|
Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền |
Hôn nhân vốn là kết quả của một chuyện tình... “có hậu”. Tình yêu được xem là điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, đã có những người sử dụng hôn nhân cho những mục đích khác. Họ tạo nên những cuộc “kết hôn giả” cho những mưu đồ, lợi ích cá nhân. Và rồi, cuộc hôn nhân theo “hợp đồng” ấy đã gây ra những hậu quả khôn lường, khiến nhiều khi phải ân hận suốt đời...
* Lấy vợ vì... một suất đất!
Mười mấy năm trước, cơ quan anh T. có một đợt phân chia đất cho những cán bộ, công nhân viên thuộc diện chính sách, nhưng với điều kiện phải là người đã lập gia đình. Anh T. là thương binh nên thuộc đối tượng ưu tiên, nhưng khổ nỗi anh vẫn còn độc thân. Nghĩ tới nghĩ lui, anh đã “hợp đồng” với một cô gái ở quê để làm một “đám cưới giả”. Hai bên thỏa thuận: anh được đất còn cô ấy được nhập hộ khẩu về thành phố, cả hai cùng… có lợi!
Mọi thủ tục đám cưới… được tổ chức một cách nhanh chóng. Cuối cùng, “vợ chồng” anh T. cũng đã nhận được một suất đất như mong muốn. Nhưng mới nhận đất xong mà ly hôn ngay như dự liệu thì lộ liễu quá, nên anh cứ dùng dằng và đề nghị cô ấy chờ thêm một thời gian nữa. Trong lúc này, anh dùng số tiền tích góp được để xây dựng ngôi nhà của mình trên nền đất vừa được cấp. Rồi hằng ngày qua lại với nhau nhằm “che mắt” thiên hạ… “Lửa gần rơm” đã “bén” thành những lần “quan hệ như vợ chồng” với nhau, dù họ vẫn sống theo kiểu “hồn ai nấy giữ”. Một thời gian sau cô ấy thông báo đã có thai. Anh không thể chối bỏ vì trên giấy tờ pháp lý anh vẫn là chồng, mà trên thực tế anh cũng có “ăn ở” với người ta nên đành phải chấp nhận. Cô ấy bắt đầu lấn tới, đòi phải bảo lãnh em cô vào để có người chăm sóc lúc sinh con. Anh phải gượng cười… đồng ý! Nhưng cô em vừa đến, thì ba mẹ rồi các anh chị em khác cũng lần lượt vào… thăm nom. Lúc đầu họ bảo chỉ ở vài ba bữa, nhưng mãi chẳng thấy ai muốn về, nói ở quê thất nghiệp vào thành phố tìm việc làm. Vậy là đồng lương eo hẹp của anh phải “gồng gánh” cả đại gia đình cô ấy, vẫn phải cắn răng chịu đựng chờ ngày “mẹ tròn con vuông”. Sau khi cô ấy sinh, anh nhiều lần nói xa nói gần, nhưng gia đình cô ấy vẫn... làm lơ! Anh đành chọn giải pháp sang nhà cho người khác. Lúc người ta đến nhận nhà, gia đình cô ấy lại “làm dữ”, xua đuổi, đe dọa… đến nỗi anh bị thưa kiện vì tội… lường gạt. Cuối cùng nhà không bán được mà ở cũng chẳng yên.
* Và hậu quả phải... gánh chịu
Không thể chịu đựng mãi tình trạng ấy, anh đòi ly hôn. Cô ấy vẫn đồng ý nhưng với điều kiện anh phải để lại nhà cho cô ấy nuôi con, và còn phải trợ cấp cho đứa trẻ hằng tháng. Trước tòa, bằng gương mặt đầm đìa nước mắt, cô ấy đã đóng kịch thành công, thuyết phục được tòa giao con cho mẹ và chia đôi căn nhà. Điều đáng nói là, tuy trên danh nghĩa anh còn một nửa căn nhà, nhưng gia đình cô ấy đã chiếm giữ luôn, bởi anh chẳng thể “chung sống” với họ được nữa mà cũng chẳng bán cho ai được. Không muốn đi kiện thưa phiền phức, anh đành bỏ luôn căn nhà, coi như “của thiên trả địa”. Nhưng như thế cũng đâu đã “dứt” được hoàn toàn. Vẫn còn đó đứa con, anh phải thường xuyên qua lại thăm nom. Mỗi lần anh đến, họ xúi con bé xin tiền anh cho đủ thứ nhu cầu. Mà điều làm anh đau lòng hơn là họ “dạy” cho con bé tính thích ăn diện, đua đòi, toàn mặc những trang phục diêm dúa, hở hang… Nhiều lần anh tức giận, đòi dắt con về, thì họ nói cạnh khóe rằng nó có phải con anh đâu mà giành! Nhìn kỹ lại, anh thấy quả thật con bé cũng chẳng có điểm gì giống anh, cả về hình dáng lẫn tính tình. Nhiều lúc đưa tiền nuôi con mà anh có cảm giác như mình đang đóng “ngu phí”, trả giá cho sự tham lam của mình. Đó là chưa kể chuyện xây dựng một gia đình mới của anh cũng đâm ra… lỡ làng. Dù sao, trong mắt mọi người, anh cũng đã có một đời vợ và có một đứa con riêng…
|