Xem “tuồng chân đất”
9:35', 5/5/ 2007 (GMT+7)

Bình Định là một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng- một bộ môn nghệ thuật truyền thống từng được các vua chúa nhà Nguyễn mê thích. Nội dung của tuồng cổ được xây dựng trong khuôn khổ đạo lý nhân bản, lễ nghĩa liêm sỉ, diệt nịnh phò trung, trọn vẹn nghĩa tình… Ngoài Nhà hát tuồng Đào Tấn, Bình Định còn có những đoàn tuồng nghiệp dư mang đậm bản sắc địa phương.

 

Chị Mỹ Xuân (bìa phải) trong một vở diễn...

 

* Chuyện ở hậu trường sân khấu

Nghe có đoàn tuồng An Nhơn 2 về hát cúng Thanh Minh ở địa phương, tôi tất tả đi xem. Tới nơi, đoàn chưa hát, tôi tò mò tìm ra phía hậu trường. Mấy tấm chiếu trải ra đất, đồ đạc để ngổn ngang; áo quần, râu, tóc giả treo lủng lẳng kín cả một sợi dây chăng dài; kiếm, thương, đao cắm cả bó; trâm cài, đồ trang sức để đầy rổ… Dưới ánh sáng điện, các diễn viên đang tất bật tự hóa trang trong ánh mắt tò mò của đám người hiếu kỳ.

Thấy tôi há hốc mồm, giương mắt nhìn lớp kem phấn dày cộm trên mặt các diễn viên, chị Mỹ Xuân - diễn viên của đoàn - giải thích: “Trong hát tuồng, hóa trang rất cầu kỳ, phải dày, đậm, sắc sảo. Nào đánh kem, phấn, vẽ lông mày, tô mắt, kẻ mũi, tô môi, dán mi giả… tùy từng nhân vật trong truyện để hóa trang cho phù hợp...”. Rồi chị đưa cho tôi xem hộp mỹ phẩm “đặc chủng” dẻo đặc và trắng như vôi to bằng cái chén ăn cơm cùng la liệt các hộp màu xanh, đỏ, đen… Anh Nhật Trường, người đóng vai Quan bảo giá trong vở tuồng tối ấy, khuôn mặt rịn những giọt mồ hôi căng tròn, cười nói: “Các loại mỹ phẩm này không bị trôi khi mồ hôi đổ ra trong lúc hát nhưng hại da lắm, khi tẩy trang lại rất vất vả, phải dùng dầu dừa lau dần mới sạch được”. Mỗi diễn viên trang điểm cho khuôn mặt mình phải mất ít ra là một giờ đồng hồ. Trang điểm xong khuôn mặt, mỗi chị “đào” bụm một bụm phấn thoa kín hai bàn tay và cổ tay. Đứng ở xa nhìn vào, dưới ánh đèn, bàn tay họ nõn nà, trắng trẻo trông giống như tay của... hoàng hậu, công chúa thật! Trang điểm xong, ai nấy tự bận trang phục, thắt lưng, cài trâm, mang hài, hia, đội mão, đeo râu, mang kiếm…

Trước khi bước ra sân khấu, người diễn viên chắp tay thầm khấn nguyện các vị Tổ phù hộ để nhắc nhở, nhập vai tuồng cho tốt. Chị Mỹ Xuân nói, hôm nào mà không khấn vái là y như rằng lúc hát sẽ lộn xộn, quên tuồng. Hát xong, họ cũng khấn vái để “xả”, nghĩa là xuất khỏi vai tuồng để về lại trạng thái bình thường, cho con người cân bằng, nhẹ nhõm.

* Diễn viên hòa cùng khán giả

Xem “tuồng chân đất” chẳng thấy có sự cách biệt mấy giữa khán giả và diễn viên. Sân khấu được trang trí chỉ gồm ba tấm phông cuốn tượng trưng cảnh gia thất, cảnh thiên nhiên và cảnh triều đình. Phía trước sân khấu có một cái bàn chầu, trên bàn có mấy khay thẻ để người cầm chầu thưởng cho diễn viên. Thẻ được làm bằng thanh tre vót mỏng, nhuộm màu đỏ. Hai bên bàn chầu có hai cái trống chầu lớn, đặt trên giá gỗ ba chân. Người cầm chầu là người đại diện khán giả, am hiểu diễn viên, điệu hát, nội dung tuồng. Để được cầm chầu, họ phải chuẩn bị sẵn tiền và sẵn sàng thưởng cho diễn viên mỗi lần vung chầu lia lịa. Đó cũng là điểm khác biệt giữa tuồng với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác (khán giả thưởng bằng những tràng vỗ tay, hoặc tặng hoa). Nếu diễn viên hát dở hoặc có thái độ không tốt họ cũng có quyền phạt qua cách đánh chầu.

Mỗi lần trống chầu vang rộn rã là mỗi lần từng khay thẻ và dùi chầu cột theo tiền ném lên sân khấu thưởng cho diễn viên. Tôi lắng nghe câu Nam Ai cất lên: “… Duy tử chí hiếu, duy thần tận kỳ trung, duy tử, duy thần năng kiệt lực, tận trung tận hiếu mạc vong gia. Dẫu cho xương thịt tan tành, đất dùi ba thước rạng danh anh hùng….”, lại thấy dùi chầu vung lia lịa, thẻ ném rào rào lên sân khấu, người diễn viên buông câu hát, lịch sự nhún mình hứng lấy dùi, tuột tiền ra và trong chớp mắt đã ném trả lại dùi cho người cầm chầu. Mấy bác đứng tuổi hứng chí giành nhau cầm chầu, mấy đứa trẻ nhấp nhổm chực lao vào sân khấu để hốt thẻ và nhặt hộ tiền thưởng.

Mười hai giờ đêm tuồng vãn. Các cụ già kiên trì “bám trụ” từ đầu buổi phấn khởi ra về, tấm tắc vì coi được một đêm tuồng hay. Các diễn viên tất bật tẩy trang, quơ vội đồ đạc, chồng vợ chở nhau về trong đêm.

* Nỗi niềm “nghệ sĩ chân không”

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện An Nhơn, cho biết: “Các đoàn tuồng được hình thành tự phát ở các địa phương. Các diễn viên nghiệp dư ngoài thời gian đi hát đều phải tự tìm thêm một công việc khác để lo cho cuộc sống gia đình. Trung tâm chỉ phụ trách bộ khung của các đoàn, tạo điều kiện làm thủ tục giấy tờ cho họ đi biểu diễn ngoại tỉnh. Còn lại, việc tìm và ký hợp đồng biểu diễn do các đoàn tự lo”.

Tìm hợp đồng, tìm đất diễn là một vấn đề nan giải của các đoàn tuồng. Đoàn nào tìm được nhiều hợp đồng thì diễn viên có “đất dụng võ”, còn không thì lo sấp ngửa ngoài đời kiếm sống. Thường các địa phương trong và ngoài tỉnh có nhu cầu ký hợp đồng vào các dịp Tết, lễ hội… để trước cúng thần linh, sau cho bà con xem. Do vậy cuộc sống của diễn viên không mấy ổn định. Thu nhập kiếm được trong những ngày đi hát của người diễn viên nghiệp dư không đủ chi phí trang trải cho những ngày ở chờ. Mỗi người một cảnh, mạnh ai nấy đi tìm cho mình một công việc để làm thêm, nuôi nghề. Người làm ruộng, người buôn bán, người làm công nhân, người làm thợ… Trên sân khấu, anh Nhật Trường là vua, mình khoác long bào, đầu đội cửu long, chân mang hia, dáng đi đĩnh đạc, oai phong, mỗi lời nói có quân lính dạ răm rắp; chị Mỹ Xuân là hoàng hậu, xiêm y lộng lẫy, thướt tha... thế nhưng, chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, anh Trường lại đèo chị Xuân từ Mỹ Điền - Tuy Phước chạy tít xuống chợ Khu I - Quy Nhơn, lấy cá về bán.

Trong quá trình đi hát, đào nào kép nấy, bạn hát dần dà phải lòng nhau rồi kết tóc, se duyên như anh kép Nhật Trường “kết” cùng đào Mỹ Xuân; anh nhạc công Quý “kết” cùng cô đào Kiều Loan; kép Bảo Thu “kết” với đào Kiều Oanh… Những chuyến đi, những vai diễn cặp đôi ăn ý làm tình cảm của họ ngày càng mặn nồng, thắm thiết. Nhưng thiệt thòi nhất là những đứa con của họ. Cha mẹ phải thường xuyên vắng nhà nên con cái phải ở nhờ bên ông bà hay đứa lớn giữ đứa nhỏ… Nhiều đứa thiếu vắng cha mẹ lâu ngày sinh ra ham chơi, bỏ bê học hành.

Một nỗi niềm khác của “tuồng chân đất” là phải hát theo yêu cầu của các vị lãnh đạo địa phương. Các địa phương thường yêu cầu hát tuồng cổ vào những lúc cúng lễ, còn bình thường lại thích tuồng cải cách. Diễn viên thì đầu tắt mặt tối lo lao động, trước giờ biểu diễn họ được trưởng đoàn phân vai, đến lúc ngồi trang điểm hoặc trong thời gian chờ đến lượt diễn mới có dịp tranh thủ ôn lại tuồng. Có trường hợp, khi đoàn vừa đặt chân tới, vị lãnh đạo địa phương ra điều kiện phải hát theo nội dung của một vở tuồng cải lương. Anh chị em trong đoàn nhìn nhau, hỏi ai đã từng được biết vở cải lương này. Nắm được nội dung, trưởng đoàn phân vai, sắp lớp và các diễn viên phải tự mình linh hoạt, khéo léo sử dụng kiến thức và ngôn ngữ tuồng để thể hiện. Hoặc có những địa phương yêu cầu kéo dài thời gian hát so với kịch bản. Vậy mà vẫn hát tốt, hát đúng, hát xé gan xé ruột khán giả và… hát cho họ nhớ đến mình để còn có cơ hội được mời vào dịp sau nữa. Nếu những diễn viên không từng trải, không có nhiều kinh nghiệm thì rất khó làm được điều này.

Hát tuồng tốn rất nhiều công lực, vừa nói, vừa hát, vừa gào thét, vừa múa may làm điệu bộ, lại thường hát khuya nên rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Có lần một đoàn “tuồng chân đất” được mời vào biểu diễn ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, địa phương yêu cầu hát liên tiếp từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm trong năm ngày ròng rã. Các diễn viên phải “tốc lực” tăng cường độ làm việc lên rất nhiều lần mới đáp ứng được. 12 giờ đêm vãn hát, diễn viên lo tẩy trang, tắm rửa, giặt giũ đến 2 giờ sáng mới được nghỉ; 5 giờ sáng lại lục tục kéo nhau dậy, ăn vội vàng bữa sáng để còn hóa trang, tiếp tục buổi diễn vào lúc 7 giờ. Bữa cơm họ phải luân phiên nhau ăn. Tội nhất là dàn nhạc công, một trống, một ghi ta, một cò, một kèn, chẳng ai thay được, nhiều khi ngồi cả ngày đói rã ruột rã gan. Sau mỗi màn diễn, các diễn viên người đầm đìa mồ hôi, mệt đứt hơi, có người tạm cởi trang phục ra nghỉ cho mát. Vậy nên tuổi thọ của nghề nghiệp không cao. Chị Xuân năm nay 42 tuổi, chị nói chắc chỉ theo nghề được vài năm nữa thôi…

* Thổn thức nhịp trống tuồng

Hát tuồng là một loại hình nghệ thuật khó thưởng thức nên số người am hiểu tuồng không nhiều. Lớp người ham chuộng hát tuồng có xu hướng lão hóa dần. Bên cạnh đó, trong tình hình phát triển rầm rộ của các loại hình văn hóa, hát tuồng dường như càng khép mình hơn.

Người Bình Định thường tự hào vì quê hương mình có nghệ thuật tuồng, nhưng người Bình Định, đặc biệt là lớp trẻ yêu thích môn nghệ thuật này còn rất hạn chế. Ai nặng lòng với tuồng chắc khó tránh khỏi cảm giác rưng rức trong lòng khi nói với người “xứ nẫu” về hát tuồng mà bị đáp lại bằng một thái độ thờ ơ, thậm chí còn bị coi là người cổ hũ. “Hát bội hành tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”, niềm đam mê tuồng của ông bà ngày xưa cháy bỏng đến thế. Thế mà nay, trong những đêm khuya thanh vắng, tiếng hát tuồng nức nở, tiếng trống tuồng giục giã, còn mấy ai hay ?...

  • Thái Hồ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)
Thơ  (05/05/2007)
Quả đắng  (05/05/2007)
Dế cơm lên đĩa  (05/05/2007)
Núi Xương Cá  (05/05/2007)
Kẻ lang thang và vụ trộm lúc nửa đêm  (05/05/2007)
Đồ chơi trẻ em ở Nước Mặn  (05/05/2007)
Có một nền văn hóa cảng thị lâu đời trên đất Bình Định  (05/05/2007)
Trung tu, tôn tạo di tích Lăng Mai Xuân Thưởng  (05/05/2007)
Thầy nội hay thầy ngoại?  (05/05/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2007)
Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?  (31/03/2007)
Hội ngộ tháng 3  (31/03/2007)
Chọn nhầm trường: Bi kịch của nhiều bạn trẻ  (31/03/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (31/03/2007)