Chọn HLV cho thể thao Việt Nam:
Thầy nội hay thầy ngoại?
8:57', 5/5/ 2007 (GMT+7)

Trong thời gian HLV Riedl phải về nước để thực hiện ca ghép thận, HLV Mai Đức Chung được chỉ định lên nắm đội Olympic Việt Nam tham dự vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Trong các trận đấu vừa qua, Olympic Việt Nam đã cho thấy một diện mạo mới, một lối chơi hợp lý và đã giành được những kết quả đáng khích lệ. Trước những sự thay đổi tích cực đó, đã có không ít ý kiến cho rằng nên thay thế HLV Riedl bằng một HLV khác. Ở đây, chúng tôi không bàn đến việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên làm gì, mà chỉ muốn chỉ ra rằng, việc lựa chọn HLV cho các đội tuyển thể thao không nhất thiết cứ “chuộng ngoại”.

 

HLV Mai Đức Chung (thứ 3, từ phải qua), chịu trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển Olympic Việt Nam trong thời gian HLV Riedl về nước ghép thận. Ảnh: VNN

 

* Thành công của HLV nội

Một sự kiện đã xảy ra cách đây không lâu và vẫn còn được nhiều người nhắc đến, đó là việc đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam đã lập được chiến tích xuất sắc khi lọt vào 3 trận chung kết tại ASIAD 15 và giành được 2 chiếc Huy chương Vàng quý giá về cho Tổ quốc. Sau thành công vang dội này, HLV Hà Tùng Lập đã được bầu chọn là HLV tiêu biểu nhất năm 2006.

Nhưng “đáng nể” trong làng HLV nội có lẽ là ông Huỳnh Anh. Ông đã lần lượt đào tạo nên những học trò không ít lần bước trên bục cao nhất tại các kỳ tranh tài của châu Á và thế giới. Những Lý Đức, Phạm Văn Mách… chẳng phải đã từng là “nỗi ám ảnh” của lực sĩ các nước và là niềm tự hào của người Việt Nam đó sao. Những chiếc huy chương quý giá họ giành được, đầu tiên phải kể đến là nhờ ở sự kiên trì tập luyện và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, không thể không nói đến vai trò quan trọng của HLV với những bài tập được nghiên cứu kỹ lưỡng, để các VĐV có thể phát huy hết thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của mình; cộng với cách nhìn nhận và chọn lựa những hạng cân thích hợp, để có thể giành chiến thắng trước các đối thủ được đầu tư hơn rất nhiều…

Tại các kỳ SEA Games gần đây, chúng ta luôn đứng trên cả Indonesia (quê hương của môn pencak silat) về số huy chương. Pencak silat luôn là một trong những môn võ đem về nhiều huy chương nhất cho thể thao Việt Nam tại các sân chơi khu vực và thế giới. Và người dẫn dắt đội tuyển pencak silat Việt Nam trong những năm qua cũng là một HLV nội - ông Nguyễn Ngọc Anh (hiện nay là Trưởng bộ môn pencak silat).

Còn rất nhiều HLV Việt Nam đã đem thành công về cho các đội tuyển thể thao nước ta thời gian qua mà trong bài viết này chúng tôi không thể kể ra hết được. Như vậy, có thể thấy được trong một số lĩnh vực, các HLV nội có thể đảm nhận rất tốt vai trò của mình và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Đó có thể là vì họ có một số lợi thế mà ít có HLV ngoại nào có được: sự am hiểu về phong tục tập quán, tính tình, sở thích của các VĐV; sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi và biết áp dụng hợp lý các bài tập đối với từng VĐV trong từng thời điểm cụ thể; sự nhìn nhận, đánh giá đối thủ và so sánh thực lực một cách chính xác để chọn cách chơi phù hợp…

* HLV ngoại: rủi ro cao

Nói như vậy không phải là chúng ta phủ nhận khả năng của các HLV ngoại. Vì trong thực tế, dưới sự dẫn dắt của một số HLV ngoại, thành tích của các đội tuyển của chúng ta đã được nâng lên đáng kể. Nhưng chọn HLV ngoại như thế nào là hợp lý, vừa bảo đảm phát triển tốt chuyên môn của các VĐV, vừa tiết kiệm được chi phí… là điều hoàn toàn không đơn giản. Thông thường, chúng ta chọn các HLV ngoại qua những giới thiệu từ các nhà môi giới. Điều này có rủi ro khá cao, vì nếu chúng ta chọn phải “hàng dỏm” thì “tiền mất tật mang”. Mà yêu cầu của các HLV ngoại thường khá cao, ít nhất là trong việc ký kết hợp đồng, họ luôn muốn tương lai của mình được đảm bảo một cách tốt nhất, dù họ thành công hay thất bại trong việc dẫn dắt đội tuyển đó.

Chỉ riêng ở môn bóng đá nam, chúng ta đã nhận không ít “trái đắng”. Sau thành công của bóng đá Pháp tại World Cup 1998 và EURO 2000, VFF đã tìm kiếm và mời HLV Letard (người Pháp) về dẫn dắt đội tuyển Olympic. Nhưng chỉ sau 5 tháng làm việc, HLV này đã bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì không hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, làm tổn hại uy tín VFF và đội bóng khi phát biểu trước báo giới là thất bại của đội U22 tại LG Cup 2002 là do sự lạc hậu trong cách đào tạo của bóng đá Việt Nam. Sau vụ việc này, ông Letard đã kiện lên FIFA, khiến VFF phải bỏ ra đến hơn 200.000 USD để bồi thường hợp đồng.

HLV Huỳnh Anh, người đã trực tiếp phát hiện và đào tạo nhiều gương mặt sáng giá của bộ môn thể hình. Ảnh: VNN

Hay những HLV người Brazil như Tavares, Dido cũng chẳng thể làm thành tích của bóng đá Việt Nam khá hơn, cụ thể là chúng ta chưa bao giờ giữ vị trí số một Đông Nam Á.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các HLV từng dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam là: thiếu am hiểu về bóng đá Việt Nam và khu vực; cách nhìn nhận, đánh giá VĐV thiếu chính xác, do đó dẫn đến việc đưa ra những bài tập và các chiến thuật không phù hợp.

* Chọn HLV như thế nào?

Theo chúng tôi, để thể thao Việt Nam phát triển tốt hơn nữa, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị thi đấu, thực hiện tốt công tác tuyển chọn các VĐV trẻ có năng khiếu, tăng cường cọ xát cho các VĐV… thì việc tìm kiếm một HLV có năng lực chuyên môn, biết phát huy tối đa khả năng của các VĐV cũng quan trọng không kém.

Nếu tận dụng các HLV trong nước thì họ cần phải được thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn, tiếp cận với các nền thể thao phát triển để nâng cao tay nghề và biết sử dụng những trang thiết bị hiện đại vào công tác huấn luyện. Nếu phải thuê các chuyên gia, HLV nước ngoài, thì điều đầu tiên chúng ta cần tính đến là… quốc tịch. Vì với nguồn kinh phí dành cho thể thao còn hạn hẹp, chúng ta nên tận dụng các mối quan hệ truyền thống với các quốc gia có thế mạnh ở một số môn, có sự am hiểu nhất định về con người và thể thao Việt Nam, chẳng hạn như: Cuba (các môn như bóng rổ, bóng chuyền, boxing…), Trung Quốc (các môn như bóng bàn, bóng đá nữ, thể dục dụng cụ, cử tạ…), Argentina (môn bóng đá)… Qua đó, chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía bạn và tiết kiệm được phần nào về kinh phí.

Riêng với việc tuyển HLV ngoại thông qua môi giới, chúng ta cần phải quy định rõ chức năng, quyền hạn cũng như thành tích cụ thể phải đạt được trong một khoảng thời gian nhất định, để tránh việc: không ưng ý nhưng vì còn thời hạn hợp đồng nên đành phải để họ tiếp tục huấn luyện.

  • Vũ Lê
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2007)
Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?  (31/03/2007)
Hội ngộ tháng 3  (31/03/2007)
Chọn nhầm trường: Bi kịch của nhiều bạn trẻ  (31/03/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (31/03/2007)
Điện lưới quốc gia tỏa rộng, vươn dài  (31/03/2007)
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm  (31/03/2007)
Du lịch Nam Lào: Triển vọng kết nối  (31/03/2007)
Tổ ấm “Tự lực”: Nơi gieo mầm cho những ước mơ  (31/03/2007)
Tham một suất đất, mất một cuộc đời  (31/03/2007)
Những người truyền nguồn sống  (31/03/2007)
Thơ  (31/03/2007)
Tựa cửa nhìn ra đường  (31/03/2007)
Những chuyện chưa được kể về anh Trần Kiên  (31/03/2007)
Cây Dã hương lớn nhất Việt Nam  (31/03/2007)