Mai Xuân Thưởng là một lãnh tụ phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bình Định trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hiện nay, lăng mộ ông tọa lạc ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Để kỷ niệm 120 năm ngày mất Mai Xuân Thưởng vào Rằm tháng 4 năm nay (nhằm ngày 31-5-2007), dự án bảo tồn, tôn tạo di tích và xây dựng đền thờ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng đã được UBND tỉnh phê duyệt.
|
Toàn cảnh lăng Mai Xuân Thưởng ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn.
|
Theo Quốc lộ 19, cách thị trấn Phú Phong 6km về hướng Tây Nam, ta nhìn lên đồi cao. Ở đó, có một quần thể kiến trúc xây dựng theo kiểu lăng, ẩn hiện dưới những hàng cây xanh, đó là lăng mộ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng.
Từ phía tây nhìn vào tam quan ta sẽ thấy 4 trụ cổng vuông, phía trên tạo dáng theo kiểu bầu lọ - một kiến trúc theo kiểu cổng đình chùa ở cuối thế kỷ XIX. Sau khi leo lên 27 bậc tam cấp dốc dần về phía lăng, là đến một sân rộng khoảng 40m2, có lan can xây chung quanh. Từ sân tiền sảnh vào đến lăng được giật 4 cấp, trước mắt ta có một khối hình chữ nhật, đó là mộ Mai Xuân Thưởng.
Tổng thể của kiến trúc lăng được thiết kế theo kiểu 6 mái, bình đồ hình chữ nhật và được lợp bằng ngói mới. Các góc mái đắp sống nổi và hơi uốn cong về phần cuối tàu đao. Mặt tiền của lăng là một cổng chính rộng 4m, ở giữa có hai trụ vuông song song đứng đối diện với mộ, hai bên mặt tiền có hai cửa sổ thông gió được ghép gạch hoa thị và chữ thọ, phía trên cùng mặt tiền có 4 chữ: “Lăng Mai Xuân Thưởng”.
Lăng Mai Xuân Thưởng có thể xếp vào loại hình di tích kiến trúc. Kiến trúc ở đây hoàn toàn mới, tuy có mô phỏng theo dáng dấp kiến trúc cổ, nhưng giá trị về kiến trúc chỉ là thứ yếu. Thực tế, kiến trúc chỉ phục vụ che chắn ngôi mộ là chính.
Dự án bảo tồn, tôn tạo Lăng Mai Xuân Thưởng và xây dựng đền thờ Mai Xuân Thưởng sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I sẽ gia cố trùng tu, chống xuống cấp khu lăng mộ dựa trên nguyên bản; tu bổ các tam cấp, đường dẫn lên lăng; quét vôi toàn bộ khu lăng theo các màu nguyên gốc; tu bổ hệ thống mái che để chống dột, sửa chữa các cửa lăng bị hư hỏng. Ban quản lý công trình và chính quyền địa phương chủ trương giữ lại toàn bộ các cây cổ thụ trong khuôn viên lăng nhằm tạo bóng mát và tôn vẻ đẹp cho di tích.
Đặc biệt, song song với quá trình trùng tu gia cố, cũng sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở hạ tầng trong khu vực lăng, xây dựng đường bê tông từ đường Quốc lộ 19 lên lăng và san ủi, tạo mặt bằng rộng cho sân hành lễ, bãi để ô tô. Một hệ thống bờ kè chống xói lở phía trước cổng lăng và làm tường rào, cổng ngõ, tạo khuôn viên thông thoáng để có thể sau này xây dựng đền thờ Mai Xuân Thưởng. Tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn này khoảng 700 triệu đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31-5-2007.
Sau giai đoạn này, trong tương lai gần, sẽ tiếp tục giai đoạn 2: đầu tư xây dựng đền thờ, hoa viên và một số cơ sở hạ tầng khác.
Mai Xuân Thưởng sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 18 tuổi, ông thi đậu Tú tài ở Trường Thi Bình Định, đến năm 1886, thi đậu Cử nhân. Ngày kinh thành Huế thất thủ, ông về làng chiêu mộ nghĩa binh, kêu gọi sĩ phu và nhân dân tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Nghĩa quân đã suy tôn ông làm Nguyên soái, giương cao khẩu hiệu: “Tiền sát tả, hậu sát Tây”. Dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng, căn cứ khởi nghĩa ngày càng được mở rộng, địa bàn hoạt động trên phạm vi rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Đầu năm 1887, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn huy động binh lính tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Trận chiến diễn ra ác liệt, nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm, nhưng do lực lượng quá chênh lệch, vũ khí lạc hậu, nên hầu hết căn cứ của nghĩa quân bị Pháp đánh chiếm. Mai Xuân Thưởng cùng gia đình và một số tướng lĩnh vượt đèo Phú Quý để vào Phú Yên tiếp tục xây dựng lực lượng chống Pháp, nhưng bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm vào Rằm tháng 4 năm Đinh Hợi (1887). Sau khi ông mất, nhân dân đưa thi hài ông về mai táng tại quê nhà (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành), rồi cải táng tại một ngọn đồi cao ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường vào năm 1962. Đây cũng chính là căn cứ mà lúc sinh thời, ông dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp. Hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng 4 âm lịch, nhân dân Tây Sơn và dòng họ đã tổ chức dâng hương trước lăng mộ ông. | |