rõ nét ở Lào, ngay trong những đô thị. Mỗi khu phố ở trong những thị xã, thành phố, trông như một ngôi làng, có ngôi chùa làng, và vẫn mang tên làng. Chính những nét văn hóa ấy đã tạo nên sức hấp dẫn với du khách khi một lần đến Lào.
|
Nét văn hóa truyền thống là một trong những điểm thu hút du khách khi đến khu du lịch Phá Suổm.
|
4. Sang Lào, điều dường như ai cũng thấy, đó là sự bình thản và trầm lặng trong nhịp sống. Một ngày với người Lào, kể cả ở các vùng đô thị, bắt đầu khá trễ. Ngay ở Viêng Chăn, những tiệm Internet, một biểu hiện của văn minh công nghiệp, cũng chỉ mở cửa vào lúc 8 giờ 30 phút sáng. Và cữ đến 4, 5 giờ chiều, là các cửa hàng đã bắt đầu đóng cửa. Các công sở làm việc khá muộn và đóng cửa rất sớm, đến nỗi không ít người, nhất là các doanh nghiệp phàn nàn về sự chậm trễ này. Có câu thành ngữ thể hiện rất rõ cách sống này của người Lào: “muốn nhanh cho bò, muốn chậm cho chạy”.
Nếp sống ấy là hệ quả của một nền nông nghiệp làm theo thời vụ, khi mà đất đai canh tác rộng, nhưng dân cư khá thưa thớt. Nhiều vùng đất do thiếu nước, lại chỉ làm được một vụ. Ngày nay, nhịp sống ấy dường như đang trở thành một cản trở với Lào trên đường phát triển, tiến kịp các nước trong khu vực. Tuy nhiên, bản thân triết lý “muốn nhanh cho bò, muốn chậm cho chạy” cũng lại thật đáng cho ta suy ngẫm. Bởi sự phát triển nhanh mà không tính đến sự bền vững, lại trở thành một nguy hại lớn trong tương lai. Vậy thì hãy phát triển nhanh, nhưng chắc chắn, phát triển nhưng vẫn bảo lưu được những nét đẹp văn hóa truyền thống rất đặc trưng của người Lào.
5. Tôi sẽ còn viết gì về nước Lào, dù chỉ là qua cảm quan của một kẻ “cưỡi ngựa xem hoa”? Tự thâm tâm, tôi rất yêu, một đất nước thanh bình nép mình bên những dòng sông. Yêu những con người mà đời sống với họ, không cần những sự tranh đua, không biết đến những giành giật. Họ sống trong tâm thế an bình với hiện tại và biết tìm hạnh phúc từ những gì có trong phút giây hiện tại. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới... tôi nhớ có lần một thiền sư đã nói vậy. Tôi đã học được từ họ, một bài học về phương châm sống “an trú trong hiện tại” như vậy. Biết trân trọng những phút giây hiện tại thì sẽ có một tương lai. Tôi thành thực tin vậy, nhất là khi tôi đã tận mắt chứng kiến, những nỗ lực để vươn lên phát triển từng ngày cũng như những thay đổi đến bất ngờ của các tỉnh Nam Lào, dọc suốt một chuyến đi.
|