Du lịch Nam Lào: Triển vọng kết nối
15:29', 31/3/ 2007 (GMT+7)

Viếng Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở Sekong.

Từ Paksé (tỉnh lỵ của tỉnh Champasak), chúng tôi đi về hướng huyện Bachieng và ghé thăm khu du lịch Phá Suổm. Một thác nước cao non chục thước, nằm bên cạnh khu trồng cao su của Công ty Cổ phần Cao su Việt - Lào (Tổng Công ty Cao su Việt Nam), vậy mà một nhà đầu tư Thái Lan đã biến nơi đây thành một khu du lịch khá lý tưởng, yên bình và đẹp.

Một góc khu du lịch, chỉ là một khuôn viên nhỏ, dễ chừng chỉ vài ha, vậy mà nơi đây giới thiệu những nét đặc trưng nhất của văn hóa các bộ tộc Lào. Mỗi góc là một ngôi nhà sàn mang dáng vẻ đặc trưng, trưng bày những vật dụng văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Có cả ngôi nhà sàn, tái hiện cả nơi người con trai sau khi hò hẹn với người con gái, đã đến nhà cô gái và đứng trên gốc cây để trò chuyện qua một lỗ nhỏ trên bức vách; cả chiếc cột trâu để cột trâu ngày hội; có một cụ già biểu diễn những tiếng sáo, tiếng khèn trao duyên… Ở đó, bên những cồng chiêng Lào, một góc bếp của người Lào, một nét trang phục của người Kơ Tu, tôi còn gặp cả những chiếc hũ của người Chăm xưa.

Gặp cổ vật Chăm ở đây cũng chẳng có gì lạ, bởi chẳng phải các nhà khoa học từng khẳng định về mối liên hệ giữa Watphou, quần thể kiến trúc tương tự Angkor, được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 7, đã được xếp hạng Di sản văn hóa thế giới, với núi Đá Bia ở Phú Yên và núi Mahaparata ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) đó sao. Theo các nhà khoa học, núi Lingaparvata (ngọn núi thiêng của Watphou) có hình dáng giống ngọn núi Đá Bia (Phú Yên) và trên vách đá ở sườn phía đông nam ngọn đồi nhỏ Tháp Nhạn, có khắc hai dòng rưỡi chữ Phạn ca ngợi công đức của vua Bhadravarman Phạm Hồ Đạt là người sáng lập thánh đô Mỹ Sơn vào cuối thế kỷ thứ 4. Trước đây, những học giả người Pháp cũng đã tìm thấy tại Watphou bi ký ca ngợi ông vua này.

Bên trong khu du lịch, càng đi càng thấy mê hoặc. Chiếc cầu treo bắc qua con suối bằng gỗ và tre cùng dây rừng lòa xòa, những nhà nghỉ tạo hình gốc cây, khu nhà hàng mộc mạc mà vẫn sang trọng. Chính cái ấn tượng về dáng nét văn hóa đặc trưng của khu du lịch hấp dẫn này, đã làm ta liên hệ đến ngôi nhà rông Ba na vừa hoàn thành ở Bảo tàng Quang Trung và nhà lá mái Bình Định cũng sắp được dựng tại đây, nhưng những hiện vật để giới thiệu còn quá sơ sài. Nếu có một cách làm và cách tổ chức không gian hợp lý, di tích hẳn sẽ có sức thu hút lớn hơn.

Đến Phá Suổm, người làm du lịch cũng có thể học hỏi thêm về kiến trúc của các khu du lịch để có thể quy hoạch những khu du lịch như Hầm Hô, Ghềnh Ráng một cách tốt hơn.

 

Ngồi xe Tuktuk và ngắm cảnh phố phường, một thú vui của du khách khi đến Lào.

 

Cũng cần mở ngoặc thêm, Champasak đang sở hữu nhiều “viên ngọc quý” khác. Đó là Watphou - di sản thế giới, là thác Khone Phapheng - thác lớn nhất Đông Nam Á, cùng hàng loạt di tích văn hóa độc đáo ngay trong nội thị Paksé, cùng nhiều khu du lịch khác. Từ Paksé, du khách có thể ghé qua cửa khẩu Vàng Tao giáp giới Thái Lan và mua những vật dụng hàng ngày, giá cả rẻ hơn chút ít nhưng điều quan trọng là khám phá sự sôi động của một phiên chợ vùng biên. Paksé lại có đường lên Viêng chăn, có hai cửa khẩu với Campachia. Vậy là từ vùng đất này, có đường thông thương ra ba nước. Đó là những tiềm năng rất quan trọng để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, hiện tại, dường như việc triển khai hợp tác giữa Bình Định và Champasak trên lĩnh vực này vẫn còn dừng ở mức… tiềm năng. Mở một tuyến du lịch Bình Định - Champasak - Ubon (Thái Lan), tại sao không? nhất là khi hiện tại, với Quốc lộ 18B, buổi sáng ăn sáng ở Quy Nhơn, buổi chiều đã có thể nhâm nhi bia Lào bên dòng Mekong ở Paksé?

  • Khải Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ ấm “Tự lực”: Nơi gieo mầm cho những ước mơ  (31/03/2007)
Tham một suất đất, mất một cuộc đời  (31/03/2007)
Những người truyền nguồn sống  (31/03/2007)
Thơ  (31/03/2007)
Tựa cửa nhìn ra đường  (31/03/2007)
Những chuyện chưa được kể về anh Trần Kiên  (31/03/2007)
Cây Dã hương lớn nhất Việt Nam  (31/03/2007)
Để hưởng khoan hồng, hãy quay về nẻo sáng  (31/03/2007)
Từ “ngôi từ đường” của văn nghệ kháng chiến Nam Trung Bộ  (31/03/2007)
Những điều đọng lại qua một chuyến sang Lào  (31/03/2007)
Chuyện “F.C Quy Nhơn Gom Gops” trên đất Sài Gòn  (31/03/2007)
Bùng nổ bạo lực trên sân cỏ châu Âu  (31/03/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/03/2007)
Dấu ấn không thể nào quên  (09/02/2007)
Mùa xuân cất cánh  (09/02/2007)