Quả đắng
11:1', 5/5/ 2007 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Hải Doan

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Ngày tôi cầm tấm bằng cử nhân trong tay, chị nói muốn lấy chồng. Tôi hốt hoảng nhìn lên gương mặt chị, thấy những nếp nhăn níu ríu xô nhau tứ phía. Tôi không nghĩ rằng chị tôi, một người đàn bà ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn muốn lấy chồng. Tôi lặng người, thương cảm:

- Chị suy nghĩ kỹ chưa?

Không nói gì, chỉ thấy đôi vai chị rung lên từng nhịp. Giá như lúc ấy tôi có thể vòng tay ôm chị, lau đi những giọt nước mắt đang chực trào ra, thì mọi chuyện đã khác.

Tôi ở với chị từ nhỏ ở cái thành phố này, nơi mà chị em tôi không có ai là họ hàng thân thích. Cuộc sống như một dòng chảy, xô bồ, chen lấn. Chúng tôi không quan tâm đến ai và cũng như vậy chẳng ai biết đến chị em tôi. Chị bảo cuộc sống thành phố là thế. Trong tâm trí tôi không có nhiều hình ảnh của mẹ. Từ khi còn là một đứa trẻ bập bẹ, lẫm chẫm tập những bước đi đầu đời tôi đã sống với chị. Dăm bữa nửa tháng lại thấy một người đàn bà ở quê lên mang cho chị em tôi một vài thứ. Chị bảo tôi kêu bằng “mẹ”. Tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó.

Tôi lớn lên trong tình yêu thương của chị mà không hề thắc mắc như sự đời vẫn thế. Tôi vào cấp ba rồi học đại học, chị vẫn ở vậy nuôi tôi. Đôi khi, nhìn chị lủi thủi ra vào giữa căn nhà trống, tôi cũng thấy mủi lòng. Có lần tôi hỏi chị: “Sao chị không lấy chồng đi, em về quê ở với mẹ”. Chị ôm tôi vào lòng: “Lúc nào đó em sẽ hiểu”. Cuộc sống bình lặng, tôi cũng không thắc mắc nhiều, cứ thế lớn.

Thời gian trôi qua, một lần tôi nhìn lén thấy chị ướm thử sợi dây chuyền mặt ngọc lên cổ và khe khẽ mỉm cười trong gương. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy chị vui như vậy. Chị giống như một cô bé mới lớn. Rồi tôi thấy trong ví của chị, dưới tấm hình của tôi là hình một người đàn ông lạ hoắc, mặt sau ghi dòng chữ: “Anh sẽ về ngày con chào đời”.

Tôi run rẩy. Hơn hai mươi năm qua có bao giờ thấy chị nhắc đến một người đàn ông nào đâu? Bao nhiêu năm chưa một lần thấy chị có bạn trai tới nhà nói chi tới việc có con? Chị là một người phụ nữ mẫu mực và khá nghiêm khắc. Chẳng lẽ…

Những ngày tháng sau đó, tôi im lặng để theo dõi. Một tháng, rồi hai tháng, tôi không thấy chị có biểu hiện gì của một người đàn bà nghén. Tôi thử nhìn trộm giỏ thức ăn xem có món đồ chua nào không. Rồi tôi kêu muốn ăn cá. Chị mua cá về bồi dưỡng cho tôi nhưng tuyệt nhiên không thấy chị nôn ọe gì cả. Tôi nghĩ chắc mình nhầm.

Bẵng đi mấy tháng, giờ nghe chị nói muốn lấy chồng, tôi thật sự ngạc nhiên. Lâu lắm rồi tôi không ý thức được chị tôi là một người phụ nữ chưa chồng.

Những ngày sau đó, chị không nói gì thêm, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Nhưng không hiểu sao tự nhiên tôi linh cảm thấy một điều gì đó. Lạ lắm! Nhất là từ khi nhìn được tấm hình người đàn ông trong ví của chị.

Tôi xin phép đi dã ngoại với đám bạn vài ngày. Nhưng thực ra là tôi GIấu chị về quê. Với tôi, quê lạ lắm! Mỗi năm chị chỉ cho tôi về quê đúng một lần vào dịp Tết. Mà mỗi lần về cũng chỉ hai ngày, chị luôn lấy lý do bận phải đi ngay. Lần này về, tôi không nói với chị, cũng không gọi điện về quê trước. Tôi muốn tự mình tìm hiểu bởi đơn giản tôi đã hai mươi tuổi. Tôi cần phải biết những gì tôi muốn.

Mẹ đón tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên và dò hỏi. Tôi bảo mẹ: “Con đang chờ nhận bằng tốt nghiệp nên về thăm bố mẹ và hai em. Lần này con sẽ ở nhà thật lâu với bố mẹ”. Mẹ không trả lời mà nhìn ba. Tôi đọc trong mắt hai người sự lúng túng.

Lần đầu tiên tôi về nhà lâu như thế. Ba mẹ chăm sóc, chiều chuộng tôi. Nhưng ở trong nhà mình mà tôi giống như một người khách lạ. Lạ từ đồ đạc trong nhà đến cách đối xử của ba mẹ với tôi. Đã ngoài hai mươi tuổi đầu, lẽ nào tôi không nhận ra điều đó? Ở nhà đến ngày thứ ba thì tôi đòi mẹ cho ra đồng, mẹ miễn cưỡng gật đầu. Tôi vác cuốc trên vai. Đồng quê thanh bình, yên ả chứ chẳng bụi bặm như thành phố. Từ bờ sông, gió thổi vào mát rượi. Tôi cố hít thật đầy vòm ngực cái không khí trong lành của làng quê mà hôm nay tôi mới có cơ hội cảm nhận.

Xung quanh tôi bắt đầu có những tiếng xì xào, bàn tán. Người vùng quê mà, học ngành văn hóa nên tôi thừa hiểu điều đó. Ban đầu họ còn chỉ trỏ, sau có tiếng một người phụ nữ: “Con gái mẹ Liên chắc giờ mới biết đi chân đất trên nền đất quê đấy nhỉ?”. Tôi nhẹ nhàng: “Cháu ở trên thành phố cho có chị có em, về quê cũng chẳng được việc gì”. Tôi chưa nói dứt câu thì tiếng một người khác: “Gớm, thử hỏi ở cái làng này có nhà ai được như nhà cháu đâu cơ chứ, chị em nuôi mà cứ như chị em ruột vậy”. Tôi giật mình: “Gì cơ ạ?”. “Thì bác bảo chị em cháu mặc dù là chị em nuôi nhưng có khác gì chị em gái cơ chứ? Bố mẹ cháu thật là phúc đức khi có đứa con nuôi như cháu”. Tôi giật mình. Thì ra… tôi chỉ là con nuôi của ba mẹ và là em nuôi của chị tôi. Tại sao bao nhiêu năm nay không ai cho tôi biết điều đó? Vậy ba mẹ ruột của tôi là ai? Họ ở đâu? Ngàn vạn câu hỏi được đặt ra trong đầu. Tôi lang thang ra bờ đê, hai tay vục xuống dòng sông trước mặt mà vẫn không thấy mình tỉnh ra chút nào. Trời mờ tối, tôi mới vác cuốc về nhà.

Vừa bước vào tới sân, tôi đã linh cảm thấy có điều gì đó, hình như là chị về. Tôi rón rén lê từng bước trên bậc thềm. Trong buồng, bố mẹ và chị đang nói chuyện với nhau. Ba người nói gì đó có vẻ bí mật lắm. Cơn tò mò khám phá trong tôi nổi lên, tôi nép vào góc hiên. Trong nhà, tiếng ba tôi trầm tĩnh: “Con đã suy nghĩ kỹ chưa?”. Mẹ thêm vào: “Bố mẹ đã vậy, còn hàng xóm láng giềng, lâu nay bố mẹ vẫn giữ gìn cho danh tiết của con trong sạch. Lại còn nó nữa, liệu nó có chịu nổi khi biết tin này không?”. Chị nghẹn ngào: “Bao nhiêu năm qua nghe chính con mình gọi bằng chị, con không cầm lòng. Bây giờ, anh ấy về nước, xin ba mẹ chấp nhận cho chúng con…”.

Điều gì đã xảy ra thế này? Tôi không tin vào tai mình nữa, bước chân tôi khuỵu xuống. Mọi người nhận ra sự có mặt của tôi… Chị ôm tôi vào lòng và… cứ thế khóc.

Cách đây hơn hai mươi năm, trong một lớp học ở trường Đại học Tổng hợp, có một đôi trai gái yêu nhau tưởng như không gì có thể chia rẽ được họ. Ra trường, người con trai đi du học để lo cho tương lai của hai người. Trước khi ra đi, anh đã để lại cho người yêu một đứa con. Nhưng cám dỗ cuộc sống đã kéo anh ngày một xa dần chị. Rồi anh không trở về nữa. Người con gái ở nhà đợi chờ trong khi bụng mang dạ chửa. Để khỏi xấu hổ với xóm làng, bố mẹ cô đã đưa con đi một nơi thật xa để sinh nở. Sau đó, nhận đứa trẻ làm con nuôi. Đứa trẻ đó chính là tôi bây giờ…

Câu chuyện kết thúc mà tôi như người trong mộng. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi sẽ khóc hay cười cho cuộc đời của tôi? Người mà bao nhiêu năm nay tôi gọi bằng chị lại chính là mẹ đẻ của tôi sao? Ngày mai, tôi phải đối mặt ra sao với những người xung quanh? Ngày mai tôi sẽ được biết người cha đẻ ra mình ư? Tôi có nên vui mừng không khi ngoài hai mươi tuổi tôi mới biết ba mẹ mình. Tôi muốn khóc mà không sao khóc nổi. Hình như khi nỗi đau quá lớn thì nước mắt chỉ còn biết chảy ngược vào trong.

Chị ôm tôi vào lòng nức nở: “Hãy gọi một tiếng mẹ đi con…”. Tôi gục đầu, một tiếng “mẹ” bật lên trong vòm họng. Phút chốc, những ý nghĩ đủ loại chen chúc, xô đẩy nhau trong cái vòm ý thức chật chội bỗng nhiên biến mất, nhường chỗ cho tình mẫu tử thiêng liêng. Một sự hẫng hụt kịp thời êm ái. Tôi sẽ đối mặt với thực tế, sẽ vượt qua mọi rào cản bởi bên tôi có mẹ, người đã nuôi nấng và chăm sóc tôi, cho tôi những gì ngọt ngào nhất của cuộc đời.

  • H.D
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dế cơm lên đĩa  (05/05/2007)
Núi Xương Cá  (05/05/2007)
Kẻ lang thang và vụ trộm lúc nửa đêm  (05/05/2007)
Đồ chơi trẻ em ở Nước Mặn  (05/05/2007)
Có một nền văn hóa cảng thị lâu đời trên đất Bình Định  (05/05/2007)
Trung tu, tôn tạo di tích Lăng Mai Xuân Thưởng  (05/05/2007)
Thầy nội hay thầy ngoại?  (05/05/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2007)
Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?  (31/03/2007)
Hội ngộ tháng 3  (31/03/2007)
Chọn nhầm trường: Bi kịch của nhiều bạn trẻ  (31/03/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (31/03/2007)
Điện lưới quốc gia tỏa rộng, vươn dài  (31/03/2007)
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm  (31/03/2007)
Du lịch Nam Lào: Triển vọng kết nối  (31/03/2007)