Nhân kỷ niệm 55 năm, ngày thành lập Đoàn Văn công Quân đội Liên khu V (20-3-1952 - 20-3-2007)
Từ “ngôi từ đường” của văn nghệ kháng chiến Nam Trung Bộ
12:34', 31/3/ 2007 (GMT+7)

Một tiết mục của Đoàn Văn công Quân đội LK V biểu diễn phục vụ ở chiến khu thời chống Mỹ.

Có thể nói, sự ra đời của Đoàn Văn công Quân đội Liên khu (LK) V tại xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) ngày 20-3-1952 đã mở lối, kích thích cho các đoàn văn công tiếp tục ra đời. Cụ thể, cũng ngay trong năm 1952, cũng trên đất Hoài Hảo, Đoàn văn công tổng hợp, với các bộ môn: tuồng, bài chòi, ca múa nhạc và ca múa Tây Nguyên đã ra đời kịp thời phục vụ bộ đội và nhân dân cho đến ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm.

Sau khi tập kết ra Bắc, các đơn vị nghệ thuật tuồng, bài chòi, ca múa dân gian và ca múa Tây Nguyên được sự quản lý trực tiếp của Bộ Văn hóa. Riêng Đoàn Văn công LK V do Quân đội quản lý. Môi trường hòa bình và điều kiện chính quy hóa hoạt động nghệ thuật, đã tạo đà cho các đơn vị văn công LK V tập kết được trưởng thành nhanh chóng. Điển hình là Đoàn Tuồng LK V sinh ra trên đất Hoài Nhơn phát triển rất nhanh, quy tụ được những tài năng, tên tuổi như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Văn Phước Khôi, Mười Chương, Đinh Quả, Võ Sỹ Thừa, Đinh Thái Sơn, Vĩnh Phô, Tư Bửu, Ngô Thị Liễu, Minh Đức, Lệ Thi... cùng với những soạn giả, nhà nghiên cứu như Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký, Hồ Đắc Bích, Nguyễn Tường Nhẫn, Vũ Ngọc Liễn... và tiếp theo là Huỳnh Văn Cát, Khánh Cao, Ngô Quang Thắng, Nguyễn Kiểm, Hoàng Lê, Trần Hồng, Nguyễn Vĩnh Huế, Trương Đình Quang... như một thân cây khỏe, cành to, tàn lớn lại tiếp tục đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái sum suê trên miền Bắc. Nhìn chung, các đoàn văn công địa phương ra đời từ cái gốc to khỏe đó đều phát triển rất nhanh như Đoàn Tuồng LK V (nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn) từ vài chục nghệ nhân đã phát triển ra hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên tài năng. Thế hệ diễn viên tiếp theo là Đàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc, Hòa Bình, Đình Sanh... (tuồng), Hà Sâm, Đặng Hùng, Hiền Minh, Thanh Cảnh, Hữu Ích, Hoàng Thủ, Bích Liên... (dân ca và bài chòi) và cả Đoàn Ca múa Đam San hùng mạnh ở Tây Nguyên hiện nay cũng xuất thân từ cái gốc văn công LK V. Đó là chưa kể những nghệ sĩ gạo cội, những hạt nhân của Đoàn Ca múa Bông Sen (TP Hồ Chí Minh) hiện nay cũng từ cái gốc, hoặc cái cành văn nghệ LK V như Kim Anh, Thanh Trì, Nguyễn Văn Hỷ, Phi Long...

55 năm đã trôi qua, cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, biết bao người đã anh dũng ngã xuống ở các chiến trường, như Nguy Dzoách, Văn Thủy, Lê Cường, Đoàn Phận... hoặc đã lặng lẽ ra đi về thế giới bên kia. Những người còn lại hầu hết đã già yếu, bệnh tật, hiện đang sống tản mạn khắp đất nước, nhưng có lẽ, không ai quên được những ngày đẹp nhất, ý nghĩa nhất, những ngày hào hùng, sôi nổi nhất trên mảnh đất Hoài Nhơn anh hùng - nơi hội tụ tài năng, nơi xây dựng nên “ngôi từ đường” của Văn công LK V, nơi mà đồng bào đã dành tất cả những gì đang có, từ nhà cửa, chiếu giường đến cơm nước, sắn khoai... cho những người làm công tác văn nghệ kháng chiến. Chính nơi đây các nghệ nhân tuồng của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã hội tụ và phục hồi được những vở tuồng hay để biểu diễn phục vụ cho bộ đội và nhân dân Bình Định từ 1952 đến 1955 như Tam nữ đồ vương, Chị Ngộ và hoạt cảnh Trước giờ tạm biệt của Ngô Quang Thắng do các nghệ sĩ bài chòi biểu diễn, đã làm rung động trái tim hàng ngàn người xem trên đất Bình Định, Quảng Ngãi trước ngày chuyển quân ra Bắc. Còn cái tình nào nồng ấm, thiết tha hơn tình người làm văn nghệ với những người yêu văn nghệ trên mảnh đất này, nơi mà từ thế kỷ XVI, Đào Duy Từ đã chọn làm đất dung thân, truyền dạy nghề hát xướng cho nhân dân, để đến hôm nay Bình Định được mệnh danh là “cái nôi hát Bội”.

 

Phục vụ bộ đội Sư đoàn 3 - Sao Vàng.

 

Chắc không ai có thể quên được, từ những ngôi nhà mái tranh, vách đất ở huyện Hoài Nhơn, các nghệ nhân, nghệ sĩ LK V đã mang hơi ấm ra Hà Nội, rồi lại tiếp tục sống trong ngôi nhà chung ở Khu Văn công Cầu Giấy (sau này là Khu Văn công Mai Dịch), nơi Bác Hồ đã nhiều lần đến thăm văn công miền Nam tập kết và người anh cả của Quân khu V: Nguyễn Chánh cũng đã từng cùng các diễn viên tuồng và bài chòi LK V đi hái lộc trên bờ hồ Hoàn Kiếm trong đêm giao thừa năm 1959. Sự động viên to lớn ấy đã thúc đẩy tinh thần học tập và lao động sáng tạo của tập thể cán bộ và diễn viên văn công LK V. Đặc biệt, Đoàn Tuồng LK V từ những năm đầu trên đất Bắc, nơi tập hợp hầu hết các nghệ sĩ tuồng tài năng ở Nam Trung Bộ tập kết, đã được coi là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mạnh của Bộ Văn hóa. Ở đây các nghệ sĩ đã phục hồi được hàng chục vở tuồng cổ và xây dựng hàng chục vở tuồng mới, đã đào tạo hàng trăm diễn viên và nhạc công trẻ, cung cấp cho các đơn vị tuồng cả nước. Và cũng chính nơi này bộ môn Dân ca kịch LK V đã trở thành nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, đứng chung trong đại gia đình sân khấu dân tộc và đã xây dựng được thương hiệu bài chòi với rất nhiều tiết mục, vở diễn hay như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên, Bà đô đốc áo đỏ... đồng thời, cũng đã đào tạo ra hàng chục diễn viên trẻ cung cấp cho các đoàn ở chiến trường chống Mỹ và các đoàn ở các tỉnh Nam Trung Bộ.

55 năm làm một vòng quay vĩ đại từ Hoài Nhơn - Bình Định (1952) rồi ra Bắc (1954), lại quay vào Nam, rồi lại ra Bắc (1955), mãi đến tháng 5 năm 1975 mới thực sự được về lại quê hương vĩnh viễn. Hơn nửa thế kỷ ấy, văn công LK V đã không ngừng quay theo cái trục quay của cách mạng. Cách mạng phát triển thì văn nghệ LK V cũng phát triển theo và làm giàu cho nền văn nghệ ở miền đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Đặc biệt, đứa con đầu của văn công LK V đã trở thành đơn vị anh hùng và các đơn vị khác, bộ môn khác cũng được nhiều huân chương, huy chương. Giờ đây, nhìn vào đội ngũ ấy, thấy được sự lớn mạnh vượt bậc của văn nghệ LK V, và thêm hãnh diện, tự hào.

Về lại chốn xưa, về lại mảnh đất anh hùng, nơi được coi là đại bản doanh, thủ phủ văn nghệ kháng chiến của quân, dân Nam Trung Bộ, có lẽ, trong chúng ta không ai có thể quên được mảnh đất này và những ngày tháng 3 lịch sử cách đây 55 năm.

  • GS. Hoàng Chương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những điều đọng lại qua một chuyến sang Lào  (31/03/2007)
Chuyện “F.C Quy Nhơn Gom Gops” trên đất Sài Gòn  (31/03/2007)
Bùng nổ bạo lực trên sân cỏ châu Âu  (31/03/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/03/2007)
Dấu ấn không thể nào quên  (09/02/2007)
Mùa xuân cất cánh  (09/02/2007)
Nâng cao nhận thức cộng đồng về đất đai, môi trường  (09/02/2007)
Nóng bỏng tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp  (09/02/2007)
Hoa Tết vào mùa  (09/02/2007)
Nghề rong mua cổ vật  (09/02/2007)
Nhớ giếng  (09/02/2007)
Ăn rong ở Quy Nhơn  (09/02/2007)
Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong ngày Tết  (09/02/2007)
Ấn tượng cánh buồm  (09/02/2007)
Thơ  (09/02/2007)