Những người truyền nguồn sống
14:53', 31/3/ 2007 (GMT+7)

BVĐK tỉnh Bình Định có 600 giường bệnh điều trị nội trú nhưng luôn trong tình trạng quá tải với mức 850-900 bệnh nhân điều trị. Mặt khác, bệnh viện đang trên đà phát triển với các khoa chuyên sâu và đa dạng hóa các dịch vụ y tế với quy mô ngày càng lớn, khiến tình hình sử dụng máu ngày càng nhiều. Từ nhu cầu đó, Phòng Huyết học - Truyền máu (Khoa Xét nghiệm - BVĐK tỉnh) đã nỗ lực nhiều trong công tác chuyên môn, góp phần vào phong trào hiến máu tự nguyện trong tỉnh.

 

Các kỹ thuật viên Phòng HH-TM đang sàng lọc máu để truyền cho bệnh nhân. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Có thể nói khoa Xét nghiệm nói chung và Phòng Huyết học - Truyền máu (HH-TM) nói riêng có một điểm đặc biệt so với các khoa phòng khác trong bệnh viện là rất đông nhân viên nữ. Cả khoa có 42 cán bộ, CNV thì chỉ có 7 nam, còn 35 người là nữ. Riêng Phòng HH-TM thì có 17/21 người là nữ. Lý giải về sự “âm thịnh dương suy” ở đây, bác sĩ Nguyễn Văn Cót - Trưởng khoa Xét nghiệm - nhận định: “Đây là một sự ngẫu nhiên và có lẽ cũng do công việc xét nghiệm phù hợp với nữ hơn nam”. 

Phòng HH-TM có nhiệm vụ chính là lấy, xét nghiệm, dự trữ máu, phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Chính vì thế, đây cũng là đơn vị luôn đồng hành với Hội Chữ thập đỏ Bình Định và Đoàn thanh niên các cấp trong phong trào thanh niên hiến máu nhân đạo (HMNĐ). Bất cứ khi nào, ở đâu có đợt vận động HMNĐ là các bác sĩ, kỹ thuật viên của Phòng HH-TM có mặt để cùng làm việc. Trong năm 2006 vừa qua, phòng đã thu được tổng lượng máu là 1.545,2 lít từ 5.494 lượt người cho máu, đạt 206% kế hoạch, trong đó lượng máu từ người cho máu tự nguyện chiếm 60%. Để có được lượng máu cho tự nguyện nhiều như thế, các bác sĩ, kỹ thuật viên Phòng HH-TM đã tham gia 26 đợt lấy máu lưu động ở các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đây được xem là phần việc khá vất vả của các nhân viên trong phòng bởi hầu như tất cả các đợt phát động HMNĐ đều tổ chức vào ngày nghỉ. Công việc này của họ bắt đầu từ sáng sớm với việc mang vác dụng cụ phục vụ cho việc lấy máu, gồm thùng đựng máu, túi lấy máu, ghế xếp, hóa chất xét nghiệm... xếp lên xe. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người hiến máu, việc lấy máu phải được tiến hành từ 7 giờ sáng đến tối đa khoảng 10 giờ 30 trưa là chấm dứt nên đòi hỏi các bác sĩ, kỹ thuật viên huyết học cũng phải chạy theo thời gian. Bác sĩ Nguyễn Văn Cót kể: “Nếu đi các huyện xa như Hoài Ân, An Lão thì mọi người phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. Còn như đợt vận động thanh niên Phù Mỹ HMNĐ vào trước Tết Đinh Hợi vừa qua, các cán bộ Phòng HH-TM đã phải khởi hành lúc 5 giờ sáng tại TP Quy Nhơn. Và thường thì chúng tôi mang đồ ăn sáng và ăn ngay trên xe để tiết kiệm thời gian”.

Sau khi lấy máu, các bác sĩ, kỹ thuật viên huyết học vẫn còn hai công đoạn rất quan trọng phải làm ngay trong ngày là sàng lọc và bảo quản máu. Bác sĩ Nguyễn Văn Cót giải thích: “Sở dĩ phải sàng lọc ngay là vì nếu cất vào tủ lạnh rồi hôm sau mới mang ra để xét nghiệm, sàng lọc thì có thể sẽ làm hư máu vì nhiều lần thay đổi môi trường nhiệt độ”. Chính vì thế, sau khi lấy máu xong, về đến bệnh viện là các bác sĩ, kỹ thuật viên huyết học BVĐK tỉnh lại lao vào xét nghiệm, sàng lọc. Việc ăn uống được tiến hành ngay tại chỗ, với cơm hộp, bánh mì, làm xong việc thì mới về nhà.

Điều đáng nói nhất là đa số cán bộ, nhân viên của Phòng HH-TM là nữ và hầu hết đều đã có gia đình nhưng tất cả đều cố gắng làm tốt công việc của mình. Họ không quản đường xa mệt mỏi, làm việc vượt mức trong cả ngày nghỉ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Một nữ kỹ thuật viên tâm sự: “Mới đầu thì thấy vất vả nhưng giờ thì chúng tôi cũng quen với cách làm việc như thế này rồi. Tất cả đều xuất phát từ tinh thần phục vụ người bệnh mà”. Mặt khác, trong điều kiện phương tiện làm việc còn thiếu, lượng bệnh nhân đông dẫn đến số bệnh nhân được xét nghiệm cấp cứu nhiều, nhu cầu máu để cấp cứu nhiều, các bác sĩ, kỹ thuật viên Phòng HH-TM đều cố gắng giải quyết nhanh, kịp thời, góp phần tích cực trong công tác điều trị và đã cứu sống nhiều bệnh nhân.

Nếu cần có một lời nhận xét khách quan về đội ngũ nữ bác sĩ, kỹ thuật viên Phòng HH-TM, Khoa Xét nghiệm BVĐK tỉnh thì đây là lời của bác sĩ Trang Xuân Chi - người “có mặt trên từng cây số” trong các đợt vận động HMNĐ: “Dù đó là thứ bảy, chủ nhật, ngày đáng lẽ được nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình, chồng con nhưng các chị ấy vẫn làm việc thật chăm chỉ, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm...”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (31/03/2007)
Tựa cửa nhìn ra đường  (31/03/2007)
Những chuyện chưa được kể về anh Trần Kiên  (31/03/2007)
Cây Dã hương lớn nhất Việt Nam  (31/03/2007)
Để hưởng khoan hồng, hãy quay về nẻo sáng  (31/03/2007)
Từ “ngôi từ đường” của văn nghệ kháng chiến Nam Trung Bộ  (31/03/2007)
Những điều đọng lại qua một chuyến sang Lào  (31/03/2007)
Chuyện “F.C Quy Nhơn Gom Gops” trên đất Sài Gòn  (31/03/2007)
Bùng nổ bạo lực trên sân cỏ châu Âu  (31/03/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/03/2007)
Dấu ấn không thể nào quên  (09/02/2007)
Mùa xuân cất cánh  (09/02/2007)
Nâng cao nhận thức cộng đồng về đất đai, môi trường  (09/02/2007)
Nóng bỏng tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp  (09/02/2007)
Hoa Tết vào mùa  (09/02/2007)