Những chuyện chưa được kể về anh Trần Kiên
14:21', 31/3/ 2007 (GMT+7)

Đồng chí Trần Kiên lúc sinh thời. Ảnh: Trần Đăng

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi ở đơn vị thông tin QK5; được đi công tác, được phục vụ thông tin, liên lạc cho nhiều đồng chí lãnh đạo của QK. Lãnh đạo QK thì mỗi người mỗi tính, mỗi nết; tác phong lãnh đạo, chỉ huy cũng như cuộc sống đời thường mỗi người mỗi vẻ… Thế nhưng, người đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm đẹp đẽ nhất đối với tôi là anh Trần Kiên.

Thời ấy, anh Trần Kiên là Cục trưởng Cục Hậu cần QK5, chuyên lo việc “cơm-áo-gạo-tiền”, thuốc men, súng đạn… cho bộ đội đánh giặc. Người xưa đã dạy: “Thực túc binh cường, non lương yếu gối”, nói như vậy để thấy vai trò của anh Trần Kiên lúc bấy giờ quan trọng biết dường nào!

Có lẽ do xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cộng với những khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm của bộ đội trong hoàn cảnh của cách mạng miền Nam đã rèn cho anh đức tính “cần-kiệm-liêm-chính, chí công, vô tư”. Anh nghiêm khắc với mọi người và nghiêm khắc với chính mình!. Ở đây, tôi chỉ xin kể lại một vài mẩu chuyện về anh Kiên với tư cách là người đã từng chứng kiến và là “người trong cuộc”.

* Bắt làm kiểm điểm vì... cho thịt

Tháng 9-1967, tôi được tháp tùng anh Trần Kiên đi công tác lên Gia Lai. Nhiệm vụ của tôi là bảo đảm công tác thông tin liên lạc cho đoàn công tác của Cục Hậu cần QK.

Ngày thứ 5 vào đến trạm giao liên của ông Lập (trạm đầu mối của tỉnh Gia Lai giáp với tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định), đoàn công tác được lãnh đạo trạm bố trí ngủ nghỉ ở khu “nhà khách đặc biệt” trên một ngọn đồi cao có nhiều cây to, nhà cửa rộng rãi; hầm hố, công sự rất kiên cố. Giữa khuya, đang ngủ, bỗng có tiếng súng bắn loạn xạ, khá gần với khu vực trạm. Nghe tiếng súng nổ, anh Kiên choàng dậy, nhắc tổ trưởng tổ Vệ binh bảo vệ đoàn công tác: “Súng ở đâu mà nổ gần vậy, coi chừng địch tập kích đó”. Tổ trưởng tổ Vệ binh ngái ngủ nói: “Thủ trưởng cứ yên trí ngủ đi. Chúng tôi đã phân công gác trực rồi, thủ trưởng đừng ngại. Có thể là anh em của trạm đang săn bắn thú rừng để cải thiện đời sống ấy mà!...”. Nằm được một lúc, có tiếng súng nổ tiếp, anh Kiên lại trở mình thức dậy, cuộn võng, ngồi hút thuốc một mình trong đêm…

Sáng ra, “thầy trò” chúng tôi đang tập thể dục, chuẩn bị ăn sáng để hành quân tiếp thì ông trạm phó chừng 30 tuổi mặt đỏ bừng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại cõng một cái đùi sau của con nai, đựng trong một chiếc giỏ mây lên biếu cho “đoàn công tác đặc biệt” gọi là… ăn lấy thảo.

Ông đặt cái đùi nai to tướng trước mặt anh Kiên và lễ phép thưa:

- Thưa chú, đêm hôm trạm cháu bắn được 2 con nai, chú trạm trưởng bảo cháu mang biếu cho đoàn công tác của chú một ít thịt để…

- Thôi thôi, không biếu, không cho gì hết! – Anh Kiên ngắt lời trạm phó – Ông nói lại tôi nghe nào, đêm rồi trạm ông bắn được mấy con nai?

- Dạ, bắn được 2 con ạ!

- Thế… Trạm của ông có bao nhiêu người?

- Dạ, trạm biên chế có 4 người ạ!

- Ối trời, có 4 người mà bụng dạ đâu ăn hết tới 2 con nai? Đành rằng nó là của rừng, của núi chứ không phải của ai nuôi. Nhưng nó là “của chung” của cách mạng. Các ông “cải thiện” cái kiểu đó thì còn đâu cho người khác ăn?

- Dạ, lâu lâu mới bắn được 2 con, phần chia cho anh em khách của trạm một ít, phần đem phơi khô để dành lúc khác ăn chứ không dám lãng phí đâu ạ! – Ông trạm phó cố chống chế.

- Thôi được rồi, không nói nhiều nữa. Thế này nhé: Ông mang hộ cái đùi nai này về trạm và bảo ông trạm trưởng của ông mang giấy, viết lên đây tôi hướng dẫn cho làm bản kiểm điểm…

Ông trạm phó xốc vội cái giỏ thịt lên vai, hai tay bám vịn vào các gốc cây, khó nhọc xuống dốc; miệng còn làu bàu: “Cho thịt không ăn còn bắt làm kiểm điểm!...”. Đám Thông tin, Vệ binh chúng tôi thấy vậy cứ tiếc ngẩn, tiếc ngơ bởi “lương khô” ăn đi đường của chúng tôi cũng chỉ có muối hầm trộn với chút bột ngọt.

* Gạo của QK với gạo của Sư đoàn là mấy loại gạo?

Tháng 5 năm 1974, tôi lại có dịp tháp tùng anh Kiên đi công tác xuống làm việc với Sư đoàn 2-QK5. Trước lúc chuẩn bị hành quân, anh Kiên nheo mắt cười nói với tôi:

- Ông là thanh niên, tôi là “ông già”. Ông dẫn tôi đi cuối đất, cùng trời gì tôi đều chấp hành theo đó. Nhưng ông phải nhớ chấp hành nghiêm chỉnh… “chính sách người già” nghe!. Đi đúng 1 tiếng phải cho “ông già” nghỉ 10 phút!

- Thủ trưởng cứ yên trí, đi 1 tiếng nghỉ 10 phút chứ đi 1 tiếng nghỉ… 30 phút cũng là do thủ trưởng quyết định hết! - thấy anh vui tôi cũng đùa lại cho vui chứ đường từ QK xuống Sư đoàn 2 bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ, đi đường như thế nào cho bảo đảm an toàn là do tôi quyết định hết bởi địa hình đường sá, quy luật hoạt động của phi pháo địch trên đường như thế nào… chúng tôi đã nắm.

Khoảng 3 giờ chiều ngày thứ 2, nghĩa là chỉ còn cách cơ quan Sư đoàn bộ của Sư 2 chừng 30 phút nữa là chúng tôi đến nơi, sau khi được nghỉ giải lao 10 phút và đi tiếp được chừng 10 phút, tự dưng anh Kiên lại “lệnh” cho tôi:

- Thanh niên cho già nghỉ chút!

Tưởng anh mệt, tôi động viên anh ráng “kéo” chút nữa tới Sư đoàn bộ rồi nghỉ luôn cho khỏe nhưng anh không chịu đi mà còn “quát”:

- Tôi bảo ông nghỉ thì ông cứ nghỉ, đừng có cãi lại!. - Ngồi được 5 phút, anh lại “lệnh” cho đoàn công tác: Ông nào muốn chiều nay ăn no thì xuống suối hốt gạo đổ với tôi. Nói xong, anh cởi bỏ đồ dài trên bờ, chỉ còn quần đùi, áo lót, lội ngay xuống suối hốt gạo đổ bỏ vào một cái túi nilon. Thấy anh làm vậy, tất cả chúng tôi ai cũng cởi đồ dài, lội xuống suối để hốt gạo đổ với anh…

Hóa ra đang đi dọc suối, anh phát hiện có gạo đổ khá nhiều nằm ở dưới lòng suối mà cơ quan Sư đoàn bộ - Sư 2 đang ăn và nấu nướng… chảy ra. (có thể do anh em đi lấy gạo về bị thủng bao hoặc do anh em nuôi quân ở đây nấu ăn đêm hôm bị trật tay, đánh đổ gạo xuống suối, bị nước chảy làm gạo dồn cục lại, nhất là ở những đoạn suối trũng). Thế là ý thức tiết kiệm và “xót của” của một người làm công tác hậu cần nhiều năm đã níu giữ chân anh lại. Trước khi vào đến cơ quan Sư đoàn bộ, anh dặn chúng tôi là không ai được nói gì, để anh tự “xử lý”…

Nghe tin có đoàn công tác anh Kiên xuống làm việc với Sư đoàn, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn rất phấn khởi, đến ngay nhà khách Sư đoàn để chào anh. Sau một hồi thăm hỏi sức khỏe, anh Kiên “vô đề luôn”:

- Người ta thường nói: “Khách đến nhà thì chủ nhà phải đãi”. Nhưng chiều nay chúng tôi không ăn cơm của Sư đoàn mà mời “các ông” lãnh đạo Sư đoàn đến dự “bữa cơm thân mật” với chúng tôi trước đã. Mai bước vào hội nghị sẽ tính sau…

Khi anh Kiên chủ động đặt vấn đề, lãnh đạo Sư đoàn ai cũng thấy “ái ngại”. Thực ra, số gạo đổ dưới suối mà chúng tôi hốt được, sau khi đã đãi sạch thì cũng chỉ nấu được 5-6 “hăng gô” cơm - nghĩa là chỉ đủ cho chừng 10 người ăn gọi là “tạm no”. Còn thức ăn thì cũng chỉ có tí ruốc bông với một ít củ cải muối chua chúng tôi mang từ QK xuống. Vậy mà “bữa cơm thân mật”, một số đồng chí lãnh đạo Sư đoàn (không biết vì “xã giao” hay lấy lòng anh Kiên) khen lấy khen để… Có ông còn khen rằng: “Chà, QK nhận đợt gạo nào đây mà… cơm ngon quá hà!”… Bấy giờ, anh Kiên vừa nhẩn nha ăn, vừa mở dần nút thắt “kịch bản” của mình:

- Mấy ông nói thế có thấy mất quan điểm không? Chả nhẽ QK chúng tôi thì được ăn “gạo ngon, gạo tốt”, còn gạo dở, gạo xấu thì đem cấp cho Sư đoàn à? Gạo của QK với gạo của Sư đoàn là mấy loại gạo? Mấy ông có biết chúng tôi “nhận” loại gạo “ngon” này ở đâu không? Mấy ông có muốn ăn loại “gạo ngon” này không, tôi viết lệnh tại chỗ cho các ông đi nhận liền; “kho” cũng gần đây thôi, chừng 10 phút đường chim bay là tới… Mấy ông đều là những người lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn, mấy ông cũng hiểu nhân dân ta ở cả 2 miền Nam - Bắc làm ra hột gạo dưới bom đạn của thằng Mỹ để nuôi chúng ta ăn đánh giặc đâu phải là chuyện đơn giản!... Cứ thế, anh nói chậm rãi, chân tình, không nóng nảy, không gay gắt mà ai cũng thấy sâu sắc, thấm thía nhiều điều về quan điểm và ý thức “cần kiệm xây dựng quân đội”.

* *

*

Anh Trần Kiên là thế đó: giáo dục lính theo phương pháp giáo dục trực quan, trong đó anh thường lấy những việc làm, những hành động cụ thể của mình để cảm hóa, thuyết phục, điều chỉnh những nhận thức, hành vi và những việc làm sai trái của người khác. Anh là tấm gương, là hình mẫu của văn hóa và đạo đức “cần - kiệm - liêm - chính, chí công, vô tư” mà Bác Hồ đã dạy. Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang có cuộc vận động tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí… để xây dựng kinh tế và phát triển đất nước, thiết nghĩ: tấm gương của anh Trần Kiên luôn là vấn đề thời sự, là bài học thiết thực và nóng hổi trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn…

  • Nguyễn Hữu Đức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cây Dã hương lớn nhất Việt Nam  (31/03/2007)
Để hưởng khoan hồng, hãy quay về nẻo sáng  (31/03/2007)
Từ “ngôi từ đường” của văn nghệ kháng chiến Nam Trung Bộ  (31/03/2007)
Những điều đọng lại qua một chuyến sang Lào  (31/03/2007)
Chuyện “F.C Quy Nhơn Gom Gops” trên đất Sài Gòn  (31/03/2007)
Bùng nổ bạo lực trên sân cỏ châu Âu  (31/03/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/03/2007)
Dấu ấn không thể nào quên  (09/02/2007)
Mùa xuân cất cánh  (09/02/2007)
Nâng cao nhận thức cộng đồng về đất đai, môi trường  (09/02/2007)
Nóng bỏng tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp  (09/02/2007)
Hoa Tết vào mùa  (09/02/2007)
Nghề rong mua cổ vật  (09/02/2007)
Nhớ giếng  (09/02/2007)
Ăn rong ở Quy Nhơn  (09/02/2007)