Chọn nhầm trường: Bi kịch của nhiều bạn trẻ
16:2', 31/3/ 2007 (GMT+7)

Sau mấy năm học đại học, nhiều sinh viên mới nhận ra mình đã theo ngành nghề không phù hợp. Chọn trường không theo sở trường và tính cách đã khiến nhiều sinh viên phải làm lại từ đầu hoặc tiếp tục buông xuôi.

 

Gần như hầu hết thí sinh đều muốn thử sức mình ở kỳ thi ĐH nhưng sáng suốt nhất nên nhắm đến bậc học phù hợp với khả năng của mình (cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề). Ảnh: H.Y

 

Sau 5 năm học ngành Xây dựng tại Trường ĐH Bách Khoa (TP.HCM), bạn Nguyễn Khoa Việt Sang (KV4 - phường Trần Phú - TP. Quy Nhơn) mới nhận ra rằng mình không phù hợp với nghề. Thuở còn học sinh, Sang vốn đam mê với ngành CNTT nhưng vì truyền thống gia đình, Sang chiều lòng cha mẹ thi vào ngành xây dựng để có thể kế nghiệp cha. Vốn là một cậu học trò xuất sắc, đỗ đại học với số điểm á khoa nhưng sau 2 năm học đại cương, Sang đã không còn “mặn mòi” với ngành học của mình. Bạn luôn thắc mắc: “Tại sao ngày xưa mình lại thi vào ngành này?”. Nhưng Sang chưa dám nghĩ đến chuyện bỏ dở con đường đã chọn mấy năm qua vì sợ gia đình không đồng ý. Thế là Sang đành cố gắng học nhưng mãi đến năm thứ sáu, bạn mới có được tấm bằng tốt nghiệp. Khi đi làm được 1 năm, Sang vẫn không thể quen được với công việc, chán nản, Sang nhảy công ty liên tục và quyết định cuối cùng bỏ việc làm để đi học tiếp văn bằng 2, ngành CNTT.

Với Tâm Thy - thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) có sở thích được đi nhiều, được nổi tiếng đã chọn ngành Báo chí. Nhưng bản tính chậm chạp, ít giao tiếp và ít sáng tạo trong khi ngành học lại đòi hỏi sự năng động rất cao đã khiến Thy “hụt hơi”. Nhiều lần Thy đã nghĩ đến việc bỏ học, tìm một ngành khác phù hợp với mình, nhưng nghĩ đến chuyện cha mẹ ở quê tần tảo suốt mấy năm, lại sợ xóm làng dị nghị nên Thy đành thôi, cố nhắm mắt học cho xong rồi đến đâu thì đến. Sau thời gian dài thử việc tại các tòa soạn ở TP. HCM, Thy vẫn không thể viết được bài báo nào đành trở về Quy Nhơn thỏa mãn với “chân” nhân viên văn phòng.

Riêng với Tấn Huy (Lý Chánh - xã Nhơn Lý - TP Quy Nhơn) thì gia đình có hoàn cảnh thuộc hộ nghèo của xã. Chuyện lo cho Huy đi học đại học đã là gánh nặng của cả gia đình. Thế mà, đang học năm thứ nhất ngành Điện tử viễn thông - Trường ĐH Quy Nhơn, Huy lẳng lặng bỏ về nhà quyết tâm ôn thi đại học lần thứ hai theo ngành học mình ưa thích là Kiến trúc. Hàng ngày, Huy phải lặn lội cùng cha mẹ đánh cá thuê để dành dụm số tiền lớn cho kỳ thi đại học sắp đến.

Bạn Sang, Thy, Huy chỉ là một vài trong số những điển hình mà tôi đã gặp. Thực tế còn có những sinh viên chọn nhầm trường với những lý do như: thi trường này cho có bạn bè, vào trường kia cho gần người yêu hoặc theo sở thích nhất thời của giới trẻ.

Có thể thấy sự lựa chọn ngành nghề của học sinh phổ thông thường rất cảm tính. Họ chỉ chọn theo ý thích, theo năng lực học tập mà không hề biết rằng lựa chọn nghề nghiệp là cả quá trình, đòi hỏi phải hiểu nghề, yêu nghề và đặc biệt là phải phù hợp với cá tính của mỗi người. Điều này không có sách vở nào dạy, trong khi toàn bộ thời gian của học sinh chỉ được tập trung vào lượng kiến thức “khổng lồ” trong sách giáo khoa. Vì thế, nhiều người khi đã là sinh viên mới hối hận vì đã trót… nhầm trường.

Không phải dễ mà vào được đại học. Nhưng bước chân vào đại học tức là sinh viên đã đặt lên vai mình một trách nhiệm nặng nề không chỉ riêng với xã hội, gia đình mà còn ngay cả với chính bản thân mình nữa. Và khi trót... sa chân nhầm trường thì cái trách nhiệm ấy càng làm khổ sinh viên khiến một số người muốn vùng vẫy thoát khỏi hay chối bỏ không thương tiếc. Bỏ học, thi trường khác hay tiếp tục học? Câu hỏi này chắc sinh viên nào trong hoàn cảnh chọn nhầm trường cũng tự đặt ra, không phải một mà là nhiều lần cho mình. Đa số họ cảm thấy lo lắng, hụt hẫng, đôi khi còn tuyệt vọng chấp nhận công việc mình không yêu thích. Một kỳ thi tuyển sinh đại học nữa sắp bắt đầu. Hàng trăm cơ hội ngành nghề hấp dẫn để sĩ tử có thể lựa chọn đăng ký. Lựa chọn ngành học phù hợp, tránh theo phong trào, mốt và ý thức hướng nghiệp ngay từ những năm đầu đại học sẽ tạo cho sinh viên hướng đi đúng đắn trong tương lai.

  • Kim Sa

Học tiếp lên ĐH là ước nguyện của các bạn trẻ nhưng đó không phải là đích đến duy nhất trên đường đời của tất cả mọi người. Sẽ có những người không vào ĐH, chọn lối rẽ khác phù hợp hơn với mình. Sau đây là 6 bước trước khi chọn ngành học phù hợp với sĩ tử:

- Bước 1: Tự trả lời câu hỏi “học để làm gì”? Học để thành một nhà nghiên cứu, một bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, diễn viên hay để có một nghề, đi làm?... Học để chiếm lĩnh tri thức, công nghệ hay thành thạo kỹ năng của nghề nào đó nhằm vào đời?

- Bước 2: Bạn yêu thích ngành nghề nào? Và không chỉ yêu thích mà là hiểu đúng ngành nghề mình định chọn: công việc cụ thể, khó khăn thuận lợi và điều kiện làm việc của nghề đó, các yêu cầu nghề nghiệp... 

- Bước 3: Tìm hiểu môn thi, khối thi của ngành nghề đó, các môn thi có phải là thế mạnh của mình không?

- Bước 4: Bạn có biết học ĐH sẽ như thế nào, chương trình học gồm những gì? Liệu mình có đủ điều kiện (học lực, kinh phí và các điều kiện khác) để theo đuổi chương trình? Đây là bước tìm hiểu sơ lược nội dung chương trình ngành nghề sẽ học và đối chiếu với năng lực, điều kiện học tập của bản thân.

- Bước 5: Cân nhắc học lực để chọn bậc đào tạo phù hợp. Có thể tham khảo đề thi, điểm chuẩn các trường và đối chiếu với học lực của mình. Thực tế cũng chứng minh có rất nhiều trường hợp ôn luyện 3-4 năm vẫn không đậu ĐH; hoặc đậu vào trường nhưng không thể tốt nghiệp ra trường vì không theo nổi chương trình. Tất cả thí sinh đều có thể thử sức mình ở kỳ thi ĐH nhưng sáng suốt nhất nên nhắm đến bậc học khác phù hợp nhất với khả năng của mình (CĐ, trung cấp hoặc học nghề).

- Bước 6: Cuối cùng mới đến việc quyết định chọn trường và làm các thủ tục đăng ký dự thi.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (31/03/2007)
Điện lưới quốc gia tỏa rộng, vươn dài  (31/03/2007)
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm  (31/03/2007)
Du lịch Nam Lào: Triển vọng kết nối  (31/03/2007)
Tổ ấm “Tự lực”: Nơi gieo mầm cho những ước mơ  (31/03/2007)
Tham một suất đất, mất một cuộc đời  (31/03/2007)
Những người truyền nguồn sống  (31/03/2007)
Thơ  (31/03/2007)
Tựa cửa nhìn ra đường  (31/03/2007)
Những chuyện chưa được kể về anh Trần Kiên  (31/03/2007)
Cây Dã hương lớn nhất Việt Nam  (31/03/2007)
Để hưởng khoan hồng, hãy quay về nẻo sáng  (31/03/2007)
Từ “ngôi từ đường” của văn nghệ kháng chiến Nam Trung Bộ  (31/03/2007)
Những điều đọng lại qua một chuyến sang Lào  (31/03/2007)
Chuyện “F.C Quy Nhơn Gom Gops” trên đất Sài Gòn  (31/03/2007)