Có một nền văn hóa cảng thị lâu đời trên đất Bình Định
9:4', 5/5/ 2007 (GMT+7)

Từ xa xưa, trên dải đất Bình Định đã sớm hình thành các đô thị - thương cảng. Các cảng thị này sớm hình thành nền văn hóa của mình, góp phần làm cho văn hóa Bình Định phát triển rực rỡ.

Chỉ trong hai thế kỷ XVII, XVIII một loạt cảng thị ra đời ở Bình Định. Cảng thị biển có: Tam Quan, Hà Ra, Đề Di, Cửa Thử. Cảng thị sông có: Bồng Sơn, Gò Găng, Đập Đá, Cảnh Hàng, Phú Đa, Gò Chàm (thị trấn Bình Định), Nước Mặn, Gò Bồi, Trường Úc (thị trấn Tuy Phước), An Thái, Phú Phong (thị trấn Tây Sơn). Trong đó, Nước Mặn là cảng thị lớn, đóng vai trò trung tâm thương mại văn hóa của cả tỉnh. Riêng Quy Nhơn mới ra đời vào cuối thế kỷ XIX.

 

Cầu Ngói, dấu tích còn lại của một cảng thị xưa ở Nước Mặn - Tuy Phước. Ảnh: N.P.L

 

* Tiếp biến văn hóa ở các cảng thị

Khi người Việt vào Bình Định, trong hành trang của mình, họ mang theo vốn văn hóa bản địa để tiếp biến những yếu tố tích cực trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa ở vùng đất mới. Việc tiếp biến văn hóa diễn ra trên nhiều phương diện. Chẳng hạn, về nhà cửa, ở các cảng thị biển hay cảng thị sông gần biển, trước đây làm nhà sàn theo kiểu nhà sàn người Chàm mà ngày nay ta còn thấy để đề phòng lũ lụt và nước thủy triều dâng lên cho khỏi bị ngập. Về sau, họ đắp nền cao, nhà sàn mất dần. Trước cửa nhà thường có gắn hình bát quái, âm dương hay cung tên để đuổi trừ ma quỷ. Về trang phục, buổi đầu áo dài đàn ông, áo váy đàn bà có nhiều tầng nhiều lớp với những màu sắc khác nhau, ngoài cùng choàng một tấm vải màu sắc sặc sỡ. Đây là lối ăn mặc chịu ảnh hưởng của người Chàm đã làm cho Cristophoro Borri ngạc nhiên mô tả khi họ đi trên đường phố cảng thị: “Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình”. Về sau dưới thời các chúa Nguyễn đã thay đổi nhiều lần để ăn mặc cho gọn nhẹ và thoáng mát hơn. Về phong tục tập quán, là tục thờ thần Cá Ông, thần Rắn, thần Thái giám…

Người Hoa tới Bình Định từ thời Champa, nhưng nhiều nhất là từ đầu thế kỷ XVII về sau. Họ là người Quảng Đông, Phúc Kiến đi tàu thuyền vào các cửa biển rồi tỏa vào cư trú ở Nước Mặn, Phú Đa, Đập Đá, Gò Găng, Gò Chàm, Trường Úc, An Thái, Phú Phong, Vĩnh Thạnh, Tam Quan, Bồng Sơn, Gò Bồi và Quy Nhơn về sau. Người Việt ở các cảng thị đã tiếp biến những yếu tố văn hóa người Hoa. Chẳng hạn, làm nhà trệt sát nhau, cửa hiệu gắn liền với nhà ở, khác với người Việt trước đó thì cửa hiệu ở mặt đường còn nhà lại ở trong làng. Trong trang phục, không chỉ các cô gái Việt lấy chồng Hoa mà cả các cô ở cảng thị chuộng lạ cũng mặc quần, áo cài khuy một bên. Người Việt học thêm cách buôn bán, làm nghề thủ công như làm pháo bông, tàn lọng, thêu kim tuyến, làm thuốc bắc, vàng bạc… Về phong tục tập quán, ở cảng thị, ngoài thờ các vị thần bản xứ, còn thờ Thiên hậu Thánh mẫu, Quan Công. Bà Mụ của người Việt cũng nhanh chóng hòa nhập với bà chúa Thai sinh của người Hoa.

Trong tiếp biến văn hóa Phương Tây, có một sự kiện rất đáng nhớ. Trong những năm từ 1618 đến 1621, ở Nước Mặn, các thừa sai Phương Tây như Buzomi, Pina, Borri đã phối hợp với các nho sĩ Bình Định đóng góp viết sách truyền giáo bằng tiếng Việt (chữ Nôm) và góp phần vào việc La Tinh hóa tiếng Việt.

* Cần phát huy vốn văn hóa cảng thị

Văn hóa cảng thị ở Bình Định do vậy, tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa, văn học dân gian cần phát huy. Trước hết, gắn với sự ra đời của các cảng thị này, có nhiều truyền thuyết, huyền thoại rất xưa. Xưa nhất là truyền thuyết về Phú Đa. Thời xa xưa có một hoàng tử Ấn Độ sang truyền đạo, đã không ngần ngại biến thành voi để cứu một cô gái lâm nạn. Hay truyền thuyết về một hoàng tử Chàm cùng dân giết con quái vật Chằn Tinh để mở cửa biển và xây dựng cảng thị Thị Nại; truyền thuyết về một quan Ngự sử nhà Minh đưa bà thứ phi cùng đoàn tùy tùng sang lánh nạn, cùng người Việt biến một tiểu cảng thị Chàm trước đây thành cảng thị Nước Mặn…

Bên cạnh đó, còn có một số lượng tục ngữ, ca dao, dân ca phong phú phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người dân, ra đời từ cảng thị. Các mặt hàng tiêu dùng như: nem Chợ Huyện, chả cá Đề Di, yến sào Phương Mai, chình mun Châu Trúc, nước mắm Gò Bồi, bún song thằng An Thái, nón ngựa Gò Găng, vải chợ Gồm, gấm Nước Mặn, lụa Cảnh Hàng cũng đi vào văn học dân gian thật ngọt ngào. Đặc biệt là vè các lái hát về lịch trình đi biển thì ở cảng thị biển nào cũng lưu truyền rộng rãi trong ngư dân.

Ngoài ra, cảng thị biển cũng đã sản sinh một hình thức folklore mang tính nguyên hợp là hát bả trạo. Còn các tiểu cảng thị sông nằm trong đất liền, gắn với nông thôn, nên đều có đền thờ Thành hoàng. Ngoài tế Thần hoàng ở miếu, dân các tiểu cảng thị sông còn rước kiệu ra bến cảng, tế Thủy thần, làm lễ cúng ở miếu cô hồn và hát những bài ca nghi lễ.

Với bề dày và sự phong phú như vậy của văn hóa các cảng thị ở Bình Định, rất cần một công trình sưu tầm, nghiên cứu dài hơi, nhằm làm sáng tỏ sự ra đời các cảng thị và các tầng văn hóa ở các cảng thị Bình Định. Qua đó, chúng ta mới thấy được vẻ đẹp một thời đã qua của người dân cảng thị, và sẽ phát huy những yếu tố tích cực vào việc xây dựng văn hóa cảng thị hiện nay.

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trung tu, tôn tạo di tích Lăng Mai Xuân Thưởng  (05/05/2007)
Thầy nội hay thầy ngoại?  (05/05/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2007)
Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?  (31/03/2007)
Hội ngộ tháng 3  (31/03/2007)
Chọn nhầm trường: Bi kịch của nhiều bạn trẻ  (31/03/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (31/03/2007)
Điện lưới quốc gia tỏa rộng, vươn dài  (31/03/2007)
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm  (31/03/2007)
Du lịch Nam Lào: Triển vọng kết nối  (31/03/2007)
Tổ ấm “Tự lực”: Nơi gieo mầm cho những ước mơ  (31/03/2007)
Tham một suất đất, mất một cuộc đời  (31/03/2007)
Những người truyền nguồn sống  (31/03/2007)
Thơ  (31/03/2007)
Tựa cửa nhìn ra đường  (31/03/2007)