Những năm qua, ngành Điện và các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, mở rộng mạng lưới điện để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, điện lưới quốc gia đã được kéo đến 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh, với 99,04% số hộ dân được sử dụng điện.
|
Nhờ có điện lưới quốc gia, nhiều người dân ở Hoài Ân phát triển mạnh kinh tế vườn. Trong ảnh: Nông dân xã Ân Tường Tây dùng mô tơ bơm nước tưới cây ăn trái.
|
* Những vùng quê chuyển mình
Trước năm 1995, điện lưới quốc gia chưa về được các huyện trung du, miền núi trong tỉnh. Cuối năm 1995, huyện trung du Hoài Ân mới có trạm biến áp đầu tiên tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia. Đến năm 2000, hệ thống lưới điện quốc gia đã cơ bản vươn đến các địa phương xa xôi hẻo lánh trong tỉnh, như Đăk Mang, Bok Tới (Hoài Ân); Canh Hòa, Canh Thuận (Vân Canh); An Vinh, An Trung, An Dũng (An Lão)… Từ năm 2000 đến nay, việc đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều tuyến đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp… được xây dựng mới, nhằm tăng tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện và nâng chất lượng nguồn điện. Trung bình mỗi năm ngành Điện dành khoảng 50 tỉ đồng đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện trên địa bàn Bình Định. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ đến 153/157 xã - phường trên địa bàn tỉnh (4 xã chưa có điện lưới quốc gia là An Toàn, An Nghĩa (An Lão); Canh Liên (Vân Canh); Nhơn Châu (Quy Nhơn) do điều kiện địa lý tự nhiên quá cách trở).
Khó mà nói hết được niềm vui của người dân ở những vùng quê hẻo lánh khi điện lưới quốc gia về đến địa phương mình. Ông Đinh Văn Tình, một nông dân ở xã An Trung (An Lão) nói: “Từ ngày có điện đến nay, bà con chúng tôi sướng rồi. Bây giờ, nhờ cái ti vi mà ngồi ở cái góc núi này tôi biết được chuyện ở dưới tỉnh, hay ở tận mãi Hà Nội, rồi chuyện thế giới nữa. Tụi nhỏ không còn cặm cụi học bài dưới ánh đèn dầu leo lét. Bà con đều ưng cái bụng lắm !”.
Có điện, bà con nông dân ở các vùng quê có thêm điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ở nhiều vùng quê đã có nhiều cơ sở sản xuất, xưởng cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến nước đá, cửa hàng điện tử… thi nhau mọc lên. Không những thế, dòng điện còn biến thành sinh lực, giúp bà con nông dân có điều kiện phát huy tiềm năng đất đai trù phú mà lâu nay chưa có điều kiện khai thác hiệu quả, nhất là việc bơm nước tưới cho cây trồng. Ông Lê Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân - cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, khi hầu hết các địa phương trong huyện có điện thì phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế trang trại ở địa phương phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 200 khu vườn tạp không hiệu quả được cải tạo thành vườn cây ăn quả, với tổng diện tích 639 ha, thu nhập bình quân đạt hơn 30 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 99 trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, thu nhập bình quân của một trang trại đạt trên 50 triệu đồng/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2004…
* Tăng cường tiết kiệm điện
|
Công nhân Chi nhánh điện Quy Nhơn lắp đặt công tơ mới cho khách hàng. |
Điện năng có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và sinh hoạt của nhân dân - là một sản phẩm đặc thù mà ngành Điện không thể cất trữ, lưu kho. Bởi vậy, mặc dù trong thời gian qua ngành Điện đã nỗ lực phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, nhưng tình hình thiếu hụt nguồn điện trong mùa khô vẫn cứ diễn ra. Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mùa khô năm 2007 có khả năng thiếu điện, cắt điện là rất nghiêm trọng. Bởi vậy, lần đầu tiên lãnh đạo EVN đến từng tỉnh để làm việc về tình hình thực hiện tiết kiệm và chống lãng phí trong sử dụng điện.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bình Định vào đầu tháng 3 này, hai bên đã cam kết phối hợp chặt chẽ việc thực hiện chương trình tiết kiệm điện. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sử dụng điện trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay một số giải pháp tiết kiệm điện. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, công sở thực hiện tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng của cơ quan, đơn vị so với năm 2006; giảm ít nhất 50% số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang, khu vực sân, vườn, đèn chiếu sáng công cộng; chỉ bật đèn lúc 19 giờ và tắt lúc 4 giờ 30 hàng ngày. Đối với việc dùng điện cho sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ, các hộ gia đình cần hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là… trong giờ cao điểm từ 18h - 22h. Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại cắt giảm ít nhất 50% số lượng đèn quảng cáo, trang trí... Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công nghiệp (CN) cùng các sở, ban, ngành tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện trên địa bàn; đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại công sở, trụ sở các đơn vị. Riêng Sở CN sẽ phối hợp với Điện lực Bình Định tổ chức đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra và giám sát việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện của khách hàng.
Với các giải pháp này, trong năm 2007 toàn tỉnh phấn đấu thực hiện tiết kiệm tối thiểu 8,92 triệu Kwh điện, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn về vấn đề thiếu điện, hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện, gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của Bình Định nói riêng.
Ông Nguyễn Mậu Từ - Giám đốc Điện lực Bình Định:
Theo kế hoạch, trong năm 2007 này, toàn tỉnh sẽ tiêu thụ khoảng 712 triệu Kwh điện thương phẩm, tăng gần 90 triệu Kwh so với năm 2006. Bởi vậy, nếu không có biện pháp kiên quyết để thực hiện tiết kiệm điện sẽ dẫn đến việc thiếu điện, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, chúng tôi đã có văn bản gửi các chi nhánh điện, yêu cầu các chi nhánh lập kế hoạch cung ứng điện năm 2007 và thực hiện phân bổ sản lượng theo phương án tiết giảm điện năng của EVN. Theo đó, chúng tôi cũng đã yêu cầu các chi nhánh điện tăng cường vận động khách hàng về việc thực hiện tiết kiệm điện, hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện do thiếu điện để nhiều người được sử dụng điện. | |