Háo hức bởi huyền thoại về một cây cổ thụ lớn tuổi nhất Việt Nam, đứng thứ hai thế giới, đã khiến chúng tôi không ngại ngần vượt trên 60km (từ Hà Nội) với thời tiết lạnh lẽo của những ngày giữa tháng 12 ở miền Bắc để “tận mục sở thị”.
Cách thành phố Bắc Giang 20km về phía Tây, cây Dã hương lâu đời và lớn nhất Việt Nam sừng sững uy nghi như một hiện thân của quá khứ, từng chứng kiến bao biến cố cuộc đời. Thế nhưng ít ai biết rằng cây cổ thụ có một không hai ở nước ta vừa thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo bởi nạn sâu cước hồi đầu tháng 4-2006.
|
Cây Dã hương hơn 650 tuổi tại quần thể cụm di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia.
|
* Dã hương ngàn năm tuổi
Người dân địa phương quen gọi là cây Dã hương ngàn tuổi, còn theo các nhà nghiên cứu, xác định tuổi dựa trên việc xác định sinh trưởng đường kính theo vòng năm bình quân thì cây đã “thọ” hơn 650 năm. Cây nằm ở thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, trong quần thể cụm di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1989.
Theo Bách khoa từ điển La Rousse của Pháp, cây Dã hương ở Tiên Lục là một trong những cây Dã hương lâu đời nhất thế giới và chỉ đứng sau một cây cùng loại ở châu Phi. Cây thuộc chi Cinamomum Camphora, loài long não, là loài cây có dáng đẹp, có chứa tinh dầu thơm ở tất cả các bộ phận của cây. Đặc biệt, rễ cây có chứa chất Safrol là thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm. Hoa Dã hương màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti, có mùi thơm như dạ lan, thường nở vào độ cuối xuân, đầu hạ.
* Những con số kỷ lục
Vòng đo thân cây ở điểm nhỏ nhất là 8,4m (chỗ vạch vôi trên ảnh), điểm lớn nhất là 12,07m. Vòng đo tính theo phần rễ cây lộ trên mặt đất là 17,4m. Cây có chiều cao gần 30m và lớp vỏ cây trung bình dày 15cm, tán cây tỏa rộng, phủ kín cả một vùng. Bên trong phần thân cây bị rỗng có thể chứa không dưới 25 người.
Theo ngọc phả của làng ghi lại thì vào đời vua Cảnh Hưng (1740 – 1786), cây Dã hương ở Tiên Lục nhận được sắc phong của vua ban tặng là “Quốc chúa đô mộc Dã đại vương” (Cây Dã lớn nhất nước); trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam) cũng từng xếp cây Dã hương này vào loại cây cổ thụ quý hiếm.
Từ lâu “Dã đại vương” đã trở nên thiêng liêng như một tín ngưỡng, gắn liền với thế giới tâm linh của người dân thôn Giữa và là mối quan tâm của các nhà khoa học do những đặc tính quý hiếm và giá trị lịch sử của nó. Tương truyền, mỗi khi một cành Dã hương bị gãy thường ứng với điềm báo về một sự kiện của đất nước, chẳng hạn đất nước đang có giặc thì giặc tan; đang loạn ly thì trở lại thanh bình. Trên cây vẫn còn dấu tích những cành lớn bị gãy được truyền tụng đã xảy ra ở các thời điểm 1945, 1954, 1975,…
Rất nhiều người đã đến tham quan cây Dã hương ngàn năm tuổi với ý nguyện cây sẽ mang lại cho họ sự may mắn. Đó là những đôi vợ chồng muộn con, những người có vấn đề về sức khỏe, về hạnh phúc, hay như một cụ già 77 tuổi ở ngoại thành Hà Nội, đã yêu cầu con cháu đỡ vào tận bên trong phần rỗng thân cây để chiêm ngưỡng và: “Nếu có ra đi thì cũng không còn gì phải ân hận”.
|
Lỗ vào bộng cây rỗng có thể chứa được 25 người.
|
* Bảo toàn cây quý
Vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2006, nạn sâu cước bỗng đột ngột bùng phát dữ dội trên cây Dã hương. Chỉ trong một thời gian ngắn, những con sâu có gai, nhiều con to bằng ngón tay, đã ăn gần hết lá của cây Dã hương này, khiến các cành cây trơ trụi có thể dẫn đến nguy cơ chết cây. Hiện tượng sâu cước ăn lá đã xảy ra từ nhiều năm qua, nhưng lần này mức độ phát sinh và gây hại của sâu khá nghiêm trọng. Theo anh Nguyễn Văn Đà, người thôn Giữa được giao trông coi cây Dã hương: Nạn sâu cước năm 2006 được phát hiện khá sớm, song bất ngờ vì mức độ phá hại của sâu quá nhanh. Qua gần hai tháng tập trung phun thuốc diệt sâu và chăm sóc cho cây, đến thời điểm đầu tháng 6, màu xanh của lá non đã trở lại và phủ đều trên các tán cây. Anh Đà cho biết: số sâu cước bị diệt qua các đợt phun thuốc được chất thành đống và không dưới 20kg. Sâu đã bị diệt nên các loài chim vốn rất phong phú thường đến làm tổ và tìm bắt sâu non trên cây cũng bỏ đi; mặt khác, loài mối đang sống ký sinh trong thân cây cũng là nỗi lo không kém. Chính vì thế, để bảo vệ cây đòi hỏi phải có biện pháp hữu hiệu và lâu dài. Người trông coi cây Dã hương quý này, hiện đang nhận thù lao 100.000 đồng/tháng, cũng cho biết: anh rất mong địa phương tạo điều kiện để có thể đầu tư vào chăm sóc cây thường xuyên bằng cách gắn công việc bảo vệ cây với việc mưu sinh của gia đình anh. Theo đó, anh sẽ tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch bằng việc phát hành các tờ thông tin về cây Dã hương, ươm cây con Dã hương để phục vụ du khách chứ không phải bằng cách thu tiền bán vé. Mong muốn của người dân này có lẽ cũng là một gợi ý đáng quan tâm cho việc bảo vệ cây.
Trong số du khách đến tham quan cây Dã hương có một không hai ở nước ta, có người từng phát biểu, đại ý: chúng ta có thể khôi phục lại những công trình kiến trúc bị hư hỏng, thậm chí sụp đổ, song nếu cây Dã hương cổ thụ quý hiếm như thế này mà mất đi thì vĩnh viễn không bao giờ có lại. Xem ra, đó mới là điều đáng suy ngẫm để những ngành có trách nhiệm có thái độ đúng mực trong việc gìn giữ, bảo toàn cây Dã hương này như một trong những thứ tài sản vô giá của quốc gia.
|