Rủ nhau đi Hội Đổ giàn
15:57', 31/3/ 2007 (GMT+7)

(Viết lại thiên ký sự ngày thơ)

“Rủ nhau đi Hội Đổ giàn/ Ngày Rằm tháng bảy đò ngang chật đò/ Trắng phau đôi cánh con cò/Hội Giàn vui lắm trễ đò uổng công” (Ca dao). Những câu ca đó lưu truyền ở quê tôi và tôi đã thuộc lòng bài ca đó từ thuở lên tuổi 9-10.

 

Ngày hội Đổ giàn An Thái. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Hồi còn học trường huyện, tôi có dịp đi với bạn bè cùng lớp lên chơi làng An Thái (xã Nhơn Phúc, An Nhơn), dự Hội chùa Bà, dự Hội Đổ giàn Rằm tháng bảy cho thỏa lòng ao ước từ lâu. Ngồi xe ngựa từ thành Bình Định đi An Thái phải mất hơn tiếng đồng hồ. Đường đất trải đá dăm, tuy ngồi trên xe ngựa bánh xe chạy gập ghềnh, nhưng lũ chúng tôi không thấy mệt mà lòng rất vui. Chúng tôi được đi qua khu kiến trúc họ đạo Kim Châu, được mắt ngắm con đường xe lửa xuyên Việt, được đi qua chợ Cây Bông, cầu Phụ Ngọc; được đi qua những làng xã êm đềm sau lũy tre xanh, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn phơi dưới nắng mai...Đâu cũng đẹp, cũng lạ đối với chúng tôi và làm cho chúng tôi nhìn ngắm say sưa, không ngừng ca ngợi vẻ đẹp đó.

Đến An Thái, điều cảm nhận đầu tiên của lũ chúng tôi là một làng cổ với nhiều chùa chiền, hội quán, một thị tứ bán buôn sầm uất, một làng nghề thủ công làm bún Song Thằn, giấy bản, lò nhuộm… nổi tiếng khắp vùng; nơi có nhiều người Hoa sinh sống, khiến tôi liên tưởng đến những thị tứ Cảnh Hàng, Gò Găng của quê tôi. Buổi chiều ngày đầu tiên của lũ chúng tôi ở An Thái là ngày khai Hội chùa Bà. Chùa trang hoàng nhiều cờ phướn, nghi ngút khói hương và vang tiếng khai kinh tụng niệm. Chúng tôi đi trong rừng thiện nam tín nữ và nhìn thấy hình như ai trong số họ cũng tâm niệm cầu sự xá tội vong nhân và báo hiếu mẹ cha. Ngày thứ hai, chúng tôi xem hát bội, vở tuồng hát lễ là tuồng Cổ Thành, kế tiếp xem Sơn Hậu Thành, lớp Giang Sơn thứ ba. Thật là một cảnh “trong chay ngoài hội” như tiếng đồn. Mới mờ sáng ngày thứ ba, đò dọc trên sông Côn chở những người từ Đồng Phó, Phú Phong (Tây Sơn) đổ xuống; đò ngang chở người từ bên kia bờ sông Côn đổ về. Họ đông lắm, chen chúc nhau dưới bến trên bờ, họ đi xem; và nhờ tìm hiểu, chúng tôi biết trong số họ, có không ít người là dân võ nghệ từ các lò võ trong các làng võ An Vinh, Trường Định, Hòa Phong, Suối Bèo (Bình Khê - nay là Tây Sơn)… đi tranh tài. Vì hôm nay là ngày hấp dẫn nhất trong mấy ngày lễ hội: ngày nhà chùa chẩn tế và đổ giàn.

*

Đến giờ Thìn, nắng gắt, lễ phát chẩn đã xong, khoảng một trăm người nghèo và người ăn mày được nhận mỗi người một bì gạo vài cân, kèm theo mấy quan tiền “Minh Mệnh Thông Bửu”. Sau đó là Hội Đổ giàn diễn ra. Một đàn tràng được thiết lập trước cổng tam quan chùa với một giàn giáo ở giữa. Giàn giáo làm bằng bốn cột tre vững chắc, cao độ bảy - tám thước, mặt trước treo một cờ phướn đề bốn chữ: Phước - Đức - Thần - Tài; phía trên đặt một cỗ cúng gồm hương hoa trà quả, gạo muối, vàng mã và một con heo quay nguyên con, đủ “thủ vĩ”, chừng 20kg… Đứng bên cỗ cúng có ông chủ tế, mấy phụ tế cùng người bảo vệ. Ông chủ tế khấn cúng, cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Khấn cúng xong, ông chủ tế phát lệnh đánh ba hồi chiêng trống báo hiệu bắt đầu cuộc tranh tài. Người già, phụ nữ, trẻ em rời đám đông, dãn ra chỗ trống đứng xem để tránh bị chen lấn, giẫm đạp. Đích thân ông chủ tế bưng con heo quay và cỗ lễ vật cúng tung lên cao cho nó rơi xuống. Cử chỉ đó được gọi là xô cỗ (hay xô giàn, đổ giàn). Tức thì, rất nhiều võ sĩ từ đám đông, xô dạt rừng người xem, phi thân lên cao cùng tranh cướp con heo quay. Đám đông ngã nghiêng, sôi lên cực độ. Võ sĩ cướp được heo quay rồi, vác heo trên vai cố chạy ra ngoài liền bị các đối thủ vây chặt, hòng cướp lại. Thế là anh ta phải trổ tài, phải khôn ngoan, phải “tả xung hữu đột” để vừa đẩy lui đối thủ, vừa tìm đường chạy thoát, cố mang cho được “chiến lợi phẩm” về “an toàn khu” đã định sẵn. Trong cuộc “hỗn chiến”, anh luôn có sự hỗ trợ của những người cùng nhóm đã được bố trí và phân công trước, nhất là những võ sư giấu mặt đâu đó “chỉ đạo từ xa” bằng những dấu hiệu cổ vũ. Tại “an toàn khu”, mọi người túm tụm hỏi xem người thắng cuộc là ai, thuộc lò võ, làng võ nào để đám đông nhiệt tình hoan nghênh, khen ngợi. Những người thắng cuộc hết sức vui mừng, nhưng không bao giờ tỏ thái độ tự đắc khiến bên thua buồn phiền; cả kẻ thắng, người thua luôn nêu cao tinh thần thượng võ vốn là truyền thống cao cả của giới võ nghệ vùng đất này. Con heo quay được đem ra xẻ làm nhiều phần, khao chung cho những người vừa tham gia cuộc tranh tài. Các cuộc tranh tài trong Hội Đổ giàn hàng năm, các võ sĩ, các lò võ, làng võ thuộc An Thái hay Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) thường giành được chiến thắng. Cho nên, trong dân gian mới có câu ca: “Tiếng đồn An Thái, Bình Khê/Nhiều tay võ nghệ có nghề tranh heo”. Và người ta cũng tin rằng, bên thắng sẽ được hên cả năm, vì nhờ được “lộc thần”. Còn bên thua thì lấy lẽ “thất bại là mẹ thành công” mà “mài sắc ý chí” chờ mùa tranh tài năm sau.

Lễ hội ba ngày đã mãn, lũ chúng tôi trở về với sách đèn, trường lớp, mang theo bao cảm tình sâu xa, bao ấn tượng tốt đẹp của một chuyến đi. Khi ra đi, lũ chúng tôi ca vang bài ca: “Rủ nhau đi hội Đổ giàn…”; nay trên đường về, ngồi trên xe ngựa “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” (thơ Kiều của Nguyễn Du), lũ chúng tôi không ngớt ca vang bài ca vừa mới học thuộc ở Hội chùa Bà - An Thái: “Đồn rằng An Thái, chùa Bà/Làm chay, hát bội đông đà quá đông/Đàn bà cho chí đàn ông/Xem xong ba ngọ lại trông Đổ giàn” (Ca dao).

 

Các võ sĩ Tây Sơn - An Nhơn tranh vật tế (cỗ heo) trong lễ hội Đổ giàn An Thái. Ảnh: Huyền Trân

 

Lễ hội chùa Bà - An Thái không khác lễ hội chùa Bà nhiều nơi trong tỉnh Bình Định, như các lễ hội chùa Bà ở thôn Liêm Lợi (xã Nhơn Phong - An Nhơn), chùa Bà ở đường Bạch Đằng (phường Trần Hưng Đạo - TP. Quy Nhơn)…, thế nhưng, xét về tính hấp dẫn thì lễ hội chùa Bà - An Thái vẫn trội hơn. Vì lễ hội này được tổ chức ở một miền quê có truyền thống thượng võ, đã được tổng kết, “vinh danh” trong nhiều câu nói dân gian: “Trai An Thái, gái An Vinh”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, và cả trong ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”. Các võ sĩ đến dự Hội Đổ giàn mà chúng tôi được gặp hồi ấy, có cả khách không ngại đường xa từ Khánh Hòa, Phú Yên ra; từ Đắk Lắk, Gia Lai xuống… Họ đến để xem, để cổ vũ và có không ít người còn kết hợp với việc thăm viếng nhau cho “phỉ tình sư đệ, tình đồng môn” đã bấy lâu xa cách.

*

Bây giờ nhìn lại lễ hội chùa Bà - An Thái, “xem xong ba ngọ lại trông Đổ giàn” mới thấy hết, mới thấm thía bao ý nghĩa trong lễ hội hấp dẫn này. Đó là một lễ hội văn hóa truyền thống, kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa hai cộng đồng người Việt và người Hoa cùng sinh sống trên một mảnh đất; lại còn nêu cao tinh thần thượng võ, phát huy truyền thống võ nghệ của miền quê An Thái, An Vinh… Rõ ràng, An Thái với việc thầy giáo Hiến đến mở trường dạy học, với việc ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) đến thụ giáo thầy giáo Hiến và rèn luyện tài lược thao võ nghệ, thì môn võ An Thái, Bình Khê nói riêng, võ Bình Định nói chung, tất có đóng góp rất lớn cho chiến công lẫy lừng của phong trào Tây Sơn. Thiết tưởng việc khôi phục lại lễ hội chùa Bà - An Thái với Hội Đổ giàn là một việc làm chí phải, cần thiết lúc này, nó đáp ứng lòng mong mỏi của người Bình Định, những ai đã trót lòng yêu Bình Định - “Đất võ Trời văn”.

Đầu Xuân 2007

  • Huỳnh Kim Bửu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điện lưới quốc gia tỏa rộng, vươn dài  (31/03/2007)
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm  (31/03/2007)
Du lịch Nam Lào: Triển vọng kết nối  (31/03/2007)
Tổ ấm “Tự lực”: Nơi gieo mầm cho những ước mơ  (31/03/2007)
Tham một suất đất, mất một cuộc đời  (31/03/2007)
Những người truyền nguồn sống  (31/03/2007)
Thơ  (31/03/2007)
Tựa cửa nhìn ra đường  (31/03/2007)
Những chuyện chưa được kể về anh Trần Kiên  (31/03/2007)
Cây Dã hương lớn nhất Việt Nam  (31/03/2007)
Để hưởng khoan hồng, hãy quay về nẻo sáng  (31/03/2007)
Từ “ngôi từ đường” của văn nghệ kháng chiến Nam Trung Bộ  (31/03/2007)
Những điều đọng lại qua một chuyến sang Lào  (31/03/2007)
Chuyện “F.C Quy Nhơn Gom Gops” trên đất Sài Gòn  (31/03/2007)
Bùng nổ bạo lực trên sân cỏ châu Âu  (31/03/2007)