Tổ ấm “Tự lực”: Nơi gieo mầm cho những ước mơ
15:22', 31/3/ 2007 (GMT+7)

Những câu chuyện tôi sắp kể là những cảnh đời thiếu may mắn. Họ là những người khuyết tật, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, nhưng hầu hết đều xuất phát từ những gia đình nghèo khó. Cái đáng quý là họ biết vượt qua những khiếm khuyết của cơ thể, khát khao một cuộc sống tự lập, biết đoàn kết để giúp nhau vươn lên. Tổ ấm “Tự lực”, nơi gieo mầm cho những ước mơ lành lặn.

 

Người khuyết tật học nghề may tại cơ sở Đồng Tâm thuộc Ban Từ thiện - Xã hội Báo Bình Định.

 

1. Ngày ngày trên đường phố Quy Nhơn, người ta thường bắt gặp một người đàn ông dáng đậm, đi trên một chiếc xe máy thật “oách”, nhưng dành cho người khuyết tật, đó là anh Võ Đình Minh. Câu chuyện anh Minh khuyết tật ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn chế ra hộp số lùi xe máy dành cho người khuyết tật hai chi dưới, mà Báo Bình Định đã giới thiệu cách đây gần 4 năm, giờ đã có thêm những trang mới. Có xe tiện ích cho mình rồi, anh Minh bắt đầu lắp ráp những chiếc xe theo yêu cầu của các bạn khuyết tật khác. Một chiếc, hai chiếc,… rồi những đơn đặt hàng của các bạn khuyết tật ở ngoài tỉnh. Anh Minh cảm thấy được động viên và anh đã mạnh dạn thành lập xưởng lắp ráp, độ chế xe máy dành cho người khuyết tật, tại 27 Tây Sơn, TP Quy Nhơn. Những công nhân đầu tiên của xưởng là những người bạn cùng cảnh ngộ như anh. Anh đặt tên cho xưởng mình là “Nhóm Tự lực Hoàng Minh”. Hàng chục chiếc xe máy 3 bánh, có số lui được ra đời từ xưởng nhỏ này. Nhưng điều quan trọng hơn, là anh Minh đã biến xưởng cơ khí nhỏ bé của mình thành tổ ấm cho các bạn bè khuyết tật cùng lao động, cùng kiếm sống một cách tự lực. Giờ đây anh đang cố gắng hoàn thiện cho mục tiêu sáng chế xe lên cầu thang dành cho người khuyết tật hai chân.

2. Ở xã Canh Hiển, huyện Vân Canh ai cũng biết cơ sở tự lực Chín – Khiêm. Nói là cơ sở, nhưng thực ra đó là nhà của đôi vợ chồng Nguyễn Thị Chín và Nguyễn Trần Khiêm. Khiêm bị sốt bại liệt, teo 2 chân từ bé. Dù khuyết tật, nhà nghèo nhưng Khiêm rất ham học và học giỏi. Sau nhiều nỗ lực, năm 1997 (lúc đã quá 30 tuổi và có vợ con) Khiêm đã tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Đà Nẵng, anh hy vọng tìm được một việc làm ở cơ quan Nhà nước. Nhưng ước mơ nhỏ bé của Khiêm không thể trở thành hiện thực, hàng chục cơ quan đều từ chối anh, vì lý do sức khỏe. Trở về nhà, Khiêm cùng vợ bắt đầu kiếm sống bằng nghề dạy kèm cho học sinh yếu. Nghề dạy kèm trẻ, lúc đầu tưởng như là công việc bất đắc dĩ đối với Khiêm, ai ngờ trở thành nghiệp bám luôn vào cuộc sống gia đình anh. Với vốn kiến thức Toán, Lý phổ thông rất chắc chắn, Khiêm đã giúp nhiều học sinh yếu vươn lên trình độ trung bình, khá; có em trở thành học sinh giỏi. Giờ đây, Khiêm thường xuyên có đến vài chục học sinh theo học.

Khi công việc dạy kèm có chút thu nhập, Khiêm đã không nhận thù lao của các học trò nghèo nữa, anh nghĩ: “Bản thân mình đã từng trải qua quá nhiều khó khăn, cực khổ để kiếm được cái chữ, nên giờ mình không quên giúp đỡ các học trò nghèo”. Ở xã nông thôn hẻo lánh như Canh Hiển, làn sóng tin học tỏa đến rất muộn, Khiêm là một trong những tư nhân đầu tiên của xã sắm máy vi tính. Căn nhà của Khiêm ban ngày dành cho lớp học sinh phổ thông; ban đêm dạy kèm người lớn sử dụng vi tính, đa phần là công chức.

 

Anh Võ Đình Minh (người đứng) tại xưởng lắp ráp xe máy dành cho người khuyết tật của “Nhóm Tự lực Hoàng Minh”.

 

3. Khác với Khiêm, Nguyễn Minh Châu (41 tuổi) lại thiếu may mắn hơn, Châu không có gia đình. Suốt thời thơ ấu Châu sống nhờ vào cô nhi viện và các nhà hảo tâm. Châu được đi học và tỏ ra có năng khiếu về hội họa. Ước mơ trở thành họa sĩ của cậu bé khuyết tật - không gia đình không thành hiện thực, bởi Châu còn làm việc để kiếm sống. Suốt 20 năm đi làm thuê khắp nơi, nhưng chưa có ngày nào Châu được no đủ. Rồi một ngày, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Định tiếp nhận, giúp đỡ Châu vốn và địa điểm, “Cơ sở Tự lực Minh Châu” ra đời. Hàng ngày Châu làm rất nhiều việc, từ thiết kế và làm các mô hình dạy học bằng xốp cho các trường mẫu giáo, bán hàng tạp hóa cho học sinh, đặc biệt Châu còn nhận quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học cho các gia đình có nhu cầu. Châu tâm sự: “Từ khi có cơ sở riêng, thoát khỏi cảnh làm thuê, cuộc sống của tôi thoải mái hơn nhiều, tôi đã làm được những công việc mà mình có thể”.

Nhóm Tự lực của cơ sở Đồng Tâm, do Ban từ thiện- xã hội Báo Bình Định tổ chức, giúp đỡ và đào tạo nghề đã hoạt động rất có hiệu quả. Hàng trăm trẻ em mồ côi và khuyết tật được học nghề (chủ yếu là nghề may và đan mây) tại cơ sở này. Sau khi có nghề, đa số các em xin ở lại cơ sở và tự làm việc nuôi sống bản thân, có người trở thành công nhân của một số doanh nghiệp, có người trở thành giáo viên dạy nghề cho chính cơ sở. Dù năng suất lao động của các công nhân là người khuyết tật có thấp hơn so với người bình thường, nhưng bù lại, hầu hết người khuyết tật rất chăm chỉ và quý trọng nghề, quý trọng sức lao động, giúp họ lạc quan hơn trong cuộc sống. Nhóm tự lực như thế này, thực sự là tổ ấm giúp người khuyết tật có thêm cơ hội vươn lên.

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh - cho biết: “Bình Định hiện nay có hơn ba mươi ngàn người khuyết tật (cao nhất nước), cần có sự giúp sức của cả cộng đồng. Hội đã cố gắng xây dựng được 12 nhóm Tự lực của người khuyết tật, các nhóm này đã hoạt động rất hiệu quả. Thời gian tới Hội sẽ nhân rộng mô hình này tại các địa bàn dân cư. Ở vùng nông thôn sẽ xây dựng các mô hình nghề tiểu thủ công như làm chiếu, làm nón, chạm gỗ…; ở đô thị thì phát triển các mô hình nghề may, gia công mỹ nghệ, tin học, mua bán nhỏ… Phấn đấu trong năm 2007, sẽ có thêm nhiều nhóm Tự lực, với khoảng trên 100 người khuyết tật tham gia”.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tham một suất đất, mất một cuộc đời  (31/03/2007)
Những người truyền nguồn sống  (31/03/2007)
Thơ  (31/03/2007)
Tựa cửa nhìn ra đường  (31/03/2007)
Những chuyện chưa được kể về anh Trần Kiên  (31/03/2007)
Cây Dã hương lớn nhất Việt Nam  (31/03/2007)
Để hưởng khoan hồng, hãy quay về nẻo sáng  (31/03/2007)
Từ “ngôi từ đường” của văn nghệ kháng chiến Nam Trung Bộ  (31/03/2007)
Những điều đọng lại qua một chuyến sang Lào  (31/03/2007)
Chuyện “F.C Quy Nhơn Gom Gops” trên đất Sài Gòn  (31/03/2007)
Bùng nổ bạo lực trên sân cỏ châu Âu  (31/03/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/03/2007)
Dấu ấn không thể nào quên  (09/02/2007)
Mùa xuân cất cánh  (09/02/2007)
Nâng cao nhận thức cộng đồng về đất đai, môi trường  (09/02/2007)